Trích Quyết định truy nã đặc biệt đối với bị can Dương Chí Dũng. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Như VTC News đã đưa tin, ngày 17/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Hàng hải để điều tra hành vi Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian ông này làm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Tuy nhiên, tại thời điểm CQĐT ra quyết định khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc thì ông Dũng đã vắng mặt. CQĐT đã xác định bị can Dũng bỏ trốn và ngay lập tức ra quyết định truy nã.
Trước đó, sáng 17/5, ông Dũng vẫn có mặt ở cơ quan nhưng đến chiều 17/5 khi CQĐT thực hiện lệnh khởi tố, khám xét thì vắng mặt.
Sang ngày 18/5, theo lịch của Cục Hàng hải thì ông Dương Chí Dũng vẫn làm việc bình thường, không có kế hoạch đi công tác. Phía lãnh đạo, văn phòng Cục này cũng không nhận được thông báo nghỉ và không thể liên lạc được với ông Dũng.
Vấn đề đặt ra là: Bị can Dương Chí Dũng đã bỏ trốn đi đâu? Đã 'cao chạy xa bay' nước ngoài hay vẫn ở Việt Nam? Và nếu trốn ra nước ngoài thì ông Dũng sẽ đi bằng con đường nào để 'thoát thân? Ông Dũng có thể đi bằng đường hàng không; đi đường bộ qua cửa khẩu; đi bằng tàu thủy trên đường biển hoặc vượt biên trái phép?
Theo một luật gia có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu các vụ án tội phạm bị truy nã quốc tế suy đoán, nếu ông Dũng trốn ra nước ngoài bằng đường hàng không (qua sân bay Nội Bài; sân bay Tân Sơn Nhất) thì khả năng phát hiện là không mấy khó khăn. Công tác kiểm tra an ninh ở các sân bay thực hiện rất nghiêm túc. Cơ quan CSĐT có thể biết được ông Dũng đi đâu thông qua hồ sơ tư liệu của bên an ninh sân bay.
Nhưng trong trường hợp, trước khi bị truy nã ông Dũng đã làm hộ chiếu giả như thật để qua mắt an ninh bay ra nước ngoài. Điều này chỉ có thể xảy ra khi ông Dũng biết trước mình sẽ bị bắt và có sự chuẩn bị từ trước đó.
Đối với con đường bộ qua các cửa khẩu (Tân Thanh, Móng Cái, Hà Khẩu, Hữu Nghị…), việc kiểm soát an ninh cũng được thắt chặt. Trong bối cảnh Cơ quan CSĐT ra lệnh truy nã đặc biệt thì việc ông Dũng trốn thoát khó có thể xảy ra.
Về đường biển, vốn là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải rồi Cục trưởng Cục Hàng hải, chắc chắn ông Dũng có lợi thế về tuyến đường này. Tuy nhiên, an ninh hàng hải cũng được thắt chặt. Trong trường hợp ông Dũng đi bằng tàu biển (qua Hải Phòng, Quảng Ninh) trót lọt thì CQĐT hoàn toàn có thể xác định được con tàu nào rời bến lúc nào, cập bến ở đâu và có thể truy bắt nhanh chóng.
Loại trừ các phương án trên, nếu bị can Dương Chí Dũng muốn trốn ra nước ngoài thì chỉ còn cách vượt biên trái phép. Tuy nhiên, phương án này nếu thực hiện một mình rất khó khăn, nguy hiểm cho tính mạng. Đều cần phải có sự chuẩn bị từ trước đó.
Như vậy, khả năng bị can Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài vào thời điểm này là khó khăn. Nếu có, CQĐT có thể xác định được thời gian và địa điểm ông Dũng đến, khi đó sẽ phối hợp với lượng Interpol để bắt giữ. Ông Dũng hoàn toàn có thể nhận thức được điều này.
|
Bị can Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, Cục trưởng Cục Hàng Hải (bị đình chỉ ngày 18/5). Ảnh: Internet. |
Ngày 22/5, trong cuộc họp báo công bố kết quả ban đầu và quá trình điều tra, Đại tá Trần Duy Thanh – Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an) cho hay đến hiện tại vẫn chưa rõ động cơ bỏ trốn của bị can Dũng. Nếu xác định được bị can Dũng đã bỏ trốn ra nước ngoài, cơ quan điều tra sẽ phối hợp với Interpol để truy nã ra quốc tế.
Theo Đại tá Thanh, CQĐT vẫn đang tiến hành xác định tung tích bị can Dương Chí Dũng, “Nếu xác định được ông Dũng đã bỏ trốn ra nước ngoài, chúng tôi sẽ phối hợp với Văn phòng Interpol để làm các thủ tục ra lệnh truy nã quốc tế bị can này”.
Vậy, việc bỏ trốn ra nước ngoài của ông Dũng đang là giả thiết, vì nếu đã xác định được thì CQĐT đã yêu cầu Interpol vào cuộc. Nhiều khả năng ông vẫn đang ở Việt Nam.
Cũng trong buổi họp báo ngày 22/5, Đại tá Trần Duy Thanh khẳng định rằng, việc bỏ trốn của bị can Dũng đã nói lên hành vi phạm tội của mình. Trong trường hợp không bắt được bị can này, công tác điều tra sẽ gặp khó khăn do thiếu lời khai.
Tuy nhiên, điều này không có ảnh hưởng nhiều đến kết quả điều tra, vì lời khai bị can chỉ là một căn cứ bên cạnh rất nhiều nguồn tài liệu chứng minh phạm tội khác.