Cập nhật 27/03/2012 01:00:00 PM (GMT+7)
Go.vn

Cười đến "bục chỉ" với cảnh chồng ngố chăm vợ đẻ

- "Nửa đêm con khóc, lấy chân khều chồng dậy bảo dỗ con, chồng ậm ừ rồi có chịu mở mắt ra đâu, tay thì vỗ lấy vỗ để, mồm thì dỗ dành ngủ ngoan đi con, ai dè vỗ nhầm bắp chân vợ", chị Hạnh Nguyên kể.

Đến "bục chỉ" với chồng

Thương vợ, mong con nên nhiều ông chồng không ngại "tay xách nách mang" vào viện chăm vợ đẻ. Thế nhưng việc chăm vợ đẻ xưa nay vốn không thuộc thiên chức của người đàn ông. Có khéo léo đến đâu, các anh chồng vẫn không tránh khỏi những hành động "hồn nhiên" khiến người ta phải bật cười.

Chị Lan Hương (ngõ 26, Hoàng Quốc Việt) kể: "Ngày mình đi đẻ, đau đêm, ông bà nội ngoại không lên kịp nên ông xã phải đưa vào viện. Vào viện lúc 1h sáng nhưng mãi đến gần 5 giờ mà vẫn phải nằm ở phòng chờ. Xã đợi ở ngoài suốt ruột, chạy vào phòng chờ xem vợ ra sao. Vừa mới mở cửa phòng thì xã đã đỏ mặt tí tai chạy ra vì trong phòng toàn các chị em nằm tơ hơ dạng chân ra chờ mở.

Ông bố trẻ lóng ngóng bên em bé mới sinh. Ảnh: Bee.net.vn

Đến khi sinh xong, về phòng hậu sản còn buồn cười hơn. Chả là mẹ mình nấu chân giò hầm đu đủ mang vào để cho mình ăn có sữa, mình đau không muốn ăn nên ép xã ăn hộ. Xã không biết là chân giò bổ sữa, một hôm mẹ về rồi xã mới hỏi là ăn chân giò có tác dụng gì mà sao mẹ bắt ăn mãi thế. Mình bảo là bổ sữa thì xã nhảy dựng đứng lên bảo chết rồi, anh ăn nhiều thế khéo có sữa thì phải cho con bú à, làm các chị cùng phòng cười phá lên, đau suýt bục chỉ vì toàn chị em đẻ mổ".

Cũng được chồng đưa đi đẻ, chị Hạnh Nguyên (Ngọc Hồi, Ba Đình) nhớ lại cái cảnh "gật gà gật gù" của chồng: "Chồng mình ở nhà vốn ngủ khỏe lắm. Hôm đi đẻ vào viện đúng 12 giờ trưa nên không kịp ngủ trưa. Chồng ngồi chờ ở ngoài hành lang mà đã kịp gật gù được một giấc. Khi mình ra hành lang gọi "anh ơi", lập tức một loạt các ông chồng đang ngồi quay mặt lại nhìn mình, còn chồng thì vẫn ngủ khì.

Khi về phòng hậu sinh, chồng cũng nhiệt tình đòi ngủ cùng giường để đêm "trông em" giúp vợ. Nửa đêm con khóc, lấy chân khều chồng dậy bảo dỗ con, chồng ậm ừ rồi có chịu mở mắt ra đâu, tay thì vỗ lấy vỗ để, mồm thì dỗ dành ngủ ngoan đi con, ai dè vỗ nhầm bắp chân vợ".

"Có anh chồng giường bên cũng buồn cười lắm. Chị vợ mổ đẻ đau gần chết, bảo chồng bế con mà chồng cứ sợ làm con rơi. Lại còn bảo vợ là em đưa tay hứng dưới lỡ con có rơi thì em đón nhé", chị Nguyên kể thêm.

Vừa buồn cười vừa thương ghê lắm!

"Đi đẻ mà có chồng bên cạnh là hạnh phúc nhất", là câu cửa miệng của đa số phụ nữ khi được hỏi chuyện người đưa đi đẻ. Các mẹ cho rằng, dù ông chồng có vụng về, luống cuống, không biết chăm con chăm vợ nhưng chỉ cần chồng có mặt bên cạnh lúc vợ "vượt cạn" thôi đã là nguồn động viên, hạnh phúc lớn lao.

Chị Thúy Hà (Nhân Mỹ, Mỹ Đình) chia sẻ: "Hồi mình đẻ đứa thứ nhất, chồng chê bẩn nên mặc kệ bà ngoại đưa mình vào viện. Sinh xong cũng chỉ vào thăm vợ được đôi ba lần cho có mặt. Nghĩ mà tủi thân lắm. Nhưng về nhà chả ai chăm con cho, chồng phải xắn tay áo làm mãi rồi cũng quen. Được cái càng ngày chồng càng khéo chăm con nên cũng đỡ.

Lần sinh đứa thứ hai, ông bà không lên được nên chồng đưa đi đẻ. Có kinh nghiệm chăm đứa thứ nhất rồi nên không chê bẩn gì nữa. Lần này chồng tự lo từ a đến z. Sinh xong mẹ mình lên, chính chồng mình bảo là để chồng tự đi chợ, tự nấu đồ cho vợ, nhất quyết không để mẹ mình làm".

"Mình thấy chồng vụng hay khéo không quan trọng, quan trọng là chồng biết sẻ chia cùng vợ. Chỉ cần cái nắm tay của chồng lúc mình sắp lên bàn đẻ thôi là đã thấy ấm lòng lắm rồi. Có con rồi chồng cũng thay đổi nhiều, biết lo cho gia đình hơn, biết chia sẻ việc nhà cùng vợ, chăm con giỏi hơn và cái khoản nấu nướng cũng lên tay đáng kể", chị Hà nói thêm.

Chuyển dạ, sinh con là thời khắc thiêng liêng mà bất cứ người mẹ nào cũng luôn nhớ mãi. Càng khó quên hơn khi các ông chồng cũng vào phòng sinh "vượt cạn" cùng vợ.

Nhiều khi tức vì cái thói "mê ngủ" của chồng nhưng chị Hạnh Nguyên (Ngọc Hồi, Ba Đình) cũng không khỏi rơi nước mắt thương chồng.

"Anh sợ mình không ăn được cơm viện nên cứ phải chạy đi chạy lại nấu cơm mang vào cho vợ. Mình mới sinh được một tuần mà nhìn mặt anh hốc hác đi thấy rõ. Thương anh quá mình hỏi có mệt không, anh bảo không mệt tí nào, chỉ thèm ngủ một ngày một đêm không cần ăn uống gì cũng được. Nghe vừa buồn cười vừa thương anh ghê lắm", chị Nguyên nói.

"Anh chỉ cần đứng bên nắm tay động viên cố lên nhé là mình đã xúc động lắm rồi. Sau này thỉnh thoảng nhiều khi tức anh chuyện gì, nghĩ đến anh chiến thắng cả bệnh ham ngủ thức đêm chăm con giúp mình là mình hạ hỏa đi ngay. Vợ chồng cùng trải qua khó khăn thì sẽ hiểu nhau và thương nhau nhiều hơn", chị Nguyên nói thêm.

La Hoàn
Gửi ý kiến phản hồi

Mệt mỏi vì 'đơn thương độc mã' chữa hiếm muộn

Không chỉ là ngày một ngày hai đến khám hiếm muộn, có chị em phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng chờ đợi. Nhưng chạnh lòng hơn là họ phải "đơn thân độc mã" khi chồng bất hợp tác không chịu tới phòng khám...


vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Nhận tin RSS
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.