Thứ năm, 7/6/2012, 09:37 GMT+7

'Vụ ném phao ở Bắc Giang là bài học của ngành giáo dục'

"Vụ lộn xộn ở Bắc Giang lỗi đầu tiên là ở người lớn. Nếu hội đồng thi làm nghiêm, giám thị, thanh tra nghiêm thì đã không xảy ra và các em cũng không thể quay clip", nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long trả lời VnExpress.
>'Em còn nhiều clip ném phao thi chưa công bố'/ Clip ném 'phao' vào phòng thi xảy ra ở Bắc Giang

- Từng nhiều năm là Trưởng ban chỉ đạo thi Bộ GD&ĐT, ông suy nghĩ thế nào khi xem clip học sinh quay cóp, giám thị ném phao thi xảy ra tại Bắc Giang?

- Tôi cảm thấy rất buồn vì sau một thời gian thực hiện cuộc vận động "hai không", tôi nghĩ tính tự giác của cả giáo viên và học sinh ngày càng tiến bộ, thì lại biết được cảnh này. Hiện tượng này không phải phổ biến, không đại diện cho bức tranh thi tốt nghiệp cả nước nhưng thực sự là điều đáng quan tâm, suy nghĩ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long: "Những năm tới cần hướng tới kỷ cương trong thi cử". Ảnh: Hoàng Thùy.

- Nhiều người cho rằng sau khi thanh tra Bộ rút về và phong trào "hai không" dần đi xuống thì việc coi thi tốt nghiệp càng được nới lỏng, ông nói gì về điều này?

- Tôi cho rằng đã thi cử là phải có thanh tra, giám sát. Đặc biệt, đối với kỳ thi tốt nghiệp có quy mô toàn quốc như thế này thì chức năng, nhiệm vụ của thanh tra là không thể bỏ qua. Chúng ta biết rằng mỗi lớp học cũng cần phải kiểm tra và có giáo viên trông coi. Tôi thấy ở các nước phương Tây thi rất nghiêm. Mỗi phòng chỉ một thầy (hoặc một cô) nhưng mọi người đều tự giác làm bài. Tuy vậy, để có tự giác phải có quá trình rèn luyện lâu dài.

Tôi đánh giá khi có thanh tra Bộ tại các điểm thi thì mọi việc sẽ nề nếp, hiệu quả hơn. Bất kể việc gì kể cả khi phân cấp nếu có sự chỉ đạo cấp Nhà nước đều rất tốt. Bên cạnh đó việc phân cấp công tác thi tốt nghiệp cho các địa phương là một bước cải tiến quan trọng. Là năm đầu tiên phân cấp toàn diện nên đây là bài học quý giá, chắc chắn những năm tới sẽ tốt hơn.

- Khi còn đương nhiệm ông từng giải quyết vụ thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo gian lận tại trường Phú Xuyên A, vậy kinh nghiệm để giải quyết vụ Bắc Giang lần này là gì?

- Trường hợp này rất phức tạp vì phương tiện quay là chiếc bút không thể xem lại phần đã quay ngay mà cần màn hình lớn, và vụ việc được phát hiện sau khi kỳ thi đã kết thúc. Vì vậy phải xem xét kỹ, phải có đối chất với những người liên quan như thanh tra, chủ tịch hội đồng thi, phó chủ tịch, giáo viên, học sinh..., từ đó tổng hợp tất cả dữ liệu để kết luận.

Tuy phức tạp, nhưng tôi nghĩ không khó, điều quan trọng là phải làm khẩn trương. Trước đây khi có sự việc, tôi và đoàn thanh tra đã về ngay địa phương làm việc trực tiếp, đối thoại với những người liên quan. Có những việc cần phải gặp trực tiếp, kịp thời sẽ nghe được nhiều hơn chứ báo cáo bằng văn bản không thể nói hết.

Không chỉ có vụ Phú Xuyên A mà vụ Lương Tài, chiều hôm trước có thông tin, sáng hôm sau chúng tôi đã tổ chức đoàn công tác gồm Phó chánh thanh tra, Ban chỉ đạo thi xuống địa phương làm việc. Những vấn đề nóng hổi cần tiếp cận để xử lý ngay.

Tôi cho rằng vụ lộn xộn liên quan đến clip quay cóp, ném bài trong phòng thi ở Bắc Giang lỗi đầu tiên là ở người lớn. Nếu như hội đồng thi làm nghiêm, giám thị, thanh tra nghiêm thì đã không xảy ra và các em cũng không thể quay clip được. Sau việc này ngành giáo dục phải rút kinh nghiệm, quán triệt trách nhiệm đối với cán bộ quản lý các tỉnh khi được phân cấp.

Học sinh quay cóp, chép bài tự nhiên trong phòng thi ở trường THPT Đồi Ngô. Ảnh cắt từ clip.

- Hiện nay những người tố cáo tiêu cực trong thi cử chưa được bảo vệ. Theo ông cần có chính sách gì để khuyến khích mọi người tham gia tố cáo tiêu cực?

- Chúng ta cần nhìn nhận việc nào có công thì cần đánh giá đúng, việc nào vi phạm quy chế thì phải xử lý. Tuy nhiên phải căn cứ vào tình huống cụ thể. Quy chế là chung nhưng trường hợp cụ thể không giống nhau. Trường hợp clip ở Bắc Giang, học sinh dùng bút quay, cái này tương đối mới so với trước đây là dùng điện thoại. Theo tôi, em này ở chừng mực nào đó đã có công tố cáo. Cái đó là ý thức tốt.

Bên cạnh đó em này cũng vi phạm quy chế là đưa phương tiện cấm vào phòng thi. Bản thân việc vi phạm quy chế có nhiều cách: trước khi thi (mang tài liệu vào), trong khi thi (sử dụng tài liệu bị phát hiện) và sau khi thi (hậu kiểm).

- Nhiều người cho rằng với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 98% (gần tuyệt đối) thì nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp mang tính hình thức. Ý kiến của ông như thế nào?

- Trước đây có ý kiến góp ý là tổ chức thi đại học rồi lấy kết quả đó xét tốt nghiệp. Nhưng cái này phải có sự phối hợp vì tổ chức như thi đại học thì vai trò chủ yếu của các trường đại học. Cũng đã có năm chúng ta cử giảng viên đại học về trông thi tốt nghiệp, nhưng chỉ 1-2 năm thì tạm dừng vì cơ chế hành chính quá rườm rà.

Với nền giáo dục Việt Nam hiện nay chưa đến lúc bỏ thi. Vì có kỳ thi tốt nghiệp là cách tốt nhất giúp các em tự giác học tập. Tôi nghĩ chúng ta cũng không nên lấy điểm cao, kết quả đẹp làm mục tiêu phấn đấu mà cần xác định quan trọng là học sinh có được kiến thức gì.

Thi cử là việc quan trọng, việc đổi mới kỳ thi cũng phải có lộ trình. Theo ý tôi, những năm tới cần hướng tới kỷ cương trong thi cử. Trước khi sự tự giác trở thành ý thức thì vai trò của giám thị, cán bộ coi thi, thanh tra rất quan trọng. Chừng nào quy mô thi cử còn lớn, và chừng nào điều kiện kinh tế còn kém thì nên tăng cường 2 yếu tố: thanh tra và chuẩn bị tổ chức thi. Chúng ta cũng phải xem lại chương trình phổ thông sao cho cơ bản và toàn diện.

Vụ việc ở Bắc Giang xảy ra trong năm đầu tiên phân cấp, ngành giáo dục cần rút kinh nghiệm nhiều. Sau vụ này, Bộ nên kiểm tra trong toàn ngành xem địa phương nào làm tốt, chưa tốt. Việc chấm thẩm định nên chấm nhiều hơn ở những năm đầu tiên phân cấp để xem độ chính xác ra sao.

Hoàng Thùy thực hiện

sai nhìn nhận không đỗ lỗi

Tôi cũng từng là sinh viên, học sinh...quay cóp tôi cũng thấy nhiều, nhiều khi cảm thấy ấm ức với những người quay cóp mà được điểm cao.
Em học sinh này chắc cũng có suy nghĩ này giống tôi (lúc còn nhỏ) và em ấy đã hành động. Sai phạm trong việc quản lý thì xử sai phạm, xử cán bộ giám xác phòng thi, hãy xem em đó như một anh hùng , người mà rất hiếm và dám đứng ra chỉ cái sai phạm của người khác. BGD cũng cần phải biết suy nghĩ là hành động của em không hại đến ai mà là công bố sự thật phủ phàn. Nếu xử lý em này XH chúng ta sẽ không còn người tốt.

Tiêu cực

Mỗi phòng thi cần trang bị camera la ok thôi. Nước mình vẫn còn rất nhiều tình trạng học giả thi thật và rất nhiều tiêu cực trong thi cử. Nên làm quyết liệt trong chuyện này để học sinh không dựa vào phao thi và vào giáo viên mà phải tự học.

Suy nghĩ về Clip thi cử ở Bắc giang.

Theo tôi việc em học sinh ở BG quay clip trên phải được khen thưởng vì hành động dũng cảm phản ánh sự thật. Bất cứ ý kiến của ai quy lỗi cho thí sinh đều là những người thiếu trách nhiệm và triệt tiêu sự trung thực, dũng cảm của các em. Việc đi học thì phải thi thì mới đánh giá được kết quả .

 Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất các nhà quản lý giáo dục phải quan tâm đó là học như thế nào và thi như thế nào? Không thể xây dựng khối lượng kiến thức học nhồi nhét như hiện nay, không thể bắt học sinh phải học vẹt như hiện nay, các đề thi cũng vẫn còn nhiều phần phải bắt học thuộc như sách.

 Hãy giảm tải nhiều hơn nữa, hãy dạy các em học hiểu chứ không học thuộc, hãy ra đề thi mà có cho các em mang sách vào cũng không có tác dụng...và mạnh dạn thay bằng đề thi trắc nghiệm để máy tính làm việc thay cho các Thày Cô phải chấm bài..... đó mới là vấn đề đáng lưu tâm.

Ngành giáo dục hãy xây dựng các dự án cải cách giáo dục sao cho học hỏi được như các nước tiên tiến đang thực hiện, học sinh và giáo viên có cách dạy và học rất thoải mái và các em ra đời rất tự tin và phát triển rất tốt về tư duy trong công việc và kỹ năng trong cuộc sống. Trân trọng cám ơn!

Còn lâu mới hết nạn này!

Tôi cũng là 1người làm giáo dục, đọc bài này định không đưa ý kiến gì, nhưng thấy khó chịu nên nói.Chúng ta fai nhìn lại nếu không có em học sinh quay lại clip đó thì Sở GD Bắc Giang có đưa vấn đề này vào báo cáo tổng kết, Bộ GD có nhận ra "bài học" này 1 lần nữa. Sai phạm là do không ai dám lên tiếng tố cáo phải để 1 em học sinh 18 tuổi lên tiếng. Phan Anh

tiêu cực ở bắc giang

tốt nhất gắn mỗi phòng 1 camera thật sắc nét.

THI TỐT NGHIỆP

Theo tôi có 2 nguyên nhân: - Do bệnh thành tích mà ra . - Lương gv còn chưa đủ sống .

Nên bỏ kì thi Tốt nghiệp

Tôi đã từng thi tốt nghiệp cách đây 15 năm tại một trường chuyên và cũng được hội đồng tổ chức cho quay cóp và đã đậu tốt nghiệp. Thú thực tôi sợ thi tốt nghiệp hơn thi đại học vì quá nhiều môn mình không hứng học, tôi đậu 2 trường đại học với điểm cao và ra trường làm cho các công ty nước ngoài (cả trong nước và nước ngoài) với thu nhập khá. Nếu ngày đó không có hội đồng tạo điều kiện thì chắc giờ tôi cũng đang ôn thi tốt nghiệp..... Đi làm rồi mới thấy cái tốt nghiệp 12 nó chẳng có ý nghĩa gì cả trong khi đó bao nhiêu thầy cô và học sinh phải đổ mồ hôi sôi nước mắt vì nó, chưa tính đến chi phí. Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, tất cả các học sinh học hết 12 thì được cấp chứng chỉ đã học hết PTTH và kèm bảng điểm / hồ sơ. Việc học nghề hay thi đại học / cao đẳng.... do học sinh và gia đình quyết định.

Góp ý

Giáo duc là quốc sách hàng đầu của mỗi quốc gia,nếu những sự việc như thế còn diễn ra thì chính những người lớn chúng ta phải chiệu trách nhiệm vì đã góp phần làm cho đất nước mình suy yếu . Nguyễn Thanh Tuấn

Nên chú trọng cái sai lớn hơn

Tôi đồng ý với bạn Quốc Anh, các vị lãnh đạo được hỏi toàn nói đến việc em học sinh vi phạm quy chế thi, trong khi đó là lỗi rất nhỏ so với sai phạm của cả một tập thể nhiều bộ phận. Cần phải nhìn nhận em hs đó mang camera vào phòng thi với mục đích " tố giác sai phạm" chứ ko phải mục đích để copy bài nên mặc dù vi phạm quy chế nhưng ko có gì nghiêm trọng, nếu xử lý em thì chẳng phải cũng xử lý cả phòng thi đó sao ? Các bác lãnh đạo làm ơn đừng " rút kinh nghiệm " nữa..câu này nghe mãi rồi...

Đây là bài giảng

Xưa nay vẫn thế. Không phải lần đầu thưa bà con.

Xem lại cách học và dạy

Nếu cán bộ coi thi không làm ngơ thì làm sao mà quay được. Âu cũng là bệnh thành tích mà thôi, mà thành tích thì cho ai chứ ?
À mà không cho mấy em quay cóp thì sao nhỉ ? Rớt hàng loạt, mà hậu quả là sao nhỉ. Chính các em và gia đình phải gánh chịu ?! lại phải tổ chức thi lại, lại tốn tiền của xã hội. Và con đường học hành của các em bị gãy làm đôi. Thế thì còn nhân văn ở chỗ nào. Thôi thì bản chất các em học kém thì rõ rồi, mà học kém thì phải quay bài thôi vì không thì sẽ rớt. Thi cử chỉ là hình thức thôi chứ ra đời mấy em áp dụng được kiến thức ở trong trường đâu.
Chúng ta cũng phải lật nguợc vấn đề lại. Nếu thực sự các môn học sẽ giúp ích cho các em kiếm được một chỗ đứng vững chắc ngoài đời, một thành công để các em giàu có thì tôi dám chắc các em sẽ hào hứng học ngay và không bao giờ phải đối phó thi cử. Kiến thức sẽ tự nhiên hình thành trong khi học.
Thực sự các môn học ở trường học rất chán và thầy cô dạy phải chạy theo giáo án nên phải nói dạy cũng rất chán. Mà đã chán thì làm sao mà tiếp thu cho nổi, không hiểu bài thì kiến thức gãy ngay và thế là ngày ngày nhìn lên bục giảng mà chẳng hiểu gì. Đến kỳ thi thì đành đâm liều quay cóp.
Ở đây chúng ta đừng luận em học sinh quay Clip đúng hay sai, vì bản chất của việc quay cóp thì vẫn rành rành ra đấy, chỉ có điều là không ai nói ra thôi.
Học để giúp cho con người thành công trong công việc sau này chứ không phải học để thi.
Tác giả của Rich Dad & Poor Dad nói rất hay : Ngân hàng không xem bảng điểm của bạn khi đi vay tiền. Họ sẽ hỏi về bản kế hoạch kinh doanh và dòng tiền

Ở đâu cũng thế hết

Có thầy hiệu trưởng nào dám nói là trường mình không có hiện tượng gian lận trong kỳ thi TN ko? Chắc chắn không!. Ở đâu cũng vậy thôi.Tôi cũng từng trải qua kỳ thi TN đó, mặc dù tôi học rất tốt nhưng tôi cũng chỉ học tốt những môn tôi thi ĐH, nên tất nhiên những môn còn lại sức học của tôi chỉ ở mức TB, và tôi xin nói tôi cũng từng gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp năm đó. Và tôi tin không chỉ riêng tôi như vậy mà rất nhiều bạn cũng từng như vậy... Tóm lại là trường nào và ở đâu cũng vậy cả thôi!

Bệnh nặng khó chữa

Đây là hệ quả tất yếu của bệnh thành tích, trước mắt là xử lý nghiêm cán bộ giáo viên có liên quan, nhưng quan trọng nhất là cần nghiên cứu thuốc trị tận gốc rễ bệnh này.

thi tốt nghiệp THPT Đồi Ngô Bắc Giang

Thiết nghĩ phải xem người quay và công bố clip này là những người có công chứ không phải có tội. Thông qua việc quay và công bố clip này đã nói lên sự thật của việc thi cử đang diễn ra ở VN. Đồi Ngô là sự thật đã được phơi bày, biết đâu có nhiều hơn nhưng không được phơi bày thì làm sao mà nói sự cố Đồi Ngô là cá biệt được. Đây là một hồ chuông cảnh tỉnh các nhà quản lý giáo dục. Việc gian dối ngày nay không chỉ còn lẻ tẻ một số cá nhân mà nó đã trở thành ý thức của nhiều người, rất tinh vi và được cấu kết thành tổ chức nếu không mang camera bút thì làm sao mà có được?

Ý kiến mới : Không cần kỳ thi tốt nghiệp trung học

Tôi xin gởi ý kiến như sau :
1- Bỏ luôn kỳ hti tốt nghiệp trung học : chỉ cần các Em đủ điểm cuối lớp 12 (đủ điều kiện lên lớp) là cấp bằng tốt nghiệp PTTH được rồi , không cần kỳ thi tốn kém và thật sự mà nói gây ra áp lực không cần thiết cho các Em, nên để các Em thư giản và chuẩn bị thi đại học
2- Nếu bỏ thi tốt nghiệp PTTH thì tổ chức thi học kỳ như thế nào : để đảm bảo đánh giá chất lượng học công bằng, thì đề thi học kỳ các lớp 10,11,12 đều phải do Bộ giáo dục ra đề cho tất cảc các môn và việc thi cử phải chính quy (có số báo danh, rọc phách ...)
3- Xếp lọai bằng tốt nghiệp ra sao nếu không thi tốt nghiệp : cuối tháng 4Hàng năm Bộ sẽ công bố 6 môn xếp lọai tốt nghiệp (để tránh các Em học lệch). cộng điểm học kỳ lớp 10,11,12 của 6 môn này chia trung bình và ra kết quả
4- Dành kinh phí để tổ chức thi đại học

Thày cô giáo biết rất rõ học lực của học sinh

Chắc chắn thầy cô giáo phải biết rất rõ học lực của học sinh không tốt, không thể đạt được tỷ lệ khá, giỏi cao như được giao nên mới quản lý thi cử "kiểu trò đùa, hời hợt" như vậy.
Thầy phải ra thầy thì học sinh mới ra học sinh. Các nhà quản lý giáo dục cần phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

xét tốt nghiệp

sao không xét tốt nghiệp như hình thức học tín chỉ của đại học. chỉ cần anh hoàn thành đủ các môn là có thể xét tốt nghiệp . đỡ cho học sinh một kỳ thi vất vả mà ai cũng biết nó có vấn đề.

Thật buồn cho những người làm giáo dục

Tôi thấy các vị làm giáo dục trả lời thật sự là né tránh trách nhiệm. Không thể nào trách em học sinh dũng cảm mang bút có máy quay để tố cáo sự thật là vi phạm quy chế. Thử hỏi nếu là các vị, thấy sự việc đó và muốn lên tiếng cho sự thật về nền giáo dục thành tích thì các vị làm cách nào trước sự việc đó? Mời báo chí, phóng viên đến? Báo cáo Ban Giám hiệu nhà trường? Hay là báo công an?... Các vị thử nghĩ và trả lời giùm tôi và mọi người trong xã hội còn quan tâm đến nền giáo dục này với? Theo tôi hành động của em học sinh này thì Công gấp ngàn lần Tội.

Học, học nữa, học mãi

Trước đây là bài học tại Hà Tây, nay là Bắc Giang rồi tới đây còn 61 bài học tại các tỉnh thành nữa?

góp ý

thật bất công cho em học sinh đã dám quay clip, Chúng ta sẽ không thể biết và vạch trần các hành động đưa phao thi vào phòng thi của các giám thị. So với các giám thị coi thi thì hành động của e học sinh phải được tuyên dương mới đúng. Nếu nói e đó đã vi phạm quy chế thì phải xem xét lại về việc kiểm tra giám sát của các giám thị. các giám thị ngang nhiên đưa tài liệu vào phòng thi như thế có là vi phạm quy chế? Các thầy, các cô đáng kính còn như thế huống hồ học sinh???

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site
Đáp án thi đại học năm 2011
 
 
Lien he quang cao