Thị trường nông thôn:
Khi hàng Trung Quốc đánh bật hàng nội
(Dân Việt) - Để giành lại thị trường, hàng Việt phải cải tiến về mẫu mã, hợp lý về giá cả và đặc biệt phải coi trọng kênh phân phối.
100% hàng Trung Quốc
Chợ vải Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những nơi bán buôn, bán lẻ quần áo, vải vóc sôi động nhất hiện nay. Ở đây có đầy đủ các sản phẩm may mặc, từ quần áo, vải vóc đến cây kim, sợi chỉ… nhưng tất cả mang một điểm chung: “Made in China”.
|
Quần áo giá rẻ của Trung Quốc vẫn được nhiều người Việt Nam chọn mua. |
Hầu hết các chủ cửa hàng ở đây đều cho biết hàng có xuất xứ Trung Quốc giá thành rẻ nhưng lợi nhuận lại rất cao. Vì vậy, giá mua buôn các mặt hàng ở đây cũng rất thấp. Một chiếc áo phông cộc tay giá 40.000 - 60.000 đồng, quần vải kaki 100.000 đồng, juyp bò 80.000 đồng, thậm chí áo ren lửng chỉ 20.000 đồng/chiếc...
Anh Vũ Quang Vinh - chủ một cửa hàng quần áo tại xóm 5, Ninh Hiệp cho biết: “Tôi đánh quần áo từ mối quen biết ở Quảng Châu. Những ngày cao điểm, tôi có thể bán được 40 triệu tiền hàng”.
Tại xã Ninh Hiệp, theo khảo sát của NTNN, riêng mặt hàng quần áo may sẵn được bày bán kéo dài trên 3 xóm: Xóm 5, xóm 6, xóm 7. Tất cả hàng được “đánh” từ Quảng Châu về. Quần áo tại chợ được bày bán phong phú về giá cả, chủng loại, màu sắc. Cũng từ chợ Ninh Hiệp, hàng được đưa về bán tại các tỉnh khác rất nhiều. Và vì giá rẻ, nên cả người bán lẫn người mua chẳng ai quan tâm đến chất lượng và các yếu tố độc hại đang được cảnh báo.
Hàng Việt và cuộc chạy đua nước rút
Tại sao hàng Trung Quốc, nhất là quần áo giá rẻ vẫn sống khỏe tại một số chợ truyền thống Việt Nam? Câu hỏi này được tiến sĩ Nguyễn Văn Thông - Viện trưởng Viện Dệt may trả lời: “Mẫu mã, chất liệu, kiểu dáng thời trang của hàng may mặc Việt Nam hợp với phần lớn đối tượng là nhân viên văn phòng, người lao động làm việc trong các công ty, xí nghiệp. Trong khi hàng Trung Quốc lại hợp với những bạn trẻ thích mốt, những người làm nghề tự do vì có nhiều dòng sản phẩm mới, lạ. Các tiểu thương bán lẻ hàng Trung Quốc có tỷ lệ lãi rất cao. Bán hàng nội địa chỉ lãi 20%, trong khi hàng Trung Quốc lãi đến 50%”.
Anh Vũ Quang Vinh - chủ một cửa hàng quần áo tại xóm 5, Ninh Hiệp cho biết: “Tôi đánh quần áo từ mối quen biết ở Quảng Châu. Những ngày cao điểm, tôi có thể bán được 40 triệu tiền hàng”.
Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng, trong cuộc đua giành lại thị trường, các doanh nghiệp trong nước phải chú trọng đến kênh phân phối. Tư duy xem thị trường nội địa và bán lẻ chỉ là bán tạm cần được loại bỏ ngay. Bởi các kênh phân phối bán lẻ là nơi làm cho chuỗi giá trị hàng hóa tăng lên và làm tăng doanh thu. Tuy nhiên, chính doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng kênh bán lẻ.
Theo bà Hạnh, để hàng Việt, nhất là hàng may mặc có thể tiêu thụ mạnh, rất cần được quảng bá tại các chợ chuyên bán buôn, bán lẻ. Để từ đây có thể hình thành các mạng lưới chân rết len sâu vào từng khu dân cư. Nhưng trước hết, hàng Việt phải cải tiến về mẫu mã, hợp lý về giá cả.
Hồ Hương