Thứ Năm, 05/04/2012, 18:40 [GMT+7]
.
.

Nguyễn Văn Trỗi và người phụ nữ duy nhất trong đời (I)

(Người nổi tiếng) - Anh chị xây dựng tổ ấm của mình trong một căn nhà vách gỗ, mái lợp lá ở trong hẻm xâu mà anh Trỗi đã hùn tiền với bạn mua lúc mới vào Nam. Tính đến ngày anh Trỗi bị bắt, chị Quyên mới làm vợ anh Trỗi được 19 ngày. Tính cả những ngày anh chị quen nhau, chị mới ở bên anh Trỗi được hơn 1 năm tròn.

9h 45 phút sáng ngày 15 tháng 10 năm 1964, chính quyền Sài Gòn đã xử bắn Nguyễn Văn Trỗi tại ngay sân sau nhà lao Chí Hòa. Khi đó, Nguyễn Văn Trỗi mới 24 tuổi. 9 phút cuối cùng trên pháp trường, khí phách của Nguyễn Văn Trỗi đã làm những kẻ thù phải cúi đầu.

Sau lời hô của anh: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo Đế quốc Mỹ! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!” đã khiến anh được biết đến trên toàn thế giới. Nhưng cũng sau câu nói ấy, có một người con gái chưa tròn 20 tuổi tuổi đã trở thành góa bụa….

Chị Quyên chụp ảnh lưu niệm với đồng đội trong chiến khu
Chị Quyên chụp ảnh lưu niệm với đồng đội trong chiến khu

Chị Phan Thị Quyên đã lên chức bà nội, bà ngoại nhiều năm nay. Chị có một người chồng tốt, hết mực yêu thương chị và trân trọng những kỉ niệm đẹp của cuộc đời chị; chị có hai người con thành đạt, giỏi giang và hiếu kính với ba mẹ; chị có những đứa cháu ngoan ngoãn…những mất mát của chị trong chiến tranh đã được bù đắp bằng một cuộc sống êm đềm hiện tại.

Giờ mái tóc chị đã bạc, chị không còn là cô gái 20 tuổi Phan Thị Quyên khóc thương chồng mấy chục năm về trước, nhưng tôi vẫn xin phép được gọi chị là chị, giống như khi với Nguyễn Văn Trỗi, tất cả chúng ta đều gọi là anh.

Cũng giống như anh Trỗi, chị Phan Thị Quyên sẽ còn trẻ mãi trong những câu chuyện lịch sử mà chúng ta sẽ kể cho con chúng ta, con chúng ta sẽ kể cho cháu chúng ta sau này.

Mối tình của một người Anh hùng

Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Trỗi (là con thứ 3, nên anh còn có tên là Tư Trỗi) cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nghèo tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Nhà nghèo nên thuở thiếu thời, Tư Trỗi đã phải lang thang khắp nơi, hết Đà Nẵng đến Sài Gòn để vì kế sinh nhai. Khi vào Sài Gòn, Nguyễn Văn Trỗi ở với người anh họ tại Vườn Xoài, làm đủ thứ nghề: đạp xích lô, thợ điện.

Ở đất Sài Gòn, Nguyễn Văn Trỗi đã tìm được hai điều quý giá nhất đời mình: thứ nhất là  lòng yêu nước, là lý tưởng cách mạng, lý tưởng của một người Cộng sản; thứ hai là một mối duyên tình tha thiết với người con gái dịu dàng Phan Thị Quyên.

Anh Trỗi bị giải ra pháp trường
Anh Trỗi bị giải ra pháp trường

Ai đến Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sẽ vẫn thấy nơi đây còn lưu lại cây đàn Mandolin – kỷ vật của anh Nguyễn Văn Trỗi và những lá thư tình mộc mạc, nồng thắm mà anh Trỗi và chị Phan Thị Quyên trao gởi cho nhau. Đó là những kỷ vật quý giá vô vàn của chị Phan Thị Quyên về người chồng đã anh dũng hi sinh của mình.

Chị Phan Thị Quyên đến giờ vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên chị và anh Trỗi gặp nhau, đó là một buổi chiều thứ 7 ngày 9/2/1963. Khi đó chị Quyên 16 tuổi. Chị Phan Thị Quyên làm việc tại Hãng bông Bạch Tuyết. Còn anh Nguyễn Văn Trỗi làm thợ điện tại Nhà máy điện Định Quán.

Một người đồng nghiệp của chị là bà con với anh Trỗi đã giới thiệu cho chị Quyên và Tư Trỗi quen nhau. Buổi chiều đầu tiên chị Quyên và anh Trỗi gặp nhau là lúc chị Quyên vừa tan tầm.

Vừa bước ra khỏi cổng Hãng bông Bạch Tuyết, chị Quyên đã thấy một người con trai đứng bên kia đường với sơ mi trắng dài tay cài măng sét, đóng thùng; chiếc quần tây ống rộng, chùm chìa khóa treo lủng lẳng bên hông.

Thấy chị, anh đến gần bên chị, mỉm cười thật hiền, anh giới thiệu ngắn gọn: “Tui thứ tư trong nhà. Quyên cứ kêu tui là Tư”. Chiều đó chị đạp xe đạp, anh chạy chiếc Mobylette bên cạnh. Họ quen nhau…

Chị Phan Thị Quyên nói, buổi chiều định mệnh năm chị 16 tuổi ấy để lại rất nhiều cảm xúc và ấn tượng đặc biệt trong tâm hồn thiếu nữ cảu chị.

Ấn tượng của chị về anh chính là chiếc quần ống rộng mà anh mặc, trong khi hồi đó chiếc quần ống chật đang hợp thời, được nhiều nam thanh niên ưa dùng. Chị nhận thấy ở anh sự khác biệt. Và vì thế chị đã dành tình cảm đặc biệt cho anh.

Quen nhau 2 tháng trời, chị chỉ biết anh tên là Tư. Chỉ đến khi nhận được lá thư đầu tiên anh gửi ngày 7 tháng 4 năm 1963 trong một dịp chị về quê, trong đó có câu:

“Chúc em ăn ngon, ngủ nhiều và ráng uống nước mỗi ngày đủ hai lít”, thì chị mới biết anh tên là Nguyễn Văn Trỗi nhờ chữ ký phía dưới. Đấy cũng là lần đầu tiên, anh Nguyễn Văn Trỗi gọi chị Quyên là “em”.

Chị Quyên nhớ hồi quen nhau, mỗi khi chị Quyên đạp xe sang nhà anh Trỗi chơi, anh đều mang chiếc đàn mandolin của mình ra khu vườn nhỏ phía sau nhà ngồi đàn cho chị nghe. Khi đó ánh mắt anh nhìn chị sao da diết, dịu dàng đến thế.

Nhờ những buổi gặp gỡ đẹp như trong mơ ấy mà chị Quyên đã nhận ra chị đã tìm được nơi nương tựa vững chãi của cuộc đời chị. Hồi đó tiểu chuẩn chọn lựa của chị đơn giản lắm, chỉ cần một người đứng đắn, đàng hoàng, hiền lành, không mèo mỡ và không đi lính là chị ưng.

Anh Trỗi hiền lành, chịu khó và yêu chị, không chỉ thế anh còn lãng mạn và chiều chuộng chị hết mực.

Đám cưới của anh chị diễn ra với sự ủng hộ của gia đình hai bên. Gia đình chị là người gốc Bắc nên lễ cưới phải có trầu cau, có cốm để biếu hàng xóm. Ngày cưới chị là ngày 21 tháng 4 năm 1964, gia đình anh Trỗi đến, làm đủ thủ tục truyền thống rồi rước chị về khu chợ Kiến Thiết (thuộc Phú Nhuận ngày nay).

Anh chị xây dựng tổ ấm của mình trong một căn nhà vách gỗ, mái lợp lá ở trong hẻm xâu mà anh Trỗi đã hùn tiền với bạn mua lúc mới vào Nam. Tính đến ngày anh Trỗi bị bắt, chị Quyên mới làm vợ anh Trỗi được 19 ngày.

Tính cả những ngày anh chị quen nhau, chị mới ở bên anh Trỗi được hơn 1 năm tròn. Nhưng chị Quyên đã có những kỉ niệm ngọt ngào về những ngày tháng dịu dàng anh chị yêu nhau và là vợ chồng của nhau. Chị Quyên bảo anh Trỗi là người sống ân cần, tình cảm.

Từ khi quen nhau, yêu nhau rồi thành vợ chồng, lúc nào đối với chị, anh cũng cư xử tình cảm như thế. Ngày ngày anh chở chị đi làm, nếu chị xuống xe mà không nói với anh lời nào, thì anh dứt khoát không đi. Chị phải nói:

“Anh đi nhé, em vô làm đây”, anh mới chịu. Nếu lúc anh về nhà mà chị đã về, mà không thấy chị ra đón hay không cười nói với anh một tiếng, thì anh cũng ngồi trên xe máy cho đến khi chị chịu nở nụ cười mới bước xuống.

Với chị, anh còn dịu dàng hơn thế. Mỗi khi có thời gian bên nhau, anh thường ngồi chơi đàn mandolin cho chị nghe như hồi mới yêu. Khi chị đi làm, anh thường đứng nhìn chị cho đến khi khuất dạng….

Người ta bảo những người Cộng sản là khô khan, nhưng với chị anh là người lãng mạn nhất. Lúc anh chị còn là vợ chồng, anh luôn muốn cuộc sống vợ chồng ngập tràn sự yêu thương và dịu dàng.

Vì thế, khi biết anh là một người Cộng sản, một người chiến sĩ Cách mạng, chị hoàn toàn bất ngờ về sự thật mà anh đã giấu chị.

Anh chị quen nhau 1 năm trước khi cưới rồi mới thành vợ thành chồng trước sự chứng kiến của bà con hai họ, nhưng chưa bao giờ anh nói cho chị biết anh theo Cách mạng, dù lúc đó anh đã tham gia tổ chức Biệt động thành.

Anh giấu chị không phải vì anh không tin chị, mà vì anh sợ chị biết được sẽ lo lắng. Hồi đó trước mặt chị Quyên, đã không ít lần anh Trỗi thể hiện cảm tình của mình với Cách mạng.

Mỗi khi báo chí đưa tin Việt cộng thắng trong một trận đánh nào đó, anh Trỗi lại tỏ ra rất vui mừng, khen Việt Cộng đánh thiệt là hay, thiệt là giỏi.

Khi đó, chị Quyên chỉ nghĩ anh Trỗi yêu quý những người lính Việt Cộng và ủng hộ những việc họ làm, chứ không nghĩ anh Trỗi đã là một phần trong số họ. Đến ngày anh Trỗi bị bắt, chị Quyên cũng vẫn chưa tin chồng mình là Việt Cộng…

(Kỳ II: Nguyễn Văn Trỗi và người phụ nữ duy nhất trong đời)

  • Trầm Xuân
;
.
.