Thế nào là “dân Hà Nội”?
13-05-2012 | 10:49(Nguoiduatin.vn) - Cụm từ dân Hà Nội là một "đẳng cấp". Cái "đẳng cấp" ấy được khẳng định, được cấp "thương hiệu", được OTK bằng câu ca dao nổi tiếng: "Không thơm cũng thể hoa lài (nhài)/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Thế nhưng thế nào thì được coi là dân Hà Nội luôn là câu hỏi rất khó phân định.
Thứ nhất, xin lấy tiêu chí về địa lý. Trên lý thuyết, những người nào có hộ khẩu do Công an thành phố Hà Nội cấp thì đương nhiên được coi là công dân Hà Nội. Thế nhưng Hà Nội luôn luôn mở rộng. Nếu trước đây, Hà Nội chỉ gồm 36 phố phường thì giờ đây, sau khi sáp nhập cả Hà Tây vào, Hà Nội trải dài từ chân huyện Lương Sơn (Hòa Bình) tới cầu Đa Phúc, giáp tỉnh Thái Nguyên. Khoảng cách của hai địa danh này đường chim bay thì không biết bao nhiêu km nhưng "đường chim không bay" thì cỡ khoảng 80 cây số.
Chợt nhớ dạo mới sáp nhập, mình về ba xã thuộc huyện Lương Sơn gặp mấy mệ (mẹ) người Mường, hỏi một mệ: “Được làm công dân Thủ đô, mệ thấy thế nào. Người con gái mệ cười, nói: “Nhà báo ơi, mệ em nói tiếng Kinh chưa sõi”.
Trở lại câu chuyện địa lý, có người giới hạn "dân Hà Nội" phải là công dân những quận nội thành. Nhưng khổ nỗi, nhiều quận nội thành hiện nay trước kia là huyện như Long Biên, Cầu Giấy chẳng hạn. Lại có người lấy sông Hồng và đê La Thành (đường Trần Khát Chân đê La Thành) làm giới hạn. Nhưng như thế có vẻ không ổn bởi sẽ bỏ qua các làng "rất Hà Nội" như khu vực làng Mọc, Bạch Mai, Tương Mai… Lại có người chặt chẽ hơn, nhất quyết "dân Hà Nội" phải là công dân phố cổ, tức là người của 36 phố phường Hà Nội. Vì vậy, cái tiêu chí dùng địa lý xem ra không ổn.
Tiêu chí thứ hai, xin lấy thời gian làm tiêu chí. Hay nói cách khác, những người ở Hà Nội bao nhiêu lâu, mấy đời thì được coi là dân Hà Nội? Lại sinh ra rất nhiều ý kiến khác nhau. Có người "thoáng", tuyên bố rất hùng hồn rằng cứ hộ khẩu Hà Nội là công dân Hà Nội. Công dân Hà Nội thì đúng rồi nhưng "dân Hà Nội" như thế thì không ổn. Vả lại, rất nhiều người thuộc Hà Tây cũ không muốn điều này. Một số người không muốn "thấy người sang bắt quàng làm ho"ồ. Một số khác thì vốn đã đầy niềm tự hào với nền văn hóa Xứ Đoài rồi nên với họ, ba tiếng "dân Hà Nội" chả có nhiều ý nghĩa.
Xu hướng thứ hai, "trung dung" hơn, cứ ai sinh ra ở Hà Nội, lớn lên học hành ở Hà Nội thì được coi là "dân Hà Nội". Quan niệm này vẫn khó được chấp nhận bởi số người như vậy vẫn qúa đông, có lẽ chiếm đến 70-80%. Có người lại quy chuẩn cứ phải 3 đời trở lên mới được coi là "dân Hà Nội". Ui cha cha… Thật rắc rối.
ý kiến thứ ba có lẽ là tiêu chí chuẩn xác nhất nhưng cách đánh giá lại quá mơ hồ. Đó là bỏ qua tất cả yếu tố địa lý, thời gian mà lấy cách sống, tức là văn hóa làm nền tảng. Này là anh sinh ở đâu? ở Hà Nội bao nhiêu năm? Ngoại thành hay huyện lị không quan trọng. Miễn là anh có chất thanh lịch của người Tràng An. Thế nhưng tiêu chí để đánh giá thế nào là người thanh lịch Tràng An thì lại rất mơ hồ, cảm tính.
Tuy còn có những tiêu chí đánh giá khác nhau nhưng không thể không công nhận một điều là lối sống Hà Nội dù đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cải với sự xâm lăng của văn hóa nhiều vùng miền nhưng cho đến thời điểm này, sự thanh lịch Tràng An với “sức đề kháng” mạnh mẽ vẫn đang tồn tại mãnh liệt. Nó như một mạch ngầm âm ỉ cháy từ thế hệ này sang thế hệ khác, bất biến trước sự xô bồ, xáo động của lối sống lai tạp. Nhưng nó sẽ còn kháng cự được bao lâu nữa trước công cuộc nông thôn hóa Thủ đô đang ngày càng mạnh mẽ hiện nay.?
Bùi Hoàng Tám