Thứ Tư, 30/05/2012, 11:33 [GMT+7]
.
.

Báo Phụ nữ TP.HCM lá cải như thế nào?

(Đời sống) - Phê phán cách làm báo “theo xu hướng lá cải” là một điều đáng làm, nhưng thực tế nội dung bài viết của báo Phụ nữ TP.HCM lại mang tính chủ quan, quy chụp và bôi nhọ đồng nghiệp để gây sự chú ý và hoàn toàn thiếu tinh thần xây dựng, ít nhất là đối với báo Đời sống & Pháp luật.


Đã có thời, chuyện cạnh tranh báo chí đôi khi phụ thuộc vào chuyện “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” với việc độc quyền treo poster ở sạp báo, quảng cáo liên miên trên truyền hình, tờ rơi phát tơi bời ngoài phố chợ.

Chuyện này dĩ nhiên không thể coi là cạnh tranh lành mạnh, khi báo chí chạy theo các chiêu tiếp thị mà quên đi việc nâng cao chất lượng nội dung và hình thức để phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Tuy nhiên, kiểu cạnh tranh này còn tử tế hơn nhiều so với việc cạnh tranh theo kiểu “Luật rừng” bằng cách bôi bẩn đồng nghiệp như báo Phụ nữ TP.HCM đã làm qua bài “Ma trận truyền thông – choáng váng với báo “lá cải”.
 

Những câu chuyện tâm sự vợ chồng đầy tính rẻ tiền xuất hiện nhan nhản trên các trang báo của báo Phụ Nữ TP.HCM
Những câu chuyện tâm sự vợ chồng đầy tính rẻ tiền xuất hiện nhan nhản trên các trang báo của báo Phụ Nữ TP.HCM

Sự thô thiển và vụng về mang tính “chụp mũ” lấy được trong bài viết này thể hiện rõ nhất khi người viết đặt báo Đời sống & Pháp luật - một tờ báo luôn cố gắng bám sát tôn chỉ mục đích, có số lượng phát hành lớn, được đông đảo bạn đọc tin yêu, là tiếng nói của Hội Luật gia Việt Nam, một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có truyền thống hơn nửa thế kỷ- lên đầu tiên trong danh sách các ấn phẩm mà người viết cho rằng “bất chấp tính định hướng dư luận và giáo dục của báo chí, bỏ qua thuần phong mỹ tục của Việt Nam”.

Không hiểu là khi nhận định một cách hàm hồ như vậy, người viết có đọc báo Đời sống & Pháp luật hay không, nhưng trong tất cả các dẫn chứng (đa phần là theo kiểu chọn một cây để nhìn cả rừng một cách cố ý) đưa ra để minh chứng cho nhận định của mình, báo Phụ nữ TP.HCM cũng không hề đưa ra được một dẫn chứng nào từ báo Đời sống &Pháp luật.

Ngược lại, nếu đọc báo Phụ nữ TP HCM, ở trên tất cả các trang báo, người đọc có thể lấy được rất nhiều dẫn chứng thuyết phục cho những nhận định của chính tờ báo này về xu hướng làm báo lá cải.

“Tình yêu, hôn nhân và gia đình: Giật gân và định hướng ngược!”
 

Trang 16 của báo Phụ Nữ TP.HCM sử dụng để thông tin quảng cáo.
Trang 16 của báo Phụ Nữ TP.HCM sử dụng để thông tin quảng cáo.

Sỡ dĩ chúng tôi đặt tiêu đề phụ trên trong ngoặc kép vì đó chính là tiêu đề phụ trong bài viết của báo Phụ nữ TP.HCM khi phê phán báo khác. Trên thực tế, lời phê phán này nên dành cho báo Phụ nữ TP.HCM thì đúng hơn.

Xin được dẫn chứng cụ thể: Trang 4-5-6-7 của tờ báo này có tên trang: Tình yêu-Hôn nhân-Gia đình, có vẻ như sẽ cung cấp những tri thức cho phái nữ về lĩnh vực rất quan trọng trong đời sống, nhưng thực tế chỉ là những câu chuyện phóng tác rẻ tiền, “nội dung khá ngây ngô và giật gân một cách vụng về đến buồn cười”, xem thường độc giả (những đoạn trong ngoặc kép là nhận định của báo Phụ nữ TP.HCM-P.V).

Cụ thể là trong số báo ra ngày thứ Hai (28/5/2012) có những cái tít tựa mà bạn đọc nhìn vào là đã biết những câu chuyện phóng tác với những “chi tiết rẻ tiền để câu khách” không hơn không kém, ví dụ như: “Thả mồi bắt bóng”, “Gậy ông đập lưng ông”, “Đã yêu thì tin”, “Chuyện tình của mẹ”, “Nỗi đau”, “Chồng vũ phu”, “Trộm cả tiền của mẹ vợ”…

Xin được trích một đoạn đầu tiên trong cái gọi là bài báo với nhan đề “Thả mồi bắt bóng” trong số này để bạn đọc thấy cách tác nghiệp của của báo Phụ Nữ TP.HCM như thế nào: “Chị gọi điện đến lúc gần nửa đêm, giọng sũng ướt: Cho mình tâm sự để nhẹ lòng một chút được không? Hôm nay mình mới gặp lại Minh. Tôi còn ngái ngủ lơ mơ hỏi: “Minh nào? Cái ông đang làm việc chung phòng đó hả?”.

Chị gắt nhẹ: “Làm chung thì ngày nào chẳng gặp”. Rồi nhỏ giọng: “Nhớ Minh lớp trưởng ngày xưa không?”…

Những câu chuyện đại loại như thế chẳng ăn nhập gì mà với những vấn đề bạn đọc quan tâm, chẳng giúp ích gì được cho người đọc lại được đăng tải nhan nhản, chiếm gần hết các trang báo của báo Phụ Nữ TP.HCM trong những số gần đây.

Cũng trong các trang Tình yêu-hôn nhân –gia đình, 2 diễn đàn được báo Phụ Nữ TP.HCM mở ra và kéo dài nhiều tháng là: “diễn đàn chán chồng” và “diễn đàn con riêng”.

Ô hay, hoá ra mối quan tâm về hôn nhân, gia đình của phụ nữ theo góc nhìn của tờ báo này chỉ là việc “chán chồng” và “con riêng” hay sao?

Hay như một “tác phẩm báo chí” khác có tít là “Trò vui của vợ” đăng tải trên trang báo Phụ Nữ TP.HCM số ra ngày thứ Sáu (ngày 25/5/2012) chỉ đăng tải một câu chuyện vớ vẩn xung quanh mối quan hệ vợ chồng chỉ xuất phát từ cái tin nhắn trên ĐTDĐ nhưng bài báo này chiếm đến gần nửa trang báo.

Nhiều bạn đọc cho rằng, làm báo kiểu như thế này thì quá coi thường độc giả và ai cũng có thể làm được, bởi vì phần lớn những trang báo của báo Phụ Nữ TP.HCM chỉ để dành đăng tải những câu chuyện ngô nghê mà bất kỳ ai, dù trình độ học vấn mức xóa mù cũng có thể “sáng tác” được.

“Sex: “phô” và tục!”

Đây cũng lại là một lời phê phán đối với báo “lá cải” của báo Phụ nữ TP.HCM mà trớ trêu thay, nếu dẫn chiếu với nội dung của chính tờ báo này thì …đúng 100%. “Những thông tin liên quan đến “chuyện phòng the”, có lẽ được các “vườn cải” (có lẽ phải gọi đích danh là “vườn cải” mang tên Phụ nữ TP.HCM –P.V) đầu tư nhiều nhất”.

Hãy “thưởng thức” một đoạn  trong bài có tên gọi sặc mùi “chưởng sex” : “Chỉ luận anh hùng trên chiến địa” đăng trên Phụ nữ TP.HCM Chủ nhật: “Nên nhớ, phương tiện của các ông lên bờ xuống ruộng vì chuyện to, nhỏ thì uyên ương phòng của các cô cũng có thể rơi vào cảnh lớn, bé.

Như vậy hoàn toàn có thể xảy ra kịch bản: không phải cái bên ông bé mà là phía bên bà kém đàn hồi hay tệ hơn, mắc một khuyết tật nào đó. Một kiểu sát hạch sai cơ bản nữa là bên cho điểm chỉ căn cứ tình hình công cụ lúc làm dân mà xem xét không thỏa đáng tư thế chàng lúc làm lính.

Nên nhớ, cái ấy là một tổ chức co giãn, và người ta nhận thấy cái nào lúc gươm tra vào vỏ có vẻ rụt rè, yếm thế lại có biên độ giãn nở lớn lúc tuốt gươm so với những cái bình thường to cao.

Logic của chiếc lò xo: càng nén lại nhiều thì lực bung ra càng mạnh. Dông dài rốt cuộc cũng phải quay lại thành La Mã: chỉ nên luận anh hùng trên chiến địa…”.

Một bài viết khác có tít rất giật gân “Ai sung hơn” lại so sánh:” … nếu chọn nồng nhiệt làm tiêu chí thì một thiếu nữ ngại ngùng xác thịt không thể so với một quý bà từng trải, trong khi, mức đòi hỏi của cô so với bà chưa chắc mèo nào cắn mỉu nào…Một cô ba mươi tuổi rời khuê môn theo chồng hẳn có điểm sung mãn muộn hơn cô vào đời sớm…”.

Đọc những bài viết kiểu này (vốn nhan nhản trên các trang báo Phụ nữ TP.HCM, mới thấy lời phê phán của chính tờ báo này thật ….chính xác: “Với văn hóa người Việt, chuyện chăn gối vẫn được liệt vào chuyện thầm kín, tế nhị.

Trong khi các báo chính thống vẫn cố gắng nói tránh, nói gần nói xa, thì các báo giải trí (trong trường hợp này là báo Phụ nữ TP HCM-P.V) không ngại thể hiện sự trần trụi, khiến độc giả đỏ mặt khi tiếp cận”.

Tờ Phụ nữ TP.HCM
Việc làm nội dung tờ báo nhàm chán, bạn đọc quay lưng là sự tất yếu

Xem thường độc giả như thế là cùng

Một trong những điều phản cảm nhất đối với việc làm báo là việc làm PR, quảng cáo trá hình dưới hình thức tin bài. Đây thực sự là một hình thức “lừa đảo” đối với những bạn đọc phải bỏ tiền ra mua báo. Việc làm mang tính chất vi phạm luật báo chí và phi đạo đức diễn này ra thường xuyên như cơm bữa trên báo Phụ nữ TP. HCM.

Đọc bất cứ số báo nào của tờ này ai cũng có thể dễ dàng nhận ra ngay trang 13 của tờ báo chuyên sử dụng cho mục đích quảng cáo “lậu” một cách trường kỳ. Trong trang này, 1/2 trang thường dùng đăng quảng cáo bài viết, 1/2 trang còn lại là mục tự giới thiệu nhưng cũng là hình thức quảng cáo của các doanh nghiệp dược phẩm, thời trang.

Xin được dẫn chứng: trang 13 của số báo ra ngày 28/5/2012 có bài viết: “Khử mùi vật dụng khó giặt chỉ trong tích tắc” của tác giả Xuân Thảo với hướng dẫn “3 bước đơn giản để dọn dẹp nhà cửa nhanh chóng và hiệu quả nhất”, trong đó người viết “gài” một đoạn “mồi chài” người đọc sử dụng một loại nước thơm khủ mùi vải  của Hàn Quốc: “ sao không thử trải nghiệm nước thơm khử mùi vải Ampi Pur?”.

Do khuôn khổ bài viết, chúng tôi không tiện trích đăng đoạn viết dài lê thê “bốc mùi” loại nước thơm này trong cái gọi là bài báo nói trên.

Dường như chưa đủ độ trơ trẽn, bên cạnh “bài báo” này còn có hình ảnh của nước thơm Ambi Pur với sự giới thiệu chi tiết 3 loại sản phẩm khác nhau, rồi giá tham khảo (79.000 đ/chai 370ml) v.v…

Tương tự như vậy, 3 “bài báo” còn lại ở trang này gồm có: “Để không còn có lo lắng trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh” của tác giả Nguyễn Văn Hương (thực chất là quảng cáo cho sản phẩm PHYTO SOA), “Dầu nhuyễn thể Bắc Cực Neptune Krill Oil chống lão hoá, làm đẹp da” của tác giả Mỹ Hà (thực chất là quảng cáo cho loại dầu nói trên); “Mẹ ơi, con muốn thông minh” (thực chất là quảng cáo cho sữa DHA). Đáng xấu hổ nhất là những “bài báo” này đều có hình ảnh sản phẩm, nhà sản xuất, giá cả, điện thoại và địa chỉ liên lạc….

Hay như ở trang 16, số thì lấy tên trang mục “Làm đẹp”, số thì lấy tên trang mục là “Cẩm nang cuối tuần” nhưng phần lớn lại là núp bóng để đăng những thông tin quảng cáo. Cụ thể là trang 16, số báo phát hành ngày thứ Sáu (ngày 25/5) lại đậm đặc những thông tin quảng cáo về địa chỉ lẫn số điện thoại của các cơ sở kinh doanh hàng điện máy, nội thất, tour du lịch trong và ngoài nước, địa điểm ăn uống tại TP.HCM...

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi rằng, đa phần những bài viết kiểu như vậy xuất hiện trên báo Phụ Nữ TP.HCM liệu có thể coi là “bài báo” hay không? Ban Biên tập của tờ báo này đang xem thường bạn đọc và pháp luật về báo chí như thế nào?

Một tờ báo mang đậm tính chất lá cải, chạy theo xu hướng thương mại hoá như vậy dù họ có dùng chiêu cạnh tranh và bôi bẩn đồng nghiệp như thế nào chăng nữa thì việc bị bạn đọc cũng quay lưng, thờ ơ cũng là điều dễ hiểu .
 

  • Nhóm P.V
;
.
.
.