"Nếu cảm thấy bị tổn thương, bạn có thể từ chối tiêu thụ mì Gấu đỏ"

Thứ năm 24/05/2012 07:13
(GDVN) - “Nếu bạn cảm thấy bị tổn thương sau khi có người chỉ lối cho bạn rằng bạn đang bị mì Gấu đỏ lừa dối, bạn có quyền phản ứng theo một cách đàng hoàng nhất là từ chối tiêu thụ”, ThS Bùi Việt Hà chia sẻ.
Đoạn clip quảng cáo Gấu đỏ - gắn kết yêu thương (của Công Ty TNHH Công Nghiệp Thực Phẩm Á Châu) được quảng cáo trên truyền hình VTV và được đăng tải rộng rãi trên mạng Internet đang trở thành tâm điểm trên những diễn đàn mạng xã hội. Với nhiều ý kiến trái chiều, những tranh luận xung quanh vấn đề đạo lý, nhân văn trong truyền thông đại chúng được độc giả chia sẻ.

Bên cạnh những ý kiến phản đối thì cũng có không ít ý kiến đồng tình, đánh giá và cho rằng cách làm đó là vì cộng đồng của mì Gấu đỏ? Báo Giáo dục Việt Nam xin trích đăng ý kiến của ThS Bùi Việt Hà, giảng viên giảng dạy môn Quảng cáo, Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Tôi thích quảng cáo này!

Cảm xúc đầu tiên của tôi khi xem đoạn TVC (Television Commercial - tạm dịch là Quảng cáo truyền hình-PV) quảng cáo mì Gấu đỏ là sự xúc động. Đến bây giờ, dù đã xem đi xem lại nhiều lần, dù có biết bao người chê bai, phản đối, nhưng tôi vẫn khẳng định là tôi rất trân trọng cảm xúc trung thực của mình đối với TVC này, mặc dù tôi rất hiểu, nó đơn giản chỉ là một phim quảng cáo. 
 
 
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh TVC quảng cáo mì Gấu đỏ.

Bạn thấy thế nào về đoạn Clip quảng cáo trên của mỳ Gấu đỏ?

  • Rất hay và độc đáo
  • Như thế là lợi dụng hình ảnh để kiếm tiền
  • Bình thường
  • ý kiến khác


Nhân thể đang có nhiều ý kiến đa chiều về vấn đề này, tôi xin kể ra đây câu chuyện cách đây vài ngày ở lớp của tôi. 

Trong buổi thảo luận cuối cùng của môn học, tôi đã đem TVC này cho sinh viên thảo luận. Ý kiến khá phong phú, bên khen bên chê đều đưa ra những luận điểm cực mạnh. Tôi tôn trọng tất cả những lập luận cá nhân và cả những cảm xúc rất riêng của từng bạn sinh viên khi các bạn dám thể hiện chính kiến của mình trước một vấn đề nho nhỏ như thế này. Nhưng điều tôi muốn biết nhất là các bạn sẽ suy nghĩ và phản ứng như thế nào nếu bạn ấy là: 1/ người tiêu dùng, 2/ “người nhà” của mì Gấu đỏ.

Kết quả, tôi tương đối ngạc nhiên khi cùng là 1 con người, nếu ở vai người tiêu dùng, trong trường hợp này, bạn ấy kiên quyết sẽ tẩy chay mì Gấu đỏ bởi cảm giác bị lừa dối. Tôi thấy điều ấy rất dễ hiểu và hoàn toàn cảm thông.

Nhưng chỉ trong 3 giây thôi, đổi vai, nếu bạn ấy được giao làm Trưởng phòng truyền thông hoặc marketing cho  mì Gấu đỏ, thì cũng vẫn là bạn ấy đưa ra ngay những chiến dịch marketing tuyệt vời làm yên lòng khách hàng: rất bài bản và đầy kỹ thuật.

Tôi cũng đồng ý là nếu phải chấm điểm, tôi sẽ cho bạn ấy 9,5 bởi những kế hoạch đó nghe cực kỳ chuyên nghiệp.
 
Tuy nhiên, trong cả 2 tình huống trên, tôi vẫn thấy đó chỉ là hành động của một máy tính được lập trình rất hoàn hảo. Tại sao vẫn là mình - là một con người, nhưng khi được sắp xếp ở những vị trí khác nhau thì lại biến hóa thành những kiểu người khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau, đến mức khó nhận ra đó là mình - là một con người nữa?
 
Dù nhìn nhận vấn đề như thế nào bằng những vị trí khác nhau: vừa là khán giả/người tiêu dùng, vừa là người làm trong lĩnh vực truyền thông/quảng cáo, vừa là một giảng viên/người làm giáo dục) thì tôi vẫn khẳng định lại là tôi thích quảng cáo này, một cách kiên định.

Một sản phẩm truyền thông, phát đi hàng ngày hàng giờ trên báo đài, trên đường phố khiến người ta phải dừng lại mấy giây để suy ngẫm về cuộc sống thì quý hơn biết bao lần so với một tấm panô chẳng gây ấn tượng gì, hay một cái loa chỉ biết gào lên tôi tốt lắm, tôi bổ dưỡng lắm, hãy mua tôi ngay đi.

Hình ảnh bé Tuấn bị ung thư trong clip quảng cáo. Ảnh chụp từ clip.

Thế thì khi xem xong TVC “Gấu đỏ - Gắn kết yêu thương”, tôi nghĩ là ta nên mừng quá vì ở đất nước này vẫn còn có những quảng cáo làm cho người ta cảm động, làm cho người ta suy nghĩ về việc thiện, về lòng nhân ái.
  
Nếu cảm thấy bị tổn thương, bạn có thể từ chối tiêu thụ mì Gấu đỏ

Nếu bạn cảm thấy bị tổn thương sau khi có người chỉ lối cho bạn rằng bạn đang bị mì Gấu đỏ lừa dối, bạn có quyền phản ứng theo một cách đàng hoàng nhất là từ chối tiêu thụ.

Ta cũng thử làm phép tính thế này: Bạn bớt mua đi 1 gói mì thôi là nhà sản xuất bớt thu được 3500đ. Trong 3 năm không thèm ăn mì, bạn tiết kiệm được khoảng 3,8 triệu. Bạn và cộng đồng bị lừa dối bởi mì Gấu đỏ (tạm gọi cái tên đó cho dễ hiểu) mà cùng hợp sức để tẩy chay mì thì đấy mới là tổn thất lớn nhất cho nhà sản xuất. Và tất nhiên, nếu không bán được mì thì 1đ để họ đi làm từ thiện cũng không có.
 
Còn nếu bạn thấy không vấn đề gì, mì này ăn vẫn ngon, bạn không quan tâm đến việc nhà sản xuất làm gì với lợi nhuận mà họ thu được thì bạn cứ… ăn mì thôi. Nhưng ít ra, trong 1 năm, cứ cho là 10.000 sinh viên trường tôi cùng ăn mì không ngừng nghỉ thì chỉ riêng nhóm người đó thôi đã quyên được 36,5 triệu để làm việc thiện rồi. Thế có hơn không so với việc họ vẫn ăn mì mỗi sáng nhưng chẳng giúp được ai? 
 
Nói thế, có thể bạn lại cho rằng tôi đang cực tả hay cực hữu. Nhưng không phải vậy. Tôi muốn nhấn mạnh đến điều quan trọng hơn: cái gì giúp chúng ta luôn luôn đi thẳng, dù phải ở bất kỳ vai nào trong cuộc sống phức tạp này? Và tại sao trong cuộc sống phức tạp này, chúng ta lại càng nên đi thẳng? 

Nếu bạn thực lòng muốn làm từ thiện, muốn góp 10 đồng cho những số phận không may mắn, bạn có phương án đơn giản hơn nhiều: bạn không phải ấm ức ăn mì của một - kẻ - khác trong 3 năm trời để quyên được số tiền nêu trên. Đơn giản hơn, bạn rút ví ra, với cái tâm hoan hỷ nhất của một người mong muốn hành thiện, bạn sẽ tặng ngay được 10.000đ trong vòng 1 giây mà không hề vướng thêm chút phiền não nào.
 
Mọi ý kiến đóng góp, xin độc giả vui lòng gửi về địa chỉ: t[email protected].

Bạn đọc phát hiện những đoạn Clip quảng cáo có tính chất phản cảm, hoặc không đúng với sự thật xin thông tin về địa chỉ: [email protected]  hoặc liên hệ qua đường dây nóng của báo điện tử Giáo dục Việt Nam: 0938 766 888.


ThS Bùi Việt Hà