Cập nhật 27/04/2012 06:00:00 AM (GMT+7)

Sốc với kiểu "làm tiền" mới của nghệ nhân làng nón

- Về làng Chuông, làng nghề làm nón lá truyền thống ở huyện Thanh Oai, Hà Nội, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những lời đề nghị thẳng thừng về việc “bồi dưỡng” cho nghệ nhân nếu muốn viết bài.

Sốc với kiểu đề nghị thẳng thừng

Tuyến buýt 78 BX Mỹ Đình – Hà Đông – Tế Tiêu đưa chúng tôi dừng lại ở làng Chuông (xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội). Đây vốn là làng nghề làm nón lá truyền thống nổi tiếng từ lâu đời. Cổng làng khá to, khang trang, nằm ngay sát đường quốc lộ. Theo hướng dẫn của mấy người xe ôm, chúng tôi đi bộ vào chợ làng, cách đấy chừng 2km.

 

Cổng làng Chuông, Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội.

Hôm nay vào đúng phiên chợ chính (20 âm lịch) nên chợ rất đông, nhiều chị em và cả các bà, các cụ mang nón ra chợ bán. Những chiếc nón trắng tinh, đủ loại được bày bán ngay cạnh ao làng, gợi lên một không khí đậm chất làng quê Việt Nam.

Tuy nhiên, điều làm chúng tôi bất ngờ hơn cả là cách cư xử của chị em. Khi được hỏi về nghề làm nón của địa phương, nhiều bà, nhiều chị bán hàng ở chợ đã không ngại ngần nói: “Mua mấy cái nón đi rồi tôi nói hết cho”. Ban đầu chúng tôi nghĩ là các chị đùa, nhưng sau tiếp xúc với nhiều người, ai cũng nói như vậy. Chị Lê Thị Phương (làng Chuông, Phương Trung) giới thiệu cho chúng tôi vào nhà ông Trần Văn Canh, vốn là người duy nhất làm nón quai thao.

Bán lá nón ở chợ Làng Chuông.
 

Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến nhà ông Canh. Khi giới thiệu là phóng viên đến viết bài, ông Canh liền nói ngay: “Nếu muốn quay phim, viết bài thì ra ủy ban, đưa giấy giới thiệu rồi người ta đưa vào tận nơi. Chả là, cứ có giấy giới thiệu của phóng viên đến viết bài thì kiểu gì cuối tháng các hộ cũng được bồi dưỡng theo chế độ, còn chế độ thế nào thì tính theo số lượng giấy giới thiệu được gửi đến".

Lá nón được phơi trên đường làng.
 

Chúng tôi đang băn khoăn thì bà cụ, vợ của ông Canh, gọi chúng tôi vào nhà trong. Bà nói: “Các cháu muốn quay phim, viết bài thì ra ủy ban người ta dẫn vào, nhưng làm thế phức tạp lắm, bà bảo cách này nhanh gọn hơn. Thôi thì các cháu cứ bồi dưỡng cho ông bà chút ít rồi viết các câu hỏi vào giấy, gạch đầu dòng rồi ra ông trả lời cho".

Những câu nói của bà cụ làm chúng tôi sốc nặng, không thể tin là những người dân quê chân chất lại có những đề nghị thực dụng thẳng thừng đến vậy.

Gặp chị Lê Thị Thơm ở quán hàng bán đồ gia dụng, chúng tôi hỏi đường đến nhà các nghệ nhân làm nón nổi tiếng trong làng, chị hồ hởi giới thiệu về nhà chị. Chị bảo, nhà chị cũng làm nón, để chị về gọi hàng xóm sang làm cho mà quay, cứ bồi dưỡng cho chị ít quà là được.

Về làng Chuông, gặp ai họ cũng đề cập đến chuyện bồi dưỡng cho nghệ nhân. Có thể là bồi dưỡng tiền, quà cáp... Hiếm lắm chúng tôi mới gặp được một người như cô Huế, cô không nhắc gì đến chuyện bồi dưỡng mà còn đón tiếp chúng tôi đon đả, nhiệt tình. Nhà cô có một mẹ già và một em nhỏ. Mẹ ruột của cô Huế năm nay đã 89 tuổi mà vẫn ngồi thoăn thoắt khâu nón. Gặp chúng tôi, bà hồ hởi kể về cái nghề làm nón đã gắn bó với bà cả cuộc đời. Từ lúc 6 tuổi bà đã biết cầm kim, lên 10 tuổi biết khâu nón rồi cứ thế bà đã gắn bó cả cuộc đời mình với cái nghề này.

 

Cụ bà 89 tuổi đang khâu nón.

Thấy gia đình cô Huế có vẻ dễ gần, tôi ngỏ ý hỏi cô về cái tục “bồi dưỡng” ở làng này có phải đã thành thông lệ? Cô thành thật chia sẻ: “Ôi dào! Bây giờ thương mại hóa hết rồi các cháu ạ. Muốn viết bài là phải đưa tiền cho người ta thì người ta mới niềm nở. Nhà ai bây giờ chả thế. Nhà cô thì không cần phải như thế, lấy mấy đồng của các cháu thì cũng có thoát nghèo được đâu, mà như thế nó không phải đạo".

Văn hóa hay thương mại hóa?

“Đành rằng việc biếu quà cho các nghệ nhân là không sai, song điều này thuộc về văn hóa ứng xử nên cần phải tế nhị chứ không nên thẳng thừng quá như thế. Và nhất là người chủ nhà thì không nên chủ động đề cập” – Bà Lan, một người dân sống ở đây chia sẻ.

Có thể nói, việc đề nghị bồi dưỡng cho nghệ nhân của người dân làng Chuông là một biểu hiện của thương mại hóa. Khi đồng tiền ngày càng trở nên quan trọng với cuộc sống, những người dân nghèo hiền lành, chất phác đã không ngại “bán” cái giá trị đạo đức thôn quê ấy đi để đổi lại một chút vật chất.

 

Chợ phiên làng nón.
Hành động này của những người dân làng Chuông đôi khi được nhiều phóng viên, nhà báo mong muốn bởi họ cho rằng, phải như thế thì mới dễ làm việc. Chỉ cần bỏ ra chút tiền hay quà cáp biếu xén là người nhà sẽ đon đả đón tiếp.

Tuy nhiên, trên khía cạnh văn hóa thì việc làm này đã phần nào đánh mất đi nét đẹp trong cách ứng xử, đối đãi với khách của người dân Việt Nam. Du khách thập phương về thăm làng nón không chỉ để tìm hiểu cách làm nón lá truyền thống của dân tộc, mà hơn nữa còn để cảm thụ nét văn hóa làng quê được lưu giữ ở nơi đây.

Văn hóa ấy không đâu xa, nó chính là thái độ cư xử gần gũi, mến khách của người dân.

Bạch Nga

Bạn nghĩ gì về kiểu "vòi tiền" của nghệ nhân làng Nón? Mọi ý kiến xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc hòm thư [email protected]. Trân trọng cảm ơn độc giả!

Gửi ý kiến phản hồi

Tin mới nhất


Các tin khác


Hãi hùng những quái chiêu níu chân chồng

Khi bị chồng phát hiện ngoại tình, có những người đàn bà sẵn sàng cắt phăng "của quý" của người tình hay quay clip sex với người tình… để mong chồng tha thứ.


vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Nhận tin RSS
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.