Google, Facebook phải nộp thuế thông qua các đại lý ở Việt Nam
Sáng ngày 10/4, tại hội thảo "Các vấn đề về thuế trong giao dịch thương mại điện tử qua biên giới" ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khẳng định, Việt Nam có quyền đánh thuế đối với tất cả giao dịch có phát sinh doanh thu được thực hiện tại Việt Nam. Dịch vụ quảng cáo trực tuyến của Google, Facebook... không phải là trường hợp ngoại lệ.
Theo ông Phụng, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam kiếm tiền, nghĩa là tạo ra doanh thu cho họ và mất một phần thu nhập của Việt Nam. Dù là hàng hóa hay dịch vụ, khi giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, một lượng tiền của Việt Nam cũng đã chuyển ra quốc tế. "Do vậy đã là doanh nghiệp thì kinh doanh ở đâu cũng phải đóng thuế", ông Phụng nói.
|
Trách nhiệm về thuế của Google, Facebook được các chuyên gia thảo luận tại hội thảo "Các vấn đề về thuê trong giao dịch thương mại điện tử qua biên giới". Ảnh: Xuân Ngọc |
Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc của Vinagames còn cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam qua hình thức thương mại điện tử không phải đóng thuế là mất công bằng với doanh nghiệp trong nước. Bởi khoản chênh lệch 10% thuế giá trị gia tăng mà những công ty Việt Nam đang phải đóng khiến họ mất lợi thế ngay trên chính sân nhà.
Đại diện của Vinagames đặt câu hỏi, liệu Việt Nam có rơi vào tình trạng tương tự như nước Anh? Cụ thể, Công ty Amazon đặt trụ sở ở Lucxembourg rồi kinh doanh thu tới 7 tỷ bảng ở Anh mà không phải đóng thuế. "Nếu chúng tôi đặt trụ sở, kho ở Campuchia rồi bán hàng không thuế về Việt Nam thì nguồn lợi có khi còn nhiều hơn với việc sản xuất, kinh doanh ngay ở trong nước", ông Minh đặt giả thiết.
Theo đó, việc những "gã khổng lồ" như Google, Facebook... phải đóng thuế vừa là thực hiện theo luật thuế của Chính phủ, vừa đảm bảo công bằng cho những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội dung số ở Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những lý do từng được các đại lý Việt Nam của Google, Facebook viện dẫn cho việc không có nghĩa vụ nộp thuế là các hãng này đã đóng thuế cho một nước khác - quốc gia mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Về vấn đề này, cả ông Nguyễn Văn Phụng và ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó trưởng ban Cải cách Hiện đại hóa Tổng cục Thuế, khẳng định, đã là đối tượng chịu thuế tại Việt Nam thì doanh nghiệp vẫn phải kê khai thuế. Nếu thuộc diện được hưởng miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, doanh nghiệp phải gửi các tài liệu chứng minh...
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Phụng cho hay, phương thức nộp thuế được thực hiện khấu trừ tại nguồn ở đơn vị đại diện. Theo đó, các đại lý, đối tác với Google, Facebook... ở Việt Nam có trách nhiệm đóng thuế. "Chúng ta không chạy theo Google, Facebook... nhưng ai chuyển tiền thì người đó chịu khấu trừ thuế. Điều này thực hiện ngay từ khâu chuyển tiền", ông Phụng khẳng định.
Ông Phụng thông tin thêm, theo quy định hiện hành, trường hợp các đại lý, đối tác Việt Nam của Google, Facebook… chấp nhận ủy nhiệm nộp thuế thì mức thuế là 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Kết thúc hội thảo sáng nay, một số đại lý cho Google như CleverAds, NovaAds đều cho hay đã "thông" về trách nhiệm nộp thuế của mình.
Hiện, Google là trang tìm kiếm thông dụng nhất Việt Nam. Theo số liệu do Google Đông Nam Á công bố, có khoảng 80% người dùng Internet sử dụng dịch vụ tìm kiếm của Google. Nếu áp dụng tỷ lệ trung bình này với con số hơn 30 triệu người dùng Internet Việt Nam, thì số người dùng dịch vụ của Google tại Việt Nam có thể lên tới hơn 20 triệu. Còn theo số liệu của Social Bakers, khoảng 3,5 triệu người đang sử dụng dịch vụ mạng xã hội Facebook tại Việt Nam.
Xuân Ngọc