Thứ ba, 12/6/2012, 15:12 GMT+7

Tranh cãi về loài hoa '3.000 năm mới nở' ở Phú Yên

Nghiên cứu hoa Ưu Đàm nở ở Phú Yên, có chuyên gia sinh học cho rằng có thể là một loài nấm; nhiều giả thiết "trứng côn trùng", còn hòa thượng Thích Nguyên Đức nói Ưu Đàm chỉ mang tính biểu tượng.
> Loài hoa '3.000 năm nở một lần' khoe sắc ở Phú Yên

Trực tiếp quan sát loài hoa này nở ở nhà chị Lê Nguyễn Quỳnh Anh (TP Tuy Hòa, Phú Yên), Thạc sĩ Trần Minh Châu, Giám đốc Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên cho rằng đây không phải là một loại hoa, càng không phải hoa Ưu Đàm 3.000 năm nở một lần như lời đồn. "Đây có thể là một loại nấm", ông nói.

Hoa được phát hiện nở trên lá sả trước nhà chị Quỳnh Anh hôm 7/6, màu trắng, hình chuông nhỏ li ti, nhiều cánh, có nhị. Cây cao khoảng 80 mm, thân mảnh như tơ.

Ông Châu phân tích, về hình thái "cây hoa" lạ này có phần bầu phễu được cho là cánh hoa, song có thể đây là bầu bào tử nấm. Cây hoa mảnh như tơ, trong suốt thực chất là tơ của nấm. Đến chu kỳ, bầu bào tử sẽ vỡ, các bào tử phát tán sẽ không còn hình dạng ban đầu.

"Về mặt sinh học, quan sát có thể khẳng định đây không phải là một loài thực vật có hoa, vì nó trong suốt, không có diệp lục. Rất có thể đây là bào tử của một loài nấm nào đó. Trong tự nhiên có hàng nghìn loại nấm với nhiều hình thái khác nhau", ông nói.

Khóm sinh vật được tìm thấy ở nhà chị Quỳnh Anh . Ảnh:
Khóm sinh vật tìm thấy ở nhà chị Quỳnh Anh được cho là hoa Ưu Đàm. Ảnh: Thiên Lý.

Lý giải vì sao loài sinh vật có thể sống trên lá cây, thậm chí trên thanh kim loại, thạc sĩ Trần Minh Châu cho biết, nấm có thể phát triển bất cứ ở đâu miễn là có không khí, độ ẩm và các điều kiện sinh học cần thiết. Thậm chí, trên da người vẫn có nấm ký sinh thì việc trên kim loại với bụi bặm, không khí cũng là môi trường cho nấm phát triển. Có thể lâu nay loại nấm này có xuất hiện nhưng kích thước quá nhỏ, nên mọi người không để ý, chỉ đến khi có tin đồn về hoa Ưu Đàm thì nó được quan tâm.

Ông Châu cho rằng một số người trích dẫn kinh Phật để gọi loài thực vật này là "hoa Ưu Đàm", loại hoa mang tính tượng trưng của Phật giáo chỉ có trên thiên giới là võ đoán. Hơn nữa, kinh Phật cũng không mô tả hình dáng, các đặc điểm sinh học của hoa thế nào, nên kết luận hoa Ưu Đàm là thiếu căn cứ.

Về vấn đề này, Hòa thượng Thích Nguyên Đức, Phó Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên, trụ trì chùa Hồ Sơn (TP Tuy Hòa, Phú Yên) cho rằng đối với nhà Phật, việc đề cập thời gian nở của hoa Ưu Đàm 3.000 năm một lần mang ý nghĩa biểu tượng hơn là nghĩa thực của nó. Kinh Phật có ghi vào thời khắc Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời có hoa Ưu Đàm nở, tức là thể hiện sự hiếm hoi lắm nhân loại mới gặp được một vị Phật tại thế.

Trong các kinh văn nhà Phật đều có nói về loài hoa Ưu Đàm thường tượng trưng cho những gì hiếm có khác thường, chỉ trên tiên giới, không có ở trần gian. Hoa chỉ xuất hiện khi có Đức Phật hay vị Kim Luân Vương, Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện, đó là điềm lành hiếm có của nhân gian. Ở mộ tháp của Tổ sư Liễu Quán tại chùa Thiền Tôn (Huế) còn có câu kệ "Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương” (tạm dịch là "hoa Đàm nở lâu rồi nhưng hương thơm vẫn còn lưu").

Cũng theo Hòa thượng Thích Nguyên Đức, việc cho rằng hoa Ưu Đàm nở ở nơi này, nơi kia chỉ là sự gán ghép khiên cưỡng. Hơn nữa Phật lịch hiện nay 2.556 năm, nghĩa là nếu có hoa Ưu Đàm thì nó đã nở vào thời điểm cách đây 2.556 năm khi Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời, tính đến nay vẫn chưa đủ 3.000 năm. Thứ hai là khi xuất hiện đức giáo chủ thì trời đất, vạn vật sẽ có sự thay đổi kỳ diệu, thế nhưng những dấu hiệu này không có, trong khi loài hoa lạ cũng không có hương thơm, lại xuất hiện ở nơi Phật tính không cao.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Hợp, Khoa Sinh học Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM thì nghiên cứu hoa qua ảnh, cho rằng "nó giống với trứng loài côn trùng hơn là thực vật".

Không những tại Việt Nam mà trước đây "hoa Ưu Đàm" từng được ghi nhận nở ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. Vào năm 2002, những bông hoa này đã được phát hiện trên bức tượng Phật giáo ở một ngôi chùa vùng ngoại ô Seoul. Nhiều người cho rằng điềm này liên quan đến sự kiện Tổng thống Kim Dae-jung đoạt giải Nobel Hòa bình trước đó một tuần.

Trong một bài viết trên trang Ubanlegends, khi quan sát những bức ảnh "hoa Ưu Đàm" chụp ở Hàn Quốc và Trung Quốc, tác giả David Emery nhận định hình thù những bông hoa nở trên một thân cây li ti màu trắng không phù hợp với cấu tạo của một loài thực vật, mặt khác nó trông giống với cách phân bổ trứng của một loài côn trùng có tên là Lacewing hơn.

Loài côn trùng. Ảnh:
Theo so sánh của một số nhà nghiên cứu, hoa Ưu Đàm rất giống trứng của côn trùng Lacewing. Ảnh: Planetnatural.

Theo lý giải của David Emery, do Lacewing ăn thịt các loài sinh vật khác nên đẻ trứng trên đầu những sợi tơ rất mỏng để tránh xa tầm với của côn trùng gây hại khi ấu trùng nở ra.

"Những gì chúng ta đang nói đến hoa Ưu Đàm 3.000 năm mới nở một lần, thực ra chỉ là huyền thoại. Loài hoa này chỉ là một 'phép ẩn dụ' trong giáo lý nhà Phật ám chỉ rằng hiếm hoi lắm thế gian mới gặp được một đức Phật bằng xương bằng thịt", tác giả này viết.

Theo tờ Planetnatural, Lacewing (tên khoa học rufilabris Chrysoperla) là một loài côn trùng "phàm ăn" có thể tiêu thụ một lượng lớn các loài gây hại thân mềm, bọ ve và trứng côn trùng, trung bình một giờ nó thể ăn 60 con rệp. Ấu trùng nở từ trứng của loài động vật này mất khoảng 2-3 tuần để trưởng thành.

Thi Trân - Thiên Lý

Cái này em đã từng gặp

Cái gọi là "hoa" này em đã từng gặp ở cửa sổ nhà và đã chụp ảnh lại. Đồng ý quan điểm không phải là thực vật, chỉ có thể là trứng côn trùng hoặc nấm.

Trứng côn trùng Lacewing

Tôi đã được thấy bướm Lacewing đẻ trứng hai lần, một lần trên khung cửa lưới và một lần trên lá cây chanh trong vườn nhà. Trứng nở ra thành một con sâu rất nhỏ màu nâu. Không phải hoa Ưu Đàm đâu. Nếu lần sau nếu có dịp thấy nữa, tôi sẽ quay phim và chụp ảnh và gởi cho Quỳnh Anh xem chơi cho biết để chúng mình chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết thêm về thế giới côn trùng đầy bí hiểm và thú vị .

Hoa Ưu Đàm

Tôi cũng không biết rõ về loài hoa này nhưng mấy hôm nay đọc báo thấy mọi người nói về sự xuất hiện của loài hoa này. Hôm nay tôi lại tình cờ phát hiện thấy loài hoa này mọc trên cây xương rồng nhà mình nhưng nó lại mọc phía dưới của lá và hướng ngược xuống.

1 loài nấm

tôi đã từng nhìn thấy trên một số thân cây mục. Đơn giản đó chỉ là một loài nấm mốc thôi !

Thật khó giải thích

Tôi đã từng thấy "loài hoa" này ở ngay trên thanh kim loại trên xe máy của tôi, nó tồn tại khoảng 5 ngày thì tự nhiên mất. Tôi đã chỉ cho rất nhiều người xem.

Ngo At noi rất chính xác!

Ngo At lập luận chính xác! Suy luận đơn giản mà rất tinh tế!

Tôi thường gặp những hoa/ nấm/ trứng côn trùng này

bản thân tôi cũng thường gặp hiện tượng này trong vườn nhà. Nhưng tôi cho rằng đó là nấm hoặc trứng côn trùng nên không quá quan tâm.

Tôi nghĩ đây không phải là hoa Ưu Đàm

Tôi nghĩ đây không phải là hoa Ưu Đàm. Vì một lý do rất đơn giản là như sách kinh nói hoa Ưu Đàm 3000 năm mới nở hoa, thế làm sao nó có thể mọc trên lá một cây sả được. Chẳng lẽ lá sả này đã có tuổi trên 3000 năm??? Hoa Ưu Đàm gì đó chắc chỉ là huyền thoại thì đúng hơn, vì ai mà có được công trình nghiên cứu kéo dài những 3000 năm như thế thì thật là ngoài sức tưởng tượng.

ý kiến

tại sao lại cho rằng không phải hoa Ưu Đàm. 3000 năm trước người ta đâu có phân biệt được rõ loại nào là hoa, loại nào là nấm. Cho nên có thể nó chính là nấm và cũng chính là hoa Ưu Đàm mà người xưa nói tới.

Trứng của bọ Lacewing

Bọ Lacewing Chrysoperla carnea

Hình dạng • Dài khoảng 12-20mm. • Bọ trưởng thành có màu xanh lá cây nhạt, có râu dài và mắt vàng, sáng. • Chúng có cánh rộng, trong suốt, màu xanh lá cây nhạt và có thân mỏng manh. Chu kỳ sống • Trứng có hình trái xoan được đẻ tại đầu ống tơ dài. Các quả́ trứng rời rạc này bắt đầu có màu xanh lá cây và chuyển sang màu xám sau vài ngày. • Ấu trùng hoạt động có màu xám hoặc hơi nâu. Chúng giống như da cá sấu. Chúng có chân phát triển và càng lớn để hút chất lỏng trong thân thể của các con mồi côn trùng như rệp vừng. • Bọ lacewing trưởng thành ăn phấn hoa và cũng cần mật hoa làm thức ăn trước khi đẻ trứng.

Tập quán • Bọ trưởng thành rất hay bay, đặc biệt là vào lúc chiều tối và đêm. Ánh sáng dao động của chúng là một đặc trưng của loài này. • Chúng được coi là loài ăn thịt rệp sáp quan trọng trong nhà kính và cây cảnh nội thất. Chúng cũng ăn (trong số những thứ khác) một số loài rệp vừng, mạt nhện (đặc biệt là mạt đỏ), bọ trĩ, ruồi trắng, sâu bướm nhỏ và ấu trùng bọ. • Chúng thường được sử dụng trong chương trình kiểm soát côn trùng kết hợp sinh học.

Hoa Ưu Đàm

Tôi đã gặp loại này nhiều lần hồi ở quê, lúc ở trên các thành tre khô, cả trên những thanh sắt cũ cũng có. Tôi nghĩ nó chỉ là một loại nấm thôi.

Khoa học đâu?

Về cách hiểu theo nghĩa của thực vật thông thường thì chắc chắn là không phải rồi. Còn giả thiết là nấm hoặc trứng của loài côn trùng nào đó là hoàn toàn có cơ sở. Để khẳng định chắc chắn nó là cái gì thì chỉ cần soi trên kính hiển vi, nghiên cứu đặc điểm giải phẫu là biết ngay mà!.

Vô Lý Quá!

Có lần mình cũng nhìn thấy nó. Nó chỉ là một loài nấm gì đó mà thôi. Hoa Ưu Đàm chỉ mọc những nơi có tuổi thọ trên 3000 năm. Vậy những nơi thấy chúng tồn tại bao nhiêu năm rồi?

HN

Ý kiến của bác Châu này hợp ý em lắm, cách nghĩ thiết thực, có căn cứ. Em cũng nghĩ nó là nấm. Nếu là trứng côn trùng thì theo luật trọng lực, nó sẽ ở bên dưới các đồ vật mà nó bám.

hoa này thỉnh thoảng trong nhà tôi cũng mọc

Nếu hoa này là hoa Ưu Đàm thì tôi cũng đã nhìn thấy nó. Năm ngoái vào thời điểm này, hoa Ưu Đàm đã mọc trên kệ sách của nhà tôi. Do có đọc trên trang mạng về hoa nên tôi có biết đến hoa. Nhưng đọc xong bài viết này tôi nghĩ liệu loại hoa mọc trên kệ sách nhà tôi là do nấm phát triển hay đúng là hoa Ưu Đàm. Nói thêm về hình dáng thì y hệt, hoa ko thấy tàn, để rất lâu.

HOA ƯU ĐÀM

Ưu đàm thụ là cây sung. Ai muốn biết hoa ưu đàm hãy đọc " Đại Việt Sử Lược" trang 127, nhớ đọc cả phần chú thích phía dưới. Đó là thư tịch cổ nhất nói về hoa ưu đàm. Hoa nở ở chùa Thích Già ( Thích Ca ) ở Miền Bắc VN vào năm 1038 dưới thời vua Lý Công Uẩn .

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các topic độc giả đã viết
 
 
 
 
Các tư vấn trực tuyến đã làm
Lien he quang cao