Thứ Ba, 10/04/2012, 06:29 [GMT+7]
.
.

Học trò hào hứng với đề thi luận về màng trinh

(Đời sống) - Đề thi có đoạn: "Ngày nay, đối với nhiều bạn trẻ, cái màng trinh không còn ý nghĩa quan trọng đến thế, thậm chí nhiều người còn ủng hộ quan hệ tình dục trước hôn nhân..."


FPT ra đề thi "ăn khách"

Năm 2012, Đại học FPT tổ chức thi tuyển tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng hai khối ngành Kỹ thuật và Kinh tế. Đề thi bao gồm trắc nghiệm toán, tư duy logic (tiếng Việt) 120 phút và đề thi viết luận (tiếng Việt) trong 60 phút theo yêu cầu cho trước.

Đề thi ra viết luận của trường ĐH FPT ngày 8/4/2012
Đề thi ra viết luận của trường ĐH FPT ngày 8/4/2012

Không bó buộc kiến thức trong phạm vi sách giáo khoa hay giáo trình soạn sẵn, cách ra đề thi 'ăn khách" của Trường ĐH FPT gây hào hứng cho thí sinh.

Đề thi môn viết luận trong kỳ thi thuyển sinh Đại học FPT ngày  8/4/2012 như sau:

“Đại thi hào Nguyễn Du đã viết trong "Truyện Kiều":

"Xưa nay trong đạo đàn bà
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường
Có khi biến, có khi thường
Có quyền, nào phải một đường chấp kinh"

Nhưng chính ông lại cũng viết
"Đạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu"

Ngày xưa, nếu cô dâu bị mất trinh thì coi như mất hết, hôn nhân đỗ vỡ, người vợ bị đem trả lại. Nhưng ngày nay, đối với nhiều bạn trẻ, cái màng trinh không còn ý nghĩa quan trọng đến thế, thậm chí nhiều người còn ủng hộ quan điểm tình dục trước hôn nhân.

Vậy theo bạn, người phụ nữ có nhất thiết phải giữ gìn trinh tiết trước khi về nhà chồng? Và hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người vợ có còn trinh hay không?

Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng những ví dụ từ sách báo và các quan sát của bạn trong cuộc sống.”


“Việc thí sinh lựa chọn quan điểm nào không quyết định tới điểm số, mà quan trọng là thí sinh biết cách phân tích, lập luận đưa ra những ví dụ xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình.

Điều chúng tôi đánh giá chính là tư duy của thí sinh được thể hiện qua bài viết luận”, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH FPT chia sẻ với báo chí.

"Đề của Bộ toàn phải nói dối"?

Đánh giá về đề, các thí sinh đều cho biết đề ra không quá khó, nhưng khá dài, nên yêu cầu thí sinh có kĩ năng tổng hợp, tư duy nhanh nhạy và khả năng phân bổ thời gian hợp lí.

Được biết, các kỳ thi những năm trước, đề thi viết luận của Đại học FPT luôn là dạng “mở”, xoay quanh các vấn đề gần gũi, được học sinh quan tâm như: Hạnh phúc, thay đổi thế giới, tình bạn...

Bạn Đỗ Minh Thắng, sinh viên năm thứ 2 của trường ĐH FPT cũng cho rằng việc ra đề mở của trường là hay và tạo hứng thú đối với học sinh, đánh giá được khả năng phân tích, cách nhìn nhận, kiến thức xã hội của thí sinh sẽ được bộc lộ.

"Em thấy việc ra đề như vậy rất hay, hot và nó cũng đang là vấn đề đang diễn ra trong hiện tại bây giờ. Chuyện trinh tiết đối với xã hội bây giờ cũng hoàn toàn bình thường, trong văn học cấp 3, cấp 2 cũng đã từng đề cập đến nên việc nhắc những ngôn từ như trinh tiết hay cái màng trinh em nghĩ không ảnh hưởng đến các bạn.

Mọi năm trường em ra đề đều là những đề luận mở để học sinh có thể suy nghĩ, nêu được suy nghĩ của mình chứ không gò bó vào các đề phân tích vì vậy mà học sinh thường sáng tạo hơn, biết nói lên những ý nghĩ của mình hơn.

Cách ra đề thi của Bộ Giáo dục mang nặng kiến thức gò bó trong sách vở, chỉ là học thuộc lòng, không có một chút gì là thông minh hay cần tính suy luận của học sinh cả. Hơn nữa, nó cũng không cần đến sự hiểu biết các kiến thức xã hội. Kỳ thi của trường em và kỳ thi của Bộ Giáo dục là hai kỳ hoàn toàn khác nhau".

Đồng quan điểm này anh Vũ Hồng Quân cựu sinh viên đồng thời là người tham gia vào hội đồng trông thi tại kỳ thi tuyển sinh của trường FPT năm nay cũng đánh giá: "Tôi nghĩ, khi đã ra bất kỳ một đề thi nào thì hội đồng ra đề đều có mục đích của mình cả, và mục đích cuối cùng vẫn là đánh giá được khả năng của các thí sinh khi vào trường.

Cũng như mọi năm trường FPT đều ra đề mở cả với việc ra đề như vậy các bạn thí sinh sẽ không bị gò bó theo một suy nghĩ nào cả. Tôi đồng ý với việc ra đề gần gũi với đời sống như vậy và từ đó các bạn sinh viên có thể vận dụng vốn sống của mình, thêm yếu tố cảm nhận của cá nhân để viết. Đó thực sự là cái của các bạn ấy chứ không phải là một thứ học thuộc hay theo một khuôn phép nào trong bài làm của mình."

Trái với lo ngại chủ đề “nhạy cảm” sẽ làm các thí sinh ngại ngùng, nhiều thí sinh sau kỳ thi đã bày tỏ đề thi luận năm nay thực sự tạo hứng thú. Trên mạng xã hội có rất nhiều ý kiến cũng hưởng ứng cách ra đề này của FPT. Một bạn Akira Tran bày tỏ: "Mình thích lối ra đề này, chứ cứ chăm chăm theo sách vở thì chỉ ngu dốt học sinh đi mà thôi".

Bạn có tên là Loc Huu Le Lam thẳng thắn nhận định: "Đề hay đó, nói được suy nghĩ của mình chứ không như đề của Bộ Giáo dục toàn phải nói dối, nói những cái mà mình chưa bao giờ làm".

Hay như một bạn có nickname Sứa Blue nói: "Đề quá hay... nói được về ý tưởng riêng của mình chứ không phụ thuộc vào việc học thuộc lòng như kiểu thi văn đại học bây giờ".

Việc ra đề mở của trường ĐH FPT năm nay cũng được nhiều người đánh giá khá cao bởi FPT luôn là nơi tiếp thu quan điểm, tư tưởng mới.

 Màn biểu diễn trước hàng trăm khán giả và
Màn biểu diễn trước hàng trăm khán giả

Tuy nhiên việc tiếp thu đôi lúc bị cho là quá đà. Trong dịp sinh hoạt nghệ thuật mừng sinh nhật 20 năm của tập đoàn, học viên FPT Arena đã học theo bộ phim hài Borat của Mỹ, thản nhiên múa thoát y trước đông đảo quan khách.

“Tai nạn” này cũng đã từng xảy ra trước đây khi hai “diễn viên chính” trình diễn lần đầu tiên vào tháng 10/2007 trong đêm lễ hội Halloween của Học viện FPT Arena.

  • Lê Nguyên
;
.
.