Thứ Hai, 07/05/2012, 06:01 [GMT+7]
.
.

Sự thật về người cha ruột của con trai Tưởng Giới Thạch

(Người nổi tiếng) - Có hai người con trai nên Tưởng định hướng rất rõ: “Kinh văn, Vỹ võ”, nghĩa là người con cả Tưởng Kinh Quốc theo con đường chính trị còn người con thứ hai là Tưởng Vỹ Quốc thì theo con đường quân sự.


 Tuy nhiên, ai cũng biết rằng Tưởng Kinh Quốc sau này trở thành người kế thừa của Tưởng Giới Thạch, trở thành tổng thống Đài Loan, còn Tưởng Vỹ Quốc thì chỉ làm tới thượng tướng sau đó về hưu.

 Nhiều người nói rằng, con đường hoạn lộ của Tưởng Vỹ Quốc lận đận không phải vì kém tài người anh Kinh Quốc mà là vì Tưởng Vỹ Quốc vốn không phải là con ruột của Tưởng Giới Thạch mà là con trai của Đới Quý Đào, người anh em kết nghĩa của Tưởng…

1. Vào năm 1988, Lý Cán Câu, chủ tịch Hội học sinh trường quân sự Hoàng Phố sang Mỹ, thăm và gặp gỡ rất nhiều bạn bè cũ ở Đài Loan. Lý Cán Cân là con của tướng quân Lý Liệt Quân, một trong những vị tư lệnh của cách mạng Tân Hợi.

Họ Lý tốt nghiệp khóa 17 trường quân sự Hoàng Phố, từng là thư ký của tướng Phùng Ngọc Tường.

 Do vậy, Lý Cán Cân có quan hệ mật thiết với tầng lớp lãnh đạo cao cấp của Quốc dân đảng.

 Trong số những “người bạn cũ” mà Lý Can Cân gặp trong chuyến thăm Mỹ lần đó có cả con trai thứ hai của Tưởng Giới Thạch, Tưởng Vỹ Quốc, lúc đó đang là Thượng tướng của lục quân Đài Loan, bí thư trưởng của “Hội nghị an toàn quốc gia”.

 Sau khi Lý trở về nước không bao lâu, Tưởng Vỹ Quốc đã nhờ một người bạn là Chúc Khang Nhan tới Thượng Hải tìm Lý và nhờ Lý một việc vừa rất quan trọng lại vừa bí mật: Đó là tìm nơi đặt mộ của Đới Quý Đào.

Đới Quý Đào là ai và vì sao con trai của Tưởng Giới Thạch, thượng tướng của lục quân Đài Loan lại muốn tìm mộ của họ Đào?

Đới Quý Đào tên thật là Truyền Hiền, tự là Quý Đào, khi viết báo thì lấy tên là Thiên Cừu, sau đó tin thờ Phật thì lấy hiệu là Bất Không. Họ Đới quê gốc ở Ngô Hưng, Chiết Giang nhưng sinh ra ở Quảng Hán, Tứ Xuyên vào năm 1891.

Khi còn nhỏ, Đới Quý Đào học tập và sống ở Thành Đô, Tứ Xuyên. Tới năm 14 tuổi, họ Đới sang Nhật du học.

Đới Quý Đào là một nhân vật nổi tiếng thời Dân quốc, từng làm thư ký cơ yếu của Tôn Trung Sơn. Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, Đới theo về với Tưởng Giới Thạch, trở thành một mưu sĩ trung thành của Tưởng.

 Dưới thời Tưởng, Đới Quý Đào từng giữ tới chức Viện trưởng Viện khảo thí Trung Hoa Dân quốc, chuyên việc đánh giá năng lực và tổ chức cán bộ của chính quyền Quốc dân đảng.

 Vào tháng 2/1949, khi Quốc dân đảng sắp thua trong cuộc nội chiến với phe Cộng sản trên đất đại lục, Đới Quý Đào đã tự sát tại Quảng Châu.

Sau khi Đới chết, chính phủ Quốc dân đảng đã cử hành lễ viếng rất long trọng, sau đó dùng chuyên cơ đưa quan tài của Đới từ Quảng Châu về Thành Đô.

Ngày 31/3, Tưởng Giới Thạch công bố lệnh “quốc tang” để tưởng niệm Đới Quý Đào. Tới ngày 3/4, Đới Quý Đào được hợp táng cùng với người vợ của mình đã chết từ năm 1942 ở nghĩa trang Thành Đô, Tứ Xuyên.

Trước nay, người ta vẫn đồn đại rằng, Tưởng Vỹ Quốc không phải là con ruột của Tưởng Giới Thạch mà là con của Đới Quý Đào.

 Tưởng Vỹ Quốc được sinh ra ở Nhật sau đó được đưa về Trung Quốc cho một người thiếp của Tưởng Giới Thạch là Diêu Dã Thành nuôi dưỡng. Sau khi trưởng thành, Vỹ Quốc mới về sống cùng với Tưởng Giới Thạch.

Lần đầu tiên Tưởng Vỹ Quốc nghi ngờ về nguồn gốc xuất thân của mình, theo nhiều người nói có lẽ là vào năm 1940 khi anh ta vừa du học nước Đức trở về.

Trong thời gian sống tại Trùng Khánh, Tưởng Vỹ Quốc đã tình cờ xem một cuốn sách có tên “Nội tình châu Á” của một tác giả người Mỹ.

Cuốn sách này đã khẳng định Tưởng Vỹ Quốc không phải là con trai ruột của Tưởng Giới Thạch với những căn cứ rất rõ ràng.

Tác giả của cuốn “Nội tình châu Á” cho rằng, khi Tưởng Giới Thạch học ở Nhật Bản đã sống cùng với Đới Quý Đào nên 2 người từng rất thân nhau. Lúc bấy giờ, Đới có quen một nữ y tá người Nhật tên là Shigematsu Kaneko.

Một thời gian sau đó, Kaneko mang thai. Đến ngày 6/10/1916, Kaneko sinh ra một đứa con trai, đó chính là Tưởng Vỹ Quốc.

 Kanenko sinh Tưởng Vỹ Quốc được vài năm thì mắc bệnh qua đời. Do trước khi sang Nhật, Đới Quý Đào đã có vợ.

Vợ Đới là Nữu Hữu Hằng tính tình nóng nảy, lại hay ghen nên nếu như biết Đới Quý Đào có người phụ nữ khác ở bên ngoài, chắc chắn sẽ không để yên, huống là là ông ta lại có con với người phụ nữ ấy.

Do muốn giấu chuyện có con với người phụ nữ khác, Đới Quý Đào đã quyết định nhờ người bạn thân của mình là Tưởng Giới Thạch giúp đỡ, nhờ Tưởng nhận đứa con mới sinh ra làm con của mình.


Vì vậy, sau khi Kaneko qua đời, Đới Quý Đào đã nhờ người mang đứa con riêng của mình về giao cho Tưởng Giới Thạch.

Tưởng Giới Thạch đã đặt tên cho đứa con này là Vỹ Quốc và giao cho Diêu Dã Thành, người vợ bé ở Thượng Hải của mình nuôi dạy.

Xem tới đây, Tưởng Vỹ Quốc giật mình và cũng từ đó Vỹ Quốc bắt đầu nghi ngờ về xuất thân thực sự của mình. Tất nhiên, khi đó Tưởng Vỹ Quốc không dám hỏi thẳng Tưởng Giới Thạch, tuy nhiên, đã một lần Tưởng Vỹ Quốc cả gan tới hỏi thẳng Đới Quý Đào. Ban đầu Đới Quý Đào chối, nhất quyết không thừa nhận.

Tưởng Kinh Quốc, Tưởng Giới Thạch, Tưởng Vỹ Quốc
Tưởng Kinh Quốc, Tưởng Giới Thạch, Tưởng Vỹ Quốc


Sau đó do Tưởng Vỹ Quốc cứ vặn hỏi, không còn cách nào khác, Đới Quý Đào chỉ nói: “Cậu chịu khó soi gương xem cậu giống ai hơn”.

 Câu nói của Đới Quý Đào không khẳng định, cũng chẳng phủ định nhưng cũng đủ để một người thông minh như Tưởng Vỹ Quốc tự biết điều gì đằng sau.

Vào khoảng trước sau năm 1950, có người phát hiện ra rằng Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc, con trai cả của Tưởng đều có nhóm máu O, tuy nhiên, nhóm máu của Tưởng Vỹ Quốc lại khác. Từ đó câu chuyện về thân thế của Tưởng Vỹ Quốc lại  một lần nữa được đặt ra.

Mặc dù từ góc độ y học, chỉ dựa vào nhóm máu thì không thể chứng minh được điều gì. Tuy nhiên, điều quan trọng là “Tưởng Vỹ Quốc và Tưởng Giới Thạch không có nhóm máu giống nhau nhưng lại có nhóm máu giống với con trai của Đới Quý Đào là Đới An Quốc”.

 Chính vì thế, chuyện Tưởng Vỹ Quốc là con ai được nhiều người cho là một thứ bí mật công khai.
Sau khi Quốc dân đảng chạy ra Đài Loan, đường hoạn lộ của Tưởng Vỹ Quốc cũng không được thuận lợi như người anh Tưởng Kinh Quốc.

 Từ thiếu tướng lên tới trung tướng, Tưởng Vỹ Quốc đã phải phấn đấu ngót 8 năm, rồi từ trung tướng lên thượng tướng phải mất thêm 15 năm nữa. Nguyên nhân vì sao thì chẳng ai biết.

Nhiều người nói rằng, Tưởng Vỹ Quốc từng du học cả Đức lẫn Mỹ, là người có công rất lớn trong việc xây dựng bộ đội thiết giáp của Đài Loan.

Theo lý thường, với tài năng và sự tu dưỡng của Tưởng Vỹ Quốc, Tưởng Giới Thạch phải giao cho Tưởng Vỹ Quốc quyền lực rất lớn. Tuy nhiên, Tưởng Giới Thạch lại không làm như vậy.

Người ta nói rằng, nguyên nhân là vì tính cách của Tưởng Vỹ Quốc khiến Tưởng Giới Thạch không yên tâm.

 Tưởng Vỹ Quốc thích giao du, hễ gặp ai là cười nói, ai cũng có thể kết bạn. Tưởng Giới Thạch cảm thấy với tính cách như vậy, Tưởng Vỹ Quốc sẽ không có được sự trầm tĩnh và ổn định cần thiết.

 Ngược lại, Tưởng Kinh  Quốc lại luôn tỏ ra mình là một “đại công tử” nhà họ Tưởng, phong thái rất khác với Tưởng Vỹ Quốc.

Chính vì vậy, sau sự kiện binh biến ở Hồ Khẩu của phó tư lệnh quân thiết giáp Triệu Chí Hoa, người dưới quyền Tưởng Vỹ Quốc vào năm 1964, Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc đã quyết định “đóng băng” con đường chính trị của Vỹ Quốc, đẩy ông ta ra khỏi trung tâm quyền lực mà Tưởng đang nắm giữ.

Đây chính là lý do khiến Tưởng Vỹ Quốc giữ hàm trung tướng tới 14 năm. Sau khi Tống Mỹ Linh nói với Tưởng Kinh Quốc thì Tưởng Vỹ Quốc mới được thăng lên hàm thượng tướng.

Tuy nhiên, điều này tiếp tục khiến người ta tiếp tục nghi ngờ về thân thế của Tưởng Vỹ Quốc. Bởi lẽ, trừ phi Tưởng Vỹ Quốc không phải là con ruột của Tưởng Giới Thạch, nếu không vì sao con đường thăng tiến của Tưởng Vỹ Quốc lại khó khăn tới như vậy?

Vào năm 1975, Tưởng Giới Thạch qua đời. Thời gian gian đó, chuyện “Tưởng Vỹ Quốc là họ Đới chứ không phải họ Tưởng” một lần nữa lại trở thành vấn đề nóng được cả xã hội bàn tán xôn xao.

Lưu Nghi Lượng trong cuốn sách nổi tiếng của mình là “Tưởng Kinh Quốc truyện” có viết: “Lai lịch của dứa con này (Tưởng Vỹ Quốc) gần như ai cũng biết nhưng ai cũng không muốn nói cho rõ ràng”.

 Năm 1986, Hồng Kông cho xuất bản cuốn sách tên là “Tưởng Vỹ Quốc có mặt”.

 Trong cuốn sách này có viết: “Theo lời kể của Tưởng Vỹ Quốc thì từ năm 4 tuổi, ông mới được Tưởng Giới Thạch nuôi dưỡng.

Nguyên nhân là vì thân mẫu Tưởng Giới Thạch là Vương Thái Ngọc sinh Tưởng vào năm 1887, đặt tên là Chu Thái, sau đó lại sinh một đứa con trai khác tên là Thụy Thanh, còn có tên khác là Chu Truyền.

Tuy nhiên, Chu Truyền tới năm 3 tuổi thì mắc bệnh qua đời. Chính vì vậy, Vương Thái Ngọc mới muốn Tưởng mang Vỹ Quốc về nhà nuôi để thay thế cho đứa con trai là Chu Truyền đã mất”.

Mặc dù là như vậy, song theo tục lệ xưa thì Tưởng Vỹ Quốc vẫn có thể coi là một người thuộc họ Tưởng.

Có lẽ, chính vì vậy mà Tưởng Giới Thạch chăm sóc và dạy dỗ cả Tưởng Kinh Quốc lẫn Tưởng Vỹ Quốc rất cẩn thận. Kỳ vọng mà Tưởng Giới Thạch đặt ra cho 2 đứa con của mình là “Kinh văn, Vỹ võ”.

Tưởng hướng cho Tưởng Kinh Quốc trở thành một nhà chính trị còn Tưởng Vỹ Quốc thì thuần túy được đào tạo trong môi trường quân đội, một người là “văn”, một người là “võ”, hy vọng trở thành hai cánh tay đắc lực của mình.

 Tưởng Vỹ Quốc tuy không phải là con ruột do Tưởng Giới Thạch sinh ra, tuy nhiên, từ nhỏ đã rất thông minh, lanh lợi nên rất được Tưởng yêu thương.

Tưởng có lần từng nói: “Kinh khả giáo, Vỹ khả ái” (Tưởng Kinh Quốc thì ngoan ngoãn, có thể dạy dỗ được còn Tưởng Vỹ Quốc thì đáng yêu).

Tuy nhiên, dù Tưởng có đối tốt thế nào thì có lẽ trong suốt một thời gian dài Tưởng Vỹ Quốc vẫn cho rằng Đới Quý Đào mới chính là cha ruột của mình. Vào ngày 11/1/1989, trong bài phát biểu tại Đài Loan có tiêu đề “Cảm nhận trong một năm Tưởng Kinh Quốc từ trần”, lần đầu tiên, Tưởng Vỹ Quốc đã công khai bàn về thân thế của mình.

Tưởng Vỹ Quốc
Tưởng Vỹ Quốc


Cũng trong lần này, Tưởng Vỹ Quốc đã tuyên bố rất thẳng thắn rằng, bất kể là Tưởng Giới Thạch hay Đới Quý Đào, “làm con của ai, tôi cũng đồng ý”.

Vào năm 1996, trong dịp mừng thọ lần thứ 80 của mình, khi trả lời phỏng vấn báo chí, Tưởng Vỹ Quốc đã chính thức lên tiếng thừa nhận rằng mình là con của Đới Quý Đào và Kaneko.

Đương nhiên, tình cảm mà Tưởng Vỹ Quốc dành cho Tưởng Giới Thạch, người đã nuôi nấng ông ta thành người cũng vô cùng sâu nặng.

2. Vào năm 1949, sau khi Đới Quý Đào tự sát đã được hợp táng cùng người vợ cả là Nữu Hữu Hằng ở nghĩa trang Thành Đô. Tuy nhiên, sau khi nội chiến kết thúc, nghĩa trang nơi đặt mộ của Đới được dùng làm nơi xây dựng một học viện Trung y.

Vì thế, quan tài của Đới Quý Đào, vợ và cả thân mẫu họ Đới được dời ra một vườn trúc ở La Gia Niễn ở ngoại ô Thành Đô.

Trước Cách mạng văn hóa, mộ phần của Đới Quý Đào đã bị đào trộm. Sau đó, đến vườn trúc cũng không còn và thậm chí người ta cũng không biết mộ phần của Đới Quý Đào ở đâu nữa.

Mặc dù chẳng còn bao nhiêu hy vọng nhưng Lý Câu Cán và những người ở Thượng Hải vẫn cố gắng để giúp Tưởng Vỹ Quốc tìm mộ cha ruột của mình.

Sau khi họp bàn và phân tích, Lý Câu Cán cho rằng, nếu như ngôi mộ đã từng bị cướp thì chắc chắn phải có người cướp mộ.

 Như vậy, chỉ cần tìm được những người cướp mộ này thì có thể tìm được tông tích của hài cốt Đới Quý Đào. Vì thế, công an Thượng Hải đã phái 5 trinh sát giàu kinh nghiệm nhất đi điều tra.

Sau khi tới Thành Đô, nhờ sự phối hợp của những người bạn ở Tứ Xuyên, Lý Câu Cán đã liên tục lần theo dấu vết về nơi di táng của mộ Đới Quý Đào.

Lúc bấy giờ Trung Quốc đang tiến hành xây dựng đường quốc lộ, dân cư trong khu vực giải phóng mặt bằng đã rời đi nơi khác cả, chỉ còn lại một nhà. Chủ hộ là một người đàn ông hơn 40 tuổi.

Theo người dân nơi đây phản ánh thì người này chẳng có công ăn việc làm, du thủ du thực, tính tình lại thô lỗ, trong thời cách mạng văn hóa đã hại không ít người, nếu có nghi ai cướp mộ thì nên nghi y đầu tiên. Các nhân viên trinh sát đã nhanh chóng tới nhà người đàn ông này mời lên đồn để thẩm vấn.

Tại đồn công an, người đàn ông này đã khai rằng, lúc đó nhìn thấy mộ của 3 người họ Đới có quan tài rất tốt, nên trong lòng đã nảy ra ý định cướp mộ.

 Sau đó, trong thời gian khốn khó, nhà hết cả đồ ăn mới quyết định đào trộm mộ lấy quan tài đem bán. Số tiền đó được y chia với các cán bộ đội sản xuất.

Nghe tới đây, Lý Cán Câu thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng đã tìm ra người cần tìm. Tuy nhiên, nếu quan tài đã đem bán vậy thì còn hài cốt trong quan tài thì sao?

Theo sự điều tra sau đó của công an Tứ Xuyên, người đàn ông này khai rằng, khi đó đào mộ trộm, sợ người khác phát hiện nên những hài cốt đào được phải vội vàng đem chôn ngay ở bên bờ một con sông nhỏ.

Các trinh sát và Lý Cán Câu lập tức ra hiện trường nơi người đàn ông khai đã chôn các hài cốt thì thấy nơi đó máy xúc đang xúc đất lấp sông làm móng cho đường quốc lộ.

Công an Tứ Xuyên vội vã yêu cầu công nhân ngừng thi công và mọi người bắt đầu đào ở những nơi nhiều nhiều khả năng là chôn cất ba bộ hài cốt của nhà họ Đới.

Sau nhiều giờ đào bới và tìm kiếm, cuối cùng mọi người cũng tìm thấy ba chiếc sọ người và rất nhiều xương.

Sau đó các bác sĩ pháp y kiểm tra khẳng định ba xương sọ này có 2 nữ và một nam, như vậy phù hợp với ba ngôi mộ của nhà họ Đới, gồm mộ của Đới Quý Đào, vợ Nữu Hữu Hằng và mẫu thân của Đới. Từ đó khẳng định đây chính là hài cốt của Đới Quý Đào.

Lý Cán Câu mừng lắm, lập tức gọi điện thông báo cho Tưởng Vỹ Quốc. Tưởng Vỹ Quốc cũng rất vui và cảm kích. Khi đó, Tưởng còn nói với những người xung quanh rằng: “Tâm nguyện nhiều năm cuối cùng cũng đã thực hiện được”.

 Được sự đồng ý của Tưởng Vỹ Quốc, hài cốt của Đới Quý Đào được hỏa táng sau đó đưa tới Đài Loan rồi cuối cùng lại mang trở về đại lục để an táng. Sau khi tro cốt của Đới Quý Đào được đưa tới nơi ở của Tưởng Vỹ  Quốc ở Đài Loan, Tưởng Vỹ Quốc đã tổ chức một lễ tế rất long trọng.

Tưởng đã thực hiện túc trực bên linh cữu 3 ngày, ăn chay một tuần, giống như con để tang cha.

Sau khi bàn bạc với bạn bè, Lý Cán Câu cho rằng, Đới Quý Đào vốn quê gốc ở Ngô Hưng, Chiết Giang, do vậy kiến nghị mang tro cốt của Đới đem về chôn ở bên cạnh Trần Kỳ Mỹ ở Hồ Châu. Tưởng Vỹ Quốc cũng rất coi trọng ý kiến của Lý, sai người về Hồ Châu để khảo sát.

 Tuy nhiên, sau khi khảo sát xong, Tưởng Vỹ Quốc cho rằng nơi Lý Cán Câu đề nghị phong thủy không tốt, có quá nhiều nước do vậy Tưởng Quyết định sẽ an táng tro cốt của Đới ngay tại Thành Đô.

Vào thời điểm đó, phương trượng của Chiêu Giác Tự ở Thành Đô là pháp sư Thanh Định biết được việc này đã liên hệ với Tưởng Vỹ Quốc và đề nghị Tưởng đưa tro cốt của Đới Quý Đào về chùa của mình.

 Thanh Định vốn tên là Trịnh Toàn Sơn, người Chiết Giang, từng tốt nghiệp Đại học Trung Sơn, học sinh khóa 5 của trường quân sự Hoàng Phố, từng làm tới chức thiếu tướng chủ nhiệm huấn luyện chính trị của đoàn huấn luyện cán bộ cao cấp của Quốc dân đảng.

Trong thời gian chiến tranh chống Nhật, do bất mãn với sự hủ bại của chính quyền Quốc dân đảng đã quyết định xuất gia tại chùa Chiêu Giác Tự.

Sau khi nội chiến kết thúc vào năm 1949, Thanh Định liên tục giữ chức vụ phương trượng của Chiêu Giác Tự và thường vụ của Hiệp hội Phật giáo tỉnh Tứ Xuyên và là Hội trưởng Hội Phật giáo Thành Đô…

Thanh Định nói với Tưởng Vỹ Quốc rằng: “Đới cư sĩ từng là chủ nhiệm chính trị đầu tiên của trường quân sự Hoàng Phố, với tôi ông là thầy. Đới cư sĩ một đời hướng Phật, tối ngày tụng kinh, lễ Phật, còn tổ chức rất nhiều pháp hội hộ quốc trừ tai.

Đới Quý Đào
Đới Quý Đào


Những khoản tiền do ông và vợ ăn uống cần kiếm để ra được, toàn bộ đều quyên góp cho trẻ mồ côi ở Lạc Dương, Thiểm Tây, trong suốt 10 năm liền chưa thấy năm nào không có.

 Cửu Thế Ban Thiền đại sư từng kết làm bạn với Đới cư sĩ, do vậy nếu như tro cốt của ông được an táng tại chùa Chiêu Giác thì cũng là niềm vinh hạnh của bản tự”.

Tưởng Vỹ Quốc nghe được lời đề nghị này của Thanh Định thì rất vui, nói rằng Chiêu Giác tự là vị trí đặt mộ rất thích hợp.

Sau khi được Tưởng Vỹ Quốc đồng ý, Chiêu Giác Tự đã cho xây dựng một tòa tháp đặt hài cốt của Đới Quý Đào. Chính tay Tưởng Vỹ Quốc đã viết lên tháp dòng chữ “Duy tâm thị Phật”.

 Từ đó, Đới Quý Đào một nhân vật đình đám thời Dân quốc, cha ruột của Tưởng Vỹ Quốc sau khi chết 40 năm cuối cùng đã tìm được nơi chôn cất để yên giấc ngàn thu.

Vào năm 1990, khi Đài Loan tổ chức bầu cử tổng thống, từng có người kiến nghị Tưởng Vỹ Quốc ra ứng cử chức phó tổng thống. Tuy nhiên cuối cùng Tưởng Vỹ Quốc đã không tham gia ứng cử. Lần đó, Lý Đăng Huy và Lý Nguyên Thốc đã trúng cử tổng thống và phó tổng thống.

Vào năm 1993, Tưởng Vỹ Quốc nhận lời mời làm cố vấn phủ tổng thống của Trung Hoa dân quốc. Mặc dù vậy tuổi tác đã cao song hoạt động xã hội của Tưởng Vỹ Quốc vẫn rất sôi nổi. Tưởng là người sáng lập Học hội Chiến lược Trung Hoa, Chủ tịch Học hội Kinh tế Văn Hóa Đức,…

Vào ngày 22/9/1997, Tưởng Vỹ Quốc qua đời ở bệnh viện Vinh Dân, Đài Bắc, Đài Loan vì bệnh tiểu đường. Năm đó, Tưởng Vỹ Quốc 81 tuổi.
 

  • Đại Nam
;
.
.
.