Sống trẻ » Giáo dục

Thứ Năm, 19/04/12 10:53 GMT+7

Đề thi ĐH FPT nhầm lẫn chữ trinh với màng trinh cơ học

(Zing) - “Đại thi hào Nguyễn Du viết Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường, đề cập về vấn đề phẩm hạnh, còn cái màng trinh xét trên lập luận của đề thi này thì chỉ có 2 đường: đường mất trinh và đường còn trinh thôi”, tiến sỹ Huỳnh Văn Thông khẳng định.

>> Nên đưa chuyện 'nhạy cảm' vào giảng dạy chính thức
>> Nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh về đề thi trinh tiết
>> Giới trẻ chưa thỏa mãn với bài học giới tính trên lớp
>> Đề thi về chữ trinh đã xuất hiện 37 năm trước
>> Chữ 'trinh' được đưa vào đề thi tuyển sinh của ĐH FPT

Trong những bài trước, chúng tôi đã đưa nội dung cuộc phỏng vấn tiến sỹ Nguyễn Ánh Hồng, trưởng khoa Giáo dục học, trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, các phụ huynhhọc sinh xoay xung quanh chuyện đề thi tuyển sinh của Đại học FPT và việc có nên hay không chuyện đưa nhiều hơn giáo dục giới tính vào chương tình dạy học. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với tiến sỹ Huỳnh Văn Thông, trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

Đề thi bó hẹp tư tưởng thí sinh

- Thưa tiến sỹ, thầy có đánh giá gì về hướng ra đề thi tuyển sinh về vấn đề trinh tiết của Đại học FPT vừa qua?

- Trước đây, người ta vẫn quen ra đề theo lối “tầm chương, trích cú”, nghĩa là dựa vào một tác phẩm hoặc đoạn trích của một tác phẩm rồi cho người thi triển khai dựa trên một khuôn mẫu có sẵn. Dạng đề nghị luận xã hội như của Đại học FPT lần này mới chỉ xuất hiện vài năm gần đây. Theo tôi, đó là một hướng ra đề làm cho môn Văn gần gũi hơn.

Bởi lẽ, hướng ra đề này gần gũi với thực tế cuộc sống, người thi có thể bộc lộ tình cảm thực, không cần phải lòng vòng với các tác phẩm văn chương.

 
Tiến sỹ Huỳnh Văn Thông, trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH&NV TP.HCM

- Vậy còn về nội dung đề thi, tiến sỹ đánh giá như thế nào?

- Tôi chỉ đồng ý với hướng ra đề thi, còn nội dung đề thi thì tôi không tán đồng.

Thứ nhất, nội dung đề thi đã đem các lập luận về chữ trinh trong xã hội phong kiến của đại thi hào Nguyễn Du để viện dẫn với xã hội ngày nay. Viện dẫn như vậy là hơi “vênh”. “Vênh” ở chỗ, Nguyễn Du đã định hướng vấn đề nội tại trong tác phẩm khi ông nói “"Đạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu", nhưng ông cũng nói “Có khi biến, có khi thường”. Do vậy, cách đặt vấn đề của Nguyễn Du không có gì là đối lập, đưa sự đối lập vào nội dung như vậy là không đúng.

Thứ hai, có lẽ, người làm ra đề thi đã làm vấn đề trở nên dung tục. Ở đây, chữ trinh mà đại thi hào muốn nói đến là phẩm hạnh phụ nữ chứ không phải là cái màng trinh vật lý. Không nên nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.

Đề thi tuyển sinh của Đại học FPT

Cuộc đời Thúy Kiều trải qua nhiều phong ba bão táp, cuối cùng, nàng phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn để giữ lấy phẩm giá. Khi gặp lại tình cũ là Kim Trọng, Nguyễn Du vẫn cho Thúy Kiều nói rằng “Chữ trinh còn một chút này”, vậy không thể đánh đồng giữ cái phẩm hạnh của người đàn bà với cái màng trinh cơ học như vậy.

Thạc sĩ Phan Thiên Nga, giáo viên môn Văn trường THPT thị xã Quảng Trị, đánh giá: Có sự khác biệt khá lớn trong lối sống và quan điểm của các em học sinh ở các vùng miền khác nhau.

Việc làm của đại học FPT thể hiện một tư tưởng cởi mở trong đời sống giới trẻ hiện đại.

Tuy nhiên, cần nhận định rõ về chuyên môn cũng như quan điểm của đại học FPT, văn chương Nguyễn Du ý nhị, sâu sắc chứ không thể dễ dàng đặt vào đề thi một cách thiếu cân nhắc thế này.

Giáo dục giới tính cần một kế hoạch khoa học, phù hợp chứ không phải theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”.

Ở phía trên, người ra đề sau khi trích dẫn đã lập luận rằng “Ngày xưa, nếu cô dâu bị mất trinh thì coi như mất hết, hôn nhân đổ vỡ, người vợ bị đem trả lại. Nhưng ngày nay, đối với nhiều bạn trẻ, cái màng trinh không còn ý nghĩa quan trọng đến thế, thậm chí nhiều người còn ủng hộ quan điểm tình dục trước hôn nhân”; nhưng ở ngay dưới đó lại đặt câu hỏi “người phụ nữ có nhất thiết phải giữ gìn trinh tiết trước khi về nhà chồng”, rồi ngay ở đoạn dưới nữa lại là “hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người vợ có còn trinh hay không?”.

 

Từ ngữ ở đây đã là sự lẫn lộn giữa chữ trinh và cái màng trinh. Người ra đề với cách lập luận như vậy đã tự định hướng người đọc về những thứ dung tục hơn.

Đại thi hào Nguyễn Du viết ở trên là “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”, cũng có nghĩa đang đề cập về vấn đề phẩm hạnh, còn cái màng trinh xét trên lập luận của đề thi này thì chỉ có 2 đường: đường mất trinh và đường còn trinh thôi.

Dù đồng ý hướng ra đề thi, nhưng kiểu lập luận như vậy vô tình đề thi đang là “đề mở” lại thành “đề đóng”. Những lập luận không chắc chắn vô tình sẽ bó hẹp người thi, trong khi dạng đề này thường yêu cầu người thi phải tự tư duy và phát triển ý tứ. Nếu nặng lời mà nói, đề thi này hơi coi thường người thi.

Đáng lẽ, người soạn đề nên ra đề theo hướng chung để người thi tự thể hiện. Không thể nhân danh thời sự để đánh giá phẩm hạnh theo cách ra đề này.

Hướng đến những giá trị sống đẹp

- Vậy theo tiến sỹ, nguyên nhân của sự lập luận chưa chắc chắn này là gì?

- Có thể nguyên nhân nằm ở sự nhầm lẫn, nhưng cũng có thể là vì sự thực dụng. Nhưng, theo tôi, người ra đề thi đã bị chao đảo về giá trị giáo dục.

- Cụ thể những triết lý về giá trị giáo dục tiến sỹ muốn nói ở đây là gì?

- Là những khung giá trị ổn định mà người làm giáo dục cần hướng đến. Việc xác lập những mục tiêu giá trị trong giáo dục là rất khó, đeo đuổi nó lại là nhiệm vụ cả đời làm nghề.

Trong trường hợp cụ thể ở đây là hướng đến những giá trị sống đẹp. Cách lập luận như đề thi theo tôi là không đúng, người giáo viên cần phải nói rõ cho người học rằng: “Trinh tiết (hay cái màng trinh) đối với văn hóa này là quan trọng”.

Xác lập những mục tiêu sống đẹp là như vậy nhưng cũng cần có sự dung thứ, nên hãy truyền đạt cho người học của mình hiểu rằng: “Hãy coi đó là chuyện quan trọng nhưng đừng lấy nó làm ràng buộc”. Sự trong trắng của người phụ nữ nằm ở tình yêu của họ. Cần có những tội lỗi vẫn được được xem là thứ tội lỗi trong trắng. Người ta yêu nhau và dâng hiến cho nhau thì đó là hành động cao đẹp. Sự dung thứ cho những tai nạn khác với việc lên án của những kẻ phẩm hạnh thấp mang trinh tiết ra để kiếm tiền.

Một buổi tư vấn tâm lý cho học sinh TP.HCM

Phải xem đáp án thì mới có thể đánh giá đúng tư tưởng của người ra đề, nhưng nói thật, theo tôi, người ra đề ở đây có ý nhưng đã rất thực dụng. Xu hướng này hiện đang rất phổ biến trong giáo dục vì triết lý không vững vàng.

Cô Tuất (giáo viên dạy văn trường THPT thị trấn Đạm Ri, huyện Đa Huoai, tỉnh Lâm Đồng) cho rằng: “Theo tôi, đề thi này quá nhạy cảm, quá sức với học sinh lớp 12. Thứ nhất, học sinh lớp 12 chưa đủ kiến thức, lập luận chưa đủ sắc sảo để bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề đó. Đề thi này không những nhạy cảm, học sinh phải có kiến thức tương đối đầy đủ về tình dục, hôn nhân mà còn phải lập luận sắc sảo, nhìn theo nhiều góc độ, từ giáo dục, đạo đức xã hội đến quan điểm của mỗi người”.
- Vậy thưa tiến sỹ, hướng giải quyết của vấn đề này là gì?

 

- Xã hội người lớn với những nguyên tắc của riêng mình, khác với xã hội của trẻ con. Hãy cổ súy cho lối sống đẹp của những người trẻ nhưng phải đặt vị thế của mình ở xã hội trẻ con.

Những người trẻ bây giờ rất khác, đưa cho họ một vấn đề A, khi đến tay họ, họ sẽ hiểu ngay thành vấn đề B khác hẳn, do đó, cần phải linh hoạt.

- Đối với riêng về vấn đề giáo dục giới tính trong trường học, ý kiến của tiến sỹ thế nào? Liệu đây có phải là vấn đề nhạy cảm?

- Đây đúng là vấn đề nhạy cảm. Nhưng theo tôi, giáo dục giới tính khác với giáo dục giới. Trong tiếng Anh, chữ sex (giới tính) và chữ gender (giới) có nghĩa khác hẳn nhau.

Tôi ủng hộ việc đưa giáo dục những chuyện về giới và giới tính vào trường học vì đây là nơi tốt nhất để các em có thể tiếp thu được những kiến thức về sự phát triển cơ thể và tâm hồn, hướng các em được đến các giá trị sống đẹp.

Còn nếu nói đó là vấn đề nhạy cảm thì chắc chắn cũng sẽ có người gặp các vấn đề "rào cản kỹ thuật" về tâm lý. Vào tiệm thuốc mua bao cao su, có người mua thản nhiên, có người lại lén lút. Ngay như ở nước ngoài, người ta vẫn phải đặt những máy bán bao cao su tự động trên phố.

Nhưng cái gì cần thì người ta sẽ học, dù đó có là vấn đề nhạy cảm hay không.


Thầy Trần Thanh Được, giáo viên văn trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị:  Với việc đưa chữ trinh vào đề thi tuyển sinh của Đại học FPT đánh dấu một bước đi mới trong giáo dục. Không nên ngần ngại khi đề cập đến vấn đề giới tính trong trường học mà phải có cái nhìn cởi mở, hiện đại hơn. Cần nhìn vào thực tế rằng, không được chỉ dạy thì các em vẫn tự tìm hiểu. Rời khỏi môi trường nề nếp của cấp 3, giáo dục bậc đại học đòi hỏi các em có tính tự giác cao. Nếu không có sự chuẩn bị về kiến thức cũng như tâm lý thì sự tiếp xúc tự do, thoải mái của các em trong thời sinh viên sẽ khiến các em sa đà.

 

Còn về vấn đề trinh tiết, chính cụ Nguyễn Du cũng đã nêu quan điểm về vấn đề này trong Truyện Kiều - “chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”. Trong tình yêu quyền bình đẳng dành cho cả hai phía, tại sao bắt con gái phải giữ gìn trong khi con trai thậm chí không có gì để chứng tỏ trinh tiết. Trinh tiết là giá trị được nhìn nhận cả về phẩm chất, về vẻ đẹp tâm hồn chứ không chỉ là cái màng trinh mỏng manh của người phụ nữ.

Hương Thi

Theo Infonet

Đọc báo trên Zing Me? Bấm “Thích” ngay nhé.

Đường dây nóng: 0985.57.88.55

Email: [email protected]

Xem thêm Tết Nhâm Thìn 2012

Cặp sừng 'đòn gánh' vô địch hội chọi trâu Hải Lựu

Đôi mắt sắc bén cộng với cặp sừng “đòn gánh” trứ danh và những ngón đòn mạnh, dứt  khoát khiến cho mọi đối thủ của trâu số 7 đều phải bỏ chạy. Trong khi thí sinh trâu khác ăn vạ ban tổ chức vì không được đấu tiếp.

Những thắc mắc về việc đăng ký xét tuyển, các khối thi, chọn ngành - trường học, làm hồ sơ đăng ký dự thi...của thí sinh và phụ huynh sẽ được các giảng viên thuộc ban tư vấn tuyển sinh ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Nông Lâm, ĐH Kinh tế.. giải đáp, tư vấn.

Lưu ý:

Các câu hỏi được viết bằng tiếng Việt có dấu, gửi về ban Tư vấn tuyển sinh qua email: [email protected]. Các câu trả lời sẽ được giải đáp chính xác và sớm nhất ở chuyên trang Tuyển sinh của Zing.