Sức mua yếu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Hồng Thúy
Gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng tung ra trong giai đoạn này sẽ có tác dụng cơ bản tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp (DN). Đây là cố gắng lớn của các cơ quan tham mưu của Chính phủ. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng nếu chỉ đặt trọng tâm vào các giải pháp thuế không khác nào kê đơn thuốc chưa đủ liều để trị bệnh...
“Có lợi nhuận đâu mà nộp thuế”
TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, đánh giá miễn, giảm, dãn, hoãn thuế là giải pháp không mới, đã được liên tục thực hiện từ năm 2009 đến nay. Xét về quy mô thì gói hỗ trợ năm nay lớn hơn, lên đến 29.000 tỉ đồng, trong khi năm 2009 có giá trị tài chính khoảng 20.000 tỉ đồng. Cả đối tượng được hỗ trợ cũng như sắc thuế được miễn, giảm, dãn, hoãn cũng đã mở rộng hơn. Ví dụ, trước đây, đối tượng thụ hưởng chỉ là DN sản xuất thì nay đã áp dụng với cả DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Về sắc thuế, lần này đã mở rộng dãn, giảm thuế GTGT, tiền thuê đất. Như vậy, số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng lẽ ra phải nộp thuế thì nhờ có chính sách hỗ trợ này, DN được để lại tái đầu tư phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng theo TS Cao Sỹ Kiêm, chính sách này chỉ có tác dụng đối với những DN có lợi nhuận, còn hàng trăm ngàn DN đang “sắp chết” hầu như không được hưởng lợi từ chính sách này. Vì không có lợi nhuận thì không phải nộp thuế thu nhập DN nên không được giảm 30% thuế này trong năm 2012. Trong khi đó, thuế GTGT chỉ được dãn trong 6 tháng chứ không được miễn. Như vậy, xét về quy mô thì gói hỗ trợ thuế lần này lớn hơn năm 2009 nhưng tác dụng chưa chắc đã hơn vì hiện nay, “sức khỏe” của DN đã xấu hơn so với năm 2009. “Nhiều DN có lợi nhuận đâu mà cần giảm thuế. Điều quan trọng lúc này là cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ hơn” - TS Cao Sỹ Kiêm chia sẻ nguyện vọng của các DN nhỏ và vừa.
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Tiến Đông cho rằng số lượng DN phá sản từ cuối năm ngoái và đầu năm nay có tăng lên so với bình thường do kinh tế khó khăn nhưng “không phải ở mức độ đáng lo ngại”. Hiện nay, nhiều DN đã đình trệ sản xuất nhưng không phải tất cả các DN đều rơi vào tình trạng đó. Trong số 450.000 DN đang hoạt động, mỗi DN có một đặc thù, tình huống riêng, Chính phủ chỉ có thể đưa ra chính sách chung, ảnh hưởng đến số đông, không thể có chính sách cho từng nhóm cụ thể. Do đó, phải chấp nhận có những DN không được cứu.
Rất cần kích cầu tiêu dùng
Nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung quan điểm giải pháp hàng đầu hiện nay là phải kích cầu tiêu dùng, giúp DN giảm hàng tồn kho, thông qua tăng thu nhập cho người dân và giảm giá sản phẩm.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đánh giá từ năm 2010 đến nay, sức mua đã giảm mạnh và hiện đang ở mức yếu do lạm phát kéo dài. “Phi thương bất hoạt”, nếu không kích được cầu tiêu dùng, các giải pháp khác sẽ không có ý nghĩa. Lúc này rất cần giảm thuế thu nhập cá nhân, mở rộng cho vay tiêu dùng và quan trọng là không để có thêm nhiều DN phá sản để người dân có thu nhập, tạo sức mua. Sức mua cũng có thể tăng lên khi giảm giá nên DN cần chủ động giảm lợi nhuận, Nhà nước cần giảm thuế gián thu để giúp DN giảm giá thành.
TS Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng kích cầu tiêu dùng đang là vấn đề rất cấp thiết. Gói hỗ trợ lần này đã tính đến kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm tồn kho lớn như sắt thép, xi măng để khơi thông sự luân chuyển hàng hóa, thu hồi vốn cho DN. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho phép sử dụng kinh phí tạm dừng mua sắm của năm 2011 sang năm 2012 nhưng cần phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn để kích cầu tiêu dùng trên diện rộng. Đó là giải pháp đồng bộ từ giảm mạnh lãi suất cho vay, quản lý tốt đến không để giá cả hàng hóa tăng cao làm hạn chế chi tiêu, giảm chi phí DN…
Chỉ dãn thuế GTGT thì không mấy tác dụng. Nếu hàng tồn kho vẫn lớn, không có đầu ra thì lãi suất rẻ mấy DN cũng không vay. Tôi cho rằng cần giảm luôn thuế GTGT trên mỗi hóa đơn bán lẻ mới có tác động trực tiếp đến tâm lý tiêu dùng của người dân…
Ông Vũ Vinh Phú (Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội) |