“Điểm mặt chỉ tên” thủ đoạn làm xăng dầu rởm

26/04/2012 07:06:12

(Kienthuc.net.vn) - Tại hội thảo “Loại bỏ xăng lẫn tạp chất vì sự an toàn của động cơ” do Báo Khoa học và Đời sống, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 25/4, các nhà khoa học đã điểm mặt, chỉ tên các thủ đoạn làm xăng dầu rởm. 

Theo PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Giám định dân sự (VUSTA): Việc làm xăng dầu “rởm”  phải là những người có kiến thức chuyên môn, họ câu kết và lôi kéo các nhà bán buôn, bán lẻ thuộc các loại hình kinh tế để tiêu thụ. “Rõ ràng rằng đã có mối liên kết “ma quỷ” trong làm ăn kinh tế”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông cũng nêu ra một loạt các thủ đoạn làm xăng dầu rởm và hậu quả của nó. Các thủ đoạn này có thể là hòa thêm nước, cho thêm dầu hỏa hoặc các hỗn hợp chất tương tự, cho thêm vào xăng một số chất oxygen…

Trong đó, đáng chú ý là việc cho thêm một số chất oxygen, thậm chí có thể tránh được sự kiểm tra của các đoàn đi lấy mẫu khi đo chỉ số RON (một chỉ tiêu quan trọng đánh giá chất lượng xăng do nó có sự tương ứng với chỉ số Octan).

“Chẳng hạn MTBE (chất phụ gia xăng) để nâng chỉ số octan tăng lên. Nếu phân đoạn hydrocacbon trong xăng không chuẩn thì chất oxygenat làm tăng sự tạo khói và phát ra hơi độc nhiều hơn” PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng phân tích.

Phân tích sâu hơn về cho Methanol vào xăng với hàm lượng cao như đã phát hiện vừa qua, PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng cho biết: Khi nhiên liệu bị phát tán ra ngoài, dễ dàng tạo nên hỗn hợp nổ cháy, khi hỗn hợp này nằm trong giới hạn nổ cháy với oxy trong không khí, gặp nhiệt độ cao (của động cơ hoặc do va chạm, chập mạch … sinh tia lửa), nó sẽ cháy, khi bình xăng còn nhiên liệu, lửa bén vào sẽ gây nổ nguy hiểm đến tính mạng.

Đồng tình với PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng trên một số phương diện, TS. Đinh Ngọc Ân - Trưởng khoa Cơ khí Động Lực, trưởng bộ môn Công nghệ ôtô trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên nhận định: Xét ở góc độ nhiên liệu thì chất phụ gia trong xăng nói riêng và trong nhiên liệu nói chung có ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ của động cơ, đặc biệt những chất tạo ra axit. Điều này sẽ khiến rò rỉ xăng và khi đó chỉ cần có nguồn lửa là xe sẽ bốc cháy.

Xe, cháy nổ có phải do xăng hay không vẫn chưa thể kết luận được

TS Ân cũng cho rằng thời gian vừa qua chỉ kiểm định 6 chỉ tiêu là chưa đủ và chính việc chưa đủ như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ về mất an toàn cao. Đặc biệt ông cũng nhấn mạnh rằng đang có sự “hỗn loạn về tiêu chuẩn” và các tiêu chuẩn đều đã rất cũ.

Ngay cả việc thử nghiệm của các cơ quan chức năng vừa qua cũng không hề thống nhất về tiêu chuẩn, “khi thử nghiệm hàm lượng metanol trong xăng không chì được xác định bằng phương pháp thử quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7332:2006 (ASTM D 4815-04). Trong khi  đó thử nghiệm chỉ tiêu số 15 về “ngoại quan” theo yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia TCVN6776:2005” TS. Đinh Ngọc Ân phân tích.

Phó TGĐ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Nguyễn Quang Kiên và Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ KH-CN) Trần Quốc Tuấn vẫn khẳng định rằng chất lượng xăng dầu hiện nay là hoàn toàn đảm bảo và không thể quy kết nguyên nhân cháy, nổ xe là do xăng được.

Hôm nay 26/4, Bộ KHCN và Bộ Công an sẽ có buổi họp báo về tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy nổ ô tô, xe máy.

Vũ Chương

TIN LIÊN QUAN

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.