Cập nhật 24/04/2012 06:00:00 AM (GMT+7)

Lại một sát thủ... "đầu không mưng mủ"!

Một điều dễ nhận thấy, hầu như học sinh nào cũng tiên tiến, đạo đức đều xếp loại tốt, loại khá (phổ biến là tốt). .... Chỉ khi xảy ra những chuyện động trời mới tá hỏa.

Hà Nội đã vào hè... Chưa nghe tiếng ve ran nhưng đã rục rịch lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Và vẫn chưa dứt "đề thi lạ ở Đại học FPT", vẫn chưa dứt "chuyện thật hay đùa" ở Vĩnh Phúc định "tiên phong" không cho những cậu tú, cô tú học lực kém đăng ký thi đại học, thì lại một chuyện động trời: Một học sinh lớp 12 của tỉnh Vĩnh Phúc giết bạn để lấy tiền tậu điện thoại di động.

Rất khó theo cái gọi là đẹp

Đào Văn Tài, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) ra tay giết bạn, và gây sát thương nặng bà mẹ của bạn để lấy tiền. Hiện tượng sát thủ tuổi teen không còn là hiện tượng hiếm từ mấy năm trở lại đây.

Nhưng những thông tin về loại tội ác, mà thủ phạm còn rất măng tơ, đang tuổi cắp sách tới trường đã làm tất cả người lớn chúng ta không thể không rợn da gà, không thể không đặt nhiều câu hỏi tại sao. Con người sinh ra vốn tốt đẹp cơ mà.

"Nhân chi sơ, tính bản thiện", vậy thì cái tốt đẹp, cái bản thiện "rơi" đâu mất rồi? Tại sao mất? Nhà trường, gia đình, xã hội đã không làm nổi chức năng giáo dục? Hay là, tại trời, kiểu "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính"?

Trong ngành giáo dục, từ nhiều chục năm nay ở mọi cấp học mọi thầy cô luôn được "quán triêt": Dạy chữ phải luôn gắn với dạy người. Đó cũng là chức năng, bổn phận và mục đích của nhà trường phổ thông. Chả thế, mặt tiền của tất cả các trường đều thấy dòng chữ to "Tiên học lễ hậu học văn" (xin phép không bình luận về dòng chữ này, dưới góc độ giáo dục thế kỷ 21).

Thế nhưng, lâu nay nhà trường chúng ta đã và đang dạy chữ như thế nào?

Nếu cái chữ được dạy, dù ở bất kỳ môn học nào chứa đựng đầy đủ tính khoa học vốn có, nghĩa là không giáo điều, không giả dối, tôn trọng sự thật, đảm bảo tính đa chiều, phản biện...thì theo thiển nghĩ người viết bài đã góp phần quan trọng, nếu không muốn nói đã chiếm tỉ trọng rất lớn cho việc "dạy người".

Tiếc thay thực tế lại không phải vậy. Thành ra việc dạy người (hình thành nhân cách, lối sống, lí tưởng, hoài bão...) trong hoạt động giáo dục của các trường rất cứng nhắc, khô khan, một chiều, phiến diện.

Cái gì thuộc về cá thể A chỉ thấy tốt, không một tì vết(mà chắc gì đã có thật). Cái gì thuộc về B chỉ thấy xấu. Vì thế, người học, dù muốn, rất khó theo cái gọi là đẹp. Còn cái xấu...lại đầy rẫy, ngay chốn học đường.

Hiện tượng sát thủ tuổi teen không còn là hiện tượng hiếm từ mấy năm trở lại đây. Ảnh minh họa

Ăn chơi vào loại nhất...qủa đất

Bước ra khỏi khuôn viên trường học, chúng ta thấy những gì? Người bình tĩnh nhất cũng không thể không bức xúc về đủ các thói xấu.

Một đất nước vẫn trong danh sách những quốc gia nghèo nhưng tiêu xài, ăn chơi vào loại nhất...quả đất. Nhiều trọc phú đủ mọi lứa tuổi. Báo chí đưa tin nhan nhản các "thiếu gia" thừa tiền, thừa phong độ xài sang, nhưng cái cách ăn chơi ngông cuồng, đua đòi trọc phú của họ cho thấy họ rất ...thiếu sự giáo dục.

Tiền của của họ ở đâu ra? Khỏi nói ai cũng biết. Xe máy đắt tiền, ô tô bạc tỉ, áo quần hàng hiệu... nhưng họ ăn tục, nói bậy, sẵn sàng đánh người, kể cả người thi hành công vụ. Hơi tý thì xưng danh cháu ông nọ, cháu ông kia...

Đấy là xã hội trực quan nhất trong mắt tuổi vị thành niên, có tác dụng kích thích lứa tuổi này đua theo cách sống của các "thiếu gia" thiếu giáo dục.

"Sành điệu" được coi như cái cần có ở một bộ phận không nhỏ giới trẻ, không "sành điệu" coi như là thua kém, là "nhà quê", là "nông nghiệp". Từ đó, mà thay đổi lối sống, thiếu tiền thì nghĩ ra mọi cách để có tiền. Trẻ vị thành niên không hư hỏng mới là chuyện lạ.

Cách đây không lâu tại buổi khai giảng năm học mới ở một trường THPT có tiếng của Hà Nội, một vị lãnh đạo cao cấp đến dự lễ, hỏi các em: "Các cháu cho tôi biết, làm người có khó không?" Câu trả lời không hề dễ.

 

Phải làm người trước khi làm nghề, và cái sự làm người ấy đi suốt cả đời người dù ngắn, dù dài. Không làm nổi người thì có dạy- học bao nhiêu chữ cũng chỉ bằng không. Làm người khó lắm. Bởi biết bao người lớn tuổi mà vẫn chưa thành người.

Báo chí, tivi..., hàng ngày không thiếu những tin giật gân về những chuyện cướp, giết, hiếp. Rồi tung hô "sao" nọ, "sao" kia vừa tậu siêu xe, vừa tặng người tình "đồng hồ rắn" nhiều tỉ đồng.

Thay vì phê phán, nhiều bài báo, chương trình tivi xem họ như những mẫu người cần theo. Hoặc đưa thông tin kiểu "khách quan" nhưng lại như một kiểu tán thưởng, mà không thấy sự lợi bất cập hại.

Thật khốn khổ cho nhiều bạn trẻ đã ăn với thần tượng, ngủ với thần tượng, thậm chí quỳ lạy trước ca sĩ này, gào khóc vì nhóm nhạc kia, nhất là với mấy chàng mũi tẹt tóc vàng Hàn Quốc sang lưu diễn. Có hình ảnh nào đáng xấu hổ hơn khi thấy có bạn trẻ lăn xả đến "sao", hôn vào chiếc nghế mà "sao" vừa ngồi. Đau đớn hơn khi hỏi họ Trường Sa, Hoàng Sa, Gạc Ma ở đâu, câu trả lời là cái lắc đầu hồn nhiên và...  cười.

Người lớn và trẻ em

Nhớ cách đây đã khá lâu, cậu con trai út của tôi lúc ấy đang học mẫu giáo, một hôm, từ ngoài sân chạy vào nhà mách: "Bố ơi, bác X đang cãi nhau với cô Y, bác ấy nói tục lắm mà chẳng ai can...". Chuyện ấy bây giờ nhỏ như "con thỏ".

Người lớn, bố mẹ, thầy cô là "tấm gương" của trẻ thơ. "Tấm gương" ấy giờ  ra sao?

Lại nhớ, cách đây không lâu tại buổi khai giảng năm học mới ở một trường THPT có tiếng của Hà Nội, một vị lãnh đạo cao cấp đến dự lễ, hỏi các em: "Các cháu cho tôi biết, làm người có khó không?" Câu trả lời không hề dễ.

Phải làm người trước khi làm nghề, và cái sự làm người ấy đi suốt cả đời người dù ngắn, dù dài. Không làm nổi người thì có dạy- học bao nhiêu chữ cũng chỉ bằng không. Làm người khó lắm. Bởi biết bao người lớn tuổi mà vẫn chưa thành người.

Trở lại học sinh- "sát thủ" Đào Văn Tài. Nhiều người ngạc nhiên, bàng hoàng, trước tội ác của hắn vì nhà trường, địa phương...đều có nhận xét tốt (ngoan, hiền, sống hòa đồng, học khá, nhất là các môn khối A...). Những nhận xét này là đúng thì hành động của Tài là bột phát? Là có "ma sai quỉ khiến"?

Không. Không thể thế. Đào Văn Tài trước khi gây án đã có cả kế hoạch. Khi gây án, nó lạnh lùng như thế nào (lời kể của nạn nhân còn sống và những nhân chứng đã rõ).

Vậy thì, đánh gía của nhà trường có vấn đề?

Lâu nay, chúng ta thường nhận xét học trò hình như không theo một bộ tiêu chí nào. Gọi dạ, bảo vâng...là ngoan? Học sinh tiên tiến (cái mức mà học sinh lớp 12 ai cũng đạt)...V.v...và..vv... Bộ tiêu chí đánh giá đã bao nhiêu năm không thay đổi? Nếu vậy, các nhà giáo dục cần điều chỉnh.

Một điều dễ nhận thấy, hầu như học sinh nào cũng tiên tiến, đạo đức đều xếp loại tốt, loại khá (phổ biến là tốt). Giáo viên nào, thấp nhất cũng có danh hiệu lao động tiên tiến. Trường nào cũng tiên tiến, tiên tiến xuất sắc, huân huy chương treo đầy phòng truyền thống, nhưng "đụng đâu" cũng có vấn đề. Chỉ khi xảy ra những chuyện động trời mới tá hỏa.

Tại sao? Tại sao? Câu trả lời dành cho các nhà quản lí giáo dục, các nhà giáo dục, và tất nhiên, cả cho những người lãnh đạo.

Phải làm sao bây giờ?

Đinh Việt Bình

 

Gửi ý kiến phản hồi

‘Quân đội Philippines sẽ không lùi bước’

Một quan chức quân sự Philippines tuyên bố binh lính nước này sẵn sàng bảo vệ đất nước nếu bị Trung Quốc tấn công ở bãi đá ngầm Scarborough hay những vùng lãnh thổ tranh chấp khác.


Chính sách TQ làm Biển Đông nổi sóng

Tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế nhận định Trung Quốc cần một “chính sách nhất quán” về Biển Đông nếu muốn giải quyết tranh chấp.


vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Nhận tin RSS
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.