Thứ năm, 31/5/2012, 15:44 GMT+7

Lớp học 'toàn nhân tài'

Tôi chẳng tự hào gì khi con mình được học sinh giỏi, bây giờ học không đạt giỏi mới là lạ. Thế nhưng, nếu để cháu chơi là chính thì cháu lại bị lạc lõng giữa một lớp "toàn nhân tài"!
> Phản giáo dục chuyện đạp đổ cổng trường nộp đơn xin học

Như vậy là một năm học nữa đã kết thúc. Hôm nay, tôi muốn viết ra đây những điều mà tôi và gia đình đã trải qua suốt một năm khi con tôi học lớp 1.

Tôi đọc rất kỹ tất cả các bài báo viết về vấn đề giáo dục, cũng như bài phỏng vấn các nhà quản lý hay các thầy cô giáo trên bất kỳ báo nào. Từ đó tôi rút ra tiêu chí chọn trường cho cháu là gần nhà, và quyết không cho cháu đi học trước.

Nên cho con trẻ vui chơi nhiều hơn

Nên cho con trẻ vui chơi nhiều hơn Ảnh: Hữu Công

Hành trang vào lớp 1 của của cháu chỉ là thuộc bảng chữ cái và chữ số mà các cô ở trường mầm non trong quận dạy.

Ngay kỳ họp phụ huynh đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm đã nêu ra một loạt nội dung học tập mà các cháu lớp 1 sẽ phải học, ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa, cô sẽ cho thêm những kiến thức nâng cao, đó là những phiếu học tập và bài đọc để các cháu luyện tập tại nhà.

Thế rồi từ đầu năm học, ngoài thời gian học trên lớp (học cả ngày), về nhà cháu phải hoàn thành khối lượng bài học ở nhà cô giao. Hôm thì tập viết, hôm thì làm toán, viết vào vở ô li có mẫu chữ, làm bài tập tiếng Việt in, bài tập toán in, cuối tuần thì có toán cuối tuần.

Kết quả là ngày nào cũng như ngày nào, cứ về đến nhà là vợ tôi chuẩn bị cơm nước, tôi chuẩn bị tắm cho hai con, ăn cơm xong là một người trông đứa nhỏ, một người kèm đứa lớn học bài.

Hôm nào sớm thì 21h, hôm muộn thì 22h mới xong, rồi nhanh chóng đi ngủ để mai dậy sớm kịp đến lớp đúng giờ. Nhiều hôm cháu làm bài không xong, tôi bảo cháu đi ngủ đi mai làm tiếp, nhưng cháu rất sợ cô mắng nếu không làm xong. Có lần làm bài sai trên lớp, cô phạt về nhà phải làm lại 5 lần bài sai vào vở.

Sau hai tháng học, cô phê cháu viết chữ xấu lắm, đặt bút toàn sai vị trí thôi. Điều này đúng quá vì cháu đã biết viết đâu mà chả xấu. Cô bảo về nhà bố mẹ kèm thêm con học, hướng dẫn con viết nét cho đúng.

Chúng tôi có phải là thầy giáo đâu mà biết hướng dẫn con viết cho đúng? Nhiều phụ huynh còn hướng dẫn con viết không đúng nét chữ, đến lớp cô sửa cho mới viết đúng.

Rồi chúng tôi lại phải đọc sách, tập viết, tập làm toán lớp 1 để hướng dẫn con học. Nhiều bài toán và tiếng Việt lớp 1 khó thật, ngay cả bố mẹ các cháu còn nghĩ mãi mới làm được, thế mà không hiểu sao lại bắt các cháu lớp 1 học.

Trong quá trình học, khi đi đón cháu, tôi có xem bài của nhiều cháu, quả nhiên thấy nhiều cháu viết rất đẹp, làm toán rất nhanh. Các cháu mới bắt đầu vào lớp 1 nhưng chịu áp lực rất lớn từ các bậc phụ huynh và cô giáo.

Nhiều phụ huynh cảm thấy rất tức giận khi con mình học không bằng bạn, rồi ép con học thật nhiều, có người còn mời cả gia sư về để kèm. Kết quả là các cháu hầu như không có thời gian chơi, suốt ngày hết học ở lớp rồi lại học ở nhà.

Có lẽ trên tất cả các ngôi trường, đều có dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đầu năm học tôi chỉ cho cháu dòng chữ đó, thì cháu có hỏi rằng lễ là gì và văn là gì.

Tôi có giải thích nôm na cho cháu, lễ tức là lễ phép, phải biết vâng lời thầy cô, vâng lời bố mẹ, gặp người lớn phải chào hỏi. Còn học văn tức là học chữ.

Thực tế thì sao? Mới vào đầu năm học là bắt đầu nhồi cho các cháu học, học thật nhiều kiến thức, không biết các cháu có tiếp thu được không. Trong khi kỹ năng sống thì không thấy dạy.

Chẳng mấy chốc đã đến kỳ thi học kỳ I, một số phụ huynh muốn cho con mình đạt điểm cao đã tập hợp lại xin cô dạy thêm. Mục đích dạy thêm hoàn toàn không xấu, nếu đó là kèm cặp, phụ đạo cho những em học kém. Nhưng đằng này, trong lớp học thêm có những bạn học rất giỏi. Việc học thêm được duy trì đến khi thi học kỳ II.

Để chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ, cô giáo chủ nhiệm luyện cho các cháu rất kỹ những kiến thức, những dạng bài tập sẽ thi. Cô còn cho làm cả những đề thi của năm trước, để các cháu luyện.

Kết quả là, tổng kết năm học vừa rồi, lớp có 45 cháu thì có 41 cháu đạt học sinh giỏi. Trong đó có đến 30 cháu 4 bài kiểm tra toàn 10 (hai bài kiểm tra học kỳ I, hai bài kiểm tra học kỳ II). Một thành tích ngoài mong đợi!

Rõ ràng là việc thi cử như vậy quá hình thức và mang nặng tính thành tích, không có giá trị phân loại. Điều quan trọng là, ngay từ lớp 1 các cô (và cả đóng góp của một số phụ huynh) đã dạy các cháu cách học đối phó. Không biết kiến thức của các cháu đến đâu, nhưng bằng mọi giá thi phải đạt điểm cao.

Tôi còn có một chị họ có con học lớp 8, muốn cho con đạt điểm cao còn hướng dẫn còn làm phao để đi thi, thậm chí còn hỗ trợ con làm phao! Tôi không hiểu được tại sao lại dạy con trẻ những điều như vậy? Trong thời đại này điểm cao quan trọng thế ư?

Rồi kết thúc năm học, mọi người hỏi thăm nhau, đại loại có những câu như: cháu có được học sinh giỏi không? Điểm thi được bao nhiêu? Người có con được điểm cao thì cảm thấy hãnh diện, tự hào, người có con điểm thấp thì tỏ vẻ không vui. Rồi có người con được điểm cao còn nói những câu “móc”, tỏ vẻ con mình học giỏi hơn con người khác.

Tôi còn nhớ hồi tôi học lớp vỡ lòng (lớp 1 bây giờ) là vào năm 1982, cả một năm học không hề có bài kiểm tra nào. Cuối năm, cô đánh giá học lực của lớp hoàn toàn dựa vào chủ quan của cô. Cả lớp chỉ có 2 bạn đạt xuất sắc và được phần thưởng thôi. Còn bây giờ thì sao?

Để ghi nhận thành tích học tập của 1 năm, các cháu dù là học sinh giỏi, hay học sinh tiên tiến đều được giấy khen của nhà trường và một số phần thưởng khác do ban phụ huynh tặng. Tôi thấy các cháu chẳng trân trọng phần thưởng của mình chút nào, bởi vì nó đạt được quá dễ.

Và để con mình học giỏi và giỏi hơn nữa, các cháu vừa mới nghỉ hè nhiều phụ huynh đã lên kế hoạch cho con đi học thêm hè. Nào là học viết, học toán, học vẽ, học đàn, hát, tiếng anh v.v... Nhiều lúc tôi tự hỏi, trẻ em bây giờ học cho ai?

Còn tôi dự định cho cháu đi du lịch, đi thăm Lăng Bác, đi công viên,... Quan điểm của tôi là cho cháu chơi là chính, vì quá trình học còn dài, phía trước còn những hơn 10 năm học phổ thông nữa, mới có học sinh giỏi lớp 1 chưa thể nói được điều gì.

Và tôi cũng chẳng tự hào gì khi cháu được học sinh giỏi, bây giờ học không đạt giỏi mới là lạ. Thế nhưng, nếu để cháu chơi là chính thì cháu lại lạc lõng giữa một lớp "toàn nhân tài"!

Trên nhiều bài báo tôi thấy có những câu như, cần phải giảm chương trình học nhiều hơn nữa, hay hãy trả lại tuổi thơ cho trẻ. Nhưng không biết đến bao giờ các cháu mới được chơi và học phù hợp với độ tuổi của mình.

Qua đây, tôi cũng phần nào hiểu được tại sao lại có sự kiện xảy ra tại Trường thực nghiệm Hà Nội, một ngôi trường không đặt nặng vấn đề thành tích.

Vũ Quang Hùng

Tôi ủng hộ

Tôi rất đồng tình với bài viết này, và rất nhiều ý kiến của các bậc phụ huynh.
Quả thật con tôi mới 3 tuổi nhưng tôi đã có suy nghĩ về vấn đề đi học cho cháu. Thật lòng tôi không biết con tôi sẽ phải "thi" vào cấp 1 thế nào với những đề thi đến tôi còn cảm thấy khó? Tôi thấy cuộc đời đi học thật vất vả, tôi đã từng stress nặng mỗi khi đến kỳ thi. Tôi sợ phải học ngày cầy đêm, sợ mỗi lần kiểm tra ở lớp... Tôi cảm giác mình sợ đến trường..Áp lực như vậy với con mình sắp tới liệu có ảnh hưởng tới thần kinh?? Hàng nghìn câu hỏi đang đặt ra trong đầu tôi. Tôi nhìn cảnh cháu tôi đi học, rồi học thêm, bài kiểm tra điểm thấp cô giáo cho làm lại. Ỏ lớp 100% là học sinh giỏi....Liệu bệnh thành tích này có thật sự cần phải có. Đúng là trẻ em bây giờ toàn thiên tài. Trước tôi đi học, ở lớp có vài bạn đạt học sinh giỏi là nhiều, còn thì học sinh tiên tiến, học sinh yếu cũng có. Bây giờ khác nhiều quá. Tôi nói quan điểm của tôi là nó học được thì học không thì học hết cấp 3 là được rồi...nếu nó không có khiếu học thì phải chịu, chứ không ép được, vì đâu nhất thiết phải bước vào cuộc sống bằng bằng cấp Thạc Sỹ hay Tiến Sỹ...Nhiều ngưởi bạn tôi, khi đi học toàn đội sổ mà giờ là Doanh nhân thành đạt...vvv..
Tôi thiết nghĩ không còn giải pháp nào nữa hay sao???Tôi thì không bao giờ dám trở về tuổi thơ nữa.

Quá chuẩn

Tôi thấy đây là tâm lý chung của các bậc phụ huynh. Biết các con quá vất vả với việc học mà chẳng biết kết quả thế nào nhưng vẫn phải theo. Nhà tôi có mấy đứa cháu chẳng có đưa nào được nghỉ hè, vừa thi xong lại học hè khổ thật. Hè đến muốn cháu đi chơi nhưng các thày cô lại mở lớp học hè nên các cháu lại phải ở nhà học. Mà chúng nó thi thì toàn 8, 9, 10 cũng thích, nhưng hỏi ra thì hầu hết các cháu đều được các loại điểm như thế. Tôi cũng có con nhỏ mới 3 tuổi mà đã lo không biết sau này con mình học hành thế nào. Không thuê được thày dạy, không "quan tâm" thày cô, không có thời gian kèm cháu để cháu không bằng bạn bằng bè thì tội cho cháu. Chắc chắn cháu sẽ bị lạc lõng giữa rừng người toàn thiên tài. Nên khi sinh con ra đã lo không biết sau này cho con học hành thế nào đây? Con cái áp lực, bố mẹ áp lực hóa ra chúng ta toàn tạo áp lực cho nhau, toàn chạy theo cái danh hão. Mà không hiểu sao các thày cô cũng không thấy mệt à? Vừa nghỉ hè đã vội vàng mở lớp dạy thêm, học thêm. Có phải các thày cô thương học sinh, vì chất lượng giáo dục quá không? Hay vì cái gì ... ? Hậu quả của việc này do đâu? Rất mong Bộ Giáo dục có câu trả lời và có hướng giải quyết. Để các cháu được vừa học vừa chơi, các cháu có tuổi thơ hồn nhiên trong sáng chứ không phải ngày ngày cặm cụi với bài vở với lo toan điểm số. Cuộc đời con người có mấy tuổi thơ?

Hoàn toàn đồng ý

Bài viết hay, đáng suy ngẫm nhưng cũng tại nguyên nhân học sinh giỏi năm nay cao hơn năm trước thôi. Thấy cô giáo cũng muốn chấm đúng với thực lực của học sinh chứ nhưng còn phải chịu sức ép từ lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo nhà trường chịu sức ép từ phòng, sở...Chắc cho con về quê học quá cho đỡ hơn.

Bạn có dám làm điều mình nghĩ

Mình thấy việc hầu hết các cháu là học sinh giỏi không có gì là không tốt. Chúng ta đều muốn con mình học Văn Hoá nhẹ hơn, có nhiều thời gian chơi và được học nhiều hơn kỹ năng sống , nhưng phải xem lại chính chúng ta, liệu mình có dám làm điều đó với con mình không, liệu khi thấy con điểm kém hơn và mặc cảm vì học kém hơn các bạn khác chúng ta có chịu được không. Có chắc chắn Là những gì ta nghĩ Là đúng 100% không. Giải Pháp là 100% phụ huynh trong cùng 1 lớp thống nhất cùng 1 phác đồ học tập của con mình , vậy là có cách giải quyết đấy.

Tôi cũng lo quá

Con tôi bây giờ moi 1,7 tuổi..tôi cũng đang chuẩn bị lo lắng cho nó về vấn đề này..Tôi cũng cùng quan điểm như anh tác giả bài viết. Tôi chỉ muốn con tôi khám phá cuộc sống nhiều hơn. Con tôi tuy còn bé nhưng mỗi ngày tôi đều cho tôi khám phá cuộc sống( tôi bế cháu ra đường, ra chợ, ra chốn đông người, ra ngoài bãi đất cát, cây cỏ công viên, nghịch đất đá, cây cỏ, động vật, bla bla...). Chúng ta chỉ nên hướng con học tập như thế nào cho tốt, chứ đừng nên ép học để được tốt .

Chính xác luôn

Tôi cũng đồng ý với ý kiến của các bác. Con nhà tôi học lớp 6 mà có 46/47 học sinh giỏi. 10 năm nữa thì các con trưởng thành hết thì cả xã hội toàn là học sinh giỏi, toàn người giỏi cả ah?

Giáo dục việt nam ơi!

Không hiểu hệ thống giao dục của Việt nam mình bây giờ thế nào nữa. Cả một lớp tiểu học toàn học sinh giỏi và suất sắc, không có học sinh khá hay trung bình. Vậy đất nước việt nam mình trong thập niên tới chắc toàn nhân tài hết. Bác Bộ trưởng bộ giáo dục ơi, ngày xưa học lực của bác loại gì?

Để có tương lai tốt cho con

Tôi mới 27 tuổi, chưa lập gia đình và chưa có con, nhưng thời sinh viên tôi dạy kèm nhiều em và thấy rằng áp lực học tập đối với các em là rất lớn. Tôi mong sau này con tôi sẽ có 1 môi trường học tập tốt hơn, muốn như vậy theo tôi nghĩ bây giờ chắc tôi phải làm thật nhiều tiền để có điều kiện cho con vào học trường quốc tế, nơi mà môi trường học tập có thể thoải mái hơn. Đó là suy nghĩ chủ quan của tôi, hi vọng đến lúc con tôi vào lớp 1 nó sẽ có được tuổi thơ vui vẻ và thoải mái như mẹ nó.

Bao giờ cho tới ngày xưa

Ngày xưa mình đi học có áp lực như bây giờ đâu. Bây giờ các con chuẩn bị vào lớp 1 đã bắt đầu "cuộc chiến" rồi. Học ở trường, lại lo học thêm, bố mẹ đưa đón chưa kể chuyện bố mẹ thức đêm hôm cho con được học; chăm sóc cô giáo... Thương các con vô cùng, trẻ con bây giờ k có tuổi thơ. Học và học...

Chờ đợi đến bao giờ

Đọc bài của anh Hùng tôi thấy rất đồng ý với những gì anh viết. Tôi cũng nghe rất nhiều lời kêu gọi giảm tải chương trình học cho học sinh để các em có được tuổi thơ đúng nghĩa. Nhưng sao mãi mà chẳng thấy nghành giáo dục có thay đổi? vậy ta phải chờ đợi đến bao giờ đây. Nghĩ đến những gì các em phải trải qua tôi thấy người lớn còn thấy mệt huống chi là các em đang lứa tuổi được hồn nhiên vui chơi. Các em còn nhỏ mà sáng học, chiều học, tối về nhà cũng học. Nhiều khi người lớn chúng ta phàn nàn rằng lớp trẻ bây giờ không biết làm việc nhà, nhưng thử hỏi với chương trình học như thế thì thời gian đâu mà các em làm việc nhà, vui chơi để học các kỹ năng sống khác. Con tôi mới được 1 tuổi chưa đến tuổi đến trường và tôi mong ước đến khi con tôi vào lớp 1 Ngành giáo dục nước nhà đã giảm tải chương trình học cho các cháu. Để các cháu không phải có tuổi thơ mệt mỏi như bây giờ. Mong rằng ước mong đó của tôi sớm trở thành hiện thực.

Bố mẹ phải cố gắng đồng hành cùng con thôi!

Nhà mình cũng cùng cảnh ngộ, nhiều lúc xót con lắm lắm khi mà được mấy ngày nghỉ cô giao cho cả mấy chục bài toán, tiếng Việt. Còn bài tập về nhà thì không hôm nào là không có. Bố mẹ muốn cho con đi chơi thì phải cùng con "chiến đấu" với các bài tập đó cho xong thì mới đi được. Thật tội nghiệp cho các con! Nhưng quan trọng là bố mẹ thấu hiểu được những áp lực đó và cố gắng tạo sự thoải mái nhiều nhất có thể để cho con một tuổi thơ đáng nhớ. Còn không hy vọng vào sự thay đổi của ngành giáo dục khi mà cô giáo, nếu có tư tưởng tiên tiến hơn một chút, cũng không dám làm trái lại những gì SGD đề ra, mà có mấy cô giáo được như vậy???

Lo lắng lắm

Tôi có con 4 tuổi, đang rất lo lắng vì chỉ 2 năm nữa thôi là cháu vào lớp 1. Tôi rất sợ với kiểu dạy và học hiện nay. Tôi muốn con mình được chơi nhiều, học lực những năm đầu thì trung bình cũng được, nhưng lại lo cháu đến lớp lại chịu sức ép vì không bằng bạn... như thế cũng thật khổ thân cho cháu. Với cách dạy và học hiện nay chỉ làm mòn đi sự sáng tạo thôi. Biết làm sao bây giờ???

Khổ thân các bé

Đúng vậy! Các cháu bé bây gio phải học nhiều quá. Không còn thời gian để chơi nữa. Học nhiều mà không có kỹ năng sống, thật là buồn!!!

Phụ huynh ko biết đằng nào mà lần

Theo như Bộ giáo dục thì mục tiêu dạy cho trẻ trong năm học vỡ lòng là BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT, BIẾT LÀM NHỮNG PHÉP TÍNH CỘNG TRỪ ĐƠN GIẢN.... thế nhưng xem ra có vẻ như các cháu đã phải ....HỌC ĐỂ LUYỆN THI, ĐỂ LẤY THÀNH TÍCH CHO CÔ GIÁO VÀ NHÀ TRƯỜNG...Hình như Bộ giáo dục toàn nói một đằng, làm một nẻo hay sao ấy?

Hoc cho ai va hoc de lam gi !

 Quả đúng là một đề tài " muôn thở". Bản thân người lớn, các bậc phụ huynh còn ngán ngẩm khối lượng kiến thức như vậy thì làm sao các em chịu đựng nổi. Thật là tội nghiệp quá. Ước mong bây giờ của tôi là thôi để những bậc phụ huynh đi học thay cho bọn trẻ để bọn trẻ có thời gian mà vui chơi. Phụ huynh mà đi học thì cũng không biết có tiếp thu hết những gì cô giáo dạy không ? Khi nào và khi nào sẽ có sự cải cách chương trình lại cho các cháu ?? Và ai sẽ là người có khả năng này ?

Tuổi thơ thế giới hiện đại

"cho cháu chơi là chính, vì quá trình học còn dài, phía trước còn những hơn 10 năm học phổ thông nữa, mới có học sinh giỏi lớp 1 chưa thể nói được điều gì." tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của bác phụ huynh này cũng như bài viết này,thế hệ các em nhỏ bây giờ học nặng quá thời gian chơi đùa theo đúng cái tuổi của nó không còn tẹo nào cả,Toàn thấy các em học và học.Mấy người nói đùa với nhau mấy em học lớp 1 mà giống như các anh chị ôn thi vào Đại học cao đẳng vậy thậm chí khéo còn hơn .

Tôi muốn con tôi là chính nó

Con trai duy nhất của tôi sắp vào lớp 1. Đó là thực tế khiến vì sao tôi đọc không sót một dòng bài viết này. Và tôi cũng đang ở tâm trạng (dẫu kiên quyết) nhưng vẫn không tránh khỏi những suy tư.
Vấn đề là tôi cũng có suy tính giống anh Hùng. Tôi muốn con tôi được là chính nó, có tuổi thơ hồn nhiên và nghịch ngợm, như chúng tôi ngày xưa. Thế nên tôi chọn trường Song ngữ để cháu học (cháu đã học mẫu giáo tại đây), mặc dù cháu có hộ khẩu ở khu vực phường 7 để được xét tuyển vào Trưng Vương.

Tôi nghĩ rằng, cho cháu vào Song Ngữ, cháu sẽ có thêm thời gian rảnh để học thêm những môn ngoại khóa như bơi lội, thể thao, anh văn, vi tính, đàn... Đó là những "kiến thức xã hội" rất cần thiết cho cháu khi vào đời. khi tôi quyết định như vậy, chồng tôi khá là băn khoăn nhưng đã đồng ý với ý kiến tôi vì vụ này tôi... giỏi hơn ổng.

Thế nhưng khi tôi nói điều này ra với bạn bè, thì đến 80% là phản đối. Một số người nói thẳng: Học trường Song Ngữ sau đó vào cấp 2 không theo kịp các bạn trường khác. Vì sao? vì các cháu không có ý thức chịu áp lực cao???!!!

Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm cho cháu học Song Ngữ. Nếu sau này cháu "ra trường" Tiểu học, không theo kịp trường cấp 2 như mong đợi của trường đó, tôi sẽ xin cho cháu "thụt lùi" về các trường xa trung tâm đô thị hơn.

Theo tôi, không nhất thiết ở các trường lớn, không nhất thiết phải "nhồi" vào đầu các cháu thật nhiều kiến thức, là các cháu "sáng" ra được. Song song với những kiến thức ở nhà trường, những kiến thức mà ba mẹ và người thân cung cấp cho cháu ở nhà, khi đi chơi... sẽ là những kiến thức vô giá. Tôi nghĩ, nếu ba mẹ chọn cho cháu trường tốt, nhưng phó mặc cho cháu, sẽ không bao giờ bằng ba mẹ cùng học với cháu, cùng chia sẻ với cháu những kiến thức cuộc sống.

Liệu 10, 12 năm nữa, khi cháu bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, cái gì sẽ quan trọng hơn sau kiến thức trong nhà trường?

Tuy ủng hộ quan điểm anh Hùng, nhưng tôi cũng có những suy nghĩ khác. Tôi vẫn cho con tôi đi học thêm vì cháu sử dụng tay rất yếu (trước đây cháu sử dụng tay trái). Cho cháu học để cháu quen với việc viết, để vào lớp cháu tiếp thu cô tốt hơn. Ngoài viết, cháu cần vừa học vừa chơi các hình thức vẽ, cắt dán...

Tôi nghĩ vậy và tôi đang làm vậy. Có nhiều người sẽ cho là tôi "khùng" trong một bối cảnh khó xin cho con vào trường "điểm" như hiện nay. Nhưng tôi là mẹ và tôi muốn điều tốt nhất cho con mình. Và sau kinh nghiệm gần 40 năm sống của tôi, tôi thấy như thế là tốt nhất.

Muốn con chơi nhiều hơn nhưng sợ lạc lõng trong lớp

Đọc bài viết tôi tác giả viết rất đúng với tâm trạng tôi và các bậc Phụ Huynh đang có con học vừa xong lớp 1.Nghe các bậc giáo viên tiểu học đều khuyên không nên cho con em mình học chữ trước khi vào lớp 1,nhưng có bao nhiêu PH an tâm để con mình chưa có hành trang gì về kiến thức để vào lớp 1.Con tôi nghỉ hè lớp Lá đã cho bé học rèn chữ, học chữ cái,đại khái đã biết đọc vậy mà vào lớp 1 ba mẹ phại chạy theo con vất vả,bài học trên lớp rồi bài về nhà..Lớp bao nhiêu HS thì đạt HS giỏi hết bấy nhiêu,cháu vừa kết thúc năm học, tôi tính không cho cháu học hè mà để cháu vui chơi,học thêm 1 môn nào đó và thể dục,nhưng thây nhà trường mở lới hè và cô giáo lại phổ biến khuyến khích PH đăng ký cho bé học hết để các bé làm quen với lớp 2, nếu để bé nghỉ hè thi tôi lại lo lắng con mình có theo kip bạn bè không ? đúng như tác giả bài viết là "Trong lớp toàn thiên tài,lại sợ con mình lạc lõng",nhìn con mình đi học mà thấy xót,cái cặp cháu mang hàng ngày còn nặng hơn cặp của ba,Nghĩ lại thời cha mẹ đi học sao mà tội nghiệp con mình quá

Rất đúng

Hoàn toàn thống nhất với ý kiến của bạn, con tôi mới học xong lớp 1 và là học sinh giỏi. Cả lớp có một cháu trung bình, 39 e còn lại học sinh giỏi, 02 em xuất sắc. Tuyệt vời, con chúng ta là thần đồng hết rồi. Tôi tốt nghiệp đại học, đang học bằng 2, vậy mà không giải được toán lớp 1 đó bạn, vậy là mình ngu hơn con mình rồi. Lại AQ rằng "Con hơn cha là nhà có phúc", bộ trưởng Bộ GD ĐT ơi, bác nghiên cứu lại dùm.

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Lien he quang cao