Ngư dân TQ-Philippines: Tranh chấp làm mất tình đi biển

- Đã nhiều năm, người Philippines và TQ chia sẻ hòa bình những mùa đánh bắt bội thu quanh một bãi cạn nhỏ ở Biển Đông. Nhưng hành động quấy nhiễu và nỗi sợ hãi đã thay thế cho tình bạn đi biển.

Trong khi vẫn miệt mài công việc tại bãi cạn Scarborough cách thị trấn ven biển Masinloc của Philippines khoảng 230km, các ngư dân Philippines nói rằng, những người Trung Quốc mang theo súng trên các xuồng cao su khiến họ sợ hãi.

Trở về sau hai tuần hoạt động ở bãi cạn, những ngư dân từ chiếc tàu dài 15m cho hay, người Trung Quốc theo sát họ bất cứ lúc nào khi họ tìm kiếm đánh bắt cá ở trong bãi cạn. "Họ điều các xuồng cao su theo sát chúng tôi và vây quanh tàu chúng tôi. Họ không đe dọa gì nhưng vẫn rất nguy hiểm vì đôi khi chúng tôi đã suýt va chạm”, thợ máy Glenn Valle nói.

Ngư dân Philippines trở về từ bãi cạn Scarborough. Ảnh: Sundaily

"Chúng tôi rất sợ vì tất cả các tàu thuyền đều đang hoạt động và họ ở vị trí sát cạnh chúng tôi, gần tới nỗi có thể chạm vào cả mái chèo của chúng tôi”. Thuyền trưởng tàu cá Zaldy Gordones, 34 tuổi nói rằng, mỗi xuồng cao su của Trung Quốc có khoảng 8 người mang bộ đồng phục xám, có súng và camera ống kính dài để chụp hình những người Philippines.

Theo người Philippines, những chiếc xuồng này xuất phát từ các tàu hải giám Trung Quốc neo đậu ở ngay lối vào bãi cạn Scarborough hơn một tháng nay nhằm khẳng định chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố với khu vực này.

Manila khẳng định, bãi cạn là một phần lãnh thổ của họ vì nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển. Nhưng Trung Quốc đã viện dẫn các bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với hầu hết Biển Đông - vùng biển được cho là rất giàu trữ lượng dầu khí cũng như sở hữu các bãi cá lớn.

Điểm đất liền gần nhất của Trung Quốc với bãi cạn Scarborough là 1.200km về phía tây bắc bãi cạn (theo bản đồ mà hải quân Philippines cũng cấp) nhưng Trung Quốc khẳng định họ đã phát hiện ra khu vực này đầu tiên, nên có chủ quyền hợp pháp với nó.

Chồng lấn chủ quyền đã trở thành cuộc tranh cãi ngoại giao lớn vào ngày 8/4 khi chính quyền Philippines cáo buộc các ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng nước quanh bãi cạn. Nỗ lực bắt giữ ngư dân Trung Quốc của Philippines đã bị chặn lại khi hai tàu hải giám Trung Quốc được điều đến hiện trường.

Sau đó, không một tàu quân sự nào của cả hai bên được triển khai tại đây, nhưng cuộc chiến tranh tâm lý đã xảy ra giữa chính phủ hai nước, đặt ra thử thách lớn với quan hệ ngoại giao song phương.

Các ngư dân từ Masinloc đã có những chuyến đi tới bãi cạn trong suốt hai thập niên qua. Mỗi lần họ mất khoảng 8-14h tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và tàu thuyền. Vùng nước xung quanh bãi cạn nổi tiếng là rất giàu nguồn cá.

Trong khi các khu vực duyên hải phần lớn trở nên cạn kiệt, thì người Philippines hiểu rằng, họ có thể trở về nhà từ chuyến đi biển ra bãi cạn, với những tàu thuyền đầy ắp cá. Theo cư dân Masinloc, cho dù có tranh chấp chủ quyền, nhưng các tàu thuyền từ Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và những quốc gia khác thường xuyên viếng thăm bãi cạn – đây cũng là nơi trú ngụ trong điều kiện thời tiết xấu.

Các ngư dân dùng tay làm tín hiệu giao tiếp, thợ máy Valle nhớ lại cách họ đề nghị thủy thủ đoàn Trung Quốc giúp đỡ thế nào. "Nếu chúng tôi muốn xin nước, chúng tôi giơ cao chiếc bình và làm động tác uống nước, và họ sẽ đưa nước cho chúng tôi”, Valle cho biết.

Anh nhấn mạnh, các ngư dân Việt Nam thậm chí còn hào phóng hơn. "Họ đưa cho chúng tôi gạo, mì kể cả nếu chúng tôi không đưa cho họ thứ gì cả”.

Quan chức cục quản lý ngư nghiệp của Masinloc, Jerry Escape nói, những câu chuyện về việc ngư dân từ các nước khác nhau cùng chia sẻ lương thực, nước uống và cả thuốc lá là khá phổ biến.

Nhưng theo người dân Masinloc, ngư dân Trung Quốc nổi tiếng là đánh bắt những tài nguyên thủy sản được pháp luật Philippines bảo vệ như rùa, san hô và loài trai khổng lồ. "Với ngư dân của chúng tôi, có một số điều ngăn cấm, nhưng với người Trung Quốc thì không có gì cả. Họ lấy đi những gì họ muốn”, Nestor Daet, 55 tuổi, người đứng đầu nhóm tình nguyện viên bảo vệ môi trường địa phương Sea Guardians cho biết.

Các ngư dân Masinloc đã được cảnh báo tránh bãi cạn sau khi vụ đụng độ xảy ra. Nhưng không có lệnh cấm và quan chức cơ quan phòng vệ bờ biển Masinloc - Norman Banug thậm chí còn nói, ông khuyến khích họ trở lại nơi này. "Nếu người Trung Quốc không thấy người Philippines đánh bắt ở đó, họ sẽ nghĩ họ có thể tiếp quản khu vực đó”.

Thái An (theo thesundaily)

Gửi ý kiến phản hồi

Phó Chủ tịch Hưng Yên báo cáo Thủ tướng vụ Văn Giang

Tại hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo sáng nay, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo Thủ tướng vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở huyện Văn Giang.


François Hollande và những thách thức quốc tế nan giải

Mơ ước đã trở thành viển vông. Hy vọng có vài ngày riêng tư của bà Valérie Trierweiler, người sống chung với Tổng thống đắc cử François Hollande sẽ không thành...


vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Nhận tin RSS
Chỉ được phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của báo VietNamNet.