"10 năm nữa mọi người sẽ phải cảm ơn Bộ trưởng Đinh La Thăng"

Thứ hai 09/04/2012 06:42
(GDVN) - "Với tầm nhìn sâu xa từ việc tiến hành thu phí giao thông để đầu tư cho hạ tầng giao thông, chắc chắn bộ mặt giao thông, ùn tắc, tai nạn sẽ giảm và sau 10 năm nữa mọi người sẽ phải quay lại để cảm ơn Bộ trưởng Đinh La Thăng...".
Xung quanh đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ ý kiến về đề nghị thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ Giao thông vận tải mới đề nghị đổi tên. 

Bên cạnh những ý kiến cho rằng đây là phương án khó khả thi thì cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự đồng tình, đánh giá đề xuất của Bộ trưởng Đinh La Thăng rất mạnh mẽ, mang tính đột phá với tầm nhìn xa. Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải một bài viết của độc giả Nguyễn Tuấn Ninh với những đánh giá, nhìn nhận về vấn đề này của một bạn đọc gửi đến tòa soạn. Mời độc giả cùng theo dõi:

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, trong những ngày qua, các thông tin xung quanh đề án thu phí giao thông do Bộ GTVT đệ trình lên Chính phủ đã tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đã có rất rất nhiều các chuyên gia, của người dân ở mọi tầng lớp khác nhau cùng bày tỏ những quan điểm, ý kiến trái chiều khác nhau của mình xung quanh đề án này.

Và kể cả khi Bộ trưởng Đinh La Thăng trong buổi họp báo về phiên họp Chính phủ tháng 3/2012, đã khẳng định sẽ chưa thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, việc thu phí hạn chế xe máy chỉ được thực hiện ở ở nội độ năm thành phố lớn, nhưng câu chuyện này vẫn nóng, vẫn nhận được nhiều lời bàn thảo của người dân.

Bộ trưởng Đinh La Thăng (ảnh: VNN).

Và tôi, một công dân đang sinh sống tại thủ đô Hà Nội, ngày ngày theo dõi các thông tin, ý kiến, tranh luận của các chuyên gia, người dân và kể cả ý kiến của Bộ trưởng Thăng, các Thứ trưởng..., tôi thấy rằng thay vì đưa ra những ý kiến như đại bộ phận người dân là đi phản đối với lý do về kinh tế, an sinh xã hội... thì mình nên có một cái nhìn khác khách quan hơn, hướng lên với một tầm nhìn xa hơn về đề án thu phí giao thông đường bộ này.

Trước hết, chúng ta thấy rằng, mục đích của đề án thu phí phương tiện cá nhân này nhằm mong muốn giảm dần tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, đồng thời góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đang là những căn bệnh trầm kha cần phải giải hiện nay.

Chưa xét việc khi áp dụng thực tế việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông này vào như thế nào, nhưng mới chỉ xét ở khía cạnh bên ngoài, ngay từ tên gọi "thu phí" và mục đích đã cho thấy đây là một giải pháp được Bộ trưởng Thăng đưa ra mang tính mạnh mẽ, táo bạo và có tầm nhìn xa để giải quyết dần vấn nạn này.

Tôi dám nói như vậy, bởi một lẽ, như chúng ta vẫn đang bàn thảo với nhau, vấn đề tắc đường hiện nay chính do một phần lớn nguyên nhân từ kết cấu hạ tầng giao thông của chúng ta thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển nhanh chóng của các thành phố lớn nói riêng, cả nước nói chung.

Và cũng như nhiều người, kể cả các chuyên gia đã khẳng định, muốn giải quyết được vấn đề này, không phải  một sớm, một chiều và cũng không phải chỉ có một mình Nhà nước tham gia là đủ, bởi lẽ lượng vốn để có thể tiến hành nâng cấp, cải tạo, mở rộng mạng lưới giao thông hiện nay là rất rất lớn.

Chính vì vậy, thu phí giao thông, như cách nhìn nhận của tôi thì đây chính là một giải pháp mang tình dài hơi hơn của Bộ trưởng Thăng để tạo thêm nguồn lực cho việc phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông.

Với mọi giải pháp và đặc biệt ở giải pháp thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, có thể trong thời gian đầu với tầm nhìn chưa được xa, chưa thấy hết các vấn đề tích cực sau này, nhiều người sẽ cho rằng, việc thu như vậy là bất hợp lí, tiền chúng tôi bỏ ra rồi nhưng những gì nhận lại chưa nhiều... Nhưng, mọi người hãy thử nhìn lên xa hơn một chút, trong vòng  5 - 10 năm tiếp theo, sẽ thấy có những chuyển biến rất tích cực về các vấn đề này.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Bạn có cho rằng nếu người dân nộp phí giao thông thì chất lượng hạ tầng giao thông sẽ được nâng cao?

  • Không
  • không cải thiện được là mấy
  • ý kiến khác


Những khoản tiền phí thu của người dân được thu rồi gộp vào sẽ giúp mở rộng hơn những con đường, xây dựng nhiều hơn các cây cầu, mua được thêm xe buýt và đóng góp phần nhiều vào xây dựng nhanh chóng mạng lưới tàu điện ngầm (metro) ở các thành phố lớn... Khi hạ tầng giao thông được từng bước củng cố, hoàn thiện như vậy thì chắc chắn, bài toán về ùn tắc giao thông sẽ không còn là mối lo thường trực của mọi người.

Cũng cần phải nói thêm rằng, thu phí hạn chế phương tiện cá nhân cũng thể hiện rõ tầm nhìn xa và quyết liệt của Bộ trưởng Thăng trong việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Bởi khi đã đánh vào túi tiền của người dân bằng cách thu phí, nâng mức xử phạt vi phạm luật lệ an toàn giao thông thì chắc chắn chẳng có ai dại gì vi phạm để phải bỏ tiền ra nộp cả. Và đồng thời với đó, mọi người sẽ có ý thức hơn trong việc sử dụng phương tiện cá nhân một cách hợp lí, khoa học hơn, tránh gây ùn tắc.

Trên thực tế như chúng ta cũng cần phải nói rõ hơn với nhau rằng, trong thời gian qua, đã có rất nhiều các giải pháp đã được chúng ta đưa ra ở các thành phố lớn như phân làn, bịt các ngã ba, ngã tư, đổi giờ học... dù tốn kém nhiều tỉ đồng nhưng đó mới chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, không có tầm nhìn xa chính vì vậy, hiệu quả mang lại không đạt được đúng như mong muốn giảm thiểu ùn tắc giao thông... 

Với đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, tôi nhận thấy rõ ràng tầm nhìn như vậy của Bộ trưởng Thăng chẳng khác gì "một mũi tên bắn trúng tới hai đích". Đích thứ nhất vừa giúp tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và đích thứ hai lại vừa góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông của mỗi người dân trong xã hội. Và cái đích lớn nhất, tổng hợp hai đích trên nhằm hướng tới đó là, giảm ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn hiện nay, cũng như tai nạn giao thông.

Với tầm nhìn sâu xa từ thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, tôi tin chắc chắn rằng bộ mặt của giao thông, tai nạn, ùn tắc giao thông sẽ giảm dần và sau 10 năm nữa, có lẽ, với những điều thay đổi theo hướng tích cực như đã nói thì mọi người sẽ phải quay lại để cảm ơn Bộ trưởng Đinh La Thăng vì đề án thể hiện sự mạnh mẽ và có tầm nhìn xa, trông rộng.

Độc giả Trần Tuấn Ninh

Bình luận

Sắp xếp theo:

Lê An - 09/04/2012 09:51

Bác này viết thuê khá đấy ! Chắc chắn sẽ được nâng lương trước thời hạn do có thành tích “xuất chúng”

Kequaduong - 09/04/2012 09:50

Những lời phát biểu và ý kiến nêu trên, mọi người nghĩ xem có thực là một công dân đang sinh sống tại thủ đô Hà Nội phát biểu?

Lý Công Lý - 09/04/2012 09:50

Gửi Trần Tuấn Ninh
Quả thật bạn có tầm nhìn "siêu xa" .Với xã hội hiện nay bạn dựa vào cơ sở nào để nói rằng :Thu phí giao thông thì 10 năm nữa hạ tầng giao thông được cải thiện,ùn tắc và tai nạn giao thông sẽ giảm?

Baby - 09/04/2012 08:35

chắc anh Trần Tuấn Ninh là người giàu có, và không có sử dụng xe máy cũng như xe ôtô, anh chỉ đi bộ.

Thái Vững - 09/04/2012 08:31

Dân ta còn khổ lắm, những người có xe chưa hẳn đã giàu. Tại sao không nghĩ cách chống thất thoát lãng phí trong đầu tư mà cứ tập trung vào thu phí với mức quá cao. Trong khi đó để sử dụng một chiếc xe đã chịu quá nhiều loại thuế và phí rồi. Tôi không đồng tình với bài viết khi thu phí chỉ để giảm ùn tắc ở các thành phố lớn,mà bắt nhân dân cả nước phải chịu

Nguoiduatin - 09/04/2012 08:24

Vấn đề là đầu tư hạ tầng ở Vùng nào? Có lên được các vùng miền núi giao thông vẫn đang đi cực khổ hay lại là Hà Nội,...- một số nơi được đầu tư trọng điểm, có giá trị BĐS cao

Phạm Đăng Khoa - 09/04/2012 08:23

Tôi không đồng tình với tác giả Nguyễn Tuấn Ninh vì tác giả đã nhầm lẫn về mục đích của việc thu phí. Tác giả viết: "chúng ta thấy rằng, mục đích của đề án thu phí phương tiện cá nhân này nhằm mong muốn giảm dần tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, đồng thời góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đang là những căn bệnh trầm kha cần phải giải quyết hiện nay". Cần nói ngay rằng đây là ý tưởng mong muốn chứ không phải mục đích. Mục đích của việc thu phí của các dịch vụ, mà giao thông vận tải cũng không là ngoại lệ, đó là: người sử dụng,tiêu dùng phải trả cho bên phục vụ một khoản tiền gọi là phí tương xứng với chất lượng, khối lượng dịch vụ mà anh được hưởng. Nếu muốn "giảm dần tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, đồng thời góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông,đang là những căn bệnh trầm kha cần phải giải quyết hiện nay" thì phải có giải pháp đồng bộ từ chống tham nhũng, thâm hụt, quản lý yếu kém, rút ruột công trình ...đến giáo dục ý thức cho người dân. Mục đích không rõ, không đúng thì đề xuất tăng thu phí giao như chủ trương hiện nay của Bộ GTVT là sai.

Công Minh - 09/04/2012 08:17

ông Ninh chắc là chỉ ở trong nhà vì lý do gì đó mà không ra ngoài được chăng và sống ở Hà Nội theo dõi trên các phương tiện thông tin hiện đại nên mới có ý kiến như vậy.Ông có nghe các cụ nhà quê nói "Tính cua trong lỗ" không? Ông đã thấy cảnh đường vừa làm xong lại thấy có người đào lắp đường nước không? hãy một việc như vậy để ông nghĩ đã nhé.

Hoàng Thanh Phong - 09/04/2012 08:17

Tác giả không hiểu hay cố tình không hiểu bức xúc của người dân? liệu tiền thu thuế đường (bộ, sông, biển ...) có quay lại đầu tư vào hệ thống giao thông hay lại chạy vào đâu đó, đấy là vấn đề người dân muốn nói; vì có quá nhiều đóng góp kiểu này nhưng lòng tin thì xuống thấp ... mong tác giả hiểu đúng ý của người dân trước khi viết bài! nếu 2 x 2 = 4 thì không cần bài viết này.

Trần Quốc Bình - 09/04/2012 08:15

Giao thông là hình ảnh kinh tế,văn hóa,chính trị của chính quốc gia đó.Qui hoạch và làm giao thông ai làm?Ý thức tham gia giao thông nó không tự sinh ra mà được hình thành từng ngày ,từng giờ...giám sát và xử lý giao thông là chốt cuối trong ý thức đó.Có cho cả núi tiền cũng không thu được một kết quả tốt cho giao thông như hiện nay.