Còn gì là Phanxipăng bí ẩn nếu cho đặt cáp treo?

03-05-2012 | 07:41

(Nguoiduatin) - Với đề xuất xây dựng cáp treo trên đỉnh Phanxipăng, nhiều người cho rằng, đã đến lúc tỉnh Lào Cai phải xem xét lại cách thức làm du lịch.

Phanxipăng là đỉnh núi cao nhất Đông Dương, nó còn được gọi là “nóc nhà của Đông Dương” với độ cao 3.143 mét và trở thành một trong những điểm du lịch hot của Việt Nam.

Khách du lịch đến với Phanxipăng đều là những người ưa mạo hiểm, muốn được khám phá và trải nghiệm trước thiên nhiên hùng vĩ. Chinh phục Phanxipăng là mơ ước của rất nhiều người, thậm chí có cả người khuyết tật.

Niềm tự hào du lịch Sa Pa

Nhu cầu được khám phá, chinh phục, tìm lại chính mình khiến du lịch  Phanxipăng trở thành một xu hướng được ưa chuộng hiện nay. Chúng ta dễ dàng tìm thấy trên các diễn đàn mạng những chủ đề liên quan đến việc chinh phuc ngọn núi này.

Vào những ngày lễ tết, lượng khách đến với Phanxipăng khá đông. Tuy nhiên, để du lịch Phanxipăng phát triển, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, thì chính quyền nơi đây còn rất nhiều việc phải làm.

Có lẽ vì thế, mới đây UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt đề án quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Sa Pa đến năm 2030 để thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, đề án này có một điểm “nhạy cảm” là sẽ thiết kế và xây dựng một cáp treo dài 6,2km từ ngoại vi thị trấn Sa Pa lên đỉnh Phanxipăng - nóc nhà Đông Dương.

Ngay lập tức, đề án này, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, từ dư luận, đặc biệt là từ những người yêu thích du lịch khám phá. Họ cho rằng việc xây dựng cáp treo sẽ phá vỡ môi trường, cảnh quan, tác động xấu đến hệ sinh thái của đỉnh núi và vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn.

Và điều quan trọng không kém, hành trình du lịch, chinh phục đỉnh núi Phanxipăng sẽ không còn trở nên hấp dẫn, khi mà chỉ cần bỏ ra một số tiền, bất cứ ai cũng có thể đặt chân lên “nóc nhà Đông Dương”?

Đừng làm hại đến thế hệ sau

Ông Trần Hữu Sơn- Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai bày tỏ quan điểm không đồng tình. “Tỉnh đã phê duyệt đề án nhưng với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi không đồng ý chủ trương này vì nó có nhiều tác hại và khó thực hiện”.

Theo ông Sơn, cả nước mới có một Phanxipăng và rất nhiều người tự hào khi được đến đây chinh phục, khám phá. Bây giờ làm cáp treo, du khách ùn ùn kéo đến, giẫm đạp lên đấy, còn gì là đỉnh Phanxipăng?. Ở đây, đa dạng sinh học phong phú, có đến 10 loại cây là đặc hữu của Sa Pa, trên thế giới không thể có.

Nếu làm cột cáp treo lên Phanxipăng, đa dạng sinh học sẽ bị phá vỡ. “Tôi nghĩ, Sa Pa phải nghiên cứu lại cách thức làm du lịch. Nói cho cùng, du lịch bền vững mới là hướng phát triển tốt nhất hiện nay và không làm hại đến thế hệ sau.”, ông Sơn nói

Tập trung đông người sẽ gây nguy hiểm

Trao đổi với Người đưa tin, anh Đỗ Võ Tuấn Dũng, thành viên của nhóm đưa Vespa cổ lên đỉnh Phanxipăng cho biết: “Theo ý kiến của tôi, việc xây dựng cáp treo lên đỉnh Phanxipăng là không cần thiết và lãng phí.

Bởi điều thu hút, khiến người ta thích thú khi đến Phanxipăng là có thể trải nghiệm, thử thách và khám phá những nỗ lực của chính mình. Kiểu khám phá này chủ yếu phù hợp với những người trẻ.

Ở đây, không có chùa chiền hay các danh thắng mang tính bái ngưỡng nên chắc chắn không thu hút được những người cao tuổi. Mặt khác, Phanxipăng là một đỉnh núi nhỏ, nguy hiểm, cho nên việc mở cáp treo, tập trung đông người cũng không hẳn là một việc tốt, chưa kể đến ô nhiễm môi trường”.

Làm cáp treo là xu hướng phổ biến

KTS Nguyễn Luận- Hội Kiến trúc sư VN cho rằng: Nên nhìn sự việc một cách tổng thể và đừng có giật mình khi nghe đến khái niệm cáp treo. Trong bản quy hoạch tổng thể mới của Sa Pa, các nhà quy hoạch đã đúc rút kinh nghiệm, tránh tác động đến khu dân cư tập trung đông nhất của thị trấn Sa Pa và mở ra những khu vực khác ở phía Tây.

Về hạng mục cáp treo, trong dự án chỉ có mấy dòng ngắn ngủi, thậm chí chỉ là một đường thẳng cắt ngang thung lũng Mường Hoa trên bản đồ nên có nhiều ý kiến đóng góp trái chiều cũng là điều dễ hiểu. Về chủ trương, KTS Luận đồng ý với việc làm cáp treo lên Phanxipăng.

Vì làm cáp treo trên các đỉnh núi cao là xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay. Chúng ta có quyền áp dụng những phương tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến để phục vụ phát triển du lịch.

Người sử dụng không nhiều sẽ gây lãng phí lớn

Trao đổi với Người đưa tin, anh Nguyễn Huy Hùng, công ty xây dựng Vinaconex cho rằng: “Thực tế, trên triền núi này không có công trình kiến trúc tôn giáo nào như Yên Tử hay chùa Hương, nên việc cáp treo chạy qua sẽ không gây cảm giác bất kính hay phản cảm”.

Theo anh Hùng, nếu nhu cầu sử dụng thực sự lớn thì việc xây dựng cáp treo là cần thiết. Những người cao tuổi sẽ rất hào hứng khi đến đây tham quan với sự hỗ trợ của cáp treo. Nhưng nếu nhu cầu sử dụng quá nhỏ mà vẫn tiến hành xây dựng, se gây ra sự lãng phí lớn.”

Leo cáp treo sẽ khó bẻ cây, đốt lá

Chị Vũ Lan Khánh- một nhân viên tổ chức tour du lịch ở Hà Nội, cho biết: “Tôi chuyên làm tour cho khách châu Âu vào Việt Nam và bản thân đã leo Phanxipăng không ít lần.Tôi thấy đường mòn lên Phanxipăng đầy rác thải đô thị (chai nước, túi nhựa, vỏ đồ hộp...).

Với người làm tour, ăn thua là ở ý thức chứ không chỉ ở phương tiện. Tôi tán thành, nếu có công ty nào đó hay địa phương đứng ra xây dựng cáp treo lên Phanxipăng. Nó sẽ mở ra nhiều lựa chọn hơn cho du khách. Hơn nữa, đi trên cáp treo, người ta sẽ khó xả rác hay bẻ cây, đốt lá... như khi leo bằng đường bô”å.

Không phù hợp để đặt công trình có kết cấu đồ sộ

Trao đổi với Người đưa tin, KTS Trần Trọng Hanh (nguyên hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho rằng: “Ở bất cứ vùng đất du lịch nào cũng lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời. Tiếp cận và giải quyết vấn đề này thế nào cũng cần phải lưu tâm.

Không nên chủ quan đưa cáp treo lên thẳng đỉnh Phanxipăng. Việc khó chinh phục, khó tiếp cận là một trong những điểm hấp dẫn riêng của “nóc nhà Đông Dương”. Nếu can thiệp quá nhiều, tính hấp dẫn, thách thức sẽ không còn. Cũng theo KTS Hanh, đỉnh núi ở đây khá hẹp, không phù hợp để đặt một công trình có kết cấu đồ sộ.

Giang-Thơm   

Tags: Phanxipăng, cáp treo, du lịch



'; ABDZone[1] = ''; rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone);