Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trao đổi với phóng viên Dân trí về nội dung bỏ phiếu tín nhiệm đang làm “nóng” nghị trường kỳ họp này.
Bỏ phiếu tín nhiệm đã được ghi nhận trong Hiến pháp và luật hiện hành nhưng hơn 10 năm qua, quy định này chưa một lần được thực hiện. Theo bà vì sao các quy phạm thiếu thực tế như vậy?
Vì các quy định hiện tại chưa dựa vào tiêu chí nào để đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm một chức danh. Điều này đồng nghĩa với việc bản thân người bị kiến nghị bỏ phiếu không biết là khi nào, vì sao mình bị kiến nghị. Và với cùng một sự kiện xảy ra, đại biểu này thấy cần phải đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm với người phụ trách lĩnh vực đó nhưng đại biểu khác lại thấy không cần, và rất khó thu thập kiến nghị của đại biểu vào cùng một thời điểm. Mặt khác, người bị kiến nghị bỏ phiếu sẽ khó tâm phục, khẩu phục vì dễ cho rằng người kiến nghị đã dựa trên đánh giá chủ quan.
Về điều kiện phải có ít nhất 20% đại biểu đề nghị cũng rất khó xảy ra vì hiếm khi cùng một thời điểm có tới 100 đại biểu cùng kiến nghị trùng hợp. Pháp luật hiện hành cũng không cho phép một đại biểu đứng ra vận động các đại biểu khác làm việc này.
Theo luật, qua giám sát phát hiện Bộ trưởng, trưởng ngành có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ gây thiệt hại nghiêm trọng cũng là căn cứ để tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm; nhưng để chứng minh được vi phạm này, phương thức và bộ máy giám sát hiện hành của Quốc hội khó có thể kết luận được. Ngay cả trong trường hợp có thiệt hại nghiêm trọng cũng không dễ gì quy được trách nhiệm cá nhân, nhất là trong tình hình hiện nay, khi các quyết định quan trọng đều “mang danh” đã xin ý kiến ban cán sự, ý kiến tập thể trước khi cá nhân quyết định.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga: "Bộ trưởng có vi phạm, đại biểu đề nghị bỏ phiếu là bình thường".
Nhưng có ý kiến cho rằng, gạt bỏ được những điểm “mắc” này vẫn khó thực hiện được việc bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm vì bản thân các kênh thông tin cung cấp về một bộ trưởng như vậy vẫn có thể phiến diện, áp đặt?
Cần tồn tại hai hình thức bỏ phiếu tín nhiệm theo định kỳ và bất thường - khi có sự kiện về việc một bộ trưởng có vi phạm. Bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ sẽ giúp cho người đứng đầu năng động hơn, luôn tìm cách sáng tạo, giúp bộ máy của mình hoạt động hiệu quả hơn. Bỏ phiếu định kỳ cũng giúp tránh được mặc cảm bị bỏ phiếu vì đây là một hoạt động định kỳ được tiến hành đối với nhiều người. Việc bỏ phiếu định kỳ lần cuối còn là tài liệu khá chuẩn xác, góp phần chuẩn bị nhân sự cho khóa sau.
Để có căn cứ cho việc bỏ phiếu được chính xác, trước khi Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, người được giới thiệu vị trí bộ trưởng cần có chương trình hành động để đại biểu vừa có căn cứ để bầu, vừa có căn cứ để theo dõi việc thực hiện lời hứa. Đồng thời, mỗi bộ trưởng, trưởng ngành cần có bảng tự đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ có nhận xét của cơ quan có thẩm quyền.
Vai trò của cơ quan chức năng trong trường hợp này, thưa bà?
Trong điều kiện Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, giới thiệu những Đảng viên ưu tú ra ứng cử các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước, quá trình thực hiện nhiệm vụ các chức danh này đều được các tổ chức có thẩm quyền của Đảng theo dõi, quản lý chặt chẽ.
Các chức danh từ Phó Chủ nhiệm UB của Quốc hội trở lên là thuộc diện Ban Bí thư quản lý, các bộ trưởng trở lên do Bộ Chính trị quản lý. Vậy khi có ý kiến đề xuất việc bỏ phiếu tín nhiệm những người đó thì cần có cơ quan có thẩm quyền của Đảng có ý kiến. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng của Đảng đoàn Quốc hội trên nền cơ chế rõ ràng của 2 bên mới tạo điều kiện cho Quốc hội làm được.
Nếu thực hiện báo cáo hàng năm, với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn thì số lượng cán bộ phải bỏ phiếu rất lớn. Còn tính từ bộ trưởng và các vị trí tương đương trở lên cũng phải khoảng 40-50 người. Nhiều người cho rằng việc bỏ phiếu đồng loạt, lặp đi lặp lại như này sẽ trở thành hình thức, kém hiệu quả?
Thực ra, hiện chúng ta có 26 bộ trưởng, 17 ủy viên UB Thường vụ Quốc hội, cộng với Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao… số lượng có nhiều đến mấy cũng vẫn làm được. Bầu một lúc mấy trăm chức danh như kỳ đầu tiên của khóa còn làm được mà. Hơn nữa, trường hợp buộc phải làm để thực hiện nhiệm vụ, để bộ máy nhà nước hoạt động tốt hơn thì cũng phải dành thời gian chứ.
Quốc hội do dân bầu ra để thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đó, thời gian bố trí phải đủ cho việc thực hiện đủ chức năng của mình. Cắt giảm một vài ngày họp để tiết kiệm mấy trăm triệu đồng hay cần phải chống lãng phí bao nhiêu tài sản của xã hội nếu quyết định không chuẩn?
Vậy nên nếu tốn thêm chút thời gian để bỏ phiếu tín nhiệm đủ 50 vị trí chức danh mà đất nước này tốt đẹp hơn thì ta vẫn làm chứ.
Thưa bà, tại phiên thảo luận về đề án đổi mới hoạt động Quốc hội hôm qua, một số đại biểu cũng lo ngại, bỏ phiếu tín nhiệm thường kỳ như thế, quanh năm cán bộ lãnh đạo chỉ lo chuyện tín nhiệm, không ai dám làm gì nữa?
Vậy nên mới phải xây dựng các căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của bộ trưởng, để xác định rõ trách nhiệm khi có sự việc xảy ra. Căn cứ tiêu chí rõ ràng sẽ đảm bảo vừa tránh được xu hướng bỏ phiếu hình thức, bỏ phiếu cảm tính, vừa tránh được việc làm cho người đứng đầu không dám triển khai các biện pháp quản lý ngành, lĩnh vực một cách quyết liệt, nhất là những giải pháp đụng đến lợi ích của các nhóm dân cư. Đồng thời cũng tránh được xu hướng vì sợ ảnh hưởng đến số phiếu nên các bộ trưởng chỉ chọn phương án an toàn, tránh đương đầu với những vấn đề nóng, bức xúc của xã hội, vì thế không bảo vệ được quyền lợi của số đông người dân.
Với trường hợp bỏ phiếu bất thường về những vấn đề nảy sinh trong thực tế hoạt động điều hành, trong chất vấn… trong khi mỗi kỳ Quốc hội chỉ chất vấn được một vài bộ trưởng, bà có nghĩ việc bỏ phiếu tín nhiệm dễ rơi vào tình trạng thiếu công bằng?
Không lo việc đó vì việc chất vấn đã được lựa chọn. Chắc chắn có vấn đề liên quan đến việc điều hành của một bộ trưởng người ta mới chất vấn. Đưa ra chất vấn, bộ trưởng trả lời tốt sẽ càng khẳng định được năng lực, còn không mới đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm. Mà ngoài việc chất vấn ra còn có thể đề xuất bỏ phiếu bất thường từ sự kiện nào đó, tức là có nhiều căn cứ, từ kết quả giám sát, từ phản ánh, bức xúc của cử tri, từ đánh giá trên nhìn nhận của đại biểu…
Với tư cách một đại biểu Quốc hội, bà có ngại đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm bất thường một bộ trưởng?
Nếu là bỏ phiếu thường kỳ sẽ tránh được tâm lý e ngại cho cả người bị bỏ phiếu lẫn người bỏ phiếu. Còn bỏ phiếu bất thường, nếu có cơ chế và được tổ chức thành hoạt động bình thường, không có gì phải quá ngại. Thực ra, đại biểu nào cũng phải đặt lợi ích của người dân lên trên. Một bộ trưởng mà quá trình hoạt động có vi phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, ảnh hưởng đến số đông người dân, đẩy bức xúc xã hội lên quá lớn, đưa đến việc đại biểu đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm bất thường, tôi thấy cũng là chuyện bình thường.
Xin cảm ơn bà!
P.Thảo (thực hiện)