Thứ Năm, 10/05/2012 - 13:15

Vinalines đã ném tiền ra biển như thế nào?
(Dân trí) - Mặc dù được Chính phủ tạo điều kiện để sản xuất, kinh doanh và phát triển, Vinalines vẫn ì ạch trong kết quả hoạt động, không những vậy còn vấp nhiều sai phạm nghiêm trọng.
 >> Lãng phí lớn nếu ưu ái Vinalines
 >> Vinalines: Lỗ và lãng phí trên 2 nghìn tỉ đồng
 >> Đổ 100.000 tỉ đồng vào Vinalines

Thanh tra Chính phủ vừa có công bố về Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Theo đó, đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra các nội dung đầu tư mua sắm tàu, xây dựng cảng biển và đầu tư tài chính dài hạn của Vinalines giai đoạn 2007-2010.

Vinalines đã đầu tư tiền tỷ USD để mua tàu cũ, tàu già không hiệu quả (Ảnh minh họa)
 
Tỷ suất sinh lời... âm dù được ưu ái lớn

Giai đoạn từ 2007 đến 2010, để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển, Vinalines được Chính phủ cho phép áp dụng một số chính sách, giải pháp ưu tiên.

Cụ thể, về vốn, Vinalines được bổ sung vốn từ NSNN, ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi từ NH Phát triển Việt Nam để thanh toán cho hợp đồng đóng tàu mới, được cho vay lại nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ, bảo lãnh vay vốn nước ngoài, cho phép phát hành trái phiếu, được ưu đãi thuế thu nhập doah nghiệp, dùng tiền từ chuyển đổi quỹ đất của các doanh nghiệp.

Về thị trường vận tải, Vinalines được ưu tiên vận chuyển hàng hóa trong nước, xuất nhập khẩu có nguồn gốc ngân sách từ các doanh nghiệp trong nước. Việc đầu tư đăng ký, mua,bán tàu biển cũng được thực hiện theo cơ chế đặc thù và được chỉ định thầu đóng mới tàu biển trong nước.

Qua số liệu về vốn, tài sản và kết quả hoạt động kinh doanh của Vinalines giai đoạn 2007-2010 (không bao gồm 5 đơn vị chuyển từ Vinashin sang) cho thấy, kết quả kinh doanh tổng hợp năm 2007-2008 có lãi, nhưng đến 2009 bị lỗ 412,325 tỷ đồng, năm 2010 tiếp tục lỗ nặng hơn tới 1.273,892 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng tài sản cả giai đoạn 2007-2010 tăng hơn 22.423,7 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ yếu đảm bảo hoạt động của Vinalines giai đoạn 2007-2010 là vốn vay tín dùng và phải trả khác. Nếu năm 2007, nợ phải trả là 17.071,87 tỷ đồng, chiếm 65,8% thì sang 2010, con số này là 36.599,75 tỷ đồng, chiếm 91,4% tổng nguồn vốn, và con số nợ phải trả tăng thêm gần 19.527,9 tỷ đồng, so năm 2007 tăng 2,15 lần.

Hiệu quả sử dụng vốn của Vinalines lại giảm mạnh, tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu từ 14,15% năm 2007 xuống còn âm 14,8% năm 2010.

Ném tiền ra biển

Giai đoạn 2007-2010, Vinalines và các đơn vị thành viên đã sử dụng 1.807,82 tỷ đồng thành lập 4 liên doanh với nước ngoài để xây dựng, khai thác 4 cảng CMIT, SP-PSA, SSIT tại khu vực Cái Mép – Thị Vải và cảng CICT tại Cái Lân. Theo thanh tra, đến 31/12/2010 thì số lỗ của 3 cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải là 252 tỷ đồng.

 Một số chuyên gia cho rằng, mức phí bốc xếp thấp có nguyên nhân do tình trạng cạnh tranh cung cấp dịch vụ cảng tại khu vực này và do đối tác nước ngoài muốn thôn tính phần vốn của phía Việt Nam. Để dẫn đến tình trạng nêu trên, Thanh tra Chính phủ cho biết có trách nhiệm của lãnh đạo Vinalines và lãnh đạo công ty cảng Sài Gòn trong việc lập dự án liên doanh.

Cơ quan thanh tra cũng cho biết, một số dự án gây lãng phí vốn đầu tư, số liền lãng phí tại 2 dự án là Cảng trung chuyển Quốc tế Vân Phong và Nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía Nam do Công ty mẹ làm chủ đầu  là 520,24 tỷ đồng. Đặc biệt tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam có biểu hiện của việc làm trái quy định pháp luật, gây lãng phí trên 513,8 tỷ đồng vốn đầu tư.

Hay như vụ mua ụ nổi và chi phí sửa chữa 2 lần tại Việt Nam và chi phí khác tính đến 30/9/2011 là 489,6 tỷ đồng, tương đương 70% giá đóng mới bình quân trên trị trường thế giới nhưng lại chưa đưa vào sử dụng được. Theo Thanh tra Chính phủ, hoạt động này của việc làm trái quy định của pháp luật về đầu tư gây lãng phí vốn đầu tư, phát sinh đến 30/4/2010 là 489,6 tỷ đồng, các khoản chi phí,lãi vay từ 30/4/2010 là 24,2 tỷ đồng, các chi phí tiếp theo trên 1,6 tỷ đồng/tháng.

Giai đoạn 2007 - 2010, Vinalines đã đầu tư và có vốn góp vào 158 doanh nghiệp song vốn đầu tư dàn trải và hiệu quả thấp.

Tổng công ty đã sử dụng 1.000 tỷ đồng nguồn vốn huy động từ trái phiếu sai mục đích, quản lý nguồn vốn, quản lý nợ phải thu chưa tốt. Đến nay, có khoảng 1.836 tỉ đồng đầu tư dang dở không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn.

Cơ quan thanh tra đang kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ liên quan rà soát, sửa đổi nhiều quy định liên quan, khắc phục khoảng trống pháp lý liên quan đến việc xử lý trách nhiệm cũng như quản lý vốn tài sản nhà nước. Đồng thời, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra làm rõ những vi phạm trong việc đầu tư mua ụ nổi No83M thuộc dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam.

Bản Kết luận thanh tra dài 19 trang với dày đặc những lỗi của Vinalines vấp phải cho thấy, trong tiến trình tái cơ cấu, cải tổ lại Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thời gian tới sẽ càng phải làm chặt hơn, nghiêm hơn khâu minh bạch và quản trị. Bởi nếu không, bài học nhãn tiền là Vinashin sẽ tiếp tục lặp lại.

Hải Đăng
(còn nữa)