Thụy Điển sắp ngừng tài trợ ODA cho Việt Nam
Từ cuối năm 2013, các chương trình viện trợ ODA từ Thụy Điển cho Việt Nam sẽ kết thúc, văn phòng đại sứ quán nước này tại Việt Nam cho biết.
> ODA cho 2012 đạt gần 7,4 tỷ USD
> Thụy Điển hướng tới không dùng tiền mặt
Trên thực tế, kế hoạch ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam đã được Thụy Điển đưa ra từ năm 2007. Thời gian đó, Chính phủ nước này quyết định rằng các gói hỗ trợ song phương cho Việt Nam sẽ kết thúc vào tháng 12/2013. Thụy Điển cho rằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển cần được tập trung cho các quốc gia nghèo nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.
|
Thụy Điển là một trong những quốc gia viện trợ đầu tiên cho Việt Nam. Ảnh: visualphotos.com |
Trước khi nguồn viện trợ kết thúc, từ 2009 đến 2013 là giai đoạn chuyển tiếp để dần đưa mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Điển từ nhà tài trợ - nước nhận tài trợ sang một mối quan hệ bình đẳng hơn dựa trên lợi ích song phương, văn phòng đại sứ quán Thụy Điển cho biết thêm.
Thụy Điển là một trong những nước phương Tây viện trợ sớm nhất cho Việt Nam, bắt đầu từ năm 1969. Trải qua hơn 40 năm hợp tác, Thụy Điển đã tài trợ tổng số vốn không hoàn lại trị giá 3,46 tỷ USD tính đến năm 2008.
Trong giai đoạn đầu kể từ năm 1969, hỗ trợ phát triển từ Thụy Điển chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ nhân đạo và cơ sở hạ tầng. Những năm tiếp theo, hợp tác phát triển chủ yếu cho các viện nghiên cứu, công cuộc cải cách, công tác xóa đói giảm nghèo, môi trường chính sách, chăm sóc sức khỏe và nhiều lĩnh vực khác.
Trong số các dự án nhận nguồn vốn ODA Thụy Điện phải kể đến Bệnh viện Nhi Thụy Điển tại Hà Nội, bệnh viện Uông Bí, nhà máy giấy Bãi Bằng, các dự án hợp tác về y tế, năng lượng, lâm nghiệp, phát triển nông thôn miền núi 5 tỉnh phía Bắc (Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang).
Tuy ngừng hỗ trợ ODA cho Việt Nam từ cuối năm sau, Thụy Điển vẫn là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới và một số ngân hàng phát triển trong khu vực, vốn cũng có hợp tác tài trợ cho Việt Nam. Ngoài ra, sau tháng 12/2013 các tổ chức phi chính phủ và nhiều tổ chức khác tại Việt Nam cũng có thể nhận được hỗ trợ từ Thụy Điển thông qua một số hình thức hợp tác khác.
Những năm gần đây, tổng nguồn vốn ODA của Thụy Điển thường cao hơn 30 tỷ SEK (tương đương 4,5 tỷ USD). Năm vừa rồi, trong khi nhiều nước giàu cắt giảm nguồn viện trợ vì suy giảm kinh tế, Thụy Điển vẫn đứng đầu thế giới về mức viện trợ, xét theo tỷ lệ trên tổng thu nhập quốc dân.
Đa số nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức song phương của Thụy Điển được tập trung cho khu vực châu Phi, các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi xung đột và nhiều nước Đông Âu bên ngoài nhóm đồng tiền chung. Hơn một nửa nguồn vốn ODA Thụy Điển cũng được dành cho các tổ chức đa bên như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển khu vực.
Thanh Bình
Thụy Điển sắp ngừng tài trợ ODA cho Việt Nam
Cảm ơn Nhân Dân và Chính phủ Thụy Điển đã hết lòng giúp Việt Nam trong những lúc khó khăn. Một người Việt.