Thứ năm, 29/3/2012, 11:04 GMT+7

Đàn ông thật ghê gớm

Việc nhà vừa xong, cho con đi ngủ, muốn ngả lưng nghỉ ngơi thì các anh lại muốn chúng tôi phải thăng hoa, phải sành điệu như những cô gái tuổi 18 đôi mươi phục vụ các anh. Thử hỏi ức chế, mệt mỏi vậy làm sao chúng tôi đáp ứng được.
>Có nên ly hôn khi vợ chồng đã hết tình yêu?

Từ: D.T.L.
Đã gửi: 29 Tháng Ba 2012 7:27 SA

Muốn bỏ thì bỏ đi!

Vợ chồng tôi đã chung sống với nhau hơn 10 năm trời giống như gia đình anh Chính, anh Ky. Đọc câu chuyện giãi bày tâm trạng của các anh tôi mới nhận ra một điều các ông chồng đều giống nhau về tính gia trưởng, ích kỷ và đều tự cho mình là nạn nhân của cuộc sống vợ chồng.

Sau 10 đến 12 năm chung sống, tình cảm vợ chồng đã đến mức bão hòa về tình yêu, vợ chồng hiểu nhau nhiều hơn sau bao thăng trầm và tình yêu đã chuyển dần qua tình nghĩa. Lúc này, gia đình có nhiều việc phải lo lắng, cần sự chung tay góp sức của cả hai hơn.

Con cái (tới hai đứa lận) cần có người đưa đón đi học, chăm sóc; cần có người kề cận chỉ bài, đưa đón học đàn, học vẽ, học thêm anh văn; đưa đón trông nom những buổi con cái đột xuất được nghỉ học, bị bệnh... Chỉ là những việc không tên nhưng cần rất nhiều thời gian và công sức của cả cha và mẹ. Nhưng thời gian này, cha mẹ cũng lại rất bận bịu vì công việc riêng của bản thân mình.

Đây là thời gian cả hai đều cần phải chứng tỏ mình với sếp, phấn đấu được lên chức, lên lương, do vậy mà ai cũng muốn mình thoát được “gánh nợ” đó. Các ông chồng đều nghĩ ra nhiều lý do để trốn việc và dần đổ hết việc nhà lên vai vợ vì thấy vợ cứ cam chịu… làm hết.

Áp lực cơm áo, gạo tiền; áp lực công việc, con cái, gia đình làm cho cả chồng và vợ đều luôn trong tình trạng stress.

Nếu cả hai cùng chia việc nhà ra để làm, cùng chịu khó lắng nghe, chia sẻ những khó khăn thì thật tốt. Nhưng nhiều ông chồng như anh Chính, anh Ky và những ông chồng nhăm nhe bỏ vợ khác thì không nghĩ vậy. Họ chỉ nghĩ cho bản thân mình.

Cả hai vợ chồng cùng đi làm, nhưng đưa đón con là việc của vợ. Họ không bao giờ dậy sớm được trước 7h và về nhà trước 4h30 vì họ phải làm ăn, tiếp khách (thực chất là chém gió và nhậu nhẹt đàn đúm là chính) và kiếm tiền (cách đưa tiền nuôi con của các ông thì ôi thôi, các chị đã nói nhiều rồi, tôi không bàn thêm nữa).

Vợ, sau khi đi làm về, chưa kịp thay đồ thì đã phải lăn vô bếp chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả nhà. Việc chợ búa, vợ phải tự sắp xếp vào lúc nào đó chồng không cần biết mà vẫn phải đảm bảo việc đưa con đi học đúng giờ (6h30 sáng phải tươm tất ra khỏi nhà, trong khi chồng có thể vẫn đang ngủ, hoặc giả đang tắm táp, cạo râu, lựa chọn quần áo để đi làm). Các bữa ăn phải ngon, nóng sốt và đầy đủ chất dinh dưỡng như nhà hàng, nếu không chồng sẽ chê vợ vụng và có thêm một lý do nữa để đi nhậu, bỏ cơm nhà, có bồ nhí.

Rồi tắm con, cho con ăn và dọn dẹp, lau nhà, nhắc nhở và chỉ cho con học bài. Thu gấp đồ phơi ngoài dây, cho đồ vào máy giặt, soạn đồ cho cả nhà mai đi làm... Những việc không tên mà các ông chồng mặc định là dành cho vợ mình, dành cho người chân yếu tay mềm nhưng mang cái mác là “phụ nữ”, là “vợ”.

Vợ muốn đi học để nâng cao kiến thức nhưng là điều không thể vì không biết phải tranh thủ vào lúc nào.

Anh Chính than rằng anh bệnh phải tự đi mua thuốc, tự mua hoặc nhờ đồng nghiệp nữ mua đồ mặc, tự ủi đồ, giặt đồ… Tôi thấy đàn ông các anh ghê gớm quá. Chúng tôi và các anh khác gì nhau mà chúng tôi làm được mà các anh lại không? Các anh tự cho mình là trụ cột gia đình, là gốc tùng mạnh mẽ của chúng tôi sao lại trút lên chúng tôi tất cả những việc mà bản thân các anh đều có thể làm rất tốt?

Chúng tôi vẫn tự làm những việc như vậy cho mình đấy thôi. Đấy là chưa tính tới việc mua đồ cho các anh, các anh còn chê ỏng chê eo, nhưng mặc đi làm được mọi người khen thì về nhà lại cười cười như không có chuyện ỏng eo trước đó.

Lo chuyện nhà, lo cho các con, cho gia đình nội ngoại, cô dì chú bác hai bên, các anh còn muốn chúng tôi lo cho cả các anh-những người đàn ông trưởng thành nữa sao?

Không mó tay chia sẻ việc nhà, trong lúc chúng tôi rửa chén bát, còng lưng lau nhà thì các anh vắt chân chữ ngũ coi tivi. Đấy là chưa tính tới việc chẳng may sơ sót việc gì, nhà cửa có lộn xộn vì hồi chiều vợ mắc công việc sếp giao nên về trễ chút, cơm chưa kịp nấu xong cho các anh ăn, con chưa kịp tắm thì các anh sẽ cằn nhằn, chê bai vợ chậm chạp, không giỏi như vợ… thằng nọ, thằng kia, thằng hàng xóm, rồi các anh... đi nằm coi tivi chứ không thò tay giúp bất cứ việc gì. Có thể vừa coi vừa “lên lớp” vợ như ôsin, bắt vợ phải dọn cơm nhanh lên, con tắm sau cũng được…

Việc nhà vừa xong, cho con đi ngủ, muốn ngả lưng nghỉ ngơi thì các anh lại muốn chúng tôi phải thăng hoa, phải sành điệu như những cô gái tuổi 18 đôi mươi phục vụ các anh. Thử hỏi, ức chế, mệt mỏi vậy, một lời chia sẻ quan tâm, hỏi han ở các anh cũng không có, làm sao chúng tôi đáp ứng các anh được.

Không được đáp như mong muốn, các anh lại có cớ đi ra ngoài cặp bồ, có cớ “chia sẻ” với những cô bạn đồng nghiệp sẵn sàng đón nhận các anh vì vốn dĩ cô ấy không phải gánh cho các anh từng ấy công việc nhà, không phải chăm sóc con cái của các anh. Các cô ấy chỉ có mỗi việc đi ăn uống chơi bời và tiêu xài mua sắm với các anh thôi. Nhưng rồi sau đó thì sao? Lỡ may các anh bệnh hoạn, già yếu đi, hết tiền thì xảy ra chuyện gì các anh cũng đều biết.

Cả ngày quay cuồng với từng ấy việc, cuối ngày chúng tôi muốn được chia sẻ với chồng mình; muốn được nói chuyện con cái, giá cả hàng hóa lên xuống với các anh nhưng không may là các anh đều cho rằng đã đưa tiền rồi thì hết trách nhiệm, các anh không có nhiệm vụ phải nghe những khó khăn dù là chuyện học hành của con cái, hay giá cả leo thang.

Về nhà, các anh chỉ muốn… ngủ. Lúc đó các anh chỉ muốn chúng tôi “phục vụ” các anh nên có nói chuyện gì ngoài “chuyện đó” các anh cũng đều quy là chúng tôi càm ràm, kể lể, lắm mồm… và rồi cãi nhau. Các anh chỉ muốn nghe những lời yêu thương nũng nịu, chúng tôi lại muốn được lắng nghe, chia sẻ, được thấy thái độ quan tâm của các anh…

Các anh đều biết “phụ nữ yêu bằng tai”, nếu thực sự bận bịu không thể chia sẻ việc nhà với vợ thì ít ra các anh hãy tỏ ra thương yêu vợ mình, hỏi han và cố gắng chia sẻ những việc nào có thể; tỏ ra thông cảm với những vất vả của cô ấy thay vì coi rẻ những việc làm của cô ấy vì cho rằng đó là việc của đàn bà. Chắc chắn, chúng tôi ai cũng mềm lòng và ngoan ngoãn phục vụ các anh đến hết sức có thể.

Sự tận tụy của chúng tôi với gia đình như vậy là chưa đủ với các anh sao? Và giờ các anh muốn bỏ vợ. Vậy thì bỏ đi. Các anh cho rằng vì các con còn nhỏ nên không nỡ nhưng tôi nghĩ các anh còn do dự là vì chưa chắc đã kiếm được ai tận tụy như vợ mình thôi, vì nếu có người rồi các anh sẽ nhất quyết bỏ vợ nhanh thôi.

Các chị cũng nên mạnh mẽ, tự chủ lên. Không nên vì quá yếu lòng mà cứ cúc cung tận tụy hầu hạ chồng mình đến nỗi bản thân mình không chăm sóc, để già đi trước tuổi như thế. Các chị hãy sắp xếp công việc để đi café với bạn bè, thỉnh thoảng đi spa thư giãn. Hãy sống cho bản thân mình nữa các chị ạ. Tiếc chi một người đàn ông như thế.


Link Site
Thông tin do bạn đọc cung cấp và chịu trách nhiệm về tính xác thực. Tòa soạn giữ quyền biên tập và thay tên, địa chỉ nếu cần. Các bài viết gửi về [email protected].
Chủ đề mới
Nhắn gửi người thương
Lien he quang cao