CHUYÊN ĐỀ "BẢO TÀNG VIỆT NAM"
Bảo tàng Hà Nội: Khánh thành rồi... dang dở
Điều kỳ lạ giữa thủ đô
Hiếm hoi niềm đam mê với bảo tàng
Trường ĐH Văn hóa Hà Nội hiện nay được xem là nguồn cung cấp nhân lực chính yếu cho các bảo tàng, di tích. Với hơn 50 năm bề dày lịch sử, khoa Bảo tàng là nơi đào tạo nhân lực cho các nghiệp vụ: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê hiện vật, bảo quản hiện vật, làm công tác trưng bày, hướng dẫn, giáo dục… Mỗi năm, có khoảng hơn 100 sinh viên tốt nghiệp từ khoa Bảo tàng đổ về các Bảo tàng, các quần thể di tích, văn hóa trên cả nước.
Phóng viên gặp gỡ B.A.Tuấn vào một buổi chiều muộn, sau khi chàng trai trẻ trở về nhà từ giảng đường đại học. Là sinh viên năm thứ 2 khoa Bảo tàng, B.A. Tuấn có không ít chuyện để kể về trường lớp của mình, về khoa Bảo tàng đầy bí ẩn với dân "ngoại đạo". Trong câu chuyện, cậu sinh viên hay cười này tự nhận mình là một học trò ham chơi và ngỗ nghịch.
"Em vào đây vì vừa đủ điểm chuẩn đầu vào - 14 điểm - trong kì thi đại học. Tuy nhiên cũng không phải là không có định hướng. Một trong những nguyên nhân quan trọng là ở Tuyên Quang quê em đang xây một bảo tàng rất to (cười). Mong là khi học xong sẽ được về đó làm việc.
Em không phải là đứa có đam mê với bảo tàng, có lẽ hầu hết các bạn cùng khoa với em cũng vậy. Trong 1 lớp hơn 50 người, cũng có người học giỏi, học kém. Em thì ở tầm giữa, học lực trung bình.
Những bạn học giỏi trong lớp thì có, nhưng khẳng định do họ thích bảo tàng, đam mê bảo tàng thì chưa chắc. Chủ yếu là các bạn chăm chỉ, thông minh, có tinh thần học. Nhiều bạn có suy nghĩ nghiêm túc khi đi học, có nhiều bạn cũng lớn tuổi hơn em - sinh năm 88, 89 nên khá chín chắn. Còn lại, lớp chiều có khi ngủ đến 1/3.
Năm thứ 2, em học 2 môn chuyên ngành là Hán Nôm và Cơ sở bảo tàng. Các thầy cô chuyên ngành giảng dạy rất tâm huyết, chỉ cho bọn em từng tí một. Các thầy cô có cũng nói chuyện, khuyên là học tốt môn này, môn kia thì nên làm ở chỗ này, chỗ nọ sẽ phù hợp. Mấy bảo tàng lớn ở HN đều có sinh viên khoa bảo tàng hết, như bảo tàng dân tộc học, bảo tàng Lịch sử.. . "
Ông Đoàn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam - hướng dẫn phương pháp giám định cổ vật cho sinh viên khoa Bảo tàng |
L.A.H là một trường hợp khác, cậu sinh viên năm thứ 3 là một trong những sinh viên học giỏi nhất trong lớp, và không ngần ngại bộc lộ niềm say mê gần như tuyệt đối với Bảo tàng: "Càng bắt tay vào làm em càng cảm thấy thú vị. Nhưng nếu trong một lớp 65 bạn, thì cùng lắm 5 người có đam mê như em. Có 1 vài bạn trong lớp học rất giỏi, vì bản chất các bạn thông minh nên học cái gì cũng nhanh, chứ không phải vì yêu nghề. Các bạn vào trường do có sự định hướng của bố mẹ, và khi ra trường chắc chắn sẽ có công việc trong ngành bảo tàng. Khoảng 60 - 70% các bạn trong lớp ra trường chắc chắn sẽ vào ngành bảo tàng như thế, vì gia đình các bạn đã có truyền thống trong ngành.
Em nghĩ điều này cũng đáng buồn, khi các bạn đã chắc chắn về tương lai ổn định của mình, không phải lo phấn đấu, thì sự năng động cũng sẽ giảm sút. Nếu học tập không có chí tiến thủ, không thu thập được nhiều kiến thức thì sau này ra trường về các bảo tàng, có thể các bạn ấy cũng chỉ làm được cho bảo tàng như hiện trạng bây giờ thôi, không có tiến bộ gì cả. Nhưng em hy vọng có những con người tâm huyết, sẽ vực dậy được ngành bảo tàng mà em yêu quý".
Căn bệnh "chung chung"
Chị Tố Quyên, phó trưởng phòng Bảo quản Bảo tàng dân tộc học – một trong những người hiếm hoi của ngành bảo tàng VN từng được tu nghiệp ở nước ngoài nói về sự khác biệt khi chị học 4 năm đại học ở khoa Bảo tàng, ĐH Văn hóa và 9 tháng học kỹ năng chuyên sâu tại trường ĐH New York:
“Tôi chỉ được học lướt một cách cơ bản tại trường ở VN. Hồi đó học 4 năm thì hết 2 năm đại cương rồi. Chỉ còn 2 năm cho vô số môn học, nên môn nào cũng chỉ được học lướt, học những lý thuyết cơ bản nhất, hầu như không có thực hành”. Trong khi đó, những gì được học một vài chục tiết hồi còn Đại học, thì tại Mỹ chị học trong 9 tháng, đi vào chi tiết ngành bảo quản giấy của chị như học cả về chế tạo giấy qua các thời kì, nhận dạng, phân tích chất liệu, sử dụng kính hiển vi phân cực, học chụp X-quang…, và thường xuyên thực hành tại các bảo tàng ở Mỹ".
"Cách dạy của nước ngoài rất hay, họ chuyên về thực hành. Trong các lớp học chuyên sâu về kĩ năng xử lý hiện vật, chỉ có 2 đến 3 học viên với ít nhất 1 giảng viên. Thậm chí có lớp 3-4 sinh viên và tới 3 giảng viên. Còn các thầy cô ở VN chủ yếu đi học ở Liên Xô về, giáo trình giảng dạy đã cũ, phần nhiều lại là lý thuyết”, chị Quyên tâm sự.TS. Nguyễn Sỹ Toản, trưởng khoa Bảo tàng, ĐH Văn hóa HN. Ông cho biết, khó đào tạo chuyên sâu trong bối cảnh hiện tại ở VN |
TS. Nguyễn Sỹ Toản, trưởng khoa Bảo tàng, ĐH Văn hóa Hà Nội cũng thừa nhận về căn bệnh chung chung trong đào tạo ngành bảo tàng hiện nay. Trong lúc bảo tàng nước ngoài rất cần những người có chuyên môn hẹp về những lĩnh vực cụ thể như bảo quản hay những "curator" chuyên thiết kế, sắp đặt ở bảo tàng thì Việt Nam lại không làm việc đó, với lý do đơn giản là để "dễ cho sinh viên xin việc".
"Chúng tôi chưa có điều kiện để đào tạo chuyên sâu như ở nước ngoài. Nếu đào tạo sâu và hẹp như thế cũng có những bất cập, không thuận lợi cho sinh viên sau này ra trường xin việc. Các nơi họ sẽ chỉ nhận các em cho vị trí đó, không có cơ hội cho vị trí khác", ông Toản nói.
Ở nước ngoài, người lao động làm việc trong lĩnh vực của mình có mức lương thỏa đáng, kiếm việc làm cũng không quá khó khăn, nhưng ở ta thì không được như vậy. Bằng cấp ra trường bây giờ cũng ghi một cách chung chung - cũng là để tạo điều kiện cho các em có thể xin việc trong một lĩnh vực rộng hơn. Trong lĩnh vực lịch sử, nếu như bằng tốt nghiệp ghi là chuyên về lịch sử Đảng chẳng hạn, thì sẽ rất khó xin việc. Thực trạng là vậy. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc đào tạo chuyên sâu xem ra chưa phù hợp".
Đặt lại câu hỏi với TS. Nguyễn Sỹ Toản về câu chuyện 1/3 số sinh viên trong lớp ngủ gật vào buổi chiều mà B.A.Tuấn đã kể, ông trả lời: “Có lẽ do các em đang học năm thứ 2, chưa đi sâu vào các môn chuyên ngành nên cảm thấy nhàm chán. Tôi dạy sinh viên năm 3 trở lên. Khoa đang nghiên cứu đưa các môn chuyên ngành vào sớm hơn để các em tiếp cận”.
Hồ Hương Giang (thực hiện)