Thứ Bảy, 05/05/2012, 07:02 [GMT+7]
.
.

Thứ trưởng Bộ GTVT:Hiện đại hóa trụ sở Bộ là cấp thiết!

(Đời sống) - "Nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng chỗ nào cấp bách sẽ đầu tư cho chỗ đó trước, dứt điểm thì tôi đồng ý, chứ không thể không bố trí vốn đầu tư cho nhà xưởng để dồn cho toàn bộ làm hạ tầng được. Nếu thế, hai chân của mình sẽ khập khiễng và không đều"... - Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT chia sẻ với Phunutoday về đề án Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đang gây "sốt" dư luận trong mấy ngày vừa qua.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường

PV: - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa phê duyệt đề án với kinh phí hơn 200.000 tỷ đồng để Công nghiệp hóa - hiện đại hóa Bộ GTVT, chỉ tính riêng phần đầu tư xây dựng trụ sở mới của Bộ là 1.000 tỉ đồng, cho các tổng cục, cục... trực thuộc là 1.118 tỉ đồng. Dư luận không khỏi băn khoăn rằng, trong điều kiện kinh tế đất nước hiện nay, chi như thế là “vung tay quá trán” và không thiết thực. Là Thứ trưởng Bộ GTVT, ông nghĩ sao về luồng dư luận này?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Cần phải nhìn nhận rõ đề án CNH-HĐH được xây dựng trên cơ sở định hướng cho cả quá trình trong giai đoạn dài đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, không phải tiến hành ngay tại một thời điểm hiện nay.

Trong đề án đã chỉ rõ, nguồn vốn ngân sách chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng nguồn vốn triển khai thực hiện CNH-HĐH9 (khoảng 9%) và chú trọng huy động nguồn ngoài ngân sách.

Đề án CNH-HĐH Bộ GTVT là tổng hợp định hướng của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng đề án chi tiết của mình một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài.

PV: - Thứ trưởng có cho rằng, phải có trụ sở, nơi làm việc hoành tráng thì những công việc của Bộ mới có hiệu quả thiết thực? Hoặc nói một cách khác là: sở dĩ những công việc do Bộ chịu trách nhiệm chưa hoàn thành tốt, một phần là do chưa có trụ sở hoành tráng, như ý?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Bất cứ một quốc gia nào người ta cũng phải xây dựng một nền hành chính quốc gia đủ mạnh để điều hành đất nước. Trong đó bao gồm các lĩnh vực: quản lý điều hành, nhà xưởng, phương tiện, thiết bị, công nghệ và nguồn nhân lực.

Bộ GTVT muốn chi hơn 200 nghìn tỷ đồng để “thay áo”
Bộ GTVT muốn chi hơn 200 nghìn tỷ đồng để “thay áo”

Muốn vậy thì các Bộ, Ngành phải xây dựng các chương trình, đề án để triển khai thực hiện đáp ứng các yêu cầu đề ra phù hợp với sự phát triển các giai đoạn của đất nước. Các đề án đó xây dựng cho cả quá trình từ 10 - 15 năm là hoàn toàn đúng với chủ trương CNH - HĐH đất nước mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Một đề án như thế là rất cần thiết.

PV: - Mới đây, Bộ GTVT cũng đã đưa ra rất nhiều đề xuất thu phí để tăng kinh phí cho ngành giao thông, tăng mức xử phạt để phục vụ giao thông hoạt động hiệu quả, thay đổi giờ học giờ làm để giảm ách tắc... Những đề xuất này vẫn đang gây tranh cãi và theo dư luận là chưa thỏa đáng, Thưa Thứ trưởng, ông có cho rằng những bất cập ấy sẽ được giải quyết ổn thỏa nhờ vào đề án hiện đại hóa - công nghiệp hóa lần này và đề án này sẽ được thực hiện nhờ vào những khoản thu phí như vậy?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Quỹ bảo trì đường bộ đã được Luật đường bộ (năm 2008) thông qua, đến bây giờ mình xây dựng Nghị định về quỹ bảo trì đường bộ là đã chậm 3 năm. Nghị định được xây dựng từ cơ sở, đươc lấy ý kiến UBND cấp tỉnh, các Bộ, Ngành Trung ương qua gần 2 năm đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Số tiền mà quỹ đường bộ thu được sẽ góp phần cho việc duy tu sữa chữa cho các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn. Tuy vậy, số tiền này cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu vốn cho duy tu sửa chữa cầu đường, số còn lại phải lấy từ ngân sách Nhà nước.

PV: - Thưa Thứ trưởng, có nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn Bộ nên quan tâm tới các công trình giao thông đang xuống cấp, tới những dự án đang bị chậm tiến độ vì thiếu vốn và vì hàng ngàn lý do khác hơn là đầu tư vào việc hiện đại hóa trụ sở Bộ. Bộ dự kiến sẽ làm thế nào để vừa đáp ứng được lòng dân vừa giải quyết được nhu cầu không gian làm việc của cán bộ nhân viên trong ngành?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Công trình giao thông xuống cấp thì phải có tiền để duy tu, sữa chữa, bây giờ ngân sách Nhà nước đang tập trung đàu tư cho hệ thông giao thông huyết mạch nhằm tạo ra sự thuận lợi cho mọi hoạt động kinh tế, sự đi lại cho người dân nhanh chóng an toàn.

Chính vì vậy người dân tham gia đóng phí đường bộ để được hưởng dịch vụ tốt hơn là đúng qui định của pháp luật và theo tôi đó là niềm tự hào của mỗi ngươi dân khi góp phần mình vào xây dựng đất nước.

Nói về chất lượng và tiến độ thì năm 2001 Bộ đã lấy là năm chất lượng và năm nay (2012) Bộ GTVT tiếp tục lấy là năm chất lượng, đảm bảo tiến độ. Không để xảy ra các công trình chậm tiến độ, mất chất lượng, và là năm an toàn giao thông. Đó là những vấn đề Bộ đã làm thường xuyên, liên tục rồi chứ đâu có phải bây giờ mới quan tâm.

PV: - Nếu phải lựa chọn ưu tiên thì theo Thứ trưởng, nên chọn cái nào trước cái nào sau?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Còn ưu tiên lĩnh vực nào trước, lĩnh vực nào sau thì không thể hiểu đơn giản vậy được.

Đổi mới, hiện đại phương tiện thiết bị phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước chính là để thực hiện một cách hiệu quả, minh bạch trong đầu tư và phát triển hệ thống giao thông đáp ứng cho nhu cầu hiện nay. Mọi nguồn vốn phục vụ cho mục đính nào thì đều được lập kế hoạch cụ thể, tùy theo mức độ đều có sự thẩm định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Ưu tiên là trên cơ sở cùng một nguồn vốn người ta mới ưu tiên. Nhưng ở đây, nguồn vốn hiện đại hóa trụ sở làm việc và xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông là hai nguồn vốn khác nhau. Các nguồn vốn này đều được Quốc hội, Chính phủ thông qua, phê duyệt từ đầu năm.

Như vậy, nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng chỗ nào cấp bách sẽ đầu tư cho chỗ đó trước, dứt điểm thì tôi đồng ý, chứ không thể không bố trí vốn đầu tư cho nhà xưởng để dồn cho toàn bộ làm hạ tầng được. Nếu thế, hai chân của mình sẽ khập khiễng và không đều.

PV: - Nếu phát biểu với tư cách là một công dân thì Thứ trưởng sẽ nói sao trước những câu hỏi như: đề án lần này đưa ra có hợp lý hay không? Khả năng được thông qua một dự án như thế là bao nhiêu phần trăm, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Là công dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, mà Bộ, Ngành là một cơ quan đại diện cho Đảng và Nhà nước. Vì vậy, trong hoạt động kinh tế của đất nước chúng ta tin tưởng vào lãnh đạo và hoạt động của các Bộ, Ngành TƯ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng tin tưởng vào sự hoạt động của các cơ quan thanh tra, giám sát có thẩm quyền trong các hoạt động kinh tế nói chung.

Là công dân, mình phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời phải góp sức nhỏ bé của mình vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó chúng ta mới có được thành quả cách mạng và sự thịnh vượng của đất nước như ngày hôm nay.

- Xin chân thành cám ơn Thứ trưởng!

Trụ sở đàng hoàng, to đẹp của Bộ GTVT

 

Theo đề án Công nghiệp hóa, hiện đại hóa Bộ GTVT được Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt, Bộ này cần gần 224.000 tỷ đồng để hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển đội tàu biển, máy bay, đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, với việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn tại văn phòng bộ, 8 tổng cục, cục chuyên ngành và 22 tổng công ty, sáu trường, viện, Bộ Giao thông ước tính cần 12.174 tỷ đồng (riêng năm 2012 - 2015 cần 7.950 tỷ đồng). Trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng bộ 1.000 tỷ đồng, Tổng cục Đường bộ 1.320 tỷ đồng, Cục Đăng kiểm 2.435 tỷ đồng...

Số tiền đầu tư này nhằm xây dựng trụ sở mới cho một số cục chưa có trụ sở làm việc như Cục Đường thủy nội địa và nâng cấp trụ sở làm việc chật chội, xuống cấp của Tổng cục Đường bộ, Cục Đường sắt... Dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xây mới trụ sở tại xã Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội).

Để thực hiện mục tiêu đầu tư đội tàu biển cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có tổng tải trọng xấp xỉ 15 triệu tấn vào năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải dự tính cần 30.000 tỷ đồng để có đội tàu 67 chiếc. Đến năm 2030, cần thêm 70.000 tỷ đồng để có 95 tàu các loại.

Về vận tải hàng không, Bộ Giao thông sẽ đầu tư 80.000 tỷ đồng để phát triển đội máy bay của Vietnam Airlines lên 181 chiếc vào năm 2020, gồm 70 máy bay sở hữu và 101 máy bay thuê. Trong đó, đến năm 2015 cần hơn 43.000 tỷ đồng để có đội máy bay 112 chiếc (55 chiếc đi thuê).

Theo Bộ GTVT, để thực hiện đề án, cơ quan này cần 20.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước cho việc đầu tư phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, nhà làm việc của cơ quan quản lý Nhà nước, đào tạo cán bộ, đầu tư công trình, dịch vụ công ích. Còn lại sẽ dựa vào nguồn vốn tự có và các doanh nghiệp tự huy động.
  • Khải Nguyên (Thực hiện)
;
.
.
.