Rất nhiều sao xứ Hàn đã khoác áo lính, trong khi ở ta khán giả hầu như không thấy nghệ sĩ tòng quân. Họ ngại khó không tình nguyện, được hoãn gọi nhập ngũ vì lý do sức khỏe hay còn nguyên nhân nào khác mà từ bỏ nghĩa vụ thiêng liêng này trước Tổ quốc?
Trong đêm Đại nhạc hội Việt Nam - Hàn Quốc kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Hàn hôm 19.3 tại Hà Nội, khán giả bất ngờ và thích thú khi nhìn thấy thần tượng - ngôi sao Bi Rain trong bộ quân phục. Giữa gần 100 thành viên đội văn nghệ thuộc Quân đội Hàn Quốc, Bi Rain xuất hiện giản dị, không đèn flash, không vệ sĩ. Cùng tham gia chuyến thăm và biểu diễn tại Việt Nam lần này, ngoài Bi Rain còn có nhiều binh sĩ - ca sĩ khác như: Park Hyo-shin, Choi-jin, Kang Chang-mo...
Bi Rain - Ảnh: Kiên Trần
|
Bi Rain được giới thiệu bình đẳng với những chiến sĩ khác trong chương trình: binh nhất Jung Ji-hoon (tên thật của anh). Trong bộ quân phục, đầu đội nón bê rê, Bi Rain làm MC cho đêm đại nhạc hội mà không có chút gì ra vẻ ngôi sao lớn của thế giới. Một điều rất đáng để trân trọng.
Trước Bi Rain, nhiều ngôi sao đang trên đỉnh cao nghệ thuật cũng lên đường tòng quân: Hyun-bin, Kang Dong-won, Jo In-sung, Kim Jeong-hoon, Lee Jin-wook, Kangta, Heechul...
Nữ thiếu tá Thanh Thúy
Khó so sánh công dân thi hành nghĩa vụ quân sự giữa Việt và Hàn do hoàn cảnh của hai nước rất khác nhau. Tuy nhiên, ý thức thi hành nghĩa vụ, đặc biệt của giới nghệ sĩ Hàn đáng để chúng ta suy ngẫm.
Hiện nay, hiếm có nghệ sĩ Việt nào tình nguyện gia nhập quân đội trước khi làm nghề. Lại càng khó thấy nghệ sĩ Việt khoác áo lính, ngoại trừ những ca sĩ, diễn viên thuộc biên chế các đoàn nghệ thuật quân đội, như ca sĩ Thanh Thúy. Nữ thiếu tá - ca sĩ hiện giữ cương vị Phó đoàn nghệ thuật Quân khu 7 này chia sẻ, vì ba mẹ là sĩ quan quân đội nên đã hướng con gái, dù hoạt động nghệ thuật nhưng vẫn gắn bó với môi trường quân đội. Vì vậy, Thúy đã tình nguyện gia nhập Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 từ năm 1994 và công tác đến nay.
Ca sĩ Thanh Thúy - Ảnh: Khả Hòa
|
Một trường hợp khác là diễn viên Quý Bình, từng nhập ngũ năm 2001. Sau thời gian ở đơn vị, vì quá ham thích hoạt động nghệ thuật nên anh đã nộp đơn thi vào Trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Trúng tuyển, anh xin phép đơn vị đi học. Hai năm phục vụ quân đội, hiện Quý Bình vẫn thường xuyên cộng tác với đơn vị là Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng TP.HCM.
Các “sao nam nhi” nói gì?
|
|
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đưa ý kiến: “Thời chiến, các anh ra mặt trận thì chúng tôi xuống đường, kêu gọi sinh viên học sinh cùng tham gia tranh đấu. Thiết thực hơn, chúng tôi đã lập nên phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, để tạo tiếng nói rộng rãi hơn trong quần chúng. Sống trong thời bình, tôi nghĩ thanh niên nói chung và nghệ sĩ nói riêng càng nên ý thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm công dân của mình đối với đất nước”.
|
|
|
Tuy không vào lính nhưng siêu mẫu - diễn viên Bình Minh cho biết, lúc đang theo học tại Trường đại học Hàng hải (Hải Phòng), do đây là trường bán quân sự nên anh và tất cả sinh viên đều được rèn luyện như những người lính thực thụ, luôn ý thức trách nhiệm công dân, trong tư thế sẵn sàng bảo vệ đất nước.
Bình Minh thú nhận: “Nhìn nghệ sĩ Hàn Quốc, nhất là Bi Rain trong bộ quân phục khi đến nước ta rất đẹp và ấn tượng, tôi nghĩ nghệ sĩ chúng ta cũng nên tạo hình ảnh đẹp như thế bằng chuyện gia nhập quân đội, phục vụ đất nước”.
Còn giải vàng Siêu mẫu 2010 Ngọc Tình thì chia sẻ: “Nhà tôi có 4 anh em trai thì cả 4 đều có giấy gọi nghĩa vụ quân sự. Sau khi 2 anh tôi lên đường nhập ngũ thì tôi và em trai cũng khám sức khỏe đầy đủ. Tôi cùng các anh em ý thức rõ nghĩa vụ của một công dân. Tuy nhiên, chỉ có em trai nhập ngũ mà thôi vì thời gian đó tôi đang học tại Trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Tất cả các anh em tôi đều đã thi hành nghĩa vụ quân sự nên tôi rất hãnh diện”.
Tương tự, ca sĩ Tùng Dương tâm sự: “Tôi nhận giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nhưng lúc đó đang học ở Nhạc viện Hà Nội nên được hoãn. Đến năm 2007, tôi tốt nghiệp hệ đại học của nhạc viện, trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Trước đó, năm 2004, khán giả biết đến tôi nhiều từ cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn khi tôi đoạt giải thưởng do Hội đồng nghệ thuật bình chọn. Sau khi tốt nghiệp, tôi không thấy giấy báo nghĩa vụ quân sự gửi về nữa”.
Riêng người mẫu - diễn viên Thế Tâm thì hộ khẩu chính gốc ở mãi tận An Giang, rời quê hương lên TP.HCM đi học “lúc còn quá nhỏ rồi sau đó học tiếp đại học và ra trường đi làm ngay nên được hoãn nghĩa vụ quân sự. Đến giờ tôi đã qua tuổi đi lính rồi”.
Họ nói gì?
“Tôi là người xung phong đi nghĩa vụ quân sự chứ không phải được gọi. Lúc đó tôi vừa tốt nghiệp 12 ở trường tại Bạc Liêu. Sau 1 năm ở trong quân ngũ do tôi có nhiều thành tích về văn nghệ và thể thao, đoạt giải nhất khu vực miền Tây về bóng bàn và về ca hát, nên tôi được xuất ngũ sớm. Ít lâu sau tôi đi học thanh nhạc”. Ca sĩ Ngọc Sơn
“Nói tới việc này với Hưng là cả vấn đề. Hồi còn tuổi nghĩa vụ quân sự bản thân Hưng không sống một nơi nào nhất định. Cả gia đình tạm trú nhà bà ngoại nên cũng không có hộ khẩu. Nhiều biến cố đã xảy đến với Hưng nên cứ sống nay đây mai đó. Đến khi Hưng làm được hộ khẩu tại TP.HCM thì lúc ấy tuổi đời không còn trẻ nữa”. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng
“Lúc còn tuổi đi nghĩa vụ thì Sơn đang đi học. Năm 18 tuổi Sơn thi vào Đại học Quản trị kinh doanh Hà Nội và sau đó tiếp tục vào TP.HCM học Đại học Hùng Vương. Từ năm 19 tuổi là Sơn đã đi hát. Có thể do cứ phải đi học hết Hà Nội rồi TP.HCM nên Sơn không phải nhập ngũ”. Ca sĩ Cao Thái Sơn
D.L (ghi)
|
Trường hợp nào được tạm hoãn, miễn nghĩa vụ quân sự?
Những công dân sau đây được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình:
a. Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;
b. Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động;
c. Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ;
d. Giáo viên, nhân viên y tế, thanh niên xung phong đang làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; cán bộ, công chức, viên chức được điều động đến làm việc ở những vùng này;
đ. Đang nghiên cứu công trình khoa học cấp nhà nước được bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận;
e. Đang học ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học do Chính phủ quy định;
g. Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu. Hằng năm, những công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại khoản này phải được kiểm tra, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.
Những công dân sau đây được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình:
a. Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một, con của bệnh binh hạng một;
b. Một người anh hoặc em trai của liệt sĩ;
c. Một con trai của thương binh hạng hai;
d. Thanh niên xung phong, cán bộ, công chức, viên chức quy định tại điểm d khoản 1 điều này đã phục vụ từ 24 tháng trở lên.
...
Người tàn tật, người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính khác theo danh mục bệnh tật do Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thì được miễn làm nghĩa vụ quân sự.
(Trích điều 29, 30 luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi, bổ sung năm 2005)
|
Thanh Niên