Cập nhật lúc :11:06 AM, 24/03/2012
Cái làng quê ở xã Ân Nghĩa, (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) không chỉ có cánh đàn ông hút thuốc lào mà chị em phụ nữ đủ mọi lứa tuổi cũng "chơi" rất chuyên nghiệp.
Và có lẽ trên khắp đất nước Việt Nam, không nơi đâu có số lượng phụ nữ hút thuốc lào vừa nhiều vừa sành sỏi như ở miền quê này. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với phụ nữ Mường nơi đây, thuốc lào đã đi sâu vào văn hóa và nếp sống.
Hút thuốc lào theo kiểu “cha truyền, con nối”...
Tại miền quê Ân Nghĩa, người dân không chỉ ăn trầu theo quan niệm "miếng trầu là đầu câu chuyện" mà thuốc lào cũng được xem là thú tiêu khiển bậc nhất cho sự khởi đầu của cuộc chuyện trò. Mỗi khi gặp nhau, họ thường mời nhau điếu thuốc lào rồi mới vào chuyện.
Con gái cũng như con trai, lớn lên khoảng 12, 13 tuổi là bắt chước ông bà, cha mẹ cầm điếu hút thuốc lào. Đây cũng là điều dễ hiểu khi phần lớn phụ nữ Mường đã hút thuốc lào hơn nửa đời người, đa phần họ đã trở thành những "con nghiện", suốt ngày miên man trong khói thuốc...
Có mặt tại khu chợ Ré, Ân Nghĩa chúng tôi khá bất ngờ khi tận mắt chứng kiến cảnh hàng trăm cụ bà, phụ nữ tụm ba tụm bảy, cùng hút thuốc lào. Họ cầm những cái điếu cày to, rít những hơi dài, ngẩng mặt lên trời nhả khói trắng cuồn cuộn rồi chuyền tay nhau cho người đối diện cùng hút. Sau mỗi lượt hút, họ lại bàn tán về độ "ngon" của thuốc.
|
|
Chợ Ré họp tuần 3 phiên vào thứ hai, thứ năm và thứ bảy hàng tuần. Ngoài các mặt hàng như thịt lợn, gấm vải, đồ trang sức thì thuốc lào được xem là mặt hàng "nóng" và thu hút đông đảo người mua nhất. Bởi vậy, khắp mọi góc ngách khu chợ Ré, đâu đâu cũng bày bán ngổn ngang thuốc lào. Người dân ra đây không chỉ để mua thuốc mà còn để được thỏa sức vào những cơn "phê".
Đã thành thông lệ, cứ đến phiên chợ, ngay từ tờ mờ sáng, phụ nữ Mường lại đon đả kéo nhau xuống chợ Ré. Đặt chân đến chợ, việc đầu tiên của chị em là lân la khắp các sạp bán thuốc lào, để được tận hưởng và sung sướng với làn khói thuốc. Sau đó mua dăm bảy lượng về cho cả nhà dùng...
Chị Nguyễn Thị Hiên, một người bán thuốc lào ở chợ Ré chia sẻ: "Đây là khu chợ chuyên bán thuốc lào phục vụ bà con người Mường. Thuốc lào ở đây được nhập về từ Tiên lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Dường như họ mua thuốc lào còn nhiều hơn là mua thịt, cá, rau quả.
Thuốc lào ở đây có nhiều loại, mỗi loại có độ nặng nhẹ khác nhau nên trước khi mua họ thường hút thử để chọn loại thuốc hợp với khẩu vị của mình". Cũng theo chị Hiên, người Mường nơi đây sống dân dã lắm, họ hút thuốc lào bằng cái điếu cày rất to, cả nam giới và nữ giới đều hút.
Thường thì phụ nữ khi hút còn có tập quán chuyền tay nhau cùng hút chung một cái điếu. Sau khi hút xong, họ bắt đầu những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày. Đó cũng là điều dễ hiểu khi bà con dân tộc Mường nơi đây lại quý thuốc lào hơn cả mâm cao cỗ đầy.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ lạ lẫm, bà Bùi Thị Khèn miệng còn cuồn cuộn khói thuốc, cười tủm tỉm: "Đàn bà, con gái dân tộc Mường ở xã Ân Nghĩa này không biết hút thuốc lào là chuyện lạ đó chú ạ! Cứ hút dần nó thành quen, hút nhiều nó đâm nghiện, thiếu nó thì vật vã cả ngày không làm được gì, mồm miệng lúc nào cũng thấy nhàn nhạt, khổ lắm. Như tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng đã nghiện thuốc lào hơn 40 năm rồi".
Tiếp lời bà Khèn, bà Bùi Thị Nơ kể với niềm tự hào về truyền thống hút thuốc lào của gia đình mình: "Tôi bắt đầu hút thuốc lào từ năm 13 tuổi. Ngày trước thấy ông bà hút, tôi bắt chước hút theo rồi nghiện lúc nào không hay. Nay thì con gái và con dâu nhà tôi đều hút".
Để phục vụ nhu cầu hàng ngày, hầu hết các gia đình đều sắm lấy 1-2 cái điếu cày rất to. Chị Bùi Thị É, ở xóm Ngoi bộc bạch: "Mỗi khi đi làm cái điếu cày là vật dụng tôi cầm theo, quên thứ gì có thể được chứ không thể quên điếu cày và thuốc lào, không cầm theo mà đến cơn thì "vật" lắm chú à".
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ xã cho hay, thú hút thuốc lào của phụ nữ ở vùng quê này đã bắt nguồn từ lâu đời. Phần lớn họ hút theo tập tục truyền thống từ đời ông cha để lại, nhưng cũng có nhiều người tìm đến thuốc lào vì nghiện.
Bà Bùi Thị Ủn, người có thâm niên hút thuốc lào hơn 50 năm nay phân trần: "Ngày xưa đói nghèo lắm! Lúa gạo không có ăn, nhưng cây thuốc lào thì Pháp nó trồng khắp nơi. Những năm mới lên 12, 13 tuổi theo cha mẹ đi hái lá cây thuốc lá về thái nhỏ, phơi khô sau đó thấy người lớn cuộn lại hút, tôi cũng hút theo. Hút dần cũng thành quen, bây giờ thì đã thành con nghiện rồi, không sao dứt bỏ được".
Đói nghèo quẩn quanh theo làn khói...
Hầu hết phụ nữ dân tộc Mường ở xã Ân Nghĩa mỗi khi đi làm đồng, làm rẫy, ngoài những dụng cụ cần thiết thì họ cũng không quên mang theo cái điếu cày. Với họ, điếu cày không chỉ là một vật bất ly thân mà còn là cái "món" nuôi sức lao động, và nếu không hút thuốc mọi hoạt động với họ cũng như dừng lại.
Chị Bùi Thị É chia sẻ: "Đi đâu tôi cũng phải mang theo cái điếu, dù có hơi vướng một tý nhưng có hút điếu thuốc thì làm việc gì cũng xong". Như cổ súy cho việc hút thuốc lào, chị É nói thêm: "Tục hút thuốc lào nơi đây có từ lâu đời rồi. Nhiều người dưới xuôi lên thấy chúng tôi hút nhiều, khuyên nên bỏ thuốc kẻo ung thư phổi. Nghe lời họ, cách đây mấy tháng mẹ tôi bỏ thuốc nhưng ai ngờ lại thêm bệnh nên phải hút trở lại mới khỏi đấy! Bà tôi sống khỏe cũng nhờ hút thuốc đó chứ, có bệnh tật gì đâu".
|
Phần lớn phụ nữ Mường đã hút thuốc lào hơn nửa đời người. |
Theo chân chị Bùi Thị É đi sâu vào các xóm bản, chúng tôi tiếp tục bắt gặp rất nhiều người hút thuốc lào. Ngoài đàn ông, người già còn có phụ nữ và trẻ nhỏ. Người ngồi trong bếp, người ngồi trên nhà sàn, trên nương, ngoài ruộng, bên đường... trên miệng ai cũng thường trực cái điếu cày, khói bay nghi ngút. Điếu thuốc lào ở đây được làm bằng thân ống tre rất to và dài. Cái ngắn cũng phải nửa mét, cái dài nhất thì lên đến cả mét. Mỗi khi đưa ống điếu lên mồm rít hơi dài, khuôn mặt họ lại mõm méo trông gầy gòm, rất khổ sở.
Tạt vào nhà chị Bùi Thị Ơn, ở xóm Ngãi hỏi chuyện, chị thân thiện mời chúng tôi vào nhà và không quên mời khách điếu thuốc lào. Vừa mới cho đàn lợn con ăn, tay còn chưa hết mùi hôi tanh nhưng chị Ơn đã vội ôm cái điếu cày, châm lửa rít một hơi dài rồi nhả làn khói trắng cuồn cuộn.
Chị Ơn bộc bạch: "Cuộc sống là thế đấy chú ạ! Làm việc mà không có điếu thuốc thấy nhạt mồm nhạt miệng, chân tay bủn rủn làm không nổi. Mệt mỏi lắm. Tôi có thể nhịn cơm vài ba ngày chứ nhịn thuốc một bữa thì không chịu được, trong cái bụng, cái người nó bứt rứt lắm".
Nói xong, chị lại đưa điếu lên miệng, rít sòng sọc, nhả khói bay che hết khuôn mặt, rồi tiếp lời: "Ở xã này không biết hút thuốc lào thì coi như chưa phải là người Mường. Con gái lớn lên không biết hút thuốc, con trai nó cũng không thèm hỏi làm vợ đâu".
Chẳng biết chị ơn nói thật hay đùa, chứ như lời chị thì mới lên 10 tuổi, bé Sen con gái thứ hai của chị đã được bố mẹ tập tành cho hút thuốc lào. Đến nay mới 17 tuổi nhưng cháu đã hút rất sành sỏi. Sen bảo: "Cháu hút vài tuần là quen.
Mới đầu hút bị say, đầu nó cứ quay quay thế nào ấy, nhiều lúc khói nó sặc lên mũi, ho sù sù, nay thì hút ngon lành rồi". Nói xong Sen châm que đóm vào bếp lửa, rít điếu thuốc lào sòng sọc. Với Sen, ống điếu thuốc lào cũng như người bạn tri kỷ của mình vậy, đã vướng vào thì không thể nào bỏ được. Cùng tuổi với Sen, Lài - con gái chị É cũng được bố mẹ cho hút thuốc lào từ năm 13 tuổi, đến nay Lài đã nghỉ học và đang trau chuốt cái điếu thật đẹp làm của hồi môn, chuẩn bị cho ngày về nhà chồng.
Qua tâm sự của một số cán bộ xã Ân Nghĩa, người dân nơi đây không phải là những người trực tiếp trồng ra cây thuốc lào. Tất cả các loại thuốc đều được vận chuyển từ Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Hải Phòng về. Hiện nay thuốc lào có giá trung bình từ 30.000 - 35.000 đồng/lạng.
Mỗi tháng mỗi người hút từ 5-6 lạng, như vậy trung bình mỗi tháng một người phải mất gần 200 nghìn tiền mua thuốc lào. Đấy là số tiền không nhỏ đối với người dân ở vùng núi nghèo. Cuộc sống vốn đã khó khăn, lại phải trích ra khoản tiền mua thuốc đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khó trăm bề.
Không những phải quỵ lụy trước con ma đói, người dân nơi đây cũng không ý thức được tác hại của việc hút thuốc lào. Bởi hút thuốc với họ đã thành thói quen ăn sâu vào máu thịt. Đó cũng là điều dễ hiểu khi những tác hại không nhỏ đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ngoài sở hữu những bộ răng vàng, đen, hầu hết phụ nữ nơi đây thân hình đều gầy gòm, hốc hác, thậm chí nhiều người chỉ còn da bọc xương. Nhiều gia đình đã phải nhận lấy hậu quả rất đau lòng mà nguyên nhân cái chết đó là khói thuốc lào.
Theo ĐS & PL
|
Chuyển động trẻ
Môi trường của chúng ta đang bị ô nhiễm nặng từ một thói quen xấu kinh khủng: Khạc nhổ ngoài đường.
|
Dành cho quảng cáo
|