Đó là khẳng định của ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động Ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trước thông tin 42 lao động Việt Nam bị nợ lương, bỏ đói, đối xử bạo lực như nội dung báo chí nước ngoài đã đưa.
Cục khẳng định, không có chuyện 42 lao động bị đối xử tàn tệ như nguồn thông tin từ báo nước ngoài đã đưa. Vậy, diễn biến cụ thể vụ việc này thế nào thưa ông?
42 lao động trên nằm trong số 69 lao động được công ty cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh (VIHATICO) đưa hợp pháp sang làm dịch vụ (lau chùi, dọn dẹp) tại các bệnh viện ở bang Fenang, Malaysia hồi 6/2010, với mức lương 1.200 - 1500 ringgit/tháng (khoảng 9 - 13 triệu); chủ sử dụng là công ty Asmana Sdn Bhd và công ty môi giới Malaysia là công ty Houseproud Asia. Chiều ngày 18/3/2012, 42 (trong số 69) lao động này bị Cơ quan Nhập cư Malaysia tạm giữ khi tiến hành kiểm tra hành chính đối với lao động nước ngoài với lý do giấy phép lao động hết hạn.
Ông Hải khẳng định 42 lao động Việt Nam tại Malaysia không bị đối xử tàn tệ
Nguyên nhân sự việc lao động Việt Nam bị tạm giữ do giấy phép lao động hết hạn là bởi kể từ tháng 8/2011 – thời điểm hết hạn visa năm thứ nhất đến nay, công ty Asmana vẫn chưa đóng tiền Levy - thuế lao động nước ngoài (quy định áp dụng với DN sử dụng lao động ngoại) và làm thủ tục gia hạn visa năm thứ hai cho người lao động vì lý do tài chính. Thay vì đó, công ty này chỉ làm giấy lưu trú đặc biệt (special pass) có thời hạn 1 tháng cho người lao động.
Vào thời điểm này, Chính phủ Malaysia đang triển khai Chương trình Hợp pháp hóa, ân xá cho lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại Malaysia (chương trình 6P) rất nghiêm ngặt. Trong khi đó, Asmana lại có những rắc rối về giấy phép cho lao động nước ngoài, nên nhà thầu chính của là công ty Faber đã quyết định chấm dứt hợp đồng sử dụng lao động dịch vụ tại các bệnh viện với công ty Asmana để chuyển qua một công ty thầu phụ khác.
Sự việc này diễn ra từ giữa tháng giữa tháng 2/2012, khiến người lao động không có việc làm. Tuy nhiên, phía Asmana khẳng định vẫn tạm thanh toán tiền lương cơ bản (khoảng trên 500 ringgit, tương đương 3,4 triệu đồng) và vẫn cung cấp chỗ ở cho lao động, trong khi tiếp tục giải quyết thủ tục với Faber.
Trước tình hình nêu trên, ngày 27/2/2012, Ban QLLĐ Việt Nam đã trực tiếp làm việc với Asmana, yêu cầu công ty có biện pháp giải quyết. Phía Công ty này cam kết sẽ đưa người lao động đi làm trở lại và tiếp tục hoàn tất các thủ tục để gia hạn visa năm thứ hai, đồng thời sẽ làm thủ tục hồi hương cho người lao động có nguyện vọng về nước
Mới đây nhất, chiều 18/3, 42 lao động Việt Nam (đã bị tạm giữ trước đó) đã được đưa đi kiểm tra sức khoẻ để làm thủ tục gia hạn visa. Sáng 19/3, BQL lao động của ĐSQ Việt Nam đã làm việc với cục Quản lý lao động của Malaysia. Phía cơ quan nước bạn cho biết đã thông tin cho Cơ quan nhập cư Penang đưa 42 lao động Việt Nam trở lại ký túc xá, cung cấp thực phẩm tốt. Hiện, sự việc đang tiếp tục được giải quyết.
Để sự việc lao động Việt Nam trong thời gian dài (từ 8/2011) phải làm việc trong tình trạng không được cung cấp giấy tờ, thủ tục hợp pháp, lỗi từ đâu thưa ông?
Đây là sự việc đáng tiếc mà doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động đi sau này cần rút kinh nghiệm. Trên thực tế, chúng ta đưa lao động đi theo đường chính thống và năm đầu mọi việc rất tốt. Tuy nhiên, sau khi hết hợp đồng mà phía chủ sử dụng lao động không tiến hành thực hiện theo quy định là vi phạm pháp luật. Trong sự kiện này, lỗi không thuộc về phía công ty phía Việt Nam. Tuy nhiên, Cục vẫn đã chỉ đạo công ty Việt Hà cử cán bộ kết hợp với BQL lao động Việt Nam tại Malaysia làm việc tiếp tục với đối tác nhằm sớm giải quyết dứt điểm vụ việc.
Rút kinh nghiệm, Cục cũng đã có công văn chỉ đạo các đơn vị xuất khẩu lao động để các DN làm việc với các đối tác cẩn thận hơn và chặt chẽ hơn. Cùng đó, các DN phải thường xuyên theo dõi hợp đồng giúp người lao động, và tiến hành nhắc nhở chủ sử dụng khi sắp hết hạn hợp đồng.
Như ông nói, điều kiện làm việc hiện tại và tương lai của số lao động Việt Nam tại Malaysia vẫn ổn định, nhưng vẫn có 26 lao động vẫn muốn về nước?
Chắc chắn lao động nào muốn về nước cũng sẽ được tạo điều kiện. Tuy nhiên, cán bộ BQL lao động Việt Nam sẽ nói chuyện thêm với từng người để tìm hiểu và giải thích rõ. Nếu lao động về nước chỉ vì lo ngại không được cấp visa thì chúng tôi khẳng định vấn đề đã và sẽ sớm được giải quyết. Theo tôi, người lao động nên ở lại bởi đây là cơ hội làm việc tốt.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Trầm