Ai cũng có thể mất tên
Do trước đây, những tập đoàn, công ty, doanh nghiệp có tiếng ở Việt Nam chỉ đăng ký tên miền với đuôi (.vn), họ đã bị những người khác đăng ký thêm tên miền quốc tế đuôi (.com, .net) vây nên, đến giờ phút này có thể khẳng định ngay, ai cũng có thể bị mất tên, kể cả những “ông lớn” có máu mặt trong kinh doanh, kinh nghiệm đầy mình trên thương trường. Chẳng nói đâu xa, trong tháng 4 này, một “ông lớn” như Trung Nguyên (Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên), một thương hiệu mạnh thực sự đã vượt tầm quốc gia vươn ra thị trường quốc tế lại “dính” vào vụ việc của một “cái tên”.
Đó là tên miền tiếng Anh của café Chồn - một sản phẩm đặc biệt của café Trung Nguyên bị cá nhân khác đăng ký và “nhúng” nội dung quảng cáo cho thương hiệu café Starbucks nổi tiếng sắp vào thị trường Việt Nam. Trung Nguyên mua “Legendee.com”, nhưng hàng loạt tên miền có thể gây nhầm lẫn thương hiệu liên quan đến Legendee không biết vô tình hay hữu ý đã bị “bỏ rơi”. Và thực tế ngay lập tức đáp lại, một cá nhân đã bất ngờ mua “Legendeecoffee.com”.
Khi truy cập vào địa chỉ này, nội dung trong website lại quảng bá cho một loại café khác. Thực tế, một tên miền dù bị đánh cắp hay bị “nẫng tay trên” cũng đều đem đến cho người đáng nhẽ cần phải sở hữu nó rất nhiều nguy cơ. Ngoài việc ảnh hưởng về uy tín thương hiệu, gây nhiễu, loạn thông tin mà xét về lâu dài sẽ ảnh hưởng nặng nề trên bình diện kinh tế.
Biết là vậy, nhưng không ít cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp một mặt vẫn khá chủ quan, mặt khác lại coi nhẹ việc sở hữu tên miền sẽ trực tiếp cản trở việc mở rộng đầu tư, tiến ra thị trường quốc tế. Thế mới dẫn đến việc các “ông lớn” như Vinaphone, Mobiphone, Viettel, Công ty An ninh mạng Bkav, Netnam… đều bị mất tên miền quốc tế liên quan đến thương hiệu của mình.
Bài học nhãn tiền
Đầu năm 2012, Công ty An ninh mạng Bkav đã phải móc hầu bao số tiền 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền quốc tế “Bkav.com” từ một công ty của Mỹ đã nhanh chân đăng ký trước từ năm 2001. Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Bkav cho biết vào thời điểm cách đây hơn 10 năm Bkav không nghĩ tới việc có thể đưa thương hiệu ra toàn cầu, do đó Công ty đã không mua tên miền quốc tế mà chỉ mua tên miền trong nước là “Bkav.com.vn”.
Mãi tới năm 1997 Việt Nam mới kết nối Internet, nền kinh tế lại chưa phát triển, trong hoàn cảnh đó doanh nghiệp chưa thể nghĩ đến toàn cầu. Có lẽ đây cũng là lý do mà các thương hiệu khác của Việt Nam đã để mất tên miền quốc tế.
Ông Nguyễn Tử Quảng chia sẻ, khi sản phẩm bắt đầu có thương hiệu, các doanh nghiệp nên mua ngay tên miền quốc tế để tránh phải chi nhiều tiền mua lại sau này, như trường hợp của Bkav. Hiện nay, không ít các “đại gia” là các tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam đều bỏ lọt “tên tuổi” vào tay những người khác. Đến cả các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam cũng bị mất tên miền quốc tế.
Các tên miền như Viettel.com, Viettel.org, Viettel.net đều thuộc sở hữu của người khác. Viettel.com bị một người ở Mỹ mua từ năm 1997. Cuối năm 2011, chủ sở hữu tên miền Viettel.com đã rao bán tên miền này với giá 1,5 triệu USD. Năm 1995, tên miền quốc tế “FPT.com” đã được một người Mỹ mua và nắm quyền sở hữu đến năm 2012.
Từ năm 2001, tên miền VNPT.net thuộc sở hữu của một tổ chức Hàn Quốc, đến tháng 10-2010, tên miền VNPT.com lại tiếp tục thuộc sở hữu của một tổ chức có địa chỉ tại Hàn Quốc. Chưa kể đến tên miền “Mobifone.com” vẫn đang thuộc quyền sở hữu của một cá nhân người Hàn Quốc…
Chưa hết, từ đầu năm đến nay chuyện tên miền lại được “đá” sang lĩnh vực bất động sản, phát triển du lịch quốc tế, các khu resort nghỉ dưỡng... trong xu hướng toàn cầu hóa. Không ít doanh nghiệp đã bỏ hàng tỉ đồng ra để PR, tiếp thị để rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và khách hàng tiềm năng, nhưng lại bỗng dưng… quên mất, hoặc chưa được xem trọng việc xây dựng website quảng bá, mà tên miền nằm ở vị trí mấu chốt. Đối với những nhà kinh doanh lão luyện họ đều coi tên miền quốc tế là chìa khóa lợi hại nhất để khách hàng trên toàn thế giới biết đến dịch vụ, sản phẩm của họ.
Cuộc đuổi bắt không có đích
Đến nay đã có quá nhiều bài học xoay quanh việc bị mất tên miền khiến ý thức trong việc nhanh chóng sở hữu những tên miền quốc tế được nâng cao trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam để hướng phát triển thương hiệu trong tương lai không gặp phải vật cản.
Còn với những tập đoàn, doanh nghiệp đã lỡ bị mất thì nay sẽ cố gắng làm mọi cách để những người sở hữu “trả lại tên cho em”. Nhiều chuyên gia dự đoán, chính từ những bài học trong quá khứ, và những diễn biến từ đầu năm đến nay, trong năm 2012 này, không ít các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước sẽ tiến hành nhiều cuộc thương thảo để mua lại tên miền quốc tế với dự kiến chi phí không hề nhỏ.
Đem một câu hỏi đơn giản là có muốn sở hữu những cái tên quốc tế đáng nhẽ nên có không thì nhận được cái gật đầu của tất cả. Vinaphone, Viettel đều muốn mua lại tên miền của mình nhưng công cuộc này là không dễ. Netnam muốn mua lại tên miền quốc tế “Netnam.com” thuộc sở hữu của một người nước ngoài nhưng quá trình đàm phán vẫn chưa đi tới hồi kết vì giá quá cao cộng thêm sự rủi ro khi đăng ký lại chủ sở hữu.
Giá cả là một vấn đề, và khi bị ép giá thì vấn đề này càng trở nên khó khăn. Người cần thì luôn cần, còn kẻ sở hữu thì “ưng” giá mới thèm bán đã tạo thành một cuộc đuổi bắt mà không biết đích ở đâu. Chưa hết, một số người sở hữu còn sử dụng chiêu trò đó là “nhúng” những dịch vụ nhạy cảm, sản phẩm không liên quan hoặc của công ty đối tác vào nội dung thuộc tên miền sở hữu để “ép” người cần phải mua lại để bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình.
Ở nước ngoài, “đại gia” như Apple cũng phải bỏ ra con số lên tới 4,5 triệu USD để mua lại “icloud.com”, Facebook đã phải trả tới 8,5 triệu USD để mua lại tên miền “Fb.com”; còn HSBC, Ebay khi đặt chân đến thị trường Việt Nam cũng phải mua lại tên miền “.com.vn” và “.vn” với cái giá không hề dễ chịu để bảo vệ thương hiệu của mình. Nhưng khi hội nhập, hướng phát triển vượt ra ngoài quốc gia, đôi khi cái giá phải trả quá đắt nhưng là đáng giá và cần thiết cho sự phát triển lâu dài.
Không nên chậm chễ
Tên miền “đẹp” như nhà mặt tiền phố cổ, cái sự ví von này quả là đúng ở thời điểm này. Đăng ký một tên miền chỉ mất vài USD, duy trì nó cũng chỉ mất vài chục USD/năm, nhưng khi bị mất mà muốn “chuộc” lại thì giá trị tên miền có thể lên đến vài chục, vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu USD mà chủ sở hữu chưa chắc 100% chuyển nhượng lại đã không còn xa lạ.
Đến nay câu chuyện tên miền là vấn đề đã cũ nhưng vẫn luôn có tính thời sự, bởi theo các chuyên gia hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp thờ ơ với thương hiệu của mình trên “mảnh đất Internet” nên việc mất tên miền chỉ là vấn đề thời gian.
Bkav đã thẳng thắn chia sẻ và không giấu giếm về bài học đáng giá của mình, nó là hồi chuông cho tất cả các tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam. Sự chậm chân hay dửng dưng với thứ “tài sản vô hình” nhưng vô cùng giá trị không chỉ gây ra hệ lụy sẽ mất rất nhiều tiền mà còn bị mang tật.
Các loại chi phí dành cho đăng ký, duy trì tên miền trong nước lẫn quốc tế không phải là một con số quá lớn so với việc bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để thương lượng mua lại tên miền thuộc chủ sở hữu khác; hoặc tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan để lấy lại tên miền để bảo vệ thương hiệu. Ngoài ra, không những sở hữu tên miền quốc gia, việc lựa chọn đúng và đăng ký sớm, kịp thời để sở hữu nhiều tên miền quốc tế, cần thiết phải đăng ký một vài tên miền phổ biến có khả năng xảy ra tranh chấp theo hình thức “bao vây” để giữ thương hiệu là yêu cầu cấp thiết đối với bất kỳ ai.
Theo ANTĐ