Hỗ trợ doanh nghiệp: Ai sống mới được cứu
(VEF.VN) - Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ do Bộ Tài chính xây dựng mới chỉ cứu các DN còn sống chứ không cứu những DN đang "chết lâm sàng".
DN yếu kém: tự đào thải
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa cho biết, với việc giảm 30% thuế TNDN và giãn thuế VAT 6 tháng thì ít nhiều cũng có thêm nguồn lực để DN trụ vững góp phần ổn định sản xuất kinh doanh. Gói hỗ trợ này ít nhiều sẽ giúp DN giảm chi phí, giảm áp lực phải đi vay nhờ những khoản miễn, giảm, giãn thuế.
Nhưng với các DN đang "chết lâm sàng" xem ra không mấy tác dụng. Hai khoản giãn lớn là VAT và thuế TNDN chỉ giúp được những DN đang bán được hàng, có thu nhập và có lãi, còn những DN đang bị tồn kho, lỗ vốn thì không có tác dụng. Nếu gói hỗ trợ này được Chính phủ thông qua thì những DN đang "chết lâm sàng" khó "thoát chết".
Chính vì thế, theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, trong số những DN khó khăn cũng cần phân biệt, với những DN sản xuất thực sự nhưng vướng vào nợ nần, tồn kho thì nên cứu, còn những DN sinh ra để mua đi bán lại, để đầu cơ thì không nên cứu.
Tuy nhiên một số quan điểm cho rằng với những DN yếu kém thì không cần phải cứu, tốt nhất là cho phá sản. Chuyện ở lại hay ra đi của DN là rất bình thường trong nền kinh tế thị trường. Khi một nền kinh tế trải qua thời gian tăng trưởng nóng, luôn luôn có sai lầm trong chiến lược đầu tư của DN. Kinh doanh là phải chấp nhận rủi ro như vậy.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, điểm yếu kém của các DN Việt Nam hiện nay, đó chính là tính chuyên nghiệp còn rất thấp, kinh doanh không có chiến lược, không có cơ sở tài chính, đầu tư không đúng nơi đúng chỗ... Có rất nhiều DN thời gian qua chỉ sống dựa vào nguồn vốn ngân hàng, hay thành lập ra chỉ để tranh thủ những lợi thế ngắn hạn, thì đến nay cũng không nên để cho tồn tại.
Sở dĩ các DN này tồn tại suốt thời gian qua là do nhận được những hỗ trợ lớn, những cơ hội lớn từ thị trường. Tuy nhiên, do thiếu chiến lược kinh doanh và thiếu độ chuyên nghiệp, nên lúc thị trường khó khăn như hiện tại, thì gặp khó khăn.
Với những DN kiểu này "chết" chính đáng và nên "chết" đi. Phá sản là một sự tàn phá sáng tạo. Tức là, từ nhà máy, thiết bị cho đến người lao động vẫn còn, chỉ có ông chủ là thay đổi, giỏi hơn, nhiều vốn hơn. Việc "thay ngôi đổi chủ" sẽ giúp DN khôi phục lại và phát triển. DN phá sản hàng loạt cũng là một cơ hội để thay đổi hình thức quản lý, hình thức sở hữu, ông Lê Đăng Doanh nói.
Việc cứu những DN này không có lợi, nhất là trong lúc chúng ta đang muốn cơ cấu lại nền kinh tế thì những DN yếu kém cũng cần đào thải để hướng đến tương lai với sự bền vững và mạnh khoẻ hơn.
Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ do Bộ Tài chính xây dựng mới chỉ cứu các DN còn sống chứ không cứu những DN đang "chết lâm sàng". |
DN phải tự cứu mình
Tuy nhiên khi số DN phá sản tăng cũng để lại những tác động tiêu cực. Với hàng chục ngàn DN phá sản, ngừng hoạt động, trong khi DN thành lập mới giảm, thì số lao động không có việc làm tăng lên và nhiều người mới bước vào tuổi lao động khó kiếm được việc làm, điều này sẽ tạo ra áp lực cho xã hội.
Vì vậy cần có các giải pháp giải quyết vấn đề hậu phá sản của DN như đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho người lao động cũng như việc mua bán nợ, mua bán DN...
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng, đây không phải là gói giải cứu DN, cũng không phải là gói kích cầu lớn như 2009 mà thực chất là gói hỗ trợ DN. Vì vậy, vấn đề DN có vượt qua được giai đoạn khó khăn này hay không là ở bản thân DN chứ không có chuyện cứu tràn lan.
Chính vì vậy đây là thời điểm các DN cần phải tự vận động trên cơ sở hỗ trợ của chính sách. Đảm bảo tính sàng lọc tốt của thị trường khi doanh nghiệp yếu kém sẽ rút dần khỏi cuộc chơi, ông Thành nói.
Để tự cứu mình, không chỉ trông chờ vào chính sách mà đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn của chính DN. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, DN không được chờ đợi hay xem xét mà phải tranh thủ vượt lên. Nhiệm vụ tìm vốn đang khó nhưng vốn không chỉ được hiểu là tiền, mà còn là tiềm năng, là con người, là môi trường, năng lực công nghệ hay cả sự vớt vát thất bại cũng có thể xem là yếu tố tích cực. Bài học sẽ được rút ra sau những trải nghiệm này.
Việc gia tăng sự hợp tác với các ngân hàng luôn là cách để DN nhỏ và vừa tìm vốn thuận lợi. Nhưng điều này vẫn chưa được nhiều DN chú trọng hoặc tự phá vỡ. Phần lớn các DN còn thiếu sự minh bạch về thông tin tài chính, việc cung cấp thông tin còn nhiều nhập nhằng, đánh bóng quá mức dẫn đến độ trung thực không cao. Ngoài ra sử dụng vốn để phát triển tùy tiện, ngẫu hứng và thay đổi nhanh đã không mang lại sự tin tưởng bền vững cho ngân hàng.
"DN hãy thay đổi cách tư duy, nếu muốn thật sự làm ăn dài hạn và bài bản thì phải tập trung vào tất cả những ý tưởng mới về phát triển bền vững. Hơn là cách tạo lập khối tài sản bằng dòng tiền đi vay. Đất đai và vàng rõ ràng không phải là tương lai của thế giới", đó là thông điệp mà ông Võ Trí Thành đưa đến cho DN trong thời điểm hiện tại.
"Những DN vượt qua cơn khó khăn hiện nay đảm bảo sẽ đứng vững và phát triển", ông Thành nói.