Mỹ quá "nuông chiều", Triều Tiên mới "sinh hư"?
 Thứ Sáu, 30/03/2012 --- cập nhật 02:29 GMT+7


Tại sao Triều Tiên nhất quyết phóng tên lửa vệ tinh bất chấp cơn thịnh nộ của Mỹ và lời khuyên của "đồng minh ruột" Trung Quốc? Đơn giản, đây là phép thử khôn ngoan họ đặc biệt dành cho Tổng thống Mỹ Obama.
 
Mỹ quá nuông chiều Triều Tiên?

Cái hạn 15/4 là sinh nhật 100 tuổi của Chủ tịch Kim Nhật Thành, cũng là thời khắc chính quyền Kim Jong-un phải thực hiện lời hứa đưa Triều Tiên trở thành “một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng”. Đó dường như chính là cú huých để Triều Tiên thỏa hiệp với Mỹ.

Theo đó, Triều Tiên đồng ý ngừng làm giàu uranium, tiến tới chấm dứt chương trình hạt nhân, trải thảm đón thanh sát viên quốc tế vào các cơ sở hạt nhân trong nước…

Đổi lại, Mỹ đồng ý viện trợ cho Triều Tiên 240.000 tấn lương thực – đất nước bao phen khốn đốn vì nạn đói triền miên kể từ năm 1990 không chỉ bởi phải hứng chịu hết trận thiên tai này đến thảm họa tự nhiên khác mà còn bởi ảnh hưởng của các lệnh cấm vận hà khắc từ Mỹ.

Tuy nhiên, thỏa thuận này lại nằm trong một chuỗi các nỗ lực sai lầm của Mỹ để hâm nóng lại quan hệ với Triều Tiên với hy vọng kết thúc chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ. Mỹ phải chăng vẫn không nhận ra thực tế, họ đang bị “dắt mũi” dù trước đó, không ít lần từng bị Triều Tiên qua mặt.

Đầu tiên là Hiệp định khung năm 1994. Chính quyền Clinton đồng ý cung cấp cho Triều Tiên các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ, dầu mỏ và các cam kết đảm bảo an ninh. Đổi lại, Triều Tiên hứa hẹn đóng cửa và tháo dỡ một số chương trình hạt nhân hiện có, cấp quyền thanh tra, giám sát cho các thanh sát viên quốc tế, tôn trọng Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đã ký...

Tuy nhiên, cuối cùng, Triều Tiên bội ước, tiếp tục làm giàu plutonium – vật liệu để chế tạo một quả bom nguyên tử. Không dừng lại ở đó, Triều Tiên còn tiến hành xây dựng thêm các cơ sở hạt nhân bí mật đồng thời rút khỏi NPT.

Tương tự như vậy, năm 2005, chính quyền Bush đi theo vết xe đổ của chính quyền Clinton. Tháng 9/2005, sau nhiều năm kiên trì theo đuổi các vòng đàm phán sáu bên, Mỹ một lần nữa, thuyết phục được Triều Tiên “từ bỏ hoàn toàn giấc mơ hạt nhân gây tranh cãi”.

Cũng như chính quyền Clinton, chính quyền Bush phấn khởi ra mặt và hứa hẹn sẽ thực thi các cam kết an ninh, cứu trợ kinh tế, bình thường hóa quan hệ và đảm bảo nguồn cung điện năng dồi dào cho Bình Nhưỡng. Không lâu sau đó, Triều Tiên ngựa quen đường cũ, bội ước khi tháng 10/2006, Triều Tiên làm cả thế giới bàng hoàng khi lần đầu tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân.

Một vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Ảnh minh họa: Reuters.


Lịch sử dường như lặp đi lặp lại. Chính quyền Obama bị một vố đau bởi tính khí thất thường của Bình Nhưỡng khi chỉ vài tuần sau khi ký thỏa thuận đổi chương trình hạt nhân lấy lương thực với Mỹ, Triều Tiên công bố phóng vệ tinh vào ngày 16/4 tới – động thái không quá bất ngờ nhưng Mỹ vẫn “nổi cơn tàm bành”.

Mỹ và đồng minh của họ khăng khăng cáo buộc kế hoach phóng vệ tinh chỉ là chiêu trá hình cho một vụ thử tên lửa tầm xa và rồi vừa trực tiếp đe dọa vừa ra sức nhờ cậy cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc gây áp lực với mong mỏi Triều Tiên đổi ý.

Thực tế, ngay từ đầu, Mỹ đã được cảnh báo. Một nhóm 5 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ từng đồng lòng gửi thư cảnh báo đến Ngoại trưởng Clinton rằng quyết định của Triều Tiên để ngừng chương trình hạt nhân chỉ là một “cam kết vô giá trị”. Bức thư được gửi đi thậm chí trước cả khi Nhà Trắng ra thông báo đạt được thỏa thuận với Triều Tiên nhưng chính quyền Obama không màng đến nó.

Những người lạc quan lập luận rằng nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên có một cơ hội để chứng minh các cam kết phi hạt nhân hóa của ông.

Tuy nhiên, họ ngờ nghệch không nhận ra rằng vị thế của Kim Jong-un hiện nay chẳng khác gì so với vị thế của cha hay ông của mình trước đó nên đương nhiên, vị lãnh đạo trẻ của Triều Tiên cũng sẽ đi đến kết luận rằng cách duy nhất để bảo vệ triều đại của gia tộc Kim chính là theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Hơn nữa, lãnh đạo trẻ Kim Jong-un có thể đã nhìn vào cái kết bi thảm của chế độ Libya gần đây và dự đoán tương lai của chính họ. Một vài năm trước, bị “dỗ dành” bởi Mỹ và phương Tây, chế độ Gaddafi của Libya tự nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân của họ. Kết quả là, năm ngoái, họ bị Mỹ và phương Tây lật đổ không thương tiếc.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng nhận ra rằng, họ bằng cách này hay cách khác, câu giờ trong các cuộc đàm phán; thi thoảng gây ra vài vụ “um sùm” với thái độ hiếu chiến, đầy khiêu khích, có thể khiến Mỹ và đồng minh của Mỹ “bầm gan tím ruột” nhưng Washington có thể làm gì hơn là tìm đủ cách “dỗ dành” họ quay lại bàn đàm phán.

Trên thực tế, thỏa thuận trao đổi giữa Mỹ và Triều Tiên, có không ít lỗ hổng, có thể xuất phát từ sự quá ư dễ dãi hoặc những sơ xuất tai hại của Mỹ.

Đầu tiên là, thỏa thuận đã “bỏ quên mất” chương trình làm giàu plutonium của Triều Tiên – vật liệu chính để chế tạo một quả bom nguyên tử. Thật vậy, trong thỏa thuận Mỹ - Triều, không có bất cứ cụm từ nào đả động đến kho vũ khí hạt nhân hiện có của Triều Tiên.

Thứ hai, chính quyền Obama, cũng như chính quyền Clinton hoặc Bush, không yêu cầu Triều Tiên chấm dứt hoạt động xuất khẩu tên lửa và công nghệ hạt nhân. Đây là một sơ xuất vô cùng nghiêm trọng từng tạo điều kiện cho Triều Tiên giúp Syria xây dựng một lò phản ứng hạt nhân và bán các tên lửa cho Iran, thu về nguồn ngoại tệ đáng kể.

Vẫn chưa dừng lại ở đó, Mỹ ngờ nghệch đặt kỳ vọng vào hiệu quả hoạt động của giới thanh sát viên quốc tế khi theo thỏa thuận đã ký, Triều Tiên sẽ cấp phép thanh tra khu liên hợp hạt nhân Yongbyon. Trong khi đó, nhiều năm nay, Triều Tiên cấm cửa các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc và tiến hành xây dựng các cơ sở hạt nhân ở những địa điểm bí mật khác.

Phép thử hoàn hảo sự kiên nhẫn của Obama?

Trong ba năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống, Obama đã không ngoan khi tránh bị lôi vào đặc cược với Bình Nhưỡng. Không như chính quyền Bush – cứ cố níu kéo một cách vô vọng Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán và ra sức dỗ dành, chiều chuộng “kẻ có tính khí thất thường” bằng việc nhượng bộ nhiều hơn, chính quyền Obama chỉ giữ liên hệ tối thiểu với chế độ của Triều Tiên ở mức tối thiểu.

Chính quyền Obama không kỳ vọng đạt được thỏa thuận với Triều Tiên để rồi sau đó, giống như chính quyền Clinton hoặc Bush, phải chịu đựng các hành động khiêu khích và nỗ lực thỏa mãn mọi yêu sách của Bình Nhưỡng.

Ba năm đầu trong nhiệm kỳ Tổng thống, Obama (trái) cố tránh vết xe đổ của Clinton (giữa) hoặc Bush (phải), không nỗ lực theo đuổi một thỏa thuận để chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ảnh minh họa: Swamppolitics.

Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi với cái chết của Chủ tịch Kim Jong-il cuối năm ngoái và sự kiện con trai ông, Kim Jong-un giành quyền “kế vị” cha.

Chính quyền Obama quyết định đánh một canh bạc lớn khi ký thỏa thuận đổi lương thực lấy vũ khí hạt nhân với Bình Nhưỡng, đảo ngược chính sách đối ngoại vẫn duy trì những năm về trước với nước này vào ngày 29/2.

Trước thềm bầu cử Tổng thổng Mỹ, Obama có lẽ kỳ vọng vào chiến thuật tranh cử đầy rủi ro khi theo đuổi các giải pháp chính trị nhằm kết thúc chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran mà nếu thành công, ông cầm chắc chức Tổng thống Mỹ trong tay, thêm bốn năm nữa.

Tuy nhiên, rõ ràng, cho đến thời điểm này, Obama đã thua cuộc trong canh bạc của mình. Ông tự đẩy mình vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Clinton và Bush khi “ngây ngô” kỳ vọng Kim “con” có thể sẽ có suy nghĩ khác so với cha và ông nội của ông.

Trên thực tế, lúc này, Bình Nhưỡng đang thực hiện hai chiến thuật cùng một lúc để thúc đẩy  cho một cuộc khủng hoảng mới. Chiến thuật thứ nhất, cố gắng phá vỡ lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc yêu cầu Triều Tiên không được tiến hành bất cứ vụ thử tên lửa nào sau các vụ thử hạt nhân của nước này năm 2009.

Chiến thuật thứ hai, kiểm tra mức độ kiên nhẫn của chính quyền Obama thế nào để tiếp tục duy trì tiến trình ngoại giao.

Một vụ phóng "vệ tinh" nhờ tên lửa đẩy xét về mặt kỹ thuật, có thể khác so với một vụ phóng tên lửa thông thường nhưng kết quả của chúng cơ bản như nhau. Có vẻ như Triều Tiên đang muốn chờ xem liệu chính quyền Obama có nhượng bộ và nhờ vậy, họ có thể coi khinh các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Nếu Tổng thống Obama chấp nhận vụ phóng vệ tinh trên danh nghĩa và tiếp tục viện trợ lương thực cho Triều Tiên, Bình Nhưỡng, rõ ràng giành chiến thắng giòn giã. Từ đó, họ gần như chắc chắn sẽ nỗ lực gấp đôi cho chương trình tên lửa đạn đạo và Iran có thể là một trong những khách hàng tiềm năng quan trọng của họ.

Không dừng lại ở đó, Bình Nhưỡng sẽ còn trưng ra các hành động khiêu khích mới để có thêm viện trợ từ Washington.

Tuy nhiên, nếu chính quyền Obama cứng rắn ngừng cung cấp viện trợ như đã cam kết, đẩy Bình Nhưỡng vào đường cùng, với nỗi ê chề bị mất mặt với người dân, họ sẽ bất chấp tất cả, tiến hành các vụ thử tên lửa thực sự và cáo buộc quyết định của Mỹ chính là lý do buộc họ phải hành động như vậy.

Đáng nói là, cả hai khả năng trên đều dẫn đến chung một kết quả, cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên ngày càng bị đẩy đi xa hơn và Bình Nhưỡng sẽ đòi hỏi Mỹ phải nhượng bộ nhiều hơn.

Mỹ phải chăng đang lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”? Lựa chọn tốt nhất cho họ hiện nay là gì?

Không còn cách nào khác, Washington phải chấp nhận tham gia cuộc chơi của Bình Nhưỡng nhưng không bao giờ chấp nhận các quy tắc do họ đặt ra.

Nếu Triều Tiên phóng vệ tinh, Mỹ không chỉ nên ngừng viện trợ lương thực mà còn cần cắt đứt bất kỳ cuộc đàm phán nào với chính quyền Kim Jong-un.

Điều đó sẽ buộc Bình Nhưỡng phải quyết định xem liệu họ có muốn rơi vào tình thế bị cô lập hoàn toàn hay không và điều gì mới thực sự tốt cho họ.
 
Theo Đất Việt

 
  SHOW-BIZ VIỆT
Thanh Thảo và những con nuôi "đúng thời điểm"
 
 

 
  THỂ THAO QUỐC TẾ
Arsenal sẵn sàng “làm gỏi” người anh em QPR
 
 

 
  9X NỔI LOẠN
Những trò phá giời của con nhà giàu đất Sài Thành
 
 

 
  BIẾN ĐỘNG GIÁ VÀNG
"Loạn" giá, vàng sẽ xuống dưới 40 triệu/lượng
 
 


TOP TIN
Trong ngày Trong tuần

1

Anh cấm kết hôn trong thời gian diễn ra Olympic (31/03)

2

Israel mượn đường đánh Iran? (31/03)

3

Đại sứ Mỹ tại Nga gặp nguy hiểm? (31/03)

4

Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân chống lá chắn Mỹ? (31/03)

5

Nhẫn kim cương 70 triệu USD (31/03)

6

Nhật Bản lại dọa bắn hạ tên lửa Triều Tiên (31/03)

7

Rúng động bố đốt xác con gái ruột, mẹ bao che (31/03)

8

Tin sốc ở nước Nga: Cựu lãnh đạo tình báo KGB tự tử (31/03)

1

Vì sao Trung, Hàn tranh nhau dải đá ngầm Ieodo? (26/03)

2

Động đất mạnh 7,2 độ richter làm rung chuyển Chilê (26/03)

3

Nữ tỷ phú xinh đẹp đang ngập nợ bỗng biến mất (25/03)

4

Chấn động với băng đảng kiều nữ tóc vàng (25/03)

5

Khuôn mặt ghê rợn khi người tình phản bội (25/03)

6

Tổng thống Obama lên đường đi Hàn Quốc (25/03)

7

Nhật lệnh triển khai đánh chặn tên lửa Triều Tiên (24/03)

8

Khi gái bao ở Madrid tuyên bố "chiến tranh sex" (24/03)

9

Điểm mặt quan lớn TQ "ngã ngựa" vì tham nhũng (24/03)

10

EU phong toả tài sản của vợ Tổng thống Syria (24/03)