“Hiện đại hóa” Bộ GTVT không khớp với Quy hoạch Thủ tướng
Đề án trị giá 223.000 tỷ đồng để hiện đại hóa trụ sở làm việc, phát triển đội tàu biển... của Bộ GTVT không khớp với Quy hoạch GTVT chung mà Thủ tướng đã duyệt năm 2009.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bàn về đề án trị giá 223.000 tỉ đồng để hiện đại hóa Bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ trưởng Đinh La Thăng, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý GTVT đã chỉ ra điểm không khớp trong đề án so với Quy hoạch GTVT chung mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ |
Đề án không khớp với Quy hoạch chung?
“Về đề án hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển đội tàu biển, máy bay, đào tạo nguồn nhân lực theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Bộ GTVT lần này, tôi cho là cần thiết.
Tuy nhiên, có vẻ như chưa mang tính tổng thể, do chưa thấy những phương án phát triển liên quan đến các lĩnh vực phát triển đường sắt, đường bộ, đường cao tốc, giao thông nông thôn, giao thông đô thị, an toàn giao thông…", ông Thụ nêu quan điểm.
Ông Thụ chỉ ra một điểm không khớp khi mang đề án của Bộ GTVT so sánh với bản Quy hoạch phát triển vận tải biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009: "Theo Quy hoạch chung, dự kiến ngành GTVT đầu tư phát triển tổng trọng tải đội tàu biển đến năm 2015 lên 8,5 đến 9 triệu tấn.
Tuy nhiên, đề án mà Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa phê duyệt chỉ rõ dự kiến đầu tư đội tàu biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có tổng trọng tải xấp xỉ 15 triệu tấn vào năm 2015".
Ông phân tích, điều này cho thấy con số dự kiến đầu tư của Bộ gấp gần 2 lần Quy hoạch chung. Hơn nữa, cũng mới chỉ nhắc tới chuyện đầu tư cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam mà chưa thấy nhắc tới các đơn vị khác.
"Tôi cho rằng, thay vì vài tháng lại đưa ra một đề xuất, đề án, Bộ trưởng Bộ GTVT nên đưa ra một đề án tổng thể hơn, mang tính bao quát, đầy đủ hơn", ông Thụ nói.
Cần thiết đầu tư trụ sở nhưng cần xem xét lại con số
"Về vấn đề di dời trụ sở, Bộ GTVT đang thực hiện đúng chủ trương. Và xét về độ cần thiết, tôi cho rằng nó rất cần thiết. Tuy nhiên chúng ta phải bàn lại về vấn đề số tiền, nhất là khi cả đất nước đang thực hiện chủ trương tiết kiệm, giảm chi tiêu công.
Cụ thể, nếu cơ sở hạ tầng quá kém, quá chật chội thì phải đầu tư. Thậm chí, nếu thực sự cần thiết thì kể cả phải bỏ thêm số tiền lớn hơn thì chúng ta vẫn nên đầu tư. Hơn 12 nghìn tỷ đồng là con số lớn, nhưng chưa chắc đã là lãng phí nếu biết đầu tư đúng chỗ. Còn 1 tỷ đồng nếu không biết đầu tư vẫn gọi là lãng phí.
Tuy nhiên, không thể vì lý do tiết kiệm ngân sách mà cắt bỏ những khoản đầu tư cho Bộ, ngành được. Nhưng đầu tư như thế nào cho hiệu quả thì cần bàn thêm, tính toán một cách kỹ lưỡng để từng đồng, từng hào của ngân sách phải được chi tiêu một cách hợp lý và tiết kiệm nhất", PGS.TS Nguyễn Văn Thụ nói.
Ông Thụ cũng nói thêm: "Tôi đã từng đọc ý kiến của một đại biểu Quốc hội khi họ liên hệ tới trụ sở làm việc giản dị của Thủ tướng Anh. Theo tôi, so sánh như vậy hơi khiễng. Bởi vì ở Anh nói riêng, các nước phát triển khác nói chung, trình độ quản lý của họ đã đạt tới mức tiên tiến nên bộ máy làm việc rất nhỏ gọn.
Cũng theo ông Thụ, trong hoàn cảnh này, Bộ GTVT nên xem xét, tính toán lại đề án một cách cẩn trọng, cái gì thực sự cần thiết thì đầu tư ngay; ngược lại cái gì có thể hoãn lại thì đầu tư sau nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Theo Lăng Nguyễn
Giáo dục Việt Nam