Đời kinh doanh của lão đại gia lấy vợ 20 tuổi
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, khởi nghiệp từ chiếc máy may cũ, buôn vàng, thuốc tây rồi mắc vòng lao lý..., Lê Ân - doanh nhân 74 tuổi vừa lấy vợ 20 tuổi vẫn trở thành đại gia sau nhiều lần trắng tay.
> Đại gia Việt 74 tuổi lấy thiếu nữ hai mươi
> ‘Đại gia Việt mới giàu nên thích khoe mẽ’
Ông Lê Ân sinh năm 1938, trong một gia đình đông con, nghèo khó ở Quảng Nam. Năm 1958, ông bỏ nhà đào thoát vào thị xã An Lộc, tỉnh Bình Long (nay là Bình Phước) để trốn quân dịch dưới chế độ Ngô Đình Diệm.
Trốn vào đó, Lê Ân mưu sinh bằng cách mướn một chiếc máy may hiệu Singer đã cũ. Hơn một năm sau, ông đã có đủ tiền mua lại cái máy may đã mướn và thêm 2 chiếc khác rồi thuê thợ làm cho mình. Nhờ được người truyền nghề may vest, Lê Ân dồn hết vốn liếng, về Sài Gòn, mở tiệm Chiến's Tailor.
Có tiền từ Chiến's Tailor, Lê Ân bắt đầu thành lập xưởng sản xuất giày dép da hiệu Italy, kinh doanh xe lam, xe buýt chạy tuyến đường Sài Gòn - Bảy Hiền - Bà Chiểu, mở công ty kinh doanh địa ốc, mua trái phiếu của người cày có ruộng, công khố phiếu quốc gia… Ngoài ra, ông còn trúng 5 năm liên tiếp trong việc độc quyền cung cấp thực phẩm, dụng cụ y tế cho toàn vùng 2 chiến thuật của chế độ Sài Gòn.
|
Đại gia Lê Ân. |
Không dừng lại ở các nguồn lợi này, Lê Ân còn mua tiền Việt rồi dùng nó để mua đôla của Mỹ từ nhiều nguồn rồi đưa về Sài Gòn tiêu thụ. Chính vì việc này, Lê Ân bị tổ chức tình báo Mỹ (CIA) hoạt động tại miền Nam Việt Nam nghi là cơ sở kinh tài cho Cộng sản. Nhưng sau hơn 2 tháng bị giam để thẩm vấn, ông được trả tự do.
Tập trung toàn bộ vốn liếng có được thời điểm ấy, ông thành lập ngân hàng tư nhân. Thế nhưng, chưa kịp kinh doanh có lãi thì Sài Gòn giải phóng. Toàn bộ trái phiếu, công phiếu và chứng từ có giá trị tài sản lớn của chế độ cũ lập tức biến thành rác.
Cái sót lại duy nhất của Lê Ân khi đó là uy tín. Mặc dù trắng tay nhưng ông vẫn có những người bạn cho mượn vốn. "Tôi bắt đầu lại bằng cách xin đấu thầu thu gom phế liệu thời hậu chiến. Thời đó, đây chính là nguồn lợi khổng lồ", ông nói.
Ngoài ra, Lê Ân còn lao vào kinh doanh thuốc tây, đầu tư xưởng sản xuất xe đạp và nhà máy chế biến xà phòng, lập tiệm vàng Chiến Thành với giấy phép kinh doanh là gia công vàng nữ trang. Thế nhưng, mỗi đêm tiệm vàng Chiến Thành lại âm thầm phân kim hàng chục lượng vàng từ nhiều nguồn khác nhau để bán lại cho những người đặt cược tương lai mình vào những ngày lênh đênh trên biển. Chính vì hành vi này mà Lê Ân bị bắt và phải đi cải tạo một thời gian.
Vừa ra tù, Lê Ân chịu cú sốc khi Nhà nước thực hiện chủ trương cải tạo công thương nghiệp, gia đình ông thuộc thành phần phải đi kinh tế mới. Nhưng được sự giúp đỡ của một người bạn thân tại Nha Trang, sau thời gian đó, Lê Ân mua nhà, lập cửa hàng bán phụ tùng, sản xuất khung xe đạp, mua bán vải tại Chợ Đầm, ngôi chợ nổi tiếng nhất Nha Trang.
Số Lê Ân có tay buôn bán, nên của cải nhanh chóng quay trở lại với ông. Chính trong thời điểm đang phất lên ấy, Lê Ân giao toàn bộ tài sản đã được quy đổi thành vàng, hột xoàn cho vợ giữ. Năm 1984, vợ Lê Ân đâm đơn ra tòa xin ly dị. Không chứng minh được tài sản trước đây đã giao cho vợ. Lê Ân thêm lần nữa trắng tay.
Chạy vạy từ bạn bè, ông làm lại cuộc đời bằng một shop buôn bán quần áo thời trang nhỏ tại quận 3, TP HCM. Từ đây, Lê Ân phát triển thành một chuỗi cửa hàng trên địa bàn TP HCM. Đó cũng chính là con gà đẻ trứng vàng của Lê Ân. Lúc số vốn lên đến đỉnh điểm, Lê Ân lại trở về niềm đam mê kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng của mình.
Rút kinh nghiệm từ ngân hàng tư nhân sập tiệm sau giải phóng, lần này, ông chỉ thành lập Quỹ tín dụng Hòa Hưng. Ông tập trung số vốn của Quỹ tín dụng Hòa Hưng để thu mua đồng rúp. Hạ mức lãi suất từ 15% mỗi tháng như các ngân hàng khác xuống còn 12%, bởi ông biết có tài thánh cũng không thể sinh lợi với mức lãi suất cao như vậy. Một bài tính đơn giản, muốn trả được lãi suất cho người gửi tiền là 15% một tháng, thì ngân hàng phải biến số tiền khách gửi phình lên 25% một tháng, đó là điều không tưởng.
Cuối 1987 đầu 1990, hàng loạt các quỹ tín dụng sập tiệm vì không làm gì ra để trả lãi cao ngất ngưởng, nhưng Quỹ tín dụng Hòa Hưng của ông vẫn có lãi. Suốt một thời gian dài, biểu tượng "Con gà trống đứng trên đồng tiền vỗ cánh rướn cổ" của Quỹ tín dụng Hòa Hưng trở thành niềm tin của những người gửi tiết kiệm. Quỹ tín dụng Hòa Hưng đặt thêm nhiều chi nhánh khác, phát triển thêm ngành nghề kinh doanh vàng.
Chưa hết, Lê Ân còn phát hiện ra một loại hình kinh doanh rất mới, chưa từng được nghĩ đến. Đó chính là việc phát hành séc lữ hành để phục vụ khách hàng gửi tiết kiệm không kỳ hạn cũng như mở tài khoản thanh toán của khách vãng lai. Điều này đồng nghĩa, chỉ cần khách hàng đến Quỹ tín dụng Hòa Hưng gửi tiết kiệm thì lập tức có thể rút tiền ở bất cứ quỹ tín dụng hoặc ngân hàng nào trong khối liên kết ngoài quốc doanh, mà không cần phải thông qua trung tâm thanh khoản.
Tuy nắm giữ cổ phần cao song trong cuộc họp Hội đồng quản trị lần đầu tiên cái tên Lê Ân đã bị gạt khỏi các chức danh của ngân hàng này. Lý do là ông từng phải đi cải tạo vì cung cấp vàng cho những người đào thoát khỏi Việt Nam trái phép.
Lần bị gạt ra này, Lê Ân phải bắt tay vào kinh doanh lại vẫn từ Quỹ tín dụng Hòa Hưng. Điều khác biệt, Lê Ân vẫn còn số vốn rất lớn trong tay.
Theo An ninh Thế giới