Thứ sáu, 1/6/2012, 06:01 GMT+7

'Thị trường ôtô Việt Nam không đóng băng, mà hóa đá'

Các showroom xe nhập đóng cửa, giảm giá cắt lỗ. Xe liên doanh tồn kho khiến doanh số 4 tháng giảm gần 50% so với cùng kỳ 2011.

Thời gian biểu của Lê Minh những ngày này là 9h sáng tới showroom, trong một ngõ khuất trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), để đọc báo và "đi câu" bằng mẩu rao vặt. 16h, anh lái chiếc Morning cũ ra quán cafe với vài người bạn hoặc về sớm chơi với cô con gái 8 tháng tuổi. Chiếc điện thoại lâu lắm chưa có quá 10 cuộc gọi.

"Cách đây 2 năm, mình quên một tiếng ở nhà mà có tới 10 cú gọi nhỡ của khách. Giờ họ đi đâu hết cả rồi", Minh chua chát. Showroom anh làm việc đã 3 lần dọn chỗ, từ mặt đường lớn tới mặt đường nhỏ và cuối cùng là trong con ngõ ít ai biết tên. Có những chiếc xe sắp "ăn sinh nhật lần thứ nhất" khi gần một năm chưa có khách hỏi.

Những chiếc xe nằm chờ khách tại showroom Việt Auto tại Hà Nội.
Những chiếc xe nằm chờ khách tại một showroom trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) vào ngày 31/5.

Khách hàng của Minh và của cả thị trường ôtô cũng không khấm khá hơn. Họ đang không có tiền, đang "sợ" lãi suất và những chính sách phí đổ vào chiếc xe hơi. Không ai dám bỏ hàng trăm triệu ra mua một sản phẩm đắt gấp 2-3 lần Mỹ vào lúc này nếu không có nhu cầu đặc biệt.

Lê Minh thất vọng một thì những ông chủ thất vọng mười. Tiền thuê kho bãi, thuê xưởng, thuê showroom, tiền lãi ngân hàng, tiền nợ, tiền lương nhân viên làm những người thành công một thời quay quắt trong mớ bòng bong không lối thoát.

"Thị trường không phải đóng băng, mà là hóa đá. Băng thì có thể tan nhưng đá thì quá khó. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để hâm nóng trở lại", anh Mạnh Hà, cựu giám đốc một showroom đã đóng cửa ở Hà Nội nói. Chiếc Lexus LX570 đời cũ anh phải chấp nhận lỗ 500 triệu đồng để bán cho nhanh. Những dòng xe thiên về thời trang như Audi A1 lỗ chừng 4.000-5.000 USD.

Các liên doanh cũng không còn giữ được bình tĩnh. Lần đầu tiên Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô gặp mặt gới truyền thông để đề cập về tình hình u ám. Vẻ mặt lo lắng, Chủ tịch của VAMA Laurent Charpentier đưa ra những con số báo động. Doanh số xe hơi 4 tháng đầu năm tụt tới gần 50% so với cùng kỳ 2011, chỉ đạt 18.000 chiếc, gồm cả nhập và lắp ráp.

Hiệp hội ban đầu dự báo tổng doanh số 2012 vào khoảng 140.000 xe nhưng sau đó hạ xuống chỉ còn 100.000, giảm gần 29%. Tuy nhiên kết quả thực tế có thể thấp hơn nữa. Dựa vào chỉ số bán hàng theo mùa, tức không bị tác động của chính sách, thì lượng tiêu thụ chỉ khoảng 81.000, nghĩa là kéo thị trường quay ngược lại 5 năm trước, thời 2007.

Thuế và phí là nguyên nhân chính

Không còn vẻ e dè thường thấy, đại diện VAMA thẳng thừng chỉ ra chính sách thuế và phí đã tạo ra sự ảm đạm. Hiệp hội này cho rằng phí trước bạ 15%, 20% tại hai thị trường chính TP HCM và Hà Nội là quá cao. Nhưng nguyên nhân chính nằm ở phí hạn chế xe hơi mà VAMA nhận định "ở mức rất cao so với đại bộ phận khách hàng có thể chi trả".

"Dù chưa biết có ban hành hay không thì rõ ràng khách hàng đang e dè. Họ sẽ không mua một sản phẩm mà trong tương lai có nguy cơ bị đánh phí", ông Laurent Charpentier phân tích.

Ông Laurent Charpentier (trái), chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam VAMA. Ảnh: Trọng Nghiệp.
Ông Laurent Charpentier (trái), Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam VAMA. Ảnh: Trọng Nghiệp.

Các liên doanh cũng cho rằng chính sách thu phí hạn chế phương tiện đang gián tiếp làm thất thu thuế. Với doanh số giảm khoảng 21.000 xe so với cùng kỳ 2011 thì trong 4 tháng nhà nước thiệt hại khoảng 6.000 tỷ tiền thuế thu từ ôtô, tính một cách trung bình.

"Dựa theo dữ liệu phân tích của chúng tôi thì nhà nước có thể mất 12 tỷ USD tiền thuế trong 8 năm tới", đại diện VAMA nói.

Giới nhập khẩu xe cũng đồng quan điểm rằng chính sách phí trực tiếp tác động xấu tới thị trường ôtô. Khó khăn của nền kinh tế tác động không nhỏ tới nhu cầu. Nhưng phí hạn chế phương tiện là "giọt nước tràn ly", khiến khách hàng không còn nghĩ tới chuyện mua xe nữa.

Anh Hữu Tuấn, Giám đốc showroom ôtô trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) ví von khó khăn chung của kinh tế giống như cái hố sâu. Cao mấy cũng có người nhảy vì nhu cầu. Nhưng giờ đặt bó chông (phí hạn chế phương tiện) ở dưới thì chẳng còn ai dám.

Giải pháp hữu hiệu nhất mà VAMA đánh giá vào lúc này là chính phủ cần minh bạch các mức phí và hủy bỏ, không đề cập tới phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nữa. Ngoài ra, phí trước bạ cần được đưa về 5% với xe hơi và 2% với xe tải. Chỉ có như vậy thị trường sẽ hồi phục như 2011, tiền thuế thu về nhiều hơn để đầu tư hạ tầng.

Khi được hỏi nếu các loại thuế vẫn giữ nguyên và phí hạn chế phương tiện được thông qua thì hành động của các liên doanh sẽ thế nào, đại diện các nhà sản xuất trả lời: "Lúc đó Việt Nam sẽ chỉ còn xe nhập khẩu".

Trọng Nghiệp

Nên xem xét dưới nhiều góc độ

Gửi các bác! Thực ra nhu cầu mỗi gia đình có ít nhất có một xe là mong muốn chính đáng, tuy nhiên cả một Ban bệ tư vấn của Bộ GTVT đưa ra các mức phí là trên cơ sở tầm nhìn, tình hình thực tế tình trạng, tốc độ phát triển giao thông đường bộ tại Việt Nam. Tôi nghĩ đọc bài này xong các bác nên nhận ra một điều là cái gọi là nộp "ngân sách" của các Liên doanh ôtô chỉ là một con số rất nhỏ so với lợi nhuận khủng khiếp má các liên doanh này thu vào, chưa kể đến việc chống chế cho chương trình "phát triển ngành ôtô" , "công nghiệp phụ trợ ôtô", những thiệt hại do khí thải, tắc đường, giao thông hỗn loại....có lẽ các bác cũng nên cân nhắc ở góc độ này nữa các bác ah.

Đầu tư vào ngành xe đạp

Ngành ô tô "hoá đá" thì ngành xe đạp "lên hương" có gì đâu. Cám ơn bộ GTVT! Môi trường Việt Nam sẽ sạch hơn!

Chính sách hạn chế phương tiện cá nhân (ôtô) bằng phương pháp đánh vào "ý thức"

Các bạn hãy đặt mình vào vị trí chuyên gia của ngành giao thông. Với nguyên nhân chính gây tắc đường ở 2 thành phố lớn chính là ô tô cá nhân, thì hạn chế phương tiện này là đúng hay sai? Ai cũng kêu ca là giao thông đô thị không giải quyết được ách tắc nhưng mà họ đâu biết cái khó của chuyên gia, chỉ thấy ảnh hưởng tới cá nhân là kêu la. Haiz.

Chính sách ô tô giết chết bất động sản

Chính sách không những giết chết thị trường ô tô mà còn giết chết bất động sản. Trước đây những người mua nhà, chung cư ngoại ô thường nghĩ tới việc mua ô tô để đi làm cho thuận tiện, nhưng nay do chính sách phí đường bộ đã làm cho thị trường bất động sản khu vực ngoại ô đóng băng. Người dân có xu hướng chuyển vào nội thành sống để đi lại cho thuận tiện, đường sẽ càng tắc hơn.

Ô tô, chỉ là ước mơ ...

Một số nước có nhiều xe máy lưu thông đang ra sức làm mọi biện pháp để hạn chế và chuyển sang nền công nghiệp ô tô. Trong khi đó VN thì hoàn toàn ngược lại. Hãy xem những chính sách, chiến lược mà Bộ GTVT dự kiến đưa ra. Bằng chứng năm 2011 đã cho phép xây dựng thêm nhà sản xuất xe máy lớn nhất VN được đặt tại Hà Nam. Niềm mơ ước có chiếc ô tô đi lại của người dân chỉ còn là ước mơ.

Ôtô

Chỉ tội cho người dân Việt Nam, bao giờ mới được sử dụng xe ôtô với mức giá, thuế và phí ngang như các nước khác?

Phải có tầm nhìn!

Hầu như một khi ai đó lên vị trí lãnh đạo đều muốn thay đổi, nhưng thay đổi đó muốn khẳng định mình hay vì muc đích chung cho xã hội. Tại sao không nghĩ hệ thống giao thông Việt Nam quá yếu kém và có những biện pháp khắc phục trong khi đó lại đưa ra những phí lưu hành rất bất hợp lý. Đó là nhu cầu của người dân trong giai đoạn nền kinh tế tốt hơn, và những khoản thu phí về sửa chữa cầu đường khi những tuyến đường xuống cấp do thi công không đúng!

Chua chát

Không biết quyết sách như thế nào để góp phần CNH-HĐH, chính sách gì cũng phải hướng tới sự phát triển, trái lại thì đất nước chỉ tụt hậu mãi thôi...

Tôi không còn ý định mua ô tô

Sau 8 năm làm việc, vợ chồng tôi tích lũy được một số tiền và dự định mua một chiếc xe Camry đời mới nhất. Tuy nhiên, mới đầu tuần, tôi đã mua thêm một chiếc xe máy. Tôi không còn ý định mua ôtô nữa. Không phải 1,2 năm tới mà sẽ là 10 năm nữa. Lý do gì, có lẽ tôi không nói ra vì thời gian gần đây, chúng ta đã đề cập rất nhiều. Nhưng dù cho đến năm 2018, thuế NK 0% từ các nước Đông Nam Á đi nữa, thì giá xe từ thời điểm này đến 2018, sẽ tăng nữa và không giảm.

Tỷ giá USD không năm nào giảm, đồng tiền VND không năm nào không mất giá. Mỗi năm ~10%, hơn 5 năm sau, sẽ không còn giá trị nữa. Thuế luôn tăng, phí luôn tăng. Đủ các loại chồng lên, đổ lên đầu người dân chúng tôi. Thâm hụt ngân sách? Vì sao? Chúng tôi không bàn nữa. Những người dân như chúng tôi, đang càng ngày càng "thoi thóp"

Cảm ơn chính sách

Nhờ có những chính sách quyết liệt mà ô tô đã bị găm trong kho không bung ra thị trường. Chưa có thể khẳng định có giảm kẹt xe, giảm tai nạn hay không nhưng chí ít cũng định hướng cho người dân tăng cường thể lực, có sức khỏe dồi dào để đi bộ (tuy sẽ lãng phí thời gian-vàng kha khá), và như vậy cũng chẳng cần có thêm thuế để đầu tư cơ sở hạ tầng làm gì.

Thời đại công nghiệp ôtô đã điểm?

Bài báo này viết đúng thời điểm đây. Tôi dự báo từ nay đến hết 2013 may ra thị trường oto sẽ bớt khó khăn, vì các Đại lý xe của Ông chủ tịch VAMA sản xuất tại HN sau 05 tháng chưa bán được 100 xe và lợi nhuận bán trên 1 xe được rất ít như vậy dẫn tới thua lỗ tất cả. Chẳng Đại lý xe nào tồn kho ít, mà xe tồn năm 2011 chỉ ít tháng nữa thôi là ......làm lễ SINH NHẬT đầy năm, các nhân viên SALE xe oto bây giờ chán nản và đang có tư tưởng...thất bại, bất lực cũng như các nhân viên quản lý của họ, chỉ tội các ÔNG CHỦ, cõi lòng họ tan nát vì tiền bây giờ cứ gần với tầm tay của họ mà không làm gì được...

Khách hàng là các Công ty bây gời tính toán rất kỹ, họ không mua xe thêm mà cần thiết sẽ thuê xe theo thời vụ còn rẻ chán, chẳng phải tuyển lái xe sau khi bỏ đống tiền..đi vay vứt vào bãi xe thuê, khấu hao xe hay jjjjjj đó, còn khách cá nhân thì sao, tiền của họ đang ở Ngân hàng sinh lời là nhẹ tâm can họ nhất, khi mà không sử dụng nhiều đến xe, tốt nhất là búng tay gọi Taxi, hay thuê xe tự lái rất tiện ích.

Thế là chỉ còn nhà sản xuất và Đại lý xe với nhau, kẻ phải lắp ráp - nuôi công nhân và người phải nhập xe - nuôi Sale lúc này, chẳng tồn kho ở nơi này thì nằm ở nơi kia, đó là cái vòng luẩn quẩn rồi.

Cái gì cũng kêu

Phải hiểu là chính sách thu phí nó đâu ra, cứ ngồi đó mà nhìn thiển cận rồi la làng đòi giảm phí. Hiện tại cơ sở hạ tầng của VN chưa đủ cho số lượng ô tô lưu thông trên đường, việc thu phí cao là đúng để giảm bớt các bác "yếu mà cũng đòi ra gió", hạn chế kẹt xe. Khi nào hạ tầng phát triển thì sẽ giảm phí để kích cầu, và hướng đến sử dụng phương tiện công cộng như tàu điện và bus như các nước tiên tiến.

Bất động sản-->Mọi thứ!

Kinh tế Việt Nam khởi đầu khó khăn bằng sự đi xuống của lĩnh vực Bất động sản cách đây hơn 1 năm trước.

Khi ấy, các ngành nghề khác thấy BĐS chết mà rất khoái chí!

Nhưng bà con thiên hạ đâu biết rằng mọi lĩnh vực đều có sự dây mơ rễ má với nhau!...

Bất động sản chết--> xi măng, gạch ngói, sắt thép chết--> xây dựng chết vv...==> Thu nhập người dân giảm xuống!

Cùng lúc đó các ngành xuất khẩu cũng chết cho kinh tế Mỹ, Châu Âu gặp khó khăn.

Kết cục, toàn nền kinh tế chết luôn!

Cho nên các ngành điện máy, thời trang, phương tiện giao thông cũng sẽ ngủm củ tỏi theo!

Đó là điều bình thường!

Thất thu 6000 tỉ đồng. Ngành ôtô đang hấp hối!

Nhưng không sao. Bộ GTVT có cách thu các loại phí vào đầu năm sau để bù lại. Haiz!

Thành tích?

Cảm ơn những chính sách đưa nền công nghiệp xe Ôtô Việt Nam lùi lại 5 năm! Năm 2018 thế giới đi máy bay còn Việt Nam chuyển sang đi bộ hết vì chắc chắn còn nhiều loại thuế chuẩn bị đưa ra.

Câu trả lời của thị trường

Đó là câu trả lời của thị trường. Ngày nay chúng ta đang sống trong kinh tế thị trường chớ không còn kinh tế bao cấp, bất cứ chính sách gì như phí, thuế..v.v. đều phải nghiên cứu ảnh hưởng của nó tới thị trường, và phải lắng nghe tâm tư người tiêu dùng. Cứ duy ý chí mà đưa ra các quyết định, dùng những ưu điểm để biện hộ và cố tình bỏ qua các khuyết điểm thì sẽ có nhiều kết quả tai hại không tiên đoán trước được. Cứ nghĩ bắn giết chim ăn lúa thì lúa sẽ thu hoạch nhiều hơn, ai dè sâu nhiều làm lúa bị thiệt hại nặng hơn để chim ăn lúa.

Bao giờ cho đến tháng . . .

Nhà nước (bộ GT) nghiên cứu để có giải pháp làm sao: Dân sử dụng nhiều xe -> thu phí nhiều --> nâng cao chất lượng hạ tầng. Cái này hoàn toàn hợp lý.

Chính sách đối với ôtô quá kém

Tôi cho rằng thị trường ôtô ảm đạm như vậy nguyên nhân chính do dự định thu phí của Bộ GTVT. Đây là hậu quả.

Sẽ có vô vàn xe máy

"Khi được hỏi nếu các loại thuế vẫn giữ nguyên và phí hạn chế phương tiện được thông qua thì hành động của các liên doanh sẽ thế nào, đại diện các nhà sản xuất trả lời: "Lúc đó Việt Nam sẽ chỉ còn xe nhập khẩu"".

Theo tôi đại diện nhà sản xuất còn trả lời thiếu, đầy đủ phải là: Lúc đó VN chỉ còn xe nhập khẩu và vô vàn xe máy (bởi xe công cộng thì 50 năm nữa may ra mới gọi là thu hút được người dân sử dụng).

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Lien he quang cao