Với lý do gia đình khó khăn, không có điều kiện kinh tế để chăm lo cho con, vợ chồng anh Nguyễn Đình Hùng và chị Đào Thị Chiêm (ở Na Hang, Tuyên Quang và là bố mẹ của cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh) đã bỏ cháu tại chùa Bồ Đề.
Sau khi cơ quan công an vào cuộc tìm hiểu đã xác định được nhân thân của cháu bé, bố cháu Hạnh đã trần tình với mọi người về hành động của mình rằng, 5- 7 năm sau khi kinh tế ổn định sẽ đón cháu về, sang năm sinh cháu khác, cháu Hạnh bị những vết thương trên người là do cháu lê la dưới đất tạo nên…
|
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa. |
Trước những lời nói và suy nghĩ của ông bố này, nhiều người đã bày tỏ sự bức xúc, chê trách và lên án mạnh mẽ hành động bỏ con của vợ chồng anh Hùng - chị Chiêm.
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nói: “Khi chúng ta sinh một đứa con ra chẳng may bị tật nguyền thì tình cảm của cha mẹ dành cho con được thể hiện qua việc cưu mang, thương yêu con đến cùng. Không nói là người mà ngay cả các loài động vật sinh con thì cũng thể hiện điều này.
Tôi lấy ví dụ như con gà ấp một mẻ trứng ra đàn gà con, không may trong số đó có một con gà con bị què thì nó cũng không đuổi ra khỏi đàn mà vẫn nuôi. Thế mà ông bố này lại làm thế thì không thể chấp nhận được. Không thể có cách suy nghĩ là đẻ con ra lành lặn thì nuôi còn không lành lặn thì không nuôi, bỏ đi, đẻ đứa khác lành lặn để nuôi. Cách suy nghĩ đó không còn tình người”.
Khi được hỏi liệu hoàn cảnh gia đình khó khăn cộng thêm việc cháu bé bị tật bẩm sinh dẫn đến những khó khăn quá lớn đối với cặp vợ chồng trẻ này, ông Hòa nói: “Lấy lý do nhà nghèo là không thể chấp nhận được bởi vì nuôi con thì có đến chừng mực nào thì cố gắng đến chừng mực ấy, chứ không thể nói là nghèo thì bỏ đứa con tàn tật ấy đi để sống cho nó nhẹ gánh được. Đó là sự vô nhân đạo và còn hơn cả sự ích kỷ.
Nếu nói tin hay không tin thì mình nói không có cơ sở chỉ có điều trong lúc cháu bé cần được chăm sóc, cần tình cảm của cha mẹ dành cho mình thì bố mẹ lại trốn tránh. Cháu bé lại bị bỏ rơi tại chùa rồi lại hy vọng 5 – 7 năm sau đón cháu về. Cho dù 5 – 7 năm nữa kinh tế có khá hơn rồi đi đón về thì cũng không thể chấp nhận được. May mắn là cháu bé đã được những người tốt cưu mang không thì biết bây giờ ra sao?”.
|
Hành động bỏ con tại chùa của vợ chồng anh Hùng đã bị xã hội lên án mạnh mẽ. |
Trước đó, tại cơ quan công an, lý giải về những vết thâm tím ở bộ phận sinh dục của cháu Hạnh với cơ quan công an, anh Hùng cho biết: Do cháu lê la nghịch đất cát lại bị thiểu năng từ nhỏ nên hay đạp đầu xuống đất… Bản thân anh cũng không biết những vết đó là do dâu mà có.
Rất có thể chính cháu bé đã tự gây ra cho mình. Để bảo vệ con, anh đã phải đóng bỉm cho con suốt ngày. Nói về những lý giải của anh Hùng, ông Hòa cho biết: “Tôi cho là nếu đóng bỉm liên tục như vậy thì đã không nghèo. Người nghèo khó thì lấy đâu ra tiền mà mua bỉm cho con”.
Bày tỏ sự khâm phục đối với tấm lòng của những “người mẹ lạ” đã chăm sóc cháu không quản nắng mưa, bệnh tật, khó khăn cuộc sống, ông Hòa nói: “Tôi thực sự khâm phục những người phụ nữ đã cưu mang cháu bé khi cháu bị bỏ rơi trong tình trạng bệnh tật đầy mình như vậy.
Tôi còn nhớ một việc có thật, đó là một cặp vợ chồng đi rừng phát hiện một cháu bé đi rừng lạc bị thú dữ ăn một chân nhưng cặp vợ chồng đó vẫn đem cháu về nhà nuôi. Đến nay, cháu bé này đã được khoảng 10 tuổi rồi. Đó. Không phải con người ta mà người ta còn đem về nhà nuôi huống chi là con của mình. Bây giờ chính con của mình bị tật nguyền như thế mà còn bỏ rơi thì còn gì con người nữa”…