Ai đứng đằng sau việc cố tình tìm cách "mổ xẻ" kiến thức của TS Dương?

Thứ hai 26/03/2012 10:00
(GDVN) - "Có một nhóm người vẫn đang cố tìm cách phát tán, mổ xẻ những kiến thức của thầy Dương trước dư luận...".
Ngay sau khi báo Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài phản ánh về việc Tiến sĩ Lê Thẩm Dương (Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh) có những lời lẽ không hay trên bục giảng, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi trái chiều từ phía độc giả, đồng thời từ chính các sinh viên của tại trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh.

Ai đứng đằng sau việc cố tình tìm mọi cách để "mổ xẻ" kiến thức của TS Dương?.

Đặc biệt sau khi chúng tôi đăng tải bài viết "Độc giả 'mổ xẻ' kiến thức trong bài giảng của TS Lê Thẩm Dương" do độc giả N.L gửi về với nội dung cho rằng ngay cả chuyên môn của những bài giảng này cũng có nhiều vấn đề đáng bàn.

Tòa soạn đã nhận được rất nhiều những phản hồi, ý kiến của bạn đọc, sinh viên cho rằng, việc cố tình "mổ xẻ" từng clip để bàn luận, xoáy sâu vào một số tiểu tiết, chi tiết trong kiến thức, chuyên môn và sau đó lan truyền, phát tán đi nhiều nơi thông qua mạng Internet là hành động có ý đồ xấu của một nhóm người đang tìm mọi cách bôi nhọ hình ảnh TS Lê Thẩm Dương (?).

Theo phản ánh của rất nhiều độc giả và tìm hiểu của chúng tôi, ngay từ khoảng đầu tháng 3/2012, trên mạng Internet đã lan truyền một vài ý kiến, bài viết của một số người, sau khi dành nhiều thời gian xem rất kỹ 17 clip bài giảng của TS Lê Thẩm Dương tại Viện Quản trị Kinh doanh FSB (ĐH FPT) và đưa ra những nhận xét với nội dung cố tình xoáy sâu vào những tiểu tiết nhằm mục đích tìm ra bằng được một vài điểm sai, số liệu chưa thực sự chuẩn trong phần kiến thức đưa ra ở bài giảng để áp đặt cái nhìn, đánh giá hết sức phiến diện, thiếu khách quan của cá nhân...

Các bài viết, nhận xét với cái nhìn phiến diện của một số cá nhân về kiến thức trong các clip bài giảng của TS Dương đã được gửi đi nhiều nơi và đặc biệt lan truyền, phát tán trên mạng Internet thông qua không ít các blog nổi tiếng, trang mạng xã hội, diễn đàn nhằm mục đích để tạo ra một làn sóng trong dư luận xã hội lên án, phê phán kiến thức, bôi nhọ người giảng viên này.

Không chỉ vậy, theo phản ánh của chính sinh viên đại học ngân hàng Tp Hồ Chí Minh, những người này thậm chí còn đưa ra một câu slogan: "Hãy đưa tôi một nhận định của ông Dương, tôi sẽ chỉ ra điểm sai" với cái đích hướng tới là cố tạo cho mọi người, đặc biệt là các sinh viên khi đọc, tiếp nhận câu slogan này sẽ có những đánh giá, nhìn nhận sai về kiến thức, chất lượng bài giảng, làm giảm uy tín của TS Lê Thẩm Dương.

Chính TS Lê Thẩm Dương, khi trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam cũng đã nhận định, hiện đang có một số người cố tình tung các bài viết, nhận xét, clip với nội dung đã bị cắt nhỏ lên mạng nhằm cố ý bắt lỗi và làm giảm uy tín cá nhân của ông?.

Họ chính là những người đồng nghiệp của TS Lê Thẩm Dương?

Trên Facebook của Hội những người phát cuồng về bài giảng của TS Lê Thẩm Dương những ngày qua, rất nhiều các thành viên tỏ ra rất bức xúc và cho rằng chính một số đồng nghiệp, những người đi học ở nước ngoài đang cố tình dùng mọi cách để phân tích, bôi xấu kiến thức của TS Dương.

Có phải chính những đồng nghiệp đang tìm mọi cách để bôi nhọ TS Dương?.


Thành viên Tuệ Nguyễn ngay sau khi được đọc những nhận xét với cách nhìn phiến diện về kiến thức qua việc phân tích 17 clip bài giảng của TS Dương đã nhận định: "Một số nhóm người đang "câu kết" và ngày càng "câu kết" nhằm hạ bệ thầy, muốn thầy phải gục ngã trong bùn lầy thì họ mới thỏa nguyện, họ mới chịu dừng lại?

Họ là những người hiếu thắng, họ không chịu nhường nhịn cho những người họ ghét đâu các bạn ạ. Họ vẫn liên tục từng ngày, từng giờ lên facebook để truyền bá và " dập, dìm" uy tín của thầy, thầy đang bị dập tơi tả các bạn à. Thấy vậy, sinh viên chúng ta lên tiếng nhưng liền bị họ cho sinh viên mình là cuồng loạn, xua đuổi chúng ta..."

Cùng với đó độc giả Vũ Minh cũng cho hay: "Những ai đang là sinh viên ngân hàng, chắc nhận ra những người nào đang đứng đằng sau viết những bài viêt này, những người này có câu slogan "hãy đưa tôi một nhận định của ông dương, tôi sẽ chỉ ra điểm sai", đa số các thầy này đang đi học ở nước ngoài, nên mới rảnh như vậy.

chính các thầy đang làm giảm uy tín của trường, mọi người sẽ nhìn nhận như thế nào khi biết trong một trường đại học lớn, mà có những đồng nghiệp ganh tỵ nhau dưới đủ trò, rồi những thế hệ sinh viên sẽ học những điều này từ các thày, thì hỏng cả một tương lai...?"

Quan điểm của báo Giáo dục Việt Nam là rất rõ ràng.

Trong vụ việc này, Báo Giáo dục Việt Nam đã có quan điểm rất rõ ràng và khẳng định, trong toàn bộ các bài phỏng vấn, bài viết đăng tải trên báo Giáo dục Việt Nam chưa bao giờ có những đánh giá, phê phán về chuyên môn, năng lực cũng như con người của TS Lê Thẩm Dương.

Về năng lực, chuyên môn, con người của TS Dương là chuyện không phải bàn, tuy nhiên, việc TS Lê Thẩm Dương, khi đứng trên bục giảng mà lại dùng những ngôn từ dung tục thì cần phải phê phán.

Bởi lẽ, trên thực tế trong xã hội sẽ không có một ai lại đi khen một người, dù ở ngoài đường hay ngoài chợ khi nói một câu lại đệm thêm vào một từ ngữ tục tĩu. Mà ở đây lại là một người thầy khi đứng trên bục giảng, với những học trò ở dưới thì càng không thể đưa ra những câu nói dung tục như vậy.

Chính TS Lê Thẩm Dương khi nhận xét về việc "văng tục" với PV báo Giáo dục Việt Nam cũng đã cho rằng: "Rõ ràng việc văng tục trên bục giảng là không nên".

Trong bức thư gửi về cho báo GDVN, một độc giả cũng đã cho rằng: Trong vụ việc này chúng ta nên tách bạch 2 vấn đề này ra: Thầy Dương có tài, có phương pháp truyền đạt tốt, học viên nghe dễ hiểu, dễ tiếp thu... Nhưng không có nghĩa là thầy có nhân cách chuẩn mực của một nhà giáo.

Cái đáng phê phán và mọi người đang phê phán là nhân cách của thầy chứ không phải là trình độ của thầy. Đó là thực tế mà bất cứ ai theo dõi các bài phỏng vấn phê phán thầy đều nhận rõ...

Tất cả đều đang không ủng hộ thầy việc thầy văng tục, chửi thề chứ chưa một ai phê phán thầy về phương pháp. Xin nói rõ, vẫn phương pháp đó, nếu sử dụng ngôn từ có văn hóa hơn (ít nhất là cũng đừng chửi thề hay gọi người khác là con nọ, thằng kia) thì kể cả thầy có đề cập đến chuyện sex, chuyện quan hệ vợ chồng nhiều hơn thì kết quả vẫn có thể đạt được như thầy khoe " Thành công rực rỡ"...

Thành Chung