Thứ năm, 7/6/2012, 18:22 GMT+7

'Phát tán clip ném phao làm cơ quan chức năng gặp khó'

Khẳng định vi phạm thi ở Đồi Ngô (Bắc Giang) là nghiêm trọng, tuy nhiên Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, việc phát tán trên mạng clip ném phao gây ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem.
> 'Em còn nhiều clip ném phao thi chưa công bố'/ 'Vụ ném phao ở Bắc Giang là bài học của ngành giáo dục'

Chiều 7/6, trao đổi với báo chí về vụ giám thị ném phao thi ở THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, vụ ném phao thi ở Bắc Giang là nghiêm trọng. Bộ đã cùng UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở Giáo dục và các cơ quan chức năng xác minh để sớm có kết luận và xử lý nghiêm theo quy chế hiện hành, đồng thời công khai trên công luận.

Về quan điểm xử lý học sinh quay clip, ông Luận cho rằng, các em học sinh còn nhỏ tuổi, nghĩ chưa tới, nên dễ bị lôi kéo làm việc sai và vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT. "Nhưng việc xử lý học sinh như thế nào cần phải cân nhắc theo hướng giúp các cháu nhận ra sai phạm, làm bài học và trở thành người tốt", người đứng đầu ngành giáo dục chia sẻ.

Khi được hỏi, Bộ trưởng có quan tâm tới thông tin thầy giáo Đỗ Việt Khoa vẫn còn 11 clip gian lận thi chưa công bố, ông Luận khẳng định, nếu nhận được các clip tương tự, Bộ sẽ xem xét, xác minh và xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, "việc phát tán trên mạng nhiều clip như vậy làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp khó khăn, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các học sinh nhỏ tuổi".

Ảnh
Theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa, ông còn giữ 11 clip ném phao ở các phòng thi và môn thi khác nhau.

Cùng ngày, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau khi xem clip, ông "giật mình" bởi lâu nay Bắc Giang không có việc như thế. "Bắc Giang cho biết, chiều 6/6 đã họp Hội đồng tuyển sinh của tỉnh để xác minh vụ việc. Chiều nay, tôi hẹn gặp Bộ trưởng Giáo dục để nghe thêm về vấn đề", Phó thủ tướng nói và cho rằng, khi xảy ra sự cố thì tỉnh phải có trách nhiệm làm rõ.

"Đấy là danh dự của tỉnh và của ngành giáo dục. Nếu thiếu sót thì nhận mà không thiếu sót thì nói không phải", Phó thủ tướng đồng thời là đại biểu Quốc hội Bắc Giang nói thêm.

Trước đó, chiều 4/6, ngay khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT nhận xét là "nghiêm túc", trên mạng xuất hiện clip dài hơn 6 phút quay cảnh chép tài liệu, ném bài trong phòng thi. Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang xác nhận, hình ảnh trong clip là tại điểm thi THPT Dân lập Đồi Ngô giờ thi Hóa chiều 2/6.

Sở đã đình chỉ Chủ tịch hội đồng coi thi, giám thị và cán bộ thanh tra liên quan, không cho những người này tham gia chấm thi, đồng thời báo cáo vụ việc với Bộ Giáo dục. "Tôi hoan nghênh việc học sinh tố cáo vi phạm, nhưng em này vừa có công, vừa có tội", Giám đốc Nguyễn Đức Hiền nói và khẳng định sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho học sinh.

Tiến Dũng

Bỏ thi Tốt nghiệp THPT

Tôi nghĩ là chúng ta nên bỏ thi tốt nghiệp THPT đi vì qua 1 thời gian làm mạnh như vậy rồi mà vẫn đâu hoàn đó. Có nhiều các khác để cấp bằng mà chất lượng vẫn tốt hơn mà!

Phê bình và tự phê bình

Tôi thấy các lãnh đạo tĩnh ai cũng "giật mình" khi xem clip này, thiết nghĩ phải là cảm giác "đắng lòng" hoặc "hổ thẹn" khi nhìn nền giáo dục của chúng ta ngày càng xuống cấp mới đúng. Ai đã dẫn dắt các em-những sĩ tử chép phao làm việc này? Nhân cách đạo đức của các em sẽ ra sao? Hơn nữa, không lẽ họ không thấy được hậu quả sau buổi thi, nếu không có clip quay thì tin đồn đây đó vẫn lan truyền và còn nguy hiểm hơn là tận mắt nhìn thấy sự thật.

Về việc các clip bị phát tán, tôi nghĩ đây không phải là "sự cố" mà là hệ quả nhiều lần trót lọt các vụ gian lận thi cử như thế này mà thôi. Qua sự việc, không biết việc "phê bình và tự phê bình" ở lãnh đạo các cấp khi xảy ra tiêu cực có được thực hiện như lời vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu của chúng ta hay không? Nếu có thì sẽ như thế nào? Chúng tôi vẫn đang chờ theo dõi hướng giải quyết vụ việc của các cấp lãnh đạo. Tiêu cực trong giáo dục là mặt trận nguy hiểm nhất và hậu quả nghiêm trọng nhất cho xã hội chúng ta.

Tội cho em học sinh dũng cảm!

Cách hành xử như vậy khác nào bao che nhau. Có thể em học sinh đó ngày thi đầu tiên không vi phạm, nhưng thấy sự việc như thế nên em ấy đã dũng cảm đứng ra tố giác. Xong rồi để phải nhận sự "dạy dỗ" của các vị cấp cao. Cứ như thế thì hỏi ai dám đứng lên, vạch ra những sai sót của mấy ông lớn. "Gáo nước lạnh" này ngành Giáo dục nhận lấy là để sớm thức tỉnh những sai sót của mình. Việc bây giờ không phải là xem xét xử lý em học sinh ra sao mà là chấn chỉnh lại, kỷ luật những người làm sai. Và trên hết là hãy để em học sinh dũng cảm ấy có thời gian tiếp tục ôn thi cho kỳ thi ĐH sắp tới.

Không dám dũng cảm thừa nhận thực trạng

Đọc kỹ các phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục và Giám đốc Sở, tôi thấy buồn vì lãnh đạo ngành giáo dục không dám dũng cảm thừa nhận thực trạng ngành giáo dục. Tôi thấy lo cho cháu học sinh đã dũng cảm phơi bày thực tế trước công luận. Tôi chỉ sợ, em học sinh này sẽ bị vùi dập như thầy Đỗ Việt Khoa trước đây. Nền giáo dục nước nhà chắc còn lâu mới nghiêm túc khi còn những lãnh đạo không dám dũng cảm thừa nhận thực tế để chấn chỉnh.

Không hợp lý

1. Sự việc xãy ra đáng lẽ ngành giáo dục phải xem lại, xem nhiều hội đồng thi ở các vùng khác có gặp sự việc đáng tiếc không? Để từ đó chấn chỉnh, và năm sau thực hiện tốt hơn. Đằng này chỉ nó là "đáng tiếc và sẽ xử lý"2. Người tố cáo (báo cáo vụ việc) đáng lẽ phải tuyên dương đằng này đòi xử lý.

Ai sai?

Từ trước đến nay ai cũng biết những sai phạm trong giáo dục nhưng mọi người vẫn tự đánh lừa nhau và tự đánh lừa mình rằng thi cử rất nghiêm túc. Đã đến lúc phải có những bước đi mang tính bước ngoặt trong giáo dục, còn về học sinh quay clip thì em ấy đã dùng 1 sai phạm nhỏ để tố cáo 1 sai phạm lớn. Em ấy là người có công chứ không phải có tội.

Hiện trạng ngành giáo dục là quá nghiêm trọng

Hiện tượng trên không phải chỉ có ở một trường của Bắc Giang, mà là hiện tượng phổ biến của các tỉnh thành trong cả nước. Phải nói là tình trạng hiện nay của ngành giáo dục là quá nghiêm trọng. Trách nhiệm phải thuộc về những vị lãnh đạo ngành. Nhưng cơ chế này hình như không có ai chịu trách nhiệm thì phải. Ở các nước văn minh thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã từ chức từ lâu rồi.

Phổ biến

Cái này cũng không nghiêm trọng quá đâu mà Bộ trưởng à! Ở quê tôi học sinh lớp 12 còn được nhà trường yêu cầu đóng vài chục nghìn đồng một em mà học sinh gọi đó là tiền "chống trượt". Và khi đi thi giáo viên coi thi thì giáo viên ngồi ngay cửa canh thanh tra cho học sinh trong muốn làm gì thì làm. Bộ Giáo dục ở xa có biết ở dưới họ thi thế nào đâu mà cứ bảo là kỳ thi diễn ra an toàn và nghiêm túc.

Bộ trưởng nói vậy sao?

"việc phát tán trên mạng nhiều clip như vậy làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp khó khăn, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các học sinh nhỏ tuổi". Đã là lỗi thì phải đưa ra để những lần sau còn chỉnh sửa chứ cứ "ém" đi thì bao giờ mới rút kinh nghiệm?

Bộ trưởng cứ làm như là ngành giáo dục tốt lắm nên chuyện đó là nhỏ? Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm thôi Bộ trưởng ạ. Còn nhiều lắm chứ, tỷ lệ tốt nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng số lượng thí sinh đi thi đại học đạt tổng điểm 3 môn dưới 5 thì nhiều vô kể - đó phải là chất lượng thật? Các tỉnh khi phân hội đồng thi thì những trường chuyên, trường tốt phải gánh cho mấy trường kém để nâng cao tỷ lệ...

Xử lý học sinh quay clip

Nếu xử lý người phát hiện, tố giác sai phạm, gian lận thì lấy đâu ra bằng chứng để xử lý sai phạm. Như vậy là khuyến khich sai phạm và trù dập người tố giác.

Tiêu cực là chuyện thường ngày ấy mà

Việc này có từ sửa từ sưa rồi, chứ còn gì mới nữa mà giật mình chứ. Chả lẽ các lãnh đạo không biết thật sao. Năm nào mà chả có gian lận. Chỉ duy nhất một năm tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp thê thảm là làm tương đối nghiêm thôi. Chả lẽ các vị tưởng chất lượng giáo dục tốt lên nhanh thế thật sao? Chỉ cần so sánh tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm đó với các năm sau là thấy ngay mà. Bây giờ còn có quỹ "trống trượt" thi tốt nghiệp nữa đấy, các vị có biết không? Thật ra các vị muốn biết những điều này thì khó gì chứ. Chỉ cần đóng giả làm thường dân ra các quán nước cổng các trường phổ thông gần ngày thi là được nghe ngay thôi mà. Chuyện đó ai chả biết, có chăng chỉ có các vị lãnh đạo không biết hoặc không muốn biết mà thôi.

Gian lận thi là bệnh nan y

Vụ việc ném phao thi ở bắc Giang là có thật và chính Bộ trưởng cũng thấy đó là nghiêm trọng. Nó là nỗi nhức nhối kéo dài đã bao nhiêu năm qua. Đã có bao nhiêu nghị quyết, bao nhiêu cuộc họp nhưng sự việc vẫn ngày càng nặng nề thêm như một căn bệnh nan y mà thời gian càng trôi qua lại càng nặng thêm . Mọi cách bàn, mọi buổi hội thảo vẫn giống như "Đeo chuông cổ mèo". Vậy mà Bộ trưởng lại nói "sẽ xác minh để sớm có kết luận và cân nhắc việc xử lý học sinh quay clip theo hướng 'giúp nhận ra sai phạm'. Tức là tìm ra cách để kỷ luật học sinh chứ không phải là xử lý việc làm sai phạm từ trên xuống dưới ở Bắc Giang?

Sử dụng công nghệ để phòng chống gian lận thi cử

Một cách đơn giản để chống gian lận trong phòng thi là, mỗi một phòng thi chuẩn bị ít nhất 4 camera phân giải cao, lắp đặt ở bốn góc trần phòng thi. Loại camera này hoàn toàn có thể tìm trên thị trường, có thể tháo ra, lắp vào rất dễ dàng nên có thể chuẩn bị khi mỗi kì thi, kiểm tra đến. Loại camera này có kết nối không dây và có lẽ chỉ cần một giám thị với một chiếc máy tính có phần mềm kết nối với cả 4 camera ở trên là có thể quan sát, giám sát cả phòng thi. Thí sinh đến phòng thi chỉ có nhiệm vụ duy nhất là hoàn thành bài thi, ngoài ra hoàn toàn không được nói chuyện, không được làm việc riêng...

Nên rõ ràng biện pháp này hoàn toàn không vi phạm quyền lợi cá nhân. Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục nên áp dụng các biện pháp mạnh, đặc biệt là sử dụng công nghệ cao để phòng chống gian lận thi cử hơn là đưa ra các khẩu hiệu, các chế tài xử phạt. Nếu thí sinh, những người liên quan đến kì thi biết rõ sẽ chắc chắn bị phát hiện nếu có hành vi gian lận thì chắc chắn họ sẽ không dám làm gì cho dù có học hay không học bài. Tôi đề nghị Bộ Giáo dục cần thực hiện triệt để các biện pháp đơn giản nhất để phòng chống bên cạnh các biện pháp giáo dục thông thường. Xin cảm ơn

Bộ trưởng nghĩ gì vậy nhỉ?

Sao Bộ trưởng lại nói là học sinh vi phạm quy chế thi nhỉ? Đó là thiết bị thu chứ có phải là phát đâu? Và việc quay phim đó có phục vụ cho việc làm bài của thí sinh đâu? Cần phải tuyên dương em này vì làm trong sạch nền giáo dục nước nhà! Đang đương đầu với chống tiêu cực, chống bệnh thành tích! Hãy tự phê bình rồi mới phê bình! Có như vậy ngành giáo dục mới là những nơi trồng người! Hãy nhìn nhận vào thực tế đừng cưỡi máy bay xem hoa!!!

Bình thường

Chuyên này là bình thường và phần nhiều người đều biết. Nó đã xảy ra hàng chục năm nay sao từ lâu giờ không ai lên tiếng? Chỉ khi có video tận mắt, mới lên tiếng hay sao?

Không tố giác sao biết mấy ông gian lận!

Tố giác mà xem là có tội? Làm vậy sao ai dám làm nữa? Nếu không có những người như vậy sao biết lỗ hổng của nền giáo dục nước nhà? Phạt đi rồi năm sau không ai dám tố giác đâu, rồi ngành giáo dục lại sẽ báo cáo là thi "nghiêm túc" và sẽ được khen thưởng. Người tiêu cực thì vô tư, người tố giác thi bị làm khó đủ chuyện?

Biện pháp gì để ngăn chặn tiêu cực?

Rất mừng là bộ trưởng GD&ĐT đã lên tiếng thẳng thắn, rõ ràng, rất mong sẽ sớm xử lý nghiêm minh với những cán bộ giáo viên vi phạm, và khoan hồng cho em thí sinh dám dũng cảm tố cáo. Nhưng vấn đề ở đây là có những biện pháp gì để ngăn chặn tiêu cực trong thi cử một cách hiệu quả:

- Chúng ta không nên lại cho ra một loạt những qui định thi cử mới cho rối thêm, cứ thực hiện triệt để những qui định hiện có cũng là khó rồi.

- Chỉ tập trung vào các biện pháp phát hiện và đấu tranh với tiêu cực là quan trọng nhất. Biện pháp phát hiện hữu hiệu thì rất nhiều, nhưng bộ GD&ĐT có muốn thực hiện không, hay chỉ sợ nhìn vào thực tế phũ phàng quá nên không dám làm, chứ người dân cả nước đều biết tình hình tiêu cực thực tế rất rõ ràng.

Tôi lấy ví dụ: đoàn thanh tra kiểm tra các điểm thi là quá lạc hậu rồi, biện pháp này tốn kém nhân lực, kinh phí lại không có hiệu quả cao. Khi đoàn thanh tra vừa tới cổng trường là bên trong trường đã kịp thời chấn chỉnh, khi đoàn thanh tra đi khỏi thì đâu lại vào đấy, rất khó bắt tận tay được.

Tùy theo kinh phí mà tiến hành lắp đăt camera quan sát một phần hay toàn bộ (đối với phương án một phần sẽ lắp đặt ngẫu nhiên 2-3 phòng sau khi đã nhận được báo cáo sắp xếp phân bố phòng của hội đồng thi), lấy kết quả thi của các phòng có camera làm tiêu chí kiểm tra so sánh đánh giá. Không ngăn cấm các phóng viên đặt máy quay phim để lấy tư liệu tác nghiệp.

Nếu không đủ kinh phí lắp camera thì cho phép thí sinh được phép mang một số loại bút có khả năng ghi hình theo qui định (chỉ có khả năng ghi hình, không có khả năng phát âm thanh, hình ảnh,…), với thí sinh dũng cảm tố giác tiêu cực, có thể căn cứ vào kết quả tổng kết hàng năm để xét tốt nghiệp thẳng (không qua kết quả thi cử để tránh trù dập), có thể một số nhỏ học sinh tốt nghiệp thẳng không phản ánh chính xác thực lực, nhưng đem lại hiệu quả rất lớn, không giáo viên coi thi và học sinh nào còn dám làm sai qui chế nữa.

Chúng ta cần phải tìm ngay biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong kỳ thi năm tới, nếu không tôi e rằng năm sau sẽ tiêu cực tinh vi hơn năm trước, e rằng một số trường sẽ cho giáo viên đi tập huấn cách nhận diện các thiết bị quay phim cũng nên, tiến hành qui chế học sinh phải sử dụng bút do nhà trường cấp,…

Học sinh có công lớn!

Luật cấm mang thiết bị vào phòng thi là để tránh quay cóp bài. Với học sinh này, biết tình trạng thực tế trong ngành giáo dục như vậy nên đã mang máy quay vào phòng thi để lấy chứng cứ chứng minh tình trạng thực tế của ngành giáo dục. Và việc học sinh này có thể mang máy quay vào phòng thi cho thấy tình trạng buông lỏng của giám thị trông thi. Qua đó chúng ta có thể thấy, học sinh này mang máy quay vào phòng thi, máy quay không có màn hình hiển thị, cũng không có thiết bị truyền tín hiệu ra ngoài, cho thấy học sinh này sử dụng máy quay với mục đích chứng minh tình trạng ngành giáo dục chứ không có mục đích để quay cóp tài liệu. Vì vậy, học sinh này hoàn toàn không vi phạm quy chế thi, chúng ta phải ủng hộ việc này.

'Sai phạm' chính là dám làm ê mặt Bộ trưởng

Ngay hôm trước Bộ tuyên bố "Kỳ thi nghiêm túc", sáng hôm sau có cái clip của em học sinh này up lên mạng. Bộ tưởng tuyên bố xử lý học sinh quay clip theo hướng 'giúp nhận ra sai phạm'. Sai phạm ở đây chính là dám làm ê mặt Bộ trưởng, ê mặt ngành giáo dục.

Nói kiểu bao che

"Nhưng việc xử lý học sinh như thế nào cần phải cân nhắc theo hướng giúp các cháu nhận ra sai phạm, làm bài học và trở thành người tốt".

Bộ trưởng Giáo dục nói theo kiểu bao che sai phạm, thấy việc chướng mắt mà không dám tố thì mới là người tốt? Nếu đây đúng là lời của ông Luận thì buồn cho ngành Giáo dục quá.

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Lien he quang cao