Dạy thêm học thêm (DTHT) lại bắt đầu "nóng" lên khi năm học 2011-2012 sắp kết thúc. Nhiều phụ huynh có tâm lý là trong những tháng hè không có điều kiện để quản lý con nên phần lớn chọn giải pháp đưa đến với lớp học thêm. Cũng bắt nguồn từ đây mà ngay từ bây giờ không ít trường đã lên kế hoạch dạy thêm trong nhà trường, còn giáo viên (GV) thì đang xoay xở để mở lớp ở bên ngoài.
Với mục đích nhằm thắt chặt hơn hoạt động DTHT ở cả trong và ngoài nhà trường, thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy định mới để quản lý hoạt động này. Trên nền dự thảo Bộ GD-ĐT công bố để xin ý kiến nhà quản lý đều cho rằng: Lâu nay không ít địa phương có thừa các quy định về xiết chặt DTHT. Quan trọng ở đây là thanh tra, kiểm tra như thế nào mà thôi. Tuy nhiên với cách cho rằng quản lý DTHT bằng quy định trên giấy tờ thì bài toán này không thể giải quyết được.
Quy định chỉ là nền tảng để giải quyết
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), DTHT là một nhu cầu thực tế bởi cách thi cử hiện nay. Mấu chốt của việc giải quyết bài toán này là phải từ gốc. Việc ban hành các văn bản quy định mới chỉ giải quyết được phần ngọn, nói cách khác là mang tính hình thức.
Có thể nhận thấy chương trình học hiện nay rất nặng. Bên cạnh đó cách dạy và thi chưa hiệu quả, phần lớn học sinh (HS) vẫn có thói quen chỉ học thuộc lòng chứ chưa có ý thức tư duy là tự học. Chính vì thế trước hết cần thay đổi nhận thức, quan niệm học tập đó là học để chiếm lĩnh, sáng tạo tri thức, học để làm người chứ không chỉ đơn giản học để thi. Nếu giải quyết được các vấn đề này thì không cần có văn bản quy định quản lý thì DTHT cũng khó mà phát triển mạnh mẽ được.
Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD-ĐT) cho hay, nếu việc DTHT được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của HS thì không có gì phải bàn cãi cả. Điều đáng phê phán trong hoạt động dạy thêm là có một bộ phận GV xuất phát từ động cơ vụ lợi, bằng nhiều cách khác nhau bắt ép HS học thêm gây bức xúc đối với xã hội.
Các thầy cô giáo ở các trường ở địa bàn Hà Nội, Hải Phòng… đều cho rằng không khó để đưa ra các “thủ thuật” để ép HS đến với học thêm. Quan trọng ở đây là cái tâm của người thầy. Ngay như cả văn bản quy định trước đây cũng như dự thảo bây giờ thì khái niệm “tự nguyện” rất khó để đánh giá. Hiện nay có lớp dạy thêm nào mà không có chữ ký của phụ huynh đồng ý cho con đi học. Tuy nhiên vì sao phụ huynh lại phải ký vào cho dù trong thâm tâm không muốn là điều mà ngành giáo dục phải giải mã.
Một lớp dạy thêm ở Quảng Ngãi.
Chị H., một phụ huynh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) có con đang học Trường tiểu học C.G than thở: “Thông thường thì 16h45 các con được tan học nhưng trường lại mở ra các lớp giáo dục kỹ năng, câu lạc bộ…, qua đó phụ huynh lại phải “tự nguyện” đồng ý cho các em tham gia. Song trên thực tế các tiết học này là dạy Toán, Tiếng Việt. Bức xúc lắm nhưng đành phải im lặng thôi”.
Trong khi đó, các bậc phụ huynh khác tiết lộ thêm: “Để thuận tiện cho việc tổ chức dạy thêm, không ít GV thuê địa điểm ngay tại trường học. Mục đích của việc làm này nhằm tạo thuận lợi cho cả cô lẫn trò”.
Trước những khó khăn cả về công tác thanh tra cũng như hình thức biến tướng của DTHT, không ít lần trong các cuộc giao ban sơ kết định kỳ, lãnh đạo các địa phương than rằng khó kiểm soát DTHT. Tuy nhiên theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì DTHT tràn lan không khó để ngăn chặn, vấn đề là ở chỗ có quyết tâm hay không. Khi phát hiện ra sai phạm cần phải xử lý kiên quyết, không thể cứ “vuốt ve” hay “chườm đá” mãi được. Nếu vẫn còn động thái này thì “bệnh chỉ có tăng chứ không có giảm”.
Địa phương cần quyết tâm vào cuộc
Những năm gần đây, việc HTDT ở Hải Phòng bị biến tướng.Tình trạng DTHT tràn lan ngoài nhà trường theo hình thức mở các lớp bồi dưỡng HS giỏi, HS có học lực yếu kém… Dư luận nơi đây cũng cho rằng, GV ép HS phải học thêm bằng nhiều cách như không dạy hết chương trình trên lớp, để lại một lượng kiến thức để dạy thêm ngoài nhà trường. Nếu HS không học thêm sẽ bị GV đối xử không công bằng, thậm chí trù dập, cho điểm kém...
Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, vào tháng 1/2012 ngoài việc xiết chặt bằng văn bản quy định Sở GD-ĐT Hải Phòng còn quy trách nhiệm đối với hiệu trưởng khi tổ chức dạy thêm trong nhà trường sai quy định. Chưa dừng lại ở đó, Sở này còn yêu cầu GV phải ký cam kết thực hiện 8 điều bắt buộc khi mở các lớp học thêm ngoài nhà trường. Trong cam kết đặc biệt nhấn mạnh, đối với bậc tiểu học không được dạy thêm sau 17h30; Đối với bậc trung học, không được dạy thêm sau 19h30. Không dạy thêm với HS tiểu học đã học 2 buổi/ngày. Giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không được dạy HS mà mình giảng dạy ở trên lớp. Không được ép HS đi học thêm. Học phí học thêm theo đúng quy định của UBND thành phố trên cơ sở tự nguyện đóng góp của HS. Có danh sách nộp tiền học thêm có chữ ký của HS theo từng tháng học, …
Cũng để hiện sự nghiêm khắc của mình Sở GD-ĐT cũng ràng buộc trách nhiệm với GV đó là, nếu làm sai sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cấp quản lý và nhận hình thức kỷ luật theo quy định của ngành.
Ngoài ra, nhằm giám sát việc này, Thanh tra Sở GD-ĐT Hải Phòng đã thiết lập đường dây nóng cho GV, các bậc phụ huynh và HS phản ánh những việc làm sai trái, việc làm không đúng quy định để kịp thời chấn chỉnh.
Ông Đỗ Văn Lợi - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết: “Sau hai tháng triển khai quyết liệt, tình trạng DTHT tràn lan đã được chấm dứt và dần đi vào nề nếp. Việc yêu cầu HS học vào các khoảng thời gian không hợp lý đã được hạn chế, việc ép HS đi học thêm đã giảm”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi Hải Phòng bắt đầu triển khai quy định siết chặt thì đã có nhiều luồng dư luận khác nhau. Thậm chí ở quận Lê Chân, hầu hết các GV chưa đồng tình với bản cam kết quy định “cứng” của Sở GD-ĐT nên không đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên với việc quyết xóa bỏ việc DTHT tràn lan nên Hải Phòng đã cương quyết giữ nguyên các điều khoản cam kết.
Lãnh đạo Hải Phòng cho hay, việc đưa ra những quy định “cứng rắn” quản lý DTHT nhằm giúp HS có thời gian vui chơi, giải trí và có thời gian tự học, tránh học thêm tràn lan. Quan trọng hơn là thông báo đến các bậc phụ huynh rằng khi GV đã dạy HS chính khóa và HS đã được học thêm ở trong nhà trường thì các kiến thức cơ bản mà Bộ và Sở yêu cầu đã được GV truyền thụ đầy đủ đến mỗi HS.
Qua câu chuyện ở Hải Phòng cho thấy, việc Bộ GD-ĐT ban hành văn bản quy định chỉ mang tính chất định hướng còn tùy cách thức hoạt động DTHT ở mỗi địa phương mà nên giao cho các Sở GD-ĐT chủ động đưa ra các hình thức quản lý phù hợp.
Bên cạnh đó xã hội cũng cần phải có cách nhìn nhận đúng đắn về hiện trạng này và quan trọng hơn là luôn có ý thức sẵn sàng phản ánh những dấu hiệu sai phạm để ngành giáo dục chấn chỉnh kịp thời. Quy định dù sao chỉ mang tính chất là nền tảng hướng dẫn quản lý chứ không phải là “chiếc đũa thần” để giải quyết bài toán DTHT.
Nguyễn Hùng