Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân được UBTƯ MTTQ Việt Nam thực hiện sau đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3 của các đoàn ĐBQH, được Chủ tịch Huỳnh Đảm trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc sáng 21/5.
Giải pháp "gỡ" ùn tắc cần lấy ý kiến người dân
Về tình hình kinh tế và đời sống, cử tri phản ánh thực trạng sản xuất hiện nay gặp nhiều khó khăn, thách thức: tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm đạt thấp, sức mua giảm sút, hàng hoá tồn kho lớn, hàng ngàn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất. Người lao động mất việc làm vì thế mà tăng nhanh, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Các nhận định, kết luận chưa rõ ràng về nguyên nhân cháy xe vừa qua khiến người dân vẫn thấy "bất an".
Mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn do lãi suất cho vay giảm chậm, thủ tục, điều kiện vay vốn phức tạp. Nhiều cử tri cho rằng, tình hình hiện nay, cả người gửi tiết kiệm và người đi vay đều phải chịu thiệt, còn được lợi là các ngân hàng…
Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm có giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Tình hình dịch bệnh, nhất là dịch chân tay miệng diễn biến phức tạp ở một số địa phương, bệnh lạ xuất hiện ở Quảng Ngãi khiến nhiều người chết nhưng chậm được làm rõ và chữa trị chưa có hiệu quả. Tình trạng cháy nổ diễn ra ở nhiều nơi, việc cháy ô tô, xe máy chưa được kết luận rõ ràng… gây bất an trong đời sống người dân. |
Cử tri hoan nghênh nỗ lực, quyết tâm của ngành GTVT và chính quyền một số địa phương trong việc đề ra các giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, những giải pháp vừa qua chưa căn bản, đồng bộ, hiệu quả không cao. Có giải pháp dự kiến đưa ra chưa sát thực tiễn, nhiều người dân không đồng tình. Người dân đề nghị cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong dân, các cơ quan, tổ chức hữu quan trước khi ban hành các giải pháp về kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Báo cáo của UBTƯ MTTQ cũng nêu thực tế những tháng đầu năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo có nhiều diễn biến phức tạp. Số vụ việc, số lượt công dân, số lượng đoàn đông người, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo đều tăng. Trong đó nổi lên vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ lớn. Một số vụ khiếu nại, tố cáo đông người có sự kích động của các phần tử xấu.
Ý kiến đông đảo người dân cho rằng, tình trạng này chủ yếu do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập, hay thay đổi, thiếu nhất quán, giá bồi thường thấp, có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá trị trường hoặc giá nhà đầu tư bán. Thu hồi đất nhưng chậm sử dụng, để hoang hoá, trong khi người dân không có đất để sản xuất. Công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo. Không ít cán bộ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh gây bức xúc trong nhân dân.
Cử tri ghi nhận Chính phủ thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, vừa qua tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vấn đề này. Tuy nhiên, người dân cũng thẳng thắn chỉ ra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, một số địa phương chưa tổ chức tốt việc tiếp công dân, chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhiều vụ việc giải quyết còn chậm; còn né tránh, đùn đẩy; một số vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật và thực tế; nhiều vụ việc chưa được các địa phương quan tâm giải quyết dứt điểm.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm (ảnh: Việt Hưng).
Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục dứt điểm tình trạng này, giải quyết tới nơi tới chốn những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài. Lãnh đạo nhà nước cần chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các cấp phải dành thời gian để tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc thu hồi đất phải đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi. Việc tổ chức cưỡng chế phải đúng trình tự pháp luật, có lý, có tình, phải đối thoại, vận động trước khi cưỡng chế; làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện đúng pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, đùn đẩy, né tránh trong giải quyết khiếu nại tố cáo.
Người dân nhấn mạnh yêu cầu Quốc hội cần sớm ban hành Luật về tiếp công dân và sửa đổi, bổ sung Luật đất đai cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Sớm thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm
Về công tác phòng chống tham nhũng, người dân phàn nàn, tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong các lĩnh vực và hoạt động liên quan đến đất đai, khoáng sản; đầu tư công; xây dựng cơ bản; quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công; công tác cán bộ…
“Tình trạng người dân buộc phải “lót tay” cho cán bộ công chức khi quan hệ giải quyết công việc diễn ra ở nhiều nơi...”, báo cáo của UBTƯ MTTQ nêu rõ.
Người dân cho rằng số vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, trong đó các vụ án nghiêm trọng, phức tạp thường bị kéo dài theo hướng thu hẹp vụ án. Tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn nhiều, tài sản bị tham nhũng hoặc bị thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn rất hạn chế.
Cử tri yêu cầu những giải pháp đồng bộ hơn để đối phó với vấn nạn này, sớm tổ chức lại cơ quan phòng chống tham nhũng đủ mạnh; sớm thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Nghịch lý trong bối cảnh khó khăn, các tập đoàn kinh tế nhà nước được đầu tư lớn về vốn, đất đai và nhiều ưu đãi khác nhưng kết quả hoạt động không tương xứng. Nhiều tập đoàn đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp, lâm vào tình trạng khó khăn, khó thu hồi vốn, thậm chí có tập đoàn làm ăn thua lỗ. |
P.Thảo