Trái đất từng bị "nhuộm" màu tía, 20 triệu tấn vàng chìm lấp trong các đại dương, lòng chảo lớn nhất, sinh vật khổng lồ nhất ... , bao điều kỳ thú nhưng ít biết về Trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta.
> Trái đất là một khối cầu không hoàn hảo
Mưa bụi vũ trụ
Trái đất của chúng ta đều hứng chịu các cơn mưa bụi vũ trụ hàng ngày. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi ngày có 100 tấn vật liệu giữa các hành tinh (chủ yếu dưới dạng bụi) rải thảm xuống bề mặt Trái đất. Những hạt nhỏ nhất do các sao chổi giải phóng ra khi băng đá trên bề mặt chúng bốc hơi gần Mặt trời.
Khoảng cách với Mặt trời
Trái đất cách Mặt trời xấp xỉ 150 triệu km. Với khoảng cách này, ánh sáng Mặt trời mất khoảng 8 phút 19 giây mới tới được Trái đất.
Sự ra đời của Mặt trăng
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cách đây khá lâu, một vật thể to lớn nào đó đã đâm sầm vào Trái đất. Các mảnh vỡ từ vụ va chạm đó đã kết thành một khối, hình thành Mặt trăng. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ, vật thể được đặt tên là Theia và phỏng đoán có kích thước bằng sao Hỏa đó là một hành tinh, thiên thạch hay sao chổi.
Các Trái đất khác trong vũ trụ
Các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng về những hành tinh giống Trái đất của chúng ta đang quay quanh quỹ đạo các ngôi sao xa xôi. Một trong số đó là hành tinh Kepler 22-b. Tuy nhiên, chúng ta hiện vẫn chưa biết liệu có hành tinh nào trong số này tồn tại sự sống hay không.
Cực quang trên Trái đất
Cực quang là một hiện tượng quang học được đặc trưng bởi sự thể hiện đầy màu sắc của ánh sáng trên bầu trời về đêm, được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh. Các cực quang mạnh nhất thường diễn ra sau sự phun trào hàng loạt của Mặt Trời trong chu kỳ 11 năm. Cực quang phương nam hiếm thấy hơn cực quang phương bắc vì chẳng có mấy người đủ dũng khí đương đầu với mùa đông buốt giá và tăm tối của Nam cực.
Cấu trúc sống lớn nhất
Các dải san hô ngầm là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật nhất tính trên một đơn vị diện tích so với bất kỳ hệ sinh thái nào trên Trái đất nhất. Xét về khía cạnh này, chúng có thể sánh ngang với các khu rừng nhiệt đới. Mặc dù hình thành từ các polip san hô bé nhỏ nhưng tính gộp lại, chúng là những cấu trúc sống lớn nhất trên thế giới. Theo Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), chúng ta thậm chí có thể nhìn rõ một số dải san hô từ không gian.
Điểm sâu nhất
Nơi sâu nhất trên Trái đất là rãnh Mariana trên thềm đại dương, nằm ở độ sâu 10.916 mét dưới mực nước biển. Trong khi đó, điểm sâu nhất trên Trái đất không bị đại dương bao phủ là rãnh Bentley ở Nam cực. Nơi này bị chôn vùi dưới rất rất nhiều lớp băng đá và tọa lạc ở độ sâu 2.555 mét so dưới mực nước biển.
Điểm thấp nhất
Nơi thấp nhất trên đất liền là Biển chết, nằm giữa Jordan, Israel và Bờ Tây. Bề mặt của vùng nước siêu mặn này thấp hơn mực nước biển 423 mét.
Nơi hồ phát nổ
Ở Cameroon và trên biên giới giữa Rwanda và Cộng hòa Congo có 3 hồ nước chết người: Nyos, Monoun và Kivu. Tất cả chúng đều là hồ nằm trên miệng núi lửa. Macma phía dưới giải phóng các-bon điôxít vào các hồ, tạo thành một lớp sâu, giàu các-bon điôxít ngay phía trên lòng hồ. Lớp các-bon điôxít đó có thể phát nổ và làm ngạt thở bất kỳ người qua đường nào.
Sông băng tan chảy
Do biến đổi khí hậu, các sông băng đang tan chảy và góp phần làm mực nước biển dâng cao. Các chuyên gia phát hiện, mỗi sông băng đóng góp 10% tổng lượng nước tan chảy trên thế giới. Điều đó khiến khu vực Bắc Cực thuộc Canada mất đi khối lượng tương đương 75% lượng nước hồ Erie trong giai đoạn 2004 - 2009.
Tốc độ tan chảy sông băng
Con người để lại dấu ấn của mình trên hành tinh trong mọi hoạt động. Ví dụ như các vụ thử hạt nhân vào những năm 1950 đã ném bụi phóng xạ vào khí quyển. Các hạt phóng xạ đó cuối cùng rơi xuống theo mưa và tuyết. Một vài trong số chúng kết tủa trong các sông băng, tạo thành một lớp giúp các nhà khoa học xác định tuổi của băng. Tuy nhiên, một số sông băng đang tan chảy quá nhanh, làm thất thoát “các chứng nhân của lịch sử cách đây nửa thế kỷ”.
Sự sống màu tía
Shil DasSarma - một nhà nghiên cứu di truyền học vi sinh thuộc Đại học Maryland (Mỹ) nhận định, sự sống trên Trái đất từng bị “nhuộm” tía chứ không xanh mát như ngày nay. Theo ông, các vi sinh vật cổ đại có thể đã sử dụng phân tử, chứ không phải chất diệp lục, để quang hợp và điều đó khiến chúng có lớp áo màu tím.
DasSarma cho rằng, chất diệp lục xuất hiện sau khi một phân tử nhạy cảm ánh sáng khác được gọi là màng lưới xuất hiện trên Trái đất thuở sơ khai. Màng lưới hấp thụ ánh sáng màu xanh lá cây và phản chiếu lại ánh sáng màu đỏ và tím - sự kết hợp tạo thành màu tía. Điều này có thể lý giải tại sao ngay cả khi Mặt trời truyền hầu hết năng lượng của nó trong phần màu xanh của quang phổ nhìn thấy được thì chất diệp lục vẫn chủ yếu hấp thụ các bước sóng màu xanh lam và đỏ.
Sự ra đời của sấm trên Trái đất
Theo trang web giáo dục Cửa sổ mở ra Vũ trụ, chỉ một tia sét cũng có thể đốt nóng không khí tới khoảng 30.000 độ C, khiến không khí giãn nở nhanh chóng. Khối khí phình lên đó tạo ra một sóng xung kích và cuối cùng bùng nổ, tạo thành tiếng sấm rền.
Sự bao phủ của các đại dương
Các đại dương bao phủ khoảng 70% bề mặt Trái đất. Tuy nhiên, loài người mới chỉ khám phá được 5% trong số đó, đồng nghĩa với việc 95% các đại dương rộng lớn của hành tinh chúng ta vẫn chưa được biết đến.
Kho báu vàng ẩn trong các đại dương
Các đại dương rộng lớn chứa đựng tới hơn 20 triệu tấn vàng. Tuy nhiên, lượng kim loại quý này bị hòa loãng tới mức mỗi lít nước biển chứa trung bình khoảng 13 phần tỷ của một gram vàng. Số vàng không bị hòa tan cũng bị mắc kẹt trong đá dưới thềm đại dương. Theo tính toán của NOAA, nếu chúng ta có thể chắt lọc và khai thác được hết số vàng đó, mỗi người trên Trái đất có thể thu được gần 4,5kg kim loại quý.
Trái đất từng là một siêu lục địa
Các lục địa trên Trái đất được cho là từng lao vào nhau và sáp nhập thành các siêu lục địa, rồi lại chia tách nhiều lần trong suốt lịch sử 4,5 tỷ năm của hành tinh chúng ta. Siêu lục địa gần đây nhất là Pangaea. Nó bắt đầu chia tách khoảng 200 triệu năm trước đây. Các mảng thành viên của Pangaea cuối cùng chu du đây đó và tham gia hình thành nên các lục địa trên Trái đất ngày nay.
Sự hình thành núi
Núi ra đời từ sự vận động của các mảng kiến tạo. Xét trường hợp của dãy Himalaya, trải dài 2.900 km dọc biên giới giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Dãy núi đồ sộ này bắt đầu hình thành cách đây 40 - 50 triệu năm, khi Ấn Độ và khu vực Á Âu va vào nhau do vận động mảng kiến tạo. Sự va chạm kiến tạo đã dẫn tới sự ra đời của các đỉnh núi lởm chởm thuộc dãy Himalaya.
Núi lửa hoạt động mạnh nhất
Núi lửa Kilauea ở Hawaii hoạt động tương đối thường xuyên song không phải là núi lửa hoạt động mạnh nhất trên Trái đất. Danh hiệu này thuộc về núi lửa Stromboli, ngoài khơi bờ biển phía tây nam Italia. Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, các vụ phun trào rực rỡ, liên tục suốt 2.000 năm qua đã khiến núi lửa Stromboli có biệt danh “Ngọn hải đăng của Địa Trung Hải”.
Vụ phun trào khủng khiếp nhất
Vụ phun trào núi lửa khủng khiếp nhất từng được ghi nhận xảy ra vào tháng 4/1815 ở đỉnh núi lửa Tambora. Nó được xếp vào mức 7 trong thang đánh giá mức độ phun trào núi lửa từ 1 – 8. Người ta nói rằng, vụ phun trào đã tạo ra tiếng động ầm ĩ tới mức ở đảo Sumatra cách đó 1.930km cũng nghe thấy. Các đám mây bụi khói phun ra từ miệng núi lửa cũng bay tỏa tới nhiều hòn đảo cách xa nó. Số nạn nhân chết vì sự cố ước tính tới 71.000 người.
Lòng chảo lớn nhất
Cho tới hiện tại, Thái Bình Dương là lòng chảo đại dương lớn nhất Trái đất, bao phủ một diện tích khoảng 155 triệu km2 và chứa hơn một nửa lượng nước trên hành tinh, Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ cho biết. Lòng chảo này lớn tới mức có thể dung chứa toàn bộ các lục địa của thế giới.
Loài cây lớn nhất
Khi nhắc tới những sinh vật khổng lồ, người ta thường nghĩ tới cá voi hoặc voi. Tuy nhiên, trong danh sách “khủng” của thế giới sinh vật cần phải nhắc tới cây cù tùng khổng lồ có tên Tướng quân Sherman. Đây là cây bén rễ lớn nhất từng được biết đến trên hành tinh, với thân cây có dung tích 1.486,6 m3.
Sinh vật khổng lồ nhất
Sinh vật lớn nhất thế giới có thể là một cây nấm khổng lồ. Năm 1992, các nhà khoa học thông báo trên tạp chí Nature rằng, cây nấm mật Armillaria trải rộng khắp 880 hécta ở Oregon, Mỹ.
Động vật có vú nhỏ nhất
Danh hiệu này thuộc về loài dơi mũi lợn của Kitti. Chúng chỉ dài khoảng 29-33mm và nặng không đầy 2gram. Loài động vật tí hon này sống chủ yếu ở Đông Nam Á.
Nơi khô hạn nhất
Địa điểm khô hạn nhất trên thế giới là sa mạc Atacama trải dài từ Chile tới Peru. Ở trung tâm sa mạc này tồn tại những vùng chưa bao giờ có mưa rơi.
Người chinh phục đỉnh núi cao nhất
Ngày 8/5/1978, các nhà leo núi Reinhold Messner và Peter Habeler đã trở thành những người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest mà không cần thiết bị cung cấp dưỡng khí. Messner miêu tả về cảm giác của anh khi chinh phục nóc nhà thế giới như sau: “Tôi như đang thở hổn hển với một lá phổi bị bóp nghẹt, trôi nổi giữa sương mù và các đỉnh núi”.
Người đầu tiên tới Nam cực
Người đầu tiên vượt sa mạc Nam cực thành công để tới được cực Nam của Trái đất là Roald Amundsen, người Nauy. Anh cùng với 4 bạn đồng hành khác đã sử dụng xe trượt tuyết do chó kéo để hoàn thành chuyến đi lịch sử này. Amundsen về sau tiết lộ bí quyết thành công của mình là do đã lên kế hoạch cẩn thận.
Tuấn Anh