Vụ án Lê Văn Luyện: Chuyện bây giờ mới kể
Cập nhật lúc :7:00 AM, 29/03/2012
(ĐVO) Phiên xét xử sơ thẩm vụ án Lê Văn Luyện thảm sát gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang đẫm nước mắt, nhưng không chỉ từ phía bị hại.

>>> Nếu ra tòa làm chứng, bé Bích có thể bị ám ảnh suốt đời

Nỗi đau nhìn từ phía khác

Sau phiên tòa sơ thẩm, Lê Văn Luyện đã phải nhận mức án cao nhất (18 năm tù giam) trong quy định pháp luật hiện hành cho tội ác kinh hoàng của hắn. Tên giết người máu lạnh đã trải qua mùa xuân đầu tiên của cuộc đời hắn sau song sắt nhà tù. Tội ác đã bị trừng trị, cho dù không ít người cho rằng sự trừng phạt đó chưa thật sự thích đáng. Vụ thảm sát kinh hoàng đã gây ra những nỗi đau tột cùng cho gia đình chủ tiệm vàng bị sát hại. Phiên xét xử sơ thẩm Lê Văn Luyện đẫm nước mắt, không chỉ từ phía bị hại.

Với tội danh không tố giác tội phạm, cất giấu tang vật vụ án gây khó khăn cho quá trình điều tra, bị cáo Lê Văn Miên (bố của Lê Văn Luyện) bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 48 tháng tù giam. Trong suốt hai ngày xét xử (10-11/1), Lê Văn Miên lầm lũi cúi đầu. Mỗi lần phía người nhà bị hại ào lên, buông những lời lăng mạ các bị cáo, ông Miên lại run rẩy, cúi gục đầu xuống.
 
Tuy sinh ra tên giết người máu lạnh và bản thân trực tiếp có hành vi che giấu, vi phạm pháp luật, nhưng gương mặt khắc khổ và thái độ chịu đựng của bị cáo Miên khiến nhiều người tham dự phiên tòa không khỏi thương cảm, xót xa. Thử đặt chúng ta vào vị trí của Lê Văn Miên, với tình cảm cha con, cộng thêm nhận thức hạn chế về pháp luật, có mấy người cha đủ can đảm và “nhẫn tâm” để tự mình giao nộp đứa con trai trót mang trọng tội cho cơ quan pháp luật?

Bị cáo Lê Văn Miên lầm lũi cúi đầu suốt phiên xử án. Ảnh: Bá Mạnh.


Sau ngày xét xử thứ nhất phiên sơ thẩm, rất đông người nhà bị hại tập hợp, chặn trước cổng Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đòi “tự xử” Lê Văn Luyện và người nhà. Lực lượng công an đã phải huy động khá đông cán bộ, chiến sỹ chốt chặn trước cổng tòa án để kiềm chế những cái đầu nóng đang xông tới. “Giết chết cả nhà thằng Luyện đi. Tòa không xử tử hình chúng mày thì nhà tao sẽ xử. Nhà tao thừa điều kiện thuê mấy thằng 16, 17 tuổi xử tụi mày…”, người đàn bà gào thét ầm ĩ.

Chính người phụ nữ này đã nhiều lần làm huyên náo và xúc động đến ngất lịm trong phiên tòa.

Lúc đó, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào đám đông ầm ĩ phía cổng tòa án. Ít ai nhận ra ở một góc nhà để xe phía trong, hai bị cáo Trương Văn Hợp và Dương Thị Lược (bố mẹ Trương Thanh Hồng, bác Lê Văn Luyện, được cho tại ngoại trong quá trình điều tra) đang run rẩy trong nỗi sợ hãi cực độ. Trước “sát khí” từ phía người nhà bị hại, ông Hợp và bà Lược không dám ló mặt ra. Xung quanh họ không có cảnh sát nào bảo vệ.

Thấy phóng viên tiến về phía nhà xe, ông Hợp mừng quýnh, hỏi tình hình bên ngoài thế nào rồi. Sau khi biết vẫn còn rất đông người nhà bị hại tập trung ngoài cổng, mặt hai vợ chồng ông Hợp, bà Lược tái mét. Ông Hợp vội vàng lấy điện thoại ra gọi. Sự sợ hãi lộ rõ trên gương mặt đen đúa, ông Hợp luống cuống, giọng run run nói qua điện thoại: “Cháu ơi, cháu ở đâu rồi? Vẫn an toàn chứ? Chạy mau vào đây đi, chạy vào chỗ để xe cạnh phòng xử mau lên! Vào đây ông bảo vệ con…”.

Ông Hợp đang lo lắng cho đứa cháu vẫn đang một mình ở phía ngoài. Bà Lược đứng nép sát mép tường, nước mắt lăn dài trên má, im lặng chịu đựng nỗi sợ hãi. Sau phiên tòa sơ thẩm, tòa tuyên phạt Trương Văn Hợp 12 tháng tù, Dương Thị Lược 9 tháng tù.

Lê Văn Luyện có gene tội phạm?

Việc xuống tay tàn độc của Lê Văn Luyện trong vụ thảm sát tiệm vàng đã trở thành nỗi ám ảnh cho không ít người. Nhiều người ngỡ ngàng khi biết đằng sau gương mặt thư sinh, điển trai lại là một kẻ giết người máu lạnh. Điều gì đã khiến một nam sinh có hoàn cảnh không đến nỗi nào trở thành một tên giết người dã man? Bên cạnh các nguyên nhân xã hội, một giả thuyết được đặt ra là: liệu có tồn tại một thứ như “gene tội phạm” và Lê Văn Luyện mang trong mình loại gene này hay không?

PGS, TS Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, cho biết: hiện nay các nhà tội phạm học đang đặt ra câu hỏi “có gene tội phạm không?”. Hiện đang có hai quan điểm: có và không. Nhưng quan điểm thứ hai luôn đúng và lấn át quan điểm một.

Có hay không "gene tội phạm" trong tên giết người máu lạnh có gương mặt thư sinh Lê Văn Luyện? Ảnh: Bá Mạnh.


Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học – Bộ Công an, nhận định: “Về mặt khoa học, yếu tố gene tội phạm là có thật. Nhưng tỉ lệ tội phạm có yếu tố gene trong tổng số tội phạm cướp của, giết người là bao nhiêu thì hiện nay chưa có thống kê, nghiên cứu. Tôi cho rằng chỉ không quá 5%”.

Một số nghiên cứu khoa học về tội phạm cho thấy, có những tên sát nhân, mang trong trong mình mã gen tội phạm, tội ác dường như đã tiềm phục trong chúng, ngay từ khi chúng được sinh ra. Tuy nhiên, thật may mắn cho nhân loại, bởi chúng tuy cực kỳ nguy hiểm, nhưng luật thiên nhiên đã khiến chúng luôn là các thiểu số vô cùng nhỏ nhoi, giữa cộng đồng nhân loại đông đúc.

Chưa có nghiên cứu chính thức nào khẳng định Lê Văn Luyện có mang trong mình loại gene tội phạm giết người hay không. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhiều tội ác dã man, giết người man rợ gần đây của những Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện khiến nhiều người giật mình lo sợ.

Khi chưa tìm được lời lý giải từ yếu tố di truyền hay gene tội phạm, chúng ta không thể không truy tìm những lý do thuộc về xã hội.

Dự kiến phiên tòa xét xử phúc thẩm Lê Văn Luyện sẽ diễn ra vào ngày 30/3 tới. Sẽ có 3 thẩm phán thuộc TAND Tối cao ở Hà Nội về xét xử tại tỉnh Bắc Giang.

Trước đó, trong phiên sơ thẩm diễn ra ngày 10 và 11/1/2012, HĐXX đã tuyên án Lê Văn Luyện, thủ phạm gây ra vụ thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích, 18 năm tù (mức án tổng hợp 3 tội danh mà Luyện gây ra gồm "Giết người" 18 năm tù, "cướp tài sản" 18 năm tù và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 9 tháng tù). Đây là mức án cao nhất dành cho người phạm tội ở độ tuổi vị thành niên.

Duy Minh
Ý kiến của bạn In bài này
Dành cho quảng cáo
X