Đó là tình cảnh của điểm trường lẻ Keo Phà Tú, thuộc Trường tiểu học Bắc Lý 2, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Bắt đầu hành trình từ lúc 7 giờ sáng từ điểm trường chính của Trường tiểu học Bắc Lý 2 nhưng đến gần 12 giờ trưa chúng tôi mới đến được điểm trường lẻ Keo Phà Tú. Muốn đến được Keo Phà Tú chúng tôi phải vật lộn với con đường đầy khe suối và đất đá lởm chởm. Ngôi trường làm bằng tranh tre nứa lá này nằm lọt thỏm trong những mái nhà tranh tồi tàn của bản làng người Khơ – Mú.
|
Điểm trường Keo Phà Tú là một trong những điểm lẻ xa nhất của Trường tiểu học Bắc Lý 2. Nơi đây có 49 học sinh từ lớp 1 đến 5 đang theo học. Tất cả các em đều là con em đồng bào dân tộc Khơ Mú |
Keo Phà Tú là một trong những điểm trường lẻ xa nhất của Trường tiểu học Bắc Lý 2. Nơi đây có 49 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 của 100% đồng bào dân tộc Khơ –Mú theo học. Con đường dẫn vào trường bằng đất nhỏ bé và gập ghềnh sỏi đá.
Đón chúng tôi dưới mái trường được làm bằng tranh tre nứa lá thầy giáo Ngô Anh Quyền – người đã có 6 năm dạy học tại đây tâm sự: “Cả ngôi trường ủ dột gần hết rồi các anh ạ. Mặc dù năm nào cũng kêu gọi người dân đến sửa trường cho các cháu nhưng vì toàn làm bằng tranh tre nứa nên cứ vài bận mưa xuống là lại hỏng hết”.
|
Vì mỗi thầy cô giáo tại đây phải dạy một lúc hai lớp nên giữa các lớp có cửa ngăn như thế này |
Cả ngôi trường được làm hoàn toàn bằng tranh tre nứa lá đã mục nát nhiều. Mỗi lớp học chỉ được ngăn cách nhau bởi một tấm phên nứa mỏng manh. Giữa các lớp học có cửa thông qua với nhau. “Có cái cảnh cửa này bởi là mỗi giáo viên ở đây thường phải dạy hai lớp cùng một lúc nên để thế tiện chạy qua chạy lại thôi các anh ạ”, cô giáo Nguyễn Thị Thiện bùi ngùi cho biết.
Không chỉ có mái trường tàn tạ mà ngay cả những chiếc bàn ghế cho các em ngồi học ở đây cũng khập khiểng và đã hư hỏng nhiều. “Người dân ở đây còn 100% là hộ đói nghèo. Hàng năm chịu đói cả mấy tháng liền thì lấy đâu ra tiền sắm sửa lại bàn ghế mới. Nói gì bàn ghế hả các anh. Mỗi khi nắng thì không sao chứ mỗi khi mưa xuống thầy trò lại phải chuyển bàn ghế hết chỗ này sang chỗ khác để tránh mưa ướt”, thầy Quyền bày tỏ.
|
Chiếc mõ đi trâu được đưa ra làm trống tại điểm trường này |
Điều đặc biệt là khi chúng tôi đến đúng vào giờ thể dục giữa giờ của các em. Có lẽ hình ảnh cậu bé đánh trống của ngôi trường này đi vào góc lớp lấy chiếc mõ mà người dân nơi đây thường dùng để lùa trâu ra làm trống khiến chúng tôi không thể cầm lòng được (không biết Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận có thấy xót xa khi nhìn chiếc trống trường kỳ lạ đó?). Nghe tiếng mõ cả học sinh 5 khối trong lớp ngay ngắn đứng thành năm hàng khác nhau tập đều theo nhịp mõ gõ.
Nhìn những đứa trẻ đang học lớp 1 lớp 2 nhưng không có nổi đôi dép để đi. Phía trên những chiếc áo đã không còn nổi cúc, hay những chiếc áo đã bẩn cũ kỹ đến xót long.
|
Những học sinh ở đây vì gia đình quá nghèo nên không có nổi đôi dép đi học. |
|
Quần áo cũng thiếu thốn đủ bề
|
“Các em học sinh ở đây khổ thế đó các anh ạ! Các em cũng muốn mặc đẹp lắm chứ nhưng nhà nghèo lấy đâu ra tiền mà mua áo quần. Có em chỉ có mỗi bộ quần áo mặc bẩn rồi nhưng cũng đành chịu vì không có bộ nào để thay. Nhiều lúc thấy thương các em quá không cầm lòng được lại cho các em mượn tạm chiếc áo dài tay rồi đưa đồ các em về giạt mai lại đưa cho các em mặc. Khổ nhất là mùa đông đồ ấm không có nhìn các em mặc mỗi chiếc áo mỏng tanh đi học ngồi co ro trong lớp mà rơi nước mắt”, cô Nguyễn Thị Trâm – giáo viên lớp 1 và 2 xúc động nói.
Rời Keo Phà Tú khi buổi chiều ta đang buông xuống mà nỗi lòng những người nhự chúng tôi không thể kìm nổi. Nhìn những đứa trẻ ngoan ngoãn ra tiễn khách mà sâu thẳm trong mắt các em đang mong đợi được sự quan tâm hơn nữa của xã hội.
Đoạn clip về chiếc trống đặc biệt trong giờ thể dục giữa giờ tại điểm trường lẻ Keo Phà Tú: