Thứ bảy, 26/5/2012, 07:00 GMT+7

Chúng ta nên tiêu tiền cởi mở hơn và khoa học hơn

Khi bạn tiêu tiền cởi mở hơn và khoa học hơn, thì chính bạn là người yêu mình, yêu mọi người và lớn hơn nữa là tình yêu nước.
>Nhiều người Hà Nội giàu nhưng sống đạm bạc

Trong một nền kinh tế của mỗi nước ở bất kỳ thời kỳ nào thì việc kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì việc kích thích tiêu dùng lại quan trọng hơn bao giờ hết.

Kích thích tiêu dùng đòi hỏi có những chính sách của Nhà nước, sách lược của mỗi doanh nghiệp và sự hưởng ứng của người dân. Nhu cầu trong xã hội tăng lên, nó kích thích mọi hoạt động nền kinh tế phát triển từ sản xuất, giao thông cho đến văn hóa, xã hội, giáo dục…

Đặc điểm nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế chuyển từ bao cấp, kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường. Người dân đã quen sống một thời gian dài với việc bao cấp và thiếu thốn mọi thứ nên có lẽ đã ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen tiêu dùng của mỗi người.

Tại thời điểm hiện nay, một bộ phận giàu lên nhanh chóng, họ chi tiêu cũng rất thoải mái cũng đã phần nào tác động đến một số ngành nghề. Còn lại thì đại bộ phận người dân vẫn còn tiêu dùng hạn chế.

Họ ngại mua một tấm vé để xem một vở kịch hoặc một vở chèo, một tấm vé để xem một trận bóng đá cuối tuần, một cuốn sách hay hoặc một đĩa nhạc của một ca sỹ mà mình yêu thích.

Họ ngại đi khám bệnh định kỳ hàng năm. Họ ngại mua một bộ dụng cụ cầm tay cho việc sửa chữa lặt vặt trong nhà. Họ ngại bỏ tiền để đi thăm thú những cảnh đẹp trên đất nước này và họ có tâm lý chờ, chờ và chờ cho đến khi nào có dịp...

Một số người dù có điều kiện nhưng họ quen với những chuyến đi do nhà nước hoặc cơ quan bao. Họ quen với những tấm vé mời, quen với những bữa ăn nhà hàng do một bên nào đó chi trả.

Trong khi đó họ sẵn sàng bỏ ra từ hàng chục triệu tới hàng trăm triệu để được xin vào một cơ quan Nhà nước nào đó. Các bậc phụ huynh cũng sẵn sàng chi từ vài triệu đến vài chục triệu để xin cho con em mình vào học các trường mầm non, tiểu học, trung học...

Họ sẵn sàng mua những chiếc xe máy cực kỳ đắt tiền, những chiếc điện thoại xịn và rất nhiều khoản tiêu cực phí khác nữa. Việc chi tiêu kiểu này lại làm giàu thêm một bộ phận của xã hội mà thôi.

Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, vậy con người cần được phát triển đẩy đủ nhất từ vật chất đến tinh thần không được xem nhẹ phần nào.

Trong lĩnh vực văn hóa:

Chỉ cần mỗi người dân ở các thành phố lớn trong cả nước mỗi năm đi xem một vở kịch, vở chèo, hoặc một vở cải lương một lần thôi thì ánh đèn sân khấu sẽ sáng hàng đêm. Kéo theo đó là đời sống của các nghệ sỹ sẽ cải thiện rất nhiều. Nhiều ngành nghề làm theo sẽ phát triển lên như âm thanh, ánh sáng, trang phục, in ấn, truyền thông…

Nếu chỉ cần mỗi người dân biết đọc mỗi năm chỉ mua một cuốn sách thôi thì các nhà xuất bản sẽ phát triển, các nhà in sẽ phát triển, công nhân in có thu nhập, ngành giấy phát triển và mỗi tác giả của cuốn sách đó sẽ phải làm việc có trách nhiệm hơn.

Nếu mỗi người dân chỉ cần mua một đĩa nhạc của ca sỹ hoặc nhạc sỹ mà mình yêu thích thì các ca sỹ, nhạc sỹ cũng không phải đi làm thêm chuyện này chuyện kia. Nền âm nhạc nước nhà sẽ ngày càng phát triển và đa dạng hơn.

Và nếu gia đình bạn mỗi năm đi thăm một vùng miền nào đó của đất nước này thì ngành du lịch sẽ khởi sắc rất nhiều. Tiện đây cũng muốn nói thêm rằng, du lịch là một hình thức tiêu tiền rất nhân văn, bạn chi tiêu tiền của mình ở nhưng nơi bạn đến, bạn vừa được hưởng những dịch vụ mà họ đem lại, bạn cảm thấy thoải mái và người làm dịch vụ lại có thêm thu nhập rất chính đáng.

Trong lĩnh vực y tế:

Nếu mỗi người dân chịu khó đi khám bệnh định kỳ, thì số lượng phòng khám có thể sẽ tăng lên nhưng chắc chắn số giường bệnh sẽ không tăng hoặc chí ít cũng không bị quá tải như hiện nay. Người dân không phải chi những khoản tiền quá lớn cho việc chữa trị bệnh. Nhà nước cũng nhẹ gánh đi phần nào và dành các nguồn lực đó cho các lĩnh vực khác.

Nếu trong mỗi gia đình có một tủ thuốc y tế thì từ người làm mộc cho đến những công ty sản xuất các sản phẩm y tế như bông băng, gạc, thuốc cũng phát triển lên rất nhiều.

Trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình:

Nếu mỗi gia đình mỗi tháng mua thêm nửa ký lô gam muối để rửa các loại rau củ quả để đảm bảo vệ sinh thôi thì sản lượng muối sẽ tăng vọt và người dân làm muối chắc chắn sẽ bớt khổ.

Nếu trong khẩu phần ăn hằng ngày của mỗi người có một quả chuối hoặc một quả ổi hoặc một loại quả nào đó thôi thì ngành trồng trọt sẽ vô cùng phát triển.

Vậy, trong xã hội còn bao nhiêu lĩnh vực khác nữa như may mặc, thời trang, da giày, kiến trúc, xây dựng… cần sự hưởng ứng tiêu dùng của người dân. Chúng ta sẽ là chủ thể chính cho sự phát triển của một nền kinh tế.

Nhiều người có thể cho rằng việc này là lãng phí và hãy học tập tính tiết kiệm của người nước ngoài nhưng tôi thì không nghĩ thế. Tôi nghĩ rằng người nước ngoài tiêu dùng rất nhiều vì họ có nhiều khoản phải chi tiêu và do đó họ phải chi tiêu một cách khoa học và nhiều người mình xem đó là tiết kiệm.

Mong rằng, trong tương lai gần quan niệm về tiêu dùng của người dân mình sẽ cởi mở hơn và bạn tiêu nhiều nhưng khoa học hơn. Điều đó cho thấy bạn là người yêu mình, yêu mọi người và lớn hơn nữa là tình yêu nước.

Trọng Đăng

bài viết rất hay và thực tế

bài viết rất hay và thực tế nhưng dường như tác giả cũng chỉ mới nói đến một bộ phận nào đó trong xã hội chứ chưa bao quát hết....

van de la lay tu nguon nao?

vấn đề đặt ra với đồng lương công chức hiện nay có đủ để làm tất cả các việc trên không?

Bổ sung thêm ý kiến

Cảm ơn Trọng Đăng về bài viết rất hay và thiết thực với cuộc sống, nó có thể là 1 cách thức để phá vỡ bế tắc về kinh tế tài chính hiện tại (nào là lương thấp, quản lý khó, nào là cuộc sống khổ cực lấy đâu tiền chi tiêu.....). Vâng, đây là một sự bế tắc trong kinh tế tài chính hiện tại. với các thức này sẽ giải quyết nhưng thực sự để giải quết được bế tắc phải có những điểm bứt phá.... và chỉ có thể thực hiện được với phương châm: Bạn muốn nhận? trước hết hãy cho đi... </b></i>

Bài hay nhưng chưa đủ

Tôi cũng làm trong ngành buôn bán. Thời buổi giờ ai cũng thắt lưng buộc bụng. Ngồi bán cả ngày trời mà người ta chủ yếu xem rồi về. Trước đây khi làm ăn có hiệu quả, tôi cũng chi tiêu như tác giả trình bày trên. Bước ra đường là taxi hoặc oto, mỗi cuối tuần đi ăn nhà hàng và mỗi năm 2 lần đi du lịch trong nước. Mua sắm không quan tâm nhiều đến giá cả.... Nhưng hiện tại, với tình hình buôn bán ế ẩm như hiện nay, dù có muốn chi tiêu để ủng hộ kinh tế nước nhà nhưng cũng không dám vì phải tiết kiệm để còn dành dụm lo cho hai đứa nhỏ đi học sau này. Kinh tế đang khó khăn, giá cả gia tăng chóng mặt và lạm phát cao. Chỉ mong kinh tế phát triển và nhà nước có chính sách kềm chế lạm phát để cuộc sống người dân dễ thở một chút. Lúc đó thì mọi người cũng sẽ chi tiêu nhiều thôi. Cảm ơn bài viết nhiều

Đó là văn hóa tiêu tiền!

Tôi ủng hộ bạn 100%, chúng ta cũng đã tranh cãi rất nhiều về những vấn đề thuộc các lãnh vực: giáo dục, khoa học...và đây cũng là một phần của điều này. Việt Nam của chúng ta đã trải qua rất nhiều thăng trầm, từ lúc bao cấp phải sắp hàng mua từng kg gạo, cho đến ngày hôm nay đời sống ngày càng được nâng cao hơn nhưng cách tiêu tiền trong mỗi gia đình rất khác nhau, đọc bài viết của bạn tôi rất thích và hy vọng từng người dân chúng ta đều ý thức rõ những vấn đề sát thực của cuộc sống như văn hóa ứng xử trong đời sống hàng ngày, tác phong làm việc, trong chi tiêu, người VN dùng hàng VN ...rồi chúng ta sẽ thấy một Việt Nam sáng lạng hơn, văn minh hơn, lúc bấy giờ nghe ai đó nói "Vietnamese style" chúng ta sẽ tự hào biết bao!

còn nhiều thứ phải lo toan

cám ơn tác giả đã đưa ra ý kiến về cách tiêu tiền,tôi thấy rất hay.Nhưng với hoàn cảnh thất nghiệp như tôi chồng thì làm lương thấp,có một con nhỏ dù cố gắng lắm tôi cũng chỉ đủ ăn .Bản thân chưa dám nghĩ cao xa.với những người có điều kiện thì quá hay

Chắc tác giả là đại gia.

Mình nghĩ tác giả là một đại gia hoặc chí ít cũng có một cuộc sống khá tốt. Chắc bạn cũng ít quan tâm đến vấn đề của xã hội. Ai không muốn tiêu tiền? Ai không muốn sống một cuộc sống đầy đủ? Quan trọng là tiền đâu họ tiêu? Đâu ai muốn ôm khư khư tiền thật nhiều rồi mang bệnh tật trong người, rồi không đi xem phim, xem kịch, không đi mua sắm, không ăn ngon, không mặc đẹp. Những ý kiến của bạn chỉ có thể đem ra bàn luận đối với những người cùng giai cấp với bạn. Chứ mà đem nói với những người dân nghèo khó thì có khi bạn làm người ta "tự tử" không chừng, vì người ta mặc cảm với số phận nghèo hèn của mình đó bạn à.

Bài viết quá "lý tưởng"

Không rõ tác giả thuộc tầng lớp nào? Những ý kiến đưa ra, theo tôi là rất hạn hẹp, theo cái suy luận "mua 1 trái chuối thì người trồng chuối có thêm thu nhập" thì có lẽ tác giả đã nằm mơ rồi. Bạn so sánh khá khập khiễng, cái đoạn "trong khi" bạn không ăn nhập gì với cái đoạn bạn viết ban đầu.

Đây, "Họ sẵn sàng mua những chiếc xe máy cực kỳ đắt tiền, những chiếc điện thoại xịn và rất nhiều khoản tiêu cực phí khác nữa.". "Họ" là ai? "Họ" có phải là dân lao động như đoạn trên không? Chắc chắn là không! Bạn cũng đã viết "đại bộ phận người dân vẫn còn tiêu dùng hạn chế".

Xin hỏi bạn: tiền công nhật không đủ ăn uống, nuôi con thì làm sao mà thực hiện những cái việc như mua vé, mua đĩa, đi du lịch được hả bạn? Giá cả ngày càng cao, lương cơ bản tăng thêm thì chỉ tội cho người lao động thủ công. Lương cơ bản tăng 22%, thì tiền nhà đã tăng lên 20% rồi, trong khi lương của thợ hồ, thợ mộc,... không tăng lên được một đồng, vì họ có hệ số lương đâu! Thế này thì làm sao họ có thể làm được những việc như bạn nói được hả bạn?

Bạn viết bài lý tưởng quá! "Chỉ cần mỗi người dân ở các thành phố lớn trong cả nước mỗi năm đi xem một vở kịch, vở chèo, hoặc một vở cải lương một lần thôi thì ánh đèn sân khấu sẽ sáng hàng đêm.", bạn nghĩ rằng đời sống của nghệ sĩ sẽ khá lên. Nhưng, có việc nhỏ thôi mà bạn quên mất: tiền điện ai trả? Nhà hát cũng lấy từ tiền vé ra trả thôi, nghệ sĩ cũng chẳng có thêm được mấy đồng đâu bạn à.

"Nếu chỉ cần mỗi người dân biết đọc mỗi năm chỉ mua một cuốn sách thôi thì các nhà xuất bản sẽ phát triển, các nhà in sẽ phát triển, công nhân in có thu nhập, ngành giấy phát triển và mỗi tác giả của cuốn sách đó sẽ phải làm việc có trách nhiệm hơn.". Tôi xin hỏi bạn: giấy làm từ đâu? Ngành giấy phát triển thì cũng có nghĩa là nhiều cây gỗ bị đốn xuống, huống chi, bây giờ sách online đầy ra đó, thậm chí nạn vi phạm bản quyền khiến tác giả ngày càng chết mòn.

"Nếu mỗi người dân chỉ cần mua một đĩa nhạc của ca sỹ hoặc nhạc sỹ mà mình yêu thích thì các ca sỹ, nhạc sỹ cũng không phải đi làm thêm chuyện này chuyện kia.". Không, ca sĩ là một người có suy nghĩ tính toán, dù có thành công hay không thì "chuyện nọ chuyện kia" cũng sẽ xảy ra. Với lại, với lớp ca sĩ như hiện nay, thì thật khó tìm được "ca sĩ mà mình yêu thích" đó.

"bạn chi tiêu tiền của mình ở nhưng nơi bạn đến, bạn vừa được hưởng những dịch vụ mà họ đem lại, bạn cảm thấy thoải mái và người làm dịch vụ lại có thêm thu nhập rất chính đáng.". Xin lỗi, có thật vậy không? Bạn thử đi du lịch xem cảnh chặt chém diễn ra thế nào? Bạn đã từng mua một chai trà chanh 500ml giá 25000 chưa? Bạn đã uống ly cà phê đá 40000 chưa? Còn thua ly cà phê đá vỉa hè giá 6000 nữa! Những cái đó là "thoải mái với những dịch vụ mà họ đem lại" sao? Bạn có mua mâm lễ ở các đền chưa? Trên 200 ngàn, trong đó toàn là vàng mã, vài loại trái cây,... Đó là "thu nhập chính đáng" sao?

"Nếu mỗi người dân chịu khó đi khám bệnh định kỳ, thì số lượng phòng khám có thể sẽ tăng lên nhưng chắc chắn số giường bệnh sẽ không tăng hoặc chí ít cũng không bị quá tải như hiện nay.". Việc số giường bệnh có tăng hay không không do khám bệnh định kỳ quyết định. Lấy ví dụ: sau khi đội tuyển quốc gia thắng một trận là khoa cấp cứu và chấn thương chỉnh hình quá tải liền! Không phải cứ sức khỏe tốt là không thể nhập viện cùng lúc!

"Nếu trong mỗi gia đình có một tủ thuốc y tế thì từ người làm mộc cho đến những công ty sản xuất các sản phẩm y tế như bông băng, gạc, thuốc cũng phát triển lên rất nhiều.". Những sản phẩm này, hiện nay phần lớn là nhập khẩu rồi, những đối tượng bạn nêu, tôi nghĩ cũng chẳng có lợi bao nhiêu. Vả lại, mấy ông thợ mộc chịu đóng tủ thuốc hả bạn, họ toàn nhận đóng bán ghế, tủ thờ,... thôi.

"Nếu mỗi gia đình mỗi tháng mua thêm nửa ký lô gam muối để rửa các loại rau củ quả để đảm bảo vệ sinh thôi thì sản lượng muối sẽ tăng vọt và người dân làm muối chắc chắn sẽ bớt khổ." Diêm dân không khổ vì ít người mua muối, mà là muối bị ép giá, thương lái không chịu mua, để ngoài đồng thì chỉ một cơn mưa là tiền tan thành nước... Bạn thử xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu xem đời sống họ nghèo khổ do đâu?

"Nếu trong khẩu phần ăn hằng ngày của mỗi người có một quả chuối hoặc một quả ổi hoặc một loại quả nào đó thôi thì ngành trồng trọt sẽ vô cùng phát triển.". Xin lỗi, bạn hãy về miền Tây xem cảnh thương lái ép giá nông dân, nhãn mua 2000/kg, bán ra ít nhất 6000 thì bạn sẽ hiểu những gì bạn viết sẽ có lợi cho ai?

Trước khi đề xuất, xin bạn hãy nghĩ đến đời sống của phần lớn người dân. Cảnh cơm áo gạo tiền này, nếu phung phí quá thì sẽ chết đói đấy bạn à. Quên nữa, tôi chưa nói về mình. Lương tôi hiện giờ là 1,7 triệu/tháng, sống còn vất vả nữa là. Huống chi, những người lao động khác có thu nhập còn thấp hơn tôi.

Người VN dùng hàng VN

Tôi nghĩ bài viết này có ý nghĩa đó chứ? Chúng ta nên tiêu tiền theo kiểu "Người Việt Nam, Dùng hàng Việt Nam"; để giúp dân Việt Nam thoát nghèo! đừng quá lạm dụng hàng ngoại mà bỏ quên hàng nước mình!

Chi tiêu khoa học

Tôi cũng muốn tiêu tiền cởi mở. Tôi cũng có một quan điểm như sau "Đồng tiền nào kiếm dễ thì chi tiêu rộng rãi, đồng tiền nào kiếm khó thì tiêu chặt chẽ", tuy cùng một giá trị. Nhưng kẹt nỗi, giờ đây kiếm được đồng tiền khó khăn quá. Giá cả leo thang, trăm thứ cần chi tiêu mà khoản thu thì eo hẹp.Vấn đề là ở chỗ chi tiêu một cách khoa học và hợp lý trong hoàn cảnh của mỗi người. Hơn nữa, chúng ta cũng phải xét ở góc độ của các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Họ có cung cấp cho chúng ta -- những người tiêu dùng một sản phẩm/dịch vụ đúng chất lượng tương xứng chưa? Trong thời buổi lạm phát như hiện nay, đây là bài học cho các nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ để nhìn nhận lại chính mình, xem có thật sự coi khách hàng là thượng đế chưa? Đây là mối quan hệ tương hỗ giữa cung và cầu theo nhiều khía cạnh, không chỉ là số lượng, chất lượng, chủng loại sản phẩm/dịch vụ, mà còn là văn hoá và chữ "tín" trong kinh doanh.Mục tiêu cuối cùng là kích cầu, thì ai được hưởng lợi? Tôi chỉ mong cho tôi và cho các bạn, hãy trở thành nhà thông thái trong cách tiêu đồng tiền của mình ngay cả với vài đồng bạc còm cõi.

Gửi Trọng Đăng

Tác giả bài viết quá sách vở, hay nói đúng hơn là thiếu thực tế. Anh hãy đọc lại bài viết của mình và nhìn rộng ra xã hội, anh hãy vào thăm các vùng quê nghèo, các khu chế xuất, khu công nghiệp, nơi có rất đông người lao động để nhìn thực tế thu nhập của những người công nhân, họ phải sống trong điều kiện chật vật thiếu thốn đến mức nào, rồi anh hãy nói: "tiêu tiền cởi mở...".

hay

cảm ơn bạn

Môt ý kiến hay nhưng khó thực hiện

Thật ra thì tác giả hoàn toàn đúng đắn nếu đặt bối cảnh là một xã hội khác. Nói một cách khác, như tác giả cũng đã nhận định, xã hội mình đi từ bao cấp lên. Cho nên dân tương đối sợ sẽ sống khổ. Vì thế họ phải cố gắng "thủ" mà thôi. Đó là điều không hẳn đúng, nhưng ngược lại cũng không trách họ được. Thêm một điều quan trọng nữa, đó là công việc của đại đa số dân VN có tính cách không bền vững lắm. Chưa chắc hôm nay họ kiếm sống được thì ngày mai, năm sau họ vẫn sẽ như thế. Nếu lỡ họ mất công việc thì khó sẽ có thể kiếm được ngay với công việc mà thu nhập hiện tại mang đến cho họ. Thành ra người dân "ăn hôm nay-phải lo ngày mai" là chuyện cũng không đáng trách lắm

Rất hay!

Tôi rất thích bài viết của bạn. Không cần suy nghĩ đâu xa. Không cần xét tới tầng lớp nông dân hay ai khác, mà chính chúng ta tự suy nghĩ về bản thân mình. Quan điểm sống rất hay. Khi nhận thức của mỗi người thay đổi thì dần dần xã hội sẽ thay đổi thôi. Cứ ngồi đó mà nói này nói kia thì cũng chẳng thay đổi được gì.Thấy đúng, phù hợp với bản thân thì mình thực hiện thôi. Cảm ơn bài viết của bạn!

quá hay

bạn có thể : tháng này mua sách tháng sau xem phim năm sau đi du lịch. luân chuyển/ cắt cái này bù cái kia.

Chỉ đủ ăn

Đi làm hơn 10 năm nay, chưa khi nào tôi dám mua cho mình chút quà ăn sáng nói chi là chi tiêu các thứ khác, nó đối với tôi là quá xa xỉ, hiện tại còn thiếu nợ rất lớn hơn 50 triệu nên đi du lịch chỉ là qua internet thôi. Chia sẻ với ý kiến tác giả, nếu tôi làm có dư tiền tôi sẽ làm như tác giả , còn hiện tại chỉ dành dụm trả nợ trước.

Nếu.....?

Nếu chỉ cần mỗi người dân biết đọc mỗi năm chỉ mua một cuốn sách ... Nếu mỗi người dân chỉ cần mua một đĩa nhạc ... Nếu mỗi gia đình mỗi tháng mua thêm nửa ký lô gam muối ... Và Nếu mỗi người dân có thu nhập , công việc ổn định thì tất cả những cái Nếu kia đều được bỏ đi.

xem xét

Muốn làm được điều này trước hết phải có mức lương tối thiểu 10 triệu/tháng sau đó mới nghĩ đến hưởng thụ. Dân VN lương vẫn thấp, thêm nữa, dân số Nông thôn 50% làm gì có tiền? Nếu thu nhập tốt, lúc đấy mới nên đọc bài này. Tuy nhiên, những người có tiền thì nên tiêu dùng theo lời khuyên này.

Rất Hay

Ý kiến của bạn rất hay và tôi cho là mọi người nên học theo cách tiêu tiền thông minh như vậy. Kiếm được tiền được tiền đã khó, tiêu tiền còn khó hơn !

ừ nhỉ

Nếu mọi người chi tiêu "khoa học" thì có khi lạm phát đã lên đến 30% rồi :) Cả tổ kiến mang lên bàn cân cũng chưa bằng một cái chân của con voi đâu bạn...

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Lien he quang cao