Vì sao người Việt Nam thích... chửi?

07/05/2012 09:34:30

(Kienthuc.net.vn) - Thực tế tồn tại, ai nhanh miệng chửi trước và chửi hùng hồn hơn, người ấy sẽ chiếm thế thượng phong. Người nào chửi dài hơi hơn và độc địa hơn, người đấy có lý. 

Va chạm giao thông ngoài đường, việc người ta làm đầu tiên là chửi nhau. Ai nhanh miệng chửi trước và chửi hùng hồn hơn, người ấy sẽ chiếm thế thượng phong.

Hàng xóm va chạm hay vứt rác ra đường cạnh nhà nhau cũng chửi. Người nào chửi dài hơi hơn và độc địa hơn, người đấy có lý.

Và thậm chí đi ăn, Hà Nội cũng nổi tiếng với quán chửi.

Ảnh minh hoạ

Đến mức độ các anh trai Sài Gòn kháo nhau ra Hà Nội để nghe những lời chửi bậy. Nhưng đau lòng hơn, họ lại muốn tò mò xem những cái miệng rất xinh xắn của các cô gái Hà Nội chửi bậy như thế nào?

Xã hội đang vận hành với sự phân tầng rõ nét, hiện tượng văng tục chửi bậy lẽ ra sẽ nhiều hơn ở tầng lớp thấp. Luật bất thành văn là người ở tầng lớp cao trong xã hội là không chửi bậy.

Nhưng giờ đây, kể cả ở chốn cao siêu như là các giảng đường đại học, giảng viên cũng hồn nhiên chửi bậy và thậm chí còn chửi bậy rất nhiều.

Vậy chửi bậy phản ánh những khúc mắc gì trong đời sống xã hội hiện nay? Có thể nhìn nhận trên 2 góc độ: 

Thứ nhất, xét từ góc độ tâm sinh lý con người, một hiện tượng có lẽ là khó lý giải được đó là: khi gặp khó khăn, bức xúc, nếu bật được câu nói nào đó ra ngoài sẽ thấy nhẹ nhõm hơn, dễ chịu cho thể trạng hơn.

Đó chính là biểu hiện của trạng thái sinh học, một nhu cầu bản năng của mỗi con người. Tuy nhiên, khi thể hiện nhu cầu bản năng đó, người ta hay bị liên đới với bản năng gốc. Có nghĩa là phải liên quan đến sinh thực khí. Người chửi bậy sẽ thấy dễ chịu nhất khi văng ra những câu nói gắn liền với những bộ phận nhạy cảm hoặc những việc chỉ nói trong phòng the.

Thứ hai, trên góc độ xã hội, hiện tượng chửi bậy được xuất phát điểm từ hai câu chuyện.

Một là, khi những căng thẳng xã hội đã trở nên quá mức chịu đựng, khiến con người rơi vào tình trạng bất lực, bế tắc thì dễ bật ra câu chửi để giảm stress, hoặc để thể hiện sức mạnh của mình, hoặc chí ít ra cũng là một giải pháp để tự an ủi là mình đã làm được điều gì đó.

Hai là, nó xuất phát điểm từ quá trình di dân kéo theo sự di động văn hóa. Những nhóm người với những tầng lớp xã hội khác nhau khi tập trung về những khu đô thị lớn sẽ kéo theo những phong tục, tập quán, thói quen, hệ chuẩn mực và hệ giá trị sống của vùng miền mình.

Và khi hòa trộn lại, khi chưa kịp thích nghi, khi họ chưa quen với sự khác biệt, chưa quen với hệ giá trị chuẩn mực mới sẽ rất dễ dẫn đến sự ức chế và xung đột xã hội. Và tệ hơn thế chửi bậy là cái đầu tiên phải làm nếu không muốn bị lép vế trong xã hội. 

TS. Đỗ Thị Vân Anh (Khoa Xã hội học - Đại học Công đoàn)

(Tiêu đề do BBT đặt)

 

TIN LIÊN QUAN

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.