Trẻ sử dụng điện thoại, máy vi tính, máy tính bỏ túi… ngay từ tiểu học mà không có sự quản lý chặt chẽ của người lớn sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.
Hình ảnh học sinh tiểu học dùng điện thoại lướt web… hiện không còn lạ lẫm. Chính thói quen này cùng sự thiếu quan tâm của người lớn khiến nhiều em trở nên lạm dụng trong cả việc học như lên mạng chép văn mẫu, lấy điện thoại chụp bài giảng, thậm chí các phép tính đơn giản cũng dùng máy tính bỏ túi…
Lên mạng chép bài mẫu
Con trai chị B. (quận Tân Bình) năm nay học lớp 5. Chị B. cho cháu làm quen và dùng máy vi tính từ lúc tám tuổi vì muốn cháu phát triển trí thông minh. Một lần chị đọc được bài văn tả đồng hồ báo thức của con. Bài văn khá chỉn chu, câu chữ sinh động: “Đồng hồ hình tròn và dẹp như một khoanh bánh tét, kim giây nhảy nhót theo nhịp gõ đều đều chẳng hề mệt mỏi, tiếng kèn vang lên thật hùng tráng...”. Nhưng càng đọc, chị phát hiện cái đồng hồ con mô tả trong bài chẳng giống gì với cái đồng hồ ở nhà. Chị thắc mắc hỏi con liền được cậu bé giải thích: “Vì không biết viết thế nào cho hay nên con viết theo trên mạng”. “Mình hỏi con chỉ cách làm, nó liền mở máy tính xách tay, gõ ngon lành trong trang tìm kiếm Google với dòng chữ như nội dung đề bài. Sau đó, lấy ở mỗi trang web một vài câu hay hay, rồi thêm bớt một chút để thành bài văn hoàn chỉnh” - chị B. kể.
Dò hỏi, chị B. biết thêm một số bài văn khác cô giáo cho về nhà làm, con chị cũng dùng vi tính để lên mạng làm bài. Sau bữa đó, chị không cho con động đến máy tính nữa vì sợ bé ỷ lại rồi phụ thuộc vào nó.
Việc trẻ sử dụng công nghệ trong lứa tuổi tiểu học chỉ là sự tò mò khám phá, không kích thích sự sáng tạo và trí thông minh của trẻ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp), cho biết phần lớn học sinh tiểu học chưa rành về công nghệ để lạm dụng trong việc học. Tuy nhiên, cũng có một vài em ở khối lớp 4, 5 khá thạo, lên mạng copy những bài văn mẫu xuống chép. “Những bài tập đơn giản như tả cây cối, con vật… cũng có em lên mạng chép nguyên xi bài mẫu. Khi đọc, tôi phát hiện liền vì giọng văn khác lạ, câu cú hay và bay bổng, khác với lối viết ngây ngô bình thường của các em. Tôi nói với các em làm như vậy giống như ăn cắp của người khác, như thế là rất xấu.Một vài lần như vậy các em sẽ sợ, không tái diễn nữa” - cô Thúy chia sẻ.
Cần là bấm!
Giờ tan trường, trong khi chờ phụ huynh đến đón về, một nhóm học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3) mang điện thoại ra lướt web, xem video, chỉ cho nhau cách tìm kiếm thông tin… Hỏi các em thường sử dụng điện thoại vào những việc gì, có em trả lời ngay để giải những bài tập khó cô giao về nhà, chat với bạn, nghe nhạc, chơi game…
Chị Dung, ở quận Phú Nhuận, có con học lớp 5, cho biết vợ chồng chị đi làm cả ngày, còn con học bán trú trong trường. Chị sắm cho con chiếc điện thoại để thỉnh thoảng gia đình gọi điện thoại biết tình hình con học và chơi ở trường. Một lần vô tình mở mục hình ảnh trong điện thoại, chị ngỡ ngàng khi thấy những bức ảnh chụp bài giảng của cô ghi trên bảng, những trang bài ghi từ vở của các bạn trong lớp (con mang về nhà chép lại vào vở). Chị thật sự lúng túng, chỉ biết la con chứ không thể cấm con sử dụng điện thoại.
Nguyễn Thúy Hòa, sinh viên, làm gia sư cho gia đình có hai anh em học lớp 3 và 6 tại quận Bình Thạnh, kể cả hai lúc nào cũng kè kè máy tính bỏ túi hoặc điện thoại bên cạnh để lúc “cần là bấm”. “Nhiều bài tập có phép tính rất đơn giản như 3+5, 7+12, 32:4 các em cũng dùng đến máy tính, ít khi tính nhẩm hoặc dùng nháp. Lúc nào mình nói không được xài thì các em mới thôi, cũng có lúc chúng còn cãi lại “sinh ra máy tính để làm gì, bấm cho nhanh để còn học nhiều cái khác nữa” là mình chịu luôn!” - Hòa ngao ngán thuật lại.
Trẻ thạo công nghệ: Con dao hai lưỡi
Phụ huynh cho con sử dụng những công nghệ như laptop, điện thoại… ngay bậc tiểu học là sai lầm. Việc trẻ sử dụng công nghệ chỉ là sự tò mò khám phá, không kích thích tính sáng tạo và thông minh của trẻ, dẫn đến trẻ lười suy nghĩ khiến não bộ không phát triển tốt. Sự thông minh phải được hình thành từ quá trình tư duy lên não một cách liên tục như tính nhẩm, hưởng thụ âm nhạc, suy nghĩ… Sử dụng các thiết bị công nghệ làm cho tình cảm của các em dành cho sự vật giảm, cảm xúc giao tiếp trong cuộc sống và đối với cả người thân trong gia đình sẽ dần mất đi. Những nội lực trong bản thân các em như sự chăm chỉ, cố gắng, tư duy… cũng sẽ từ từ biến mất vì đã có công nghệ làm thay. Chưa kể, trong quá trình sử dụng, các em sẽ tò mò, bị dẫn vào những điều xấu như game, thông tin không hay, vừa làm mất thời gian vừa ảnh hưởng xấu đến trẻ.
Tuy nhiên, nếu biết kết hợp hài hòa giữa việc tự học và sử dụng công nghệ sẽ giúp các em bổ trợ tốt cho việc học như mở rộng kiến thức, dùng máy tính kiểm tra kết quả để đỡ tốn thời gian…
Nếu phụ huynh có điều kiện cho con sử dụng công nghệ nên giao ước và kiểm soát chặt về thời gian, mức độ sử dụng, nói rõ tác hại… để trẻ hiểu. Khi thấy con có dấu hiệu lạm dụng phải can thiệp ngay đừng để thành thói quen. - ÔngNGUYỄN THÀNH NHÂN,giảng viên Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Thái Bình Dương
“Thiếu gia” Mỹ đua nhau học trường “nguyên thủy”
Trong khi các trường học tại Mỹ đều trang bị máy tính trong lớp và coi đó là biểu hiện của một nền giáo dục thời hiện đại, Trường Waldorf vẫn trung thành với phương châm giáo dục hướng về “tự nhiên”. Dụng cụ học tập nơi đây vô cùng giản dị với bảng đen, phấn trắng, một giá sách đặt những cuốn bách khoa toàn thư, vài cuốn vở bài tập và bút chì được đặt ngay ngắn trên bàn.
Theo cách lý giải của Waldorf, việc phụ thuộc vào máy vi tính khiến học sinh trở thành những nô lệ của máy móc. Chúng sẽ mất tập trung và thiếu hụt kỹ năng giao tiếp căn bản giữa người với người nếu quá lạm dụng các vật dụng công nghệ cao.
Điều đặc biệt, học sinh của trường này chủ yếu là con của nhiều đại gia ở Mỹ, thậm chí là những người “máu mặt” trong ban quản trị của eBay, Google, Apple, Yahoo, HP… |
Theo Phạm Anh
Pháp luật TPHCM