Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM; đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và việc trong thời gian qua, nhà nước đã phải chi rất nhiều tiên để mở các con đường "đắt nhất hành tinh" ở nhiều thành phố lớn, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp, hiến kế...gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Nguyễn Anh Tuân với nội dung hiến kế trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Câu chuyện ùn tắc giao thông trong thời gian qua vẫn là nỗi ám ảnh của người dân ở các thành phố lớn cũng như là bài toán nan giải của các cấp, các ngành chức năng. Giải pháp tối ưu nhất về lâu dài được xác định là phải thực hiện việc nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng nhất là các tuyến đường giao thông trong khu vực trung tâm các đô thị lớn.
Tuy nhiên, việc mở rộng các tuyến đường này đang gặp phải rất nhiều khó khăn do các nguyên nhân khác nhau và trên thực tế đã xuất hiện nhiều đoạn đường được mệnh danh "đắt nhất hành tinh" ở các đô thị lớn như đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu... Việc các tuyến đường bị chậm trễ thi công, vốn lớn... đã tiếp tục kéo theo những hệ lụy về vấn nạn ùn tắc giao thông càng lúc càng nghiêm trọng.
|
Đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa từng được mệnh danh là "đường đắt nhất hành tinh" (Ảnh: Internet). |
Là một công dân của thủ đô Hà Nội, hàng ngày phải chứng kiến cảnh ùn tắc giao thông càng lúc càng nghiêm trọng, đồng thời được biết những thông tin về nhiều đoạn đường "đắt nhất hành tinh" xuất hiện, thực sự tôi rất bức xúc và cảm thấy mình nên có một vài ý kiến đóng góp, mong muốn gửi đến Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc này.
Thực tế, theo tôi thấy hiện nay, việc tiến hành thi công, mở rộng các tuyến đường chậm, nhà nước phải chi hàng trăm tỉ đồng để mở rộng vài trăm mét đường ở các đô thị có nguyên nhân chính là do khâu đền bù, giải phóng mặt bằng...
Ở nhiều tuyến đường, khi tiến hành giải tỏa để nâng cấp mở rộng, đại bộ phận người dân đều đồng tình nhưng cũng có một số hộ vì lợi ích cá nhân, vì lý do này, nguyên nhân kia mà cố tình chậm bàn giao dẫn đến thi công bị đình đốn, cảnh bụi bặm, ùn tắc cứ như vậy lại càng xảy ra nghiêm trọng.
Nếu cứ để người dân nghĩ là đất của dân, dân không muốn dời đi thì các cơ quan chức năng khó làm được gì cả thì không ổn chút nào? Chúng ta hãy giáo dục một điều quan trọng là: Đất đai là sở hữu chung của toàn dân và nhà nước đứng ra quản lý.
Khi nào nhà nước thu hồi đất để phục vụ các công trình công cộng như đường giao thông này thì sẽ có lệnh thu hồi và đền bù toàn bộ tài sản hiện có tại thời điểm thu hồi. Cấm mọi hành động trồng cây, xây dựng mới trên đất đã có lệnh thu hồi đó.
Đồng thời theo tôi, khi nhà nước tiến hành thu hồi đất để phục vụ mở đường giao thông cũng như các công trình khác, cần họp dân để thông báo và tôi mong muốn rằng chúng ta nên gửi quyết định thu hồi về cho người dân trước 3 tháng để người dân chuẩn bị.
Cùng với đó là chuẩn bị đầy đủ các khu nhà, đất (nếu có) tái định cư, với các dịch vụ đi kèm như điện nước, gần chợ buôn bán... để người dân có thể di chuyển ngay tới ở, ổn định cuộc sống.
Sau khi nhà nước đã thực hiện đầy đủ rồi mà vẫn có trồng cây, xây dựng thêm là trái pháp luật, lúc này có thể khép vào tội lừa đảo cơ quan chức năng và, theo tôi, nhà nước nên quy định, hình phạt tiền sẽ bằng 5% số tiền được đền bù.
Làm như vậy rồi mà những ai không chấp hành thì sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi và đền bù theo điều khoản đưa ra, đồng thời, xử phạt thật nặng dựa theo tính chất trọng điểm của công trình và đền bù toàn bộ tiền các lực lượng chức năng đã dùng để cưỡng chế. Khi đó tôi tin rằng, với việc thực hiện luật nghiêm minh, cộng thêm số tiền phạt như thế chắc chắn thừa sức răn đe, chống tái phạm hàng loạt ở các công trình khác.
|
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Chúng ta cũng cần có qui định rõ ràng, nếu ai đứng ra bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm thì sẽ xử phạt số tiền bằng 101% số tiền bị tổn thất mà dự án phải nghỉ để chờ xét xử làm việc, đồng thời xử lý về mặt chức vụ, có thể cho thôi chức, điều chuyển công tác... Với số tiền phạt như thế này thì chắc chắn cũng sẽ không còn ai dám bao che?
Cùng với việc thực hiện nghiêm minh, quyết liệt việc giải phóng mặt bằng, thì một việc cũng không kém phần quan trọng ở đây, theo tôi, đó chính là việc giám sát chặt chẽ việc thi công, chống thất thoát, tham nhũng ở các công trình giao thông này.
Các đơn vị triển khai thi công dự án nhanh, đúng, vượt tiến độ sẽ được thưởng còn các đơn vị nào mà thi công chậm trễ, dẫn đến ảnh hưởng làm ùn tắc giao thông, đời sống của người dân, gây thất thoát, công trình đưa vào sử dụng nhanh xuống cấp, chất lượng không đảm bảo... thì phải phạt thật nặng, kể cả bắt thi công lại toàn bộ công trình, trừ giá trị thanh toán bằng 50 - 100% giá trị công trình, nếu cao hơn có thể cắt chức, điều chuyển người đứng đầu, thậm chí là truy tố về mặt hình sự...
Tôi tin tưởng chắc chắn một điều, nếu chúng ta ban hành và thực hiện nghiêm minh các điều khoản như ở trên thì những con đường làm tại Việt Nam sẽ vào top các đường giá rẻ và tốt nhất thế giới. Hơn thế nữa, từ việc thi công nhanh, giá rẻ các công trình này sẽ góp phần làm giảm ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn hiện nay.