Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngày 2.5. Ảnh: TTXVN
Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào ngày 2.5 với sự tham gia của 63 tỉnh, thành và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
70% khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thì từ năm 2008 - 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp trên 1.571.500 lượt người đến KNTC và tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư. So với những năm 2006 - 2007 tình hình KNTC từ năm 2008 - 2011 ở một số địa bàn có giảm, nhưng về tổng quan, tình hình KNTC diễn biến phức tạp và bức xúc ở nhiều nơi. Có tới 70% khiếu nại của công dân có liên quan đến đất đai mà nhiều nhất là khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
“Tình hình KNTC gần đây có lúc, có nơi đặc biệt phức tạp, gay gắt, biểu hiện rõ nhất là số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ công dân đi khiếu kiện thiếu kiềm chế, khiếu nại tố cáo vượt cấp lên Trung ương gia tăng, nhất là các vụ việc khiếu nại về thu hồi đất, đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai...” - Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ TNMT Chu Phạm Ngọc Hiển cũng cho rằng tình hình KNTC về đất đai từ 2005 -2007 tăng đột biến, diễn ra gay gắt, phức tạp ở hầu hết các địa phương. Số vụ tranh chấp, KNTC về đất đai chiếm trên 98% tổng số đơn mà bộ này nhận được hằng năm.
Có hiện tượng bao che, cố ý làm sai
Thảo luận về nguyên nhân dẫn đến tình trạng KNTC kéo dài, đông người trong thời gian gần đây, các ý kiến đều cho rằng do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập; giá đất bồi thường thấp, hay thay đổi; có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường với giá đất thị trường...
“Bên cạnh những nguyên nhân từ chính sách của Nhà nước, thì còn nguyên nhân nữa là do công tác quản lý về đất đai còn lỏng lẻo; nhiều cán bộ lợi dụng tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý. Vẫn còn hiện tượng giải quyết KNTC né tránh, đùn đẩy, thấy sai nhưng không chịu sửa làm cho việc giải quyết lòng vòng, kéo dài, cá biệt có cơ quan không thực hiện đúng trách nhiệm, thẩm quyền được giao, có hành vi bao che, cố ý làm sai”. - ông Huỳnh Phong Tranh phát biểu.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cùng quan điểm: “Nếu như lãnh đạo địa phương tăng cường đối thoại với dân để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân; các cơ sở đảng tăng cường trách nhiệm nắm bắt tình hình tâm tư người dân để có biện pháp xử lý kịp thời thì sẽ không có chuyện KNTC kéo dài và đông người”.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |
“Tại sao cùng là hai tỉnh giáp ranh với nhau, chính sách như nhau, cùng lập khu công nghiệp như nhau nhưng tỉnh này không có khiếu nại gì cả nhưng bên kia lại có khiếu nại, tố cáo phức tạp, đó là vấn đề mà địa phương cần tìm hiểu”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Chính quyền sai thì phải nhận lỗi
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ: “Từ 2008 đến nay, các cấp đã quan tâm, tích cực thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết KNTC nên đã có kết quả tích cực. Tuy nhiên khiếu nại của người dân vẫn còn tồn đọng kéo dài, từng địa phương cũng nảy sinh thêm việc KNTC. Nếu chúng ta chủ quan, xem thường không tiếp tục giải quyết sẽ là mầm mống mất ổn định ANTT”.
Thủ tướng cũng cho rằng trách nhiệm của chính quyền là phải tiếp công dân, lắng nghe những ý kiến của công dân, việc giải quyết KNTC của công dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng của các địa phương, các cơ quan chức năng cần phải làm tốt hơn. Trước mắt cần phải tập trung giải quyết dứt điểm các vụ tồn đọng kéo dài, lắng nghe tâm tư nguyện vọng người dân đừng để nảy sinh những vụ việc mới.
“Tại sao cùng là hai tỉnh giáp ranh với nhau, chính sách như nhau, cùng lập khu công nghiệp như nhau nhưng tỉnh này không có khiếu nại gì cả nhưng bên kia lại có KNTC phức tạp, đó là vấn đề mà địa phương cần tìm hiểu”- Thủ tướng yêu cầu.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các địa phương lập hồ sơ công khai việc giải quyết 528 vụ việc KNTC tồn đọng, kéo dài. Quá trình giải quyết, nếu thấy chính quyền sai thì phải nhận lỗi, nếu việc giải quyết đúng rồi nhưng người dân do khó khăn về cuộc sống nên nảy sinh khiếu kiện thì cũng phải có chính sách hỗ trợ cuộc sống cho họ.
“Chúng ta phải làm hết lòng, hết trách nhiệm để người dân thấy được lẽ phải. Khi họ thấy lẽ phải thì họ sẽ đồng thuận thực hiện. Còn những đối tượng cố ý chống đối cũng phải cố gắng thuyết phục khi không còn biện pháp nào khác thì mới tiến hành cưỡng chế” - Thủ tướng yêu cầu. “Việc đền bù, tái định cư phải sát thực tế, bàn bạc dân chủ, công khai theo đúng quy trình của pháp luật. Lấy vận động thuyết phục làm chính, việc cưỡng chế không được dùng vũ khí nóng, không được làm chết người và tuyệt đối không được dùng lực lượng quân đội vào việc này.”- Thủ tướng chỉ thị.
Hãy để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra
“Sơn La đã thực hiện thành công di dời 12.584 hộ dân là cuộc di dân lớn nhất lịch sử nhưng đã không để xảy ra vụ khiếu kiện, không có bất cứ điểm nóng và không phải cưỡng chế bất cứ hộ dân nào về việc di dời này. Bài học được rút ra là toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, công tác kiểm tra, giám sát phải được thực hiện liên tục để xử lý ngay những sai phạm trong quá trình thực hiện. Toàn bộ chính sách hỗ trợ, đền bù phải thực hiện theo đúng quy trình dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh
|
Nếu so sánh với năm 2008 thì năm 2011 số vụ việc KNTC đã tăng 26,4%; và tăng 64,5% số đoàn đông người. Các cơ quan chức năng đã giải quyết trên 84% số vụ việc, thu hồi về cho Nhà nước gần 1.026 tỉ đồng, 1.241ha đất; khôi phục quyền lợi cho 6.659 công dân với số tiền 595 tỉ đồng, 936ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.951 người; chuyển cơ quan điều tra 239 vụ, 382 người.
Các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm được 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài (đạt 66,7%). Hiện còn lại 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
|