Cập nhật 24/04/2012 06:20:00 AM (GMT+7)

Huyết thư một học sinh rạch tay gửi bố mẹ

Dù đã qua tuổi 13 cả chục năm trời, nhưng Dương Hà Nhiên – (SV năm thứ hai ĐH Thương mại) vẫn không bao giờ quên được khoảng thời gian “đen tối nhất cuộc sống” của mình. 

Hà Nhiên kể: “Suốt cả năm học lớp 7, tôi chìm đắm trong đau khổ, cô đơn, dằn vặt. Ý nghĩ tự tử thường xuyên ám ảnh trong đầu, thậm chí tôi cũng đã từng thử rạch tay viết lời từ tạ bằng máu gửi bố mẹ”.

Theo lời kể của Nhiên, khi lên lớp 7, kết quả học tập của Nhiên bắt đầu sụt giảm nặng nề. Trong lớp, Nhiên không có lấy một người bạn thân. Còn về nhà, thì luôn phải nghe những lời mắng mỏ “lên bờ xuống ruộng” của bố mẹ xung quanh chuyện học. Bố thường xuyên đi công tác, nên nhà chỉ còn hai mẹ con. Cứ mỗi lần phạm lỗi Nhiên lại phải chịu sự lạnh lùng, không hỏi han, trò chuyện, không cho làm bất cứ việc gì trong nhà như một hình thức trừng phạt của mẹ. Điều đó khiến cuộc sống của Nhiên khi ấy vô cùng ngột ngạt.

“Tâm lý trẻ giai đoạn này rất phức tạp, không còn là “trẻ con” như trước nữa nhưng vẫn chưa đủ chín chắn, mức độ hiểu biết có hạn

Không có ai để trò chuyện, Nhiên thậm chí đã phải tự trò chuyện với chính mình cho khuây khỏa.

“Nhà có một chiếc radio có chức năng thâu băng. Tôi đi mua một cuộn băng trắng về tự ghi âm những gì mình nói rồi nghe lại, coi như một người bạn...”

Đỉnh điểm, có lần Nhiên đã dùng com – pa chọc vào tay với ý định lấy máu viết thư tuyệt mệnh cho bố mẹ nhưng sự đau đớn đã làm Nhiên tỉnh lại…

“Đó là khoảng thời gian khó khăn, tôi chỉ mong được quan tâm, thấu hiểu, và quan trọng nhất là cần một người bạn. Tôi cũng tìm nhiều cách để bố mẹ chú ý quan tâm đến mình nhưng hoàn toàn vô vọng” – Hà Nhiên nói.

Mùa hè năm lớp 7 lên lớp 8, Nhiên được bố mẹ cho vào “thiết quân luật” với chế độ học gia sư vô cùng nghiêm khắc.

“Phần vì tự ái, tôi lao vào học như điên. Lên lớp 8 tôi chuyển vào lớp mới. Ở đây tôi bắt đầu có một người bạn. Bạn ấy là người đã giúp tôi rất nhiều. Chúng tôi cùng đọc truyện tranh để có niềm vui. Thời gian này, có lẽ mẹ tôi cũng nhận ra những thất thường của tôi nên thay đổi cách đối xử. Mẹ đã nói chuyện thẳng thắn với tôi hơn, hai mẹ con bắt đầu nói chuyện được với nhau… Cứ như vậy, tôi đã vượt qua được quãng thời gian đen tối, ý định tự tử cũng không còn nữa. Thế nhưng, hồi ức về quãng thời gian đó tôi không thể nào quên, nhờ nó, tôi nghĩ mình có thể hiểu được, vì sao nhiều trẻ em ở tuổi này lại hay nghĩ đến cái chết như vậy…” – Hà Nhiên tâm sự.

“Tâm lý trẻ giai đoạn này rất phức tạp, không còn là “trẻ con” như trước nữa nhưng vẫn chưa đủ chín chắn, mức độ hiểu biết có hạn. Bố mẹ không nên áp đặt cách dạy dỗ từ những năm các em còn bé. Hãy nhẹ nhàng, nhưng thẳng thắn với trẻ, đừng bao giờ quay lưng, im lặng với các em” – Nhiên nói.

Có ý định tự tử, hãy chia sẻ với người tin cậy

Bà Trần Hồng Điệp, Giám đốc điều hành Trung tâm phòng chống khủng hoảng cũng gợi ý nguyên tắc phòng chống tự tử cho bản thân là khi chúng ta có ý định tự tử thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải nói chuyện được với một ai đó.

"Khi có ý định tự tử thì chúng ta hãy ngồi lại nghĩ hai vấn đề: Tại sao chúng ta muốn chết? Tại sao chúng ta nên sống? Khi nhìn vào 2 vấn đề này, tất nhiên người muốn tự tử sẽ nói rằng là tôi toàn lý do muốn chết, còn lý do sống thì gần như họ không bao giờ nghĩ ra.

Tuy nhiên khi họ có sự hỗ trợ của người khác, ngồi cùng nhau nghĩ thì họ sẽ thấy rằng lý do để sống rất nhiều. Chỉ là khi chúng ta đau khổ, thất vọng thì chúng ta nhìn vấn đề ở mỗi cái mất thôi. Cũng giống như khi chúng ta có một cốc nước đầy, ai đó uống mất nửa cốc. Người bi quan sẽ nói là ôi thôi chết tôi bị mất nửa cốc nước rồi. Nhưng nếu là một người lạc quan thì sẽ nói ôi may quá mình vẫn còn nửa cốc nước", bà Điệp nói.

Bà Điệp lý giải thêm: "Vì sao họ lại phải tìm lý do muốn chết. Điều đó không làm cho họ bi quan hơn mà nó giúp cho họ xác định được vấn đề mà họ đang gặp phải là gì. Ví dụ như người muốn tự tử vì trượt đại học. Nếu người ấy biết vấn đề đang gặp phải là trượt đại học thì họ sẽ thấy là họ trượt đại học họ vẫn có khả năng làm việc khác. Và nếu họ biết được rằng số lượng thanh thiếu niên trượt đại học so với số lượng thanh niên vào đại học là như thế nào. Chẳng lẽ tất cả những người trượt đại học đều không còn con đường nào đến tương lai hay sao. Sau khi biết được vấn đề, họ sẽ lên kế hoạch để làm việc khác.

Bước tiếp theo là họ phải lên những kế hoạch ngắn hạn cho những mục tiêu lạc quan ví dụ ghi hẳn ra giấy là 5 việc tôi định làm trong tuần tới và khi làm thành công việc nào thì bôi đen lại để chúng ta biết là đã làm xong việc đó.

Đây là kỹ xảo nhỏ nhưng rất có ý nghĩa. Những người đang muốn tự tử, họ cảm thấy là họ không làm được gì, họ toàn thất bại thôi thì cái việc gạch được công việc mà họ làm được cũng giống như được tiêm chất kích thích, họ thấy là họ đang làm được việc. Giúp họ lấy lại tinh thần lạc quan.

Ngoài ra người có ý định tự tử nên thư giãn bản thân, tìm bạn bè, phát huy sở thích của mình hay tự thưởng cho mình thời gian sống theo sở thích.

Người có ý định tự tử thì thường bỏ bê ăn uống hay là ăn quá nhiều nên cần phải chú ý đến ăn uống. Vì vấn đề sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng khá nhiều bởi sức khỏe thể chất. Ngay cả khi mình khỏe mạnh ăn uống thất thường cũng rất dễ dẫn đến tình trạng mỏi mệt. Khỏe mạnh sẽ có khả năng chống đỡ.

Chơi thể thao, đi bộ cũng là biện pháp giúp cân bằng tâm lý.

Quỳnh Anh - La Hoàn


Gửi ý kiến phản hồi

Trẻ con bây giờ chỉ chờ bố mẹ "hầu"?

Chị Loan cũng thường than phiền về hai “con gà công nghiệp” chẳng biết làm gì, chẳng quan tâm đến ai, “đi học về chỉ cắm đầu vào mấy cuốn Đôrêmon, máy tính” chờ bố mẹ “hầu”. Thậm chí, ngày sinh nhật của ba mẹ các cháu cũng không nhớ!


vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Nhận tin RSS
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.